Ngày bé tôi từng xem “Vương quốc thiên đường” trong chương trình phim cuối tuần. Nhưng tôi đã không ấn tượng gì lắm ngoài việc có một ông vua bị hủi mang mặt nạ sắt khá đáng sợ. Tôi cũng không biết bộ phim nói về điều gì mà chỉ thấy những người kỵ binh, bộ binh cầm gươm giáo lao vào giết chóc.
Đối với một đứa trẻ như tôi, “Thiên đường” này khác xa so với những gì tôi hình dung và nếu đó là thiên đường mọi tôn giáo hay nhắc tới thì tôi mong mình sẽ không bị rơi vào “thiên đường” ấy. Vì tôi sợ đó là địa ngục đội lốt thiên đường. Sau đó, tôi quên bẵng đi hai khái niệm “thiên đường” và “địa ngục” để tận hưởng những thú vui thiết thực ngay trong hiện tại của một đứa trẻ.
Gần đây, nhờ một người bạn thân gợi ý tôi đã xem lại bộ phim. Tôi ngờ ngợ nhận ra mình chưa hiểu bộ phim năm xưa phần là do trí óc còn non nớt, phần vì phiên bản phim được chiếu trên vô tuyến có lẽ đã bị cắt gọt khá nhiều. Đặc biệt là những lời thoại sâu sắc và đầy gai góc về tôn giáo cũng như bản chất con người.
Có lẽ nếu chỉ nhìn vào việc con người đánh nhau thì chúng sẽ không hiểu vì sao họ cần phải làm vậy. Nhưng nếu lắng nghe những điều họ nói chúng ta có thể hiểu, song vẫn không thể khỏi bàng hoàng nhận ra lý do để con người tàn sát lẫn nhau đôi khi lại đơn giản, thiếu sáng suốt như thế.
Họ nhân danh tất cả để cuối cùng chỉ vì bản thân mình. Nhưng những người chỉ vì bản thân mình thì không bao giờ dám thừa nhận sự thật ấy. Còn những người dám thừa nhận sự thật mang bản chất con người ấy, thì có thể sai lầm nhưng cũng có thể sám hối.
Có lẽ giá trị thực sự của Jerusalem chính là nơi để xưng tội và sám hối- nhưng không phải là nơi để chiếm hữu. Những kẻ bám chấp mà không biết đến giá trị hướng thiện của vùng đất thánh này sẽ biến thiên đường thành địa ngục (tôi liên tưởng đến diện mạo từ tĩnh chuyển sang nộ của các vị Phật). Ngược lại, những người nhận ra được giá trị của nơi đây không nằm ở đất đai, thành trì thì sẽ thoát khỏi được địa ngục để thấy thiên đường bên trong mình (và tôi lại liên tưởng đến diện mạo dữ dằn của các vị Phật trở lại an tĩnh).
Balian theo người cha Godfrey cùng các hiệp sĩ thập tự chinh đến Jerusalem để tìm sự xá tội sau khi anh giết chết một vị linh mục. Vị linh mục này là ví dụ điển hình cho câu “chiếc áo không làm nên thầy tu”: Ông ta tham lam, dối trá, mưu mô và luôn đem địa ngục ra để dọa dẫm người khác (cuối cùng thì chính ông ta lại rơi vào lò lửa rồi bị chết cháy- một cái chết điển hình theo kiểu địa ngục mà ông ta hay hăm dọa).
Đến Jerusalem, Balian được cha mình phong tước hiệp sĩ. Lời thề của các hiệp sĩ toát lên tinh thần của họ và việc thực hành theo đúng lời thề ấy làm nên phẩm giá của họ:
“Đừng sợ hãi trước mặt kẻ thù
Hãy can đảm và vững tin rằng Chúa yêu quý con
Luôn nói sự thật, ngay cả khi nó đưa con vào chỗ chết
Bảo vệ những kẻ yếu và không làm điều sai trái”
Những cuộc gặp gỡ sau đó với tướng Tiberias, công chúa Sybilla, chồng cô Guy cùng tên đồng minh Rynald và vua Baldwin IV (vị vua bị hủi mang mặt nạ sắt mà tôi có nhắc đến ở đầu bài viết) đã giúp Balian hiểu rõ hơn nếu muốn tìm sự tha thứ, thì có lẽ anh đã đến sai địa điểm.
Điều được quan tâm nhất ở đây là phe nào chiếm giữ Jerusalem: người Hồi giáo hay người Thiên Chúa giáo? tấm vé lên thiên đường là “giết kẻ ngoại đạo” được hô vang thành lời và chiếm đoạt của cải, danh vọng để đổi đời được ém nhẹm trong thinh lặng.
