Tặng L, đi cùng cậu tớ không lo bị lạc đường.
Trong quá trình tìm hiểu, tôi được biết “Thiếu niên và chim diệc” (tựa tiếng Anh: The Boy and the Heron) lấy cảm hứng từ tiểu thuyết văn học “Bạn sống thế nào?” (How Do You Live?) của cố nhà văn Genzaburo Yoshino - người có ảnh hưởng lớn đến các ý tưởng và phong cách hoạt hình của đạo diễn Hayao Miyazaki.
Bộ phim đến từ hãng hoạt hình thân quen Ghibli lần này đã mang đến cho tôi những trải nghiệm mới lạ. Dù trong phim có hình bóng, chi tiết mượn từ các tựa đề từng làm nên tên tuổi của Ghibli như: “Hàng xóm của tôi là Totoro”, “Vùng đất linh hồn”, “Lâu đài bay của pháp sư Howl”, “Lâu đài trên không”, “Công chúa Mononoke” v.v.
Bằng cảm nhận và trí tưởng tượng của bản thân, tôi kết nối lại những điều tôi thấy sau lần đầu tiên thưởng thức phim để viết bài cảm nhận. Tôi không có ý định xem lại bộ phim này, không phải tôi không muốn tìm hiểu những tầng ý nghĩa khác nhau, mà hình như điều đạo diễn Hayao Miyazaki muốn khi làm ra bộ phim này là chấp nhận có những điều chúng ta sẽ chưa cần/chưa thể hiểu khi chưa đến lúc. Hình như có sự bình thản nhưng cũng có chút không cam tâm trong thông điệp này.
Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng khi viết những dòng này tôi chợt nhận ra “Thiếu niên và chim diệc” hóa ra có nhiều cách giải thích, nên giải thích theo cách nào không thực sự quan trọng bằng việc cảm nhận. Vì con người hay thích nói lý lẽ nhưng hầu hết các lý lẽ thuyết phục nhất lại không đến từ trí não mà là từ trái tim.
Tóm lược nội dung chính
Bộ phim mở đầu với hoàn cảnh của cậu bé Mahito có mẹ mất trong một vụ hỏa hoạn. Sau đó, cha cậu đã kết hôn với người em gái của mẹ là Natsuko rồi hai cha con chuyển về quê nhà của Natsuko để sinh sống. Tại đây Mahito thường xuyên bị một con chim diệc quấy rầy và nó mời chào cậu đến tòa tháp âm u đã bị chặn kín lối vào do có liên quan đến sự mất tích bí ẩn của ông cố. Bất chấp lời cảnh báo nguy hiểm từ bảy bà lão giúp việc và Natsuko, cuối cùng Mahito vẫn tiến vào tòa tháp.
Diễn biến tiếp theo, tôi xin dành bạn đọc tự khám phá. Bây giờ tôi sẽ tập trung vào chia sẻ cảm nhận của mình về những hình tượng khiến tôi hứng thú.
Vị tháp chủ
Qua lời kể của các bà lão, thì ông cố của Mahito là một người đàn ông thông minh và ham thích đọc sách đến phát điên. Khi thấy thiên thạch rơi xuống vùng đất gần nhà, ông đã quyết tâm xây dựng một tòa tháp bọc bên ngoài thiên thạch ấy. Khi công trình hoàn thành thì ông biến mất. Sự biến mất này nằm ở giữa khoảng sống và chết.
Trong mắt người đời, ông coi như đã chết. Nhưng bên trong tòa tháp, ông vẫn sống theo cách của mình khi trở thành tháp chủ. Ông tạo ra một thế giới riêng với các quy luật mà bản thân tin là tốt nhất rồi vận hành nơi này. Theo như những điều ông nói với Mahito thì ông cảm thấy thế giới bên ngoài tòa tháp là một nơi đáng sợ của những kẻ ngu ngốc, hiếu chiến, có ác tâm (ám chỉ tình hình chiến tranh).
Tháp chủ là kẻ từ chối chấp nhận cuộc sống. Ông phong bế đời mình trong tòa tháp và trong những tri thức ông thu lượm được từ sách vở. Tòa tháp là nơi bảo vệ, cũng là nơi cầm tù ông bằng chính những định kiến của ông về cuộc đời. Những tầng khác nhau của tòa tháp miêu tả lại các cõi giới khác nhau như thiên đường – trần thế - địa ngục.
Ông tin rằng mình là vị chúa tể tạo ra chốn cân bằng này, nhưng theo cảm nghĩ của một số đại diện bị ép buộc đưa vào tòa tháp (như lũ chim, lũ vẹt) thì nơi chúng sống chính là địa ngục. Nếu xem phim, bạn sẽ thấy trí tuệ và tình thương của chúng hầu như không phát triển. Chúng tồn tại nhờ việc tiêu thụ thức ăn rồi lại chết đi. Trạng thái cân bằng mà tháp chủ tin thực chất lại là sự mất cân bằng khi ông can thiệp quá sâu vào đời sống rồi nhào nặn lại tạo hóa theo cách của mình.
Vị tháp chủ khiến tôi liên tưởng đến những pháp sư sùng bái tinh thần và những nhà khoa học theo chủ nghĩa vật chất điên cuồng cải tạo thế giới theo cách mình muốn. Họ chủ trương tiến bộ bằng cách bước lùi. Bằng cái tôi lớn lao, họ ngăn chặn dòng chảy của sự sống (viên đá mà tháp chủ dùng có thể đã chặn kín dòng chảy ấy, viên đá này còn là kết tinh của sự trì trệ, chủ quan mà mỗi cá thể dùng để tự lừa dối chính mình, tạo ra ảo cảnh về thế giới để trốn chạy hiện thực).
Ông mong muốn hậu duệ của mình kế thừa tòa tháp. Nhưng chú bé Mahito đã tỉnh táo thoát khỏi kịch bản mà ông cố soạn sẵn cho đời mình. Cậu từ chối ông vì biết rằng lựa chọn kèm theo những quan niệm, gánh nặng của đời ông là do ông tự tạo ra và không ai phải khiên cưỡng chịu trách nhiệm tiếp nối thứ di sản cằn cỗi ấy.
Vì chưa từng sống, nên tháp chủ có lẽ sẽ không dễ để chết, dù cho tòa tháp sụp đổ.
Tòa tháp
Tòa tháp không phải là một nhân vật, nhưng là một sự vật có yếu tố quan trọng với hành trình chuyển hóa của Mahito. Tòa tháp, nơi cầm tù kẻ sáng tạo ra nó lại trở thành nơi giải phóng kẻ dám chối từ quyền kiểm soát nó. Tôi hình dung tháp là lò luyện tinh thần trong trường phái giả kim thuật giúp biến kim loại thành vàng. Mahito là nhân vật anh hùng phải trả qua thử thách (người anh hùng không thể trở thành anh hùng nếu không có thử thách, sứ mệnh cần hoàn thành và ai đó cần được họ giải cứu). Có lẽ nhận định này của tôi phảng phất chút quan niệm “Tiến trình thành nhân” của Nhà tâm lý học Carl Roger và “Nguyên mẫu anh hùng” của Nhà tâm lý học phân tích Carl Jung.
Khi tòa tháp sụp đổ, giải phóng mọi thứ chất chứa bên trong cũng là lúc nhận thức của tháp chủ và Mahito vỡ ra theo những hướng khác nhau. Mọi thứ vượt qua điểm cân bằng cũng chính là lúc thời kỳ hỗn loạn sinh ra, nhờ có sự hỗn loạn ấy mà vạn vật phát triển.
Tòa tháp còn gợi tôi nhớ đến lá bài The Tower trong bộ bài Tarot. Thứ quan niệm kiên cố mà chúng ta xây nên thì đích thân chúng ta phải phá bỏ, người nào buộc nút thì người đó cần tự cởi nút. Trưởng thành là khi con người dựng xây chính mình rồi chứng kiến sự sụp đổ để rồi lại tiếp tục dựng xây.