Tội lỗi, nếu có, sẽ là vinh quang nếu mang về lợi ích. Lương tâm, sẽ là tội lỗi nếu gây ra thiệt hại đến quyền lợi. Những vị chức sắc tôn giáo ở đây nhân danh Chúa như thói quen cửa miệng và thích đồng hóa ý họ với ý Chúa. Vì họ tin Chúa im lặng tức là đồng ý để họ vơ vét- họ xứng đáng làm thế khi phụng sự Người. Họ nói về thiên đường ở bên kia thế giới nhưng bản thân lại say đắm thứ thiên đường của thực tại với địa vị và bổng lộc hơn.
Những chiến binh của hai bên cũng vậy, họ được khích lệ để chiến đấu vì những Thượng Đế khác nhau. Nhưng họ chưa bao giờ tự hỏi liệu Thượng Đế có phải số nhiều? và nếu có, các ngài cũng thích xem cảnh con người bé nhỏ chiến đấu vì mình?
Tôi đã phì cười khi xem đến đoạn một chức sắc tôn giáo theo đạo Thiên Chúa đề nghị cải đạo sang đạo Hồi để giữ mạng sống trước khí thế áp đảo mà quân đội của Saladin mang tới thành Jerusalem. Đến điều cơ bản là “sinh nghề, tử nghiệp” cũng khiến họ sợ hãi và cuối cùng kẻ rao giảng đức tin lại chẳng hề mang trong mình đức tin nào hết (hoặc đó là một dạng đức tin linh hoạt). Tôi nghĩ nếu thực sự có thiên đường, thì tại sao các vị này lại sợ chết?
Tướng quân Tiberias, cha Balian và vua Baldwin đã hiểu thấu trò chơi này, nhưng họ không thể rút ra được nữa. Thậm chí, Tiberias đã cay đắng thốt lên thành lời với Belian về việc các hiệp sĩ thập tự chinh lên đường đòi lại đất thánh nhưng rồi thứ họ tìm kiếm thực sự hóa ra chỉ là của cải và quyền lực.
Sự chính trực của Balian khiến họ cảm mến anh và mong anh xây dựng được một vương quốc của lương tâm. Đây là điều đúng đắn duy nhất cần phải làm nhưng đã không ai làm được. Hai bên mài kiếm, lắp cung tên, xây thành, chế tạo máy bắn đá, đun nóng dầu và châm lửa lao vào nhau.
Balian đã cố thủ không phải để chiến thắng mà để bảo vệ tính mạng của những người dân trong thành Jerusalem. Giữa vững lời thề hiệp sĩ, Chúa đã bên anh và trao cho anh một kết thúc có thể chấp nhận được: vì người anh đối đầu không phải một bạo chúa ngang ngược, mà là một vị chiến tướng có trí tuệ: Saladin.
Hành động lui quân của ông khi đối đầu vua Baldwin, tuyên bố “vua không giết vua” và câu trả lời Jerusalem “không là gì cả, nhưng cũng là tất cả” của Saladin với Balian đã khẳng định chiến thắng tuyệt đối của ông. Dù để thắng, cái giá ông phải trả cũng không nhỏ.
Thay cho lời kết
“Vương quốc thiên đường” có thời lượng dài hơn 180 phút. Nếu định xem phim thì bạn nên sắp xếp thời gian để thưởng thức được một cách trọn vẹn. Có một điều nữa cần lưu ý điện ảnh là một loại hình nghệ thuật. Do đó những chi tiết lịch sử, nhân vật và sự kiện trong đó sẽ không hoàn toàn chính xác, phù hợp với mục đích nghiên cứu, thảo luận.
Trước lúc xem bộ phim này, tôi đã đọc một bộ truyện khá thú vị có tên là “Địa ngục cực lạc” (Hell’s Paradise). Nội dung chính cũng kể về một hòn đảo kỳ lạ ẩn chứa bí thuật về phép trường sinh của Đạo giáo, gợi ham muốn chiếm đoạt của những kẻ quyền lực trên đất liền (bối cảnh của tác phẩm có lẽ mượn từ truyền thuyết Hoàng Đế Tần Thủy Hoàng cử Từ Phúc tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão).
Rốt cuộc thì thứ giam cầm con người lại chính là ham muốn của họ. Ước vọng lên thiên đường đẩy họ xuống địa ngục và ở địa ngục thì họ loay hoay tìm cách vươn lên thiên đường. Tất cả chỉ là những khái niệm đầy ảo ảnh do tâm trí tạo nên. Lối vào thiên đường (nếu vẫn thích gọi như vậy) chỉ đơn thuần là lương tâm.
Tôi tin phim ảnh sẽ không có đúng sai, vì những bộ phim sâu sắc thường gợi ra cho chúng ta những câu hỏi thay vì mang đến các câu trả lời hoặc kết luận.
Ảnh minh họa được sưu tầm trên Internet