Thiếu niên Mahito và chim diệc
Tôi nghĩ nhân vật trung tâm của bộ phim này chính là Mahito và chim diệc. Trải qua biến cố mất mẹ, cha lấy vợ mới vừa giống (ngoại hình) là vừa không giống (em gái của mẹ) mẹ ruột khiến Mahito phải đối mặt với mâu thuẫn rất lớn trong lòng.
Cậu bị mất phương hướng và đó là lúc chim diệc xuất hiện. Chú chim diệc này là kẻ dẫn đường cho Mahito. Nó không hoàn toàn tốt cũng chẳng hề xấu. Khác với ban đầu, tôi phỏng đoán chim diệc là sứ giả độc lập của tháp chủ, chim diệc thực chất lại là một tầng nhận thức riêng biệt trong quá trình trưởng thành của Mahito. Khi xong xuôi nhiệm vụ, nó sẽ tự động xóa ký ức về bản thân (người lớn nào cũng từng là trẻ em nhưng khi lớn rồi thì họ hầu như sẽ quên đi điều đó). Vậy nhiệm vụ của chim diệc là gì?
Nó dẫn dắt Mahito từng bước đến với sự mâu thuẫn và nỗi sợ trong lòng. Từ giai đoạn Mahito giận dữ bùng nổ (gây sự đánh nhau), nói dối (về vết thương trên đầu), tự trừng phạt bản thân (lấy đá đập vào đầu, chim diệc cũng bị Mahito bắn cho thủng một lỗ trên mỏ) cho đến khi chim diệc không thể cất cánh bay rồi lại có thể bay tiếp (mất động lực, niềm tin sống rồi lại xây dựng động lực, niềm tin mới).
Chim diệc chính là thế giới nội tâm của Mahito, nhưng cậu không hề nhận ra điều ấy. Nó giúp cậu đối mặt với cái chết để một lần nữa được sinh ra.
Cậu cần phải đối diện với cái chết của mẹ cậu, và cần phải đối mặt với việc con người tinh thần cũ kèm theo những định kiến cũ sẽ cần chết đi để con người tinh thần mới với những nhận thức mới được sinh ra (con người cần được sinh ra ít nhất là hai lần: một lần là được sinh ra bản thể và một lần là tự sinh ra bản sắc của riêng mình).
Nhờ dũng cảm đối mặt với cái chết, Mahito đã khám phá ra cõi chết không đáng sợ như mình nghĩ. Địa ngục hóa ra là cánh cổng luân hồi, nơi các sinh mệnh mới sẽ trở thành con người mới và vũ trụ (không gian – thời gian) luôn có cách sắp đặt trật tự cho mọi chuyện, mọi thứ chỉ cần chọn đúng cánh cửa, đúng thời điểm để bước vào. Quá trình chọn lựa này không hề suy tính, mà được diễn ra tự nhiên bằng trực giác.
Sự việc mẹ cậu chết trong trận hỏa hoạn không còn đáng sợ nữa. Mahito thấy thời trẻ mẹ mình có khả năng điều khiển ngọn lửa- cái chết hóa ra lại là sự quay về với bản chất. Còn căn phòng mà mẹ kế/người dì Natsuko của cậu sinh em bé là biểu hiện của sinh – tử vốn chỉ là hai mặt của một đồng xu: cửa sinh là cửa tử và bước vào cửa tử để sinh.
Thiếu niên Mahito và chim diệc phản ánh chân thực những biến động dữ dội của con người khi bước khỏi giai đoạn trẻ em sang giai đoạn thanh thiếu niên (hiếm hoi lắm tôi mới thấy một bộ phim Ghibli có đưa ra các mốc năm cụ thể để đánh dấu quá trình này của con người).
Chim diệc tỏ ra vui vẻ khi Mahito nói rằng cậu sẽ làm bạn với nó. Khi chấp nhận con người thực không toàn vẹn của mình, thừa nhận mình vẫn còn ác tâm, còn nói dối, Mahito đã chứng minh được cậu đủ khả năng chấp nhận thế giới vốn dĩ bất toàn như cậu. Vì thù ghét thế giới là thù ghét chính mình. Cậu đã vượt qua được điều mà ông cố của cậu/vị tháp chủ già nua không thể vượt qua.
Chim diệc tạm biệt Mahito rồi biến vào bóng tối. Những con người quen thuộc chờ đón cậu, nhưng cậu đã không còn là Mahito khép kín trước đây- vết thương dù thành sẹo nhưng đã lành. Cậu đã mở lòng ra với họ, chấp nhận cuộc sống và cái chết là một phần tất yếu.
Thay cho lời kết
Như đã chia sẻ từ đầu bài viết, tôi tin rằng “Thiếu niên và chim diệc” không hẳn là một bộ phim nên xem đi xem lại để cố gắng tìm hiểu các tầng ý nghĩa. Cảm nghĩ được trình bày phía trên của tôi là những điều cá nhân tôi suy xét thấy, chúng không hẳn là sự thực.
Nếu nhìn bộ phim này qua lăng kính gần hiện thực hơn, thì một kịch bản giản đơn có thể xảy ra: Sự đau khổ do mất mẹ, bố tái giá khiến Mahito rơi vào sang chấn tâm lý. Cậu đã lấy hòn đá đập vào đầu mình. Mahito không có ý định đổ lỗi để trả thù bạn, vì lúc bố hỏi cậu đã không nói ai là thủ phạm. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu của hành vi tự hại, thậm chí có ý định tự sát khi cậu lấy đá đập vào đầu (một bộ phận yếu hại) thay vì các bộ phận khác trên cơ thể.
Kiệt sức bởi tổn thương cả về thể chất và tinh thần, mất nhiều máu khiến Mahito chìm vào trong giấc ngủ li bì rồi nằm mơ. Trong giấc mơ ấy nhưng chất liệu đời thực (tòa tháp, ông cố, người mẹ đã mất, các bà lão giúp việc v.v.) được chắp nối lại với nhau để tạo ra một câu chuyện nhằm giúp cậu chấp nhận bản thân đã mất mẹ và cần phải đón nhận mẹ mới kèm đứa em sắp được sinh ra như là thành viên gia đình. Cơ chế tự xoa dịu và chữa lành tổn thương ngay trong mơ này là một hiện tượng khá thú vị.
Do đó, giấc mơ sẽ không có trình tự, logic mà là sự đan xen hỗn độn giữa các yếu tố vừa lạ, vừa quen trong đời thực của chủ thể. Điều này có thể khiến khán giả thấy mạch phim rời rạc, khó hiểu. Nhưng tôi nghĩ có giấc mơ nào là dễ hiểu đâu nhỉ?
Phần kết của bộ phim vì thế cũng mang lại cảm giác hơi hụt hẫng: sau bao nhiêu thứ ly kỳ xảy ra thì kết lại là hình ảnh Mahito bên gia đình mới của mình mà không có thêm bất kỳ giải thích nào khác. Bản thân cậu cũng chưa bộc lộ thêm năng lực gì đặc biệt hay có hình ảnh rùng rợn của chim diệc/lũ vẹt lấp ló phía sau gây ra nỗi ám ảnh sợ hãi cho người xem (lời hứa hẹn cho các phần tiếp theo).
Tôi cho rằng dấu ấn của Hayao Miyazaki và Ghibli nằm ở chỗ đó: nhận ra những điều phi thường trong những con người bình thường, tỉ mỉ trong những chi tiết nhỏ, khoan thai kể chuyện, biết lúc nào cần thanh âm và lúc nào nên biến sự im lặng thành giai điệu. Phim nhắc nhở chúng ta về giá trị của những con người bình thường trên hành trình chấp nhận mất mát và kiên cường đấu tranh với đau khổ song vẫn cố gắng giữ vững tính thiện trong thế giới nội tâm- để rồi học được cách chấp nhận cuộc đời và bản thân mà không kèm theo ác ý. Đó là cách mà họ sống.
Còn bạn, bạn sống như thế nào?
* Nguồn ảnh: Kilala.vn