Bộ phim hoạt hình tôi xem gần đây nhất là Soul (Cuộc sống nhiệm màu) của hãng Pixar. Dù sử dụng loạt nhân vật ngộ nghĩnh và hài hước, bộ phim lại dẫn người xem đến với quá trình khai thác mạch suy ngẫm nghiêm túc trong trạng thái thư giãn.


Điều kiện của Cho và Nhận
Bộ phim kể về Joe- một thầy giáo dạy âm nhạc đam mê Jazz và luôn mong muốn được tỏa sáng trên sân khấu. Cơ hội đã đến khi anh được mời biểu diễn cùng một nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng. May mắn thay, đã xuất hiện biến cố giúp anh phải trì hoãn buổi biểu diễn đó.
Tại sao lại là may mắn? Như Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói “Đôi khi không đạt được điều bạn muốn lại là cả một sự may mắn”.
Câu chuyện mở sang hướng khác khi Joe bị sảy chân xuống hố. Anh bị nhầm lẫn là cố vấn cho các sinh linh sắp đến trái đất. Joe được giao nhiệm vụ dẫn dắt cô bé mang số hiệu 22 tìm ra đam mê của bản thân.
Số 22 bị coi là một sinh linh bướng bỉnh khi từng khiến rất nhiều vĩ nhân thất bại trong việc giúp cô tìm ra hướng đi. Sự vĩ đại của họ không khiến cho Số 22 quan tâm, thậm chí cô còn cảm thấy sợ hãi phải sống với một hình hài gò bó, giới hạn- mà chính đam mê cũng là sự giới hạn.
Để trở lại trái đất, Joe phải tìm cách giúp Số 22 trải nghiệm. Hành trình ấy khiến người xem có cảm giác Joe có khát vọng thật mãnh liệt còn Số 22 như một linh hồn vô tích sự đáng ghét.
Sau rất nhiều nỗ lực, Joe đã đến được với buổi biểu diễn. Tài năng của anh tỏa sáng và nhận được sự tán thưởng. Nhưng sau tiếng vỗ tay, buổi biểu diễn dù thành công đến nhường nào cũng phải kết thúc. Ánh đèn sân khấu tắt dần, khán giả, người thân lần lượt ra về, bỏ lại Joe đơn độc.
Ở nơi bản thân nghĩ là đỉnh cao, Joe nhận ra sự thật: cảm giác thực hiện được ước mơ trên sân khấu cũng không khác biệt quá nhiều so với khi vị hiệu trưởng thông báo anh được nhận làm giáo viên chính thức- với lương, thưởng, bảo hiểm và chế độ hưu trí ổn định.
Anh lầm tưởng sự từ bỏ con đường buồn tẻ sẽ dẫn đời mình đến với hạnh phúc khi được làm điều mình thích. Thế nhưng, cả hai con đường rốt cuộc đều dẫn về chuyến tàu điện ngầm chật chội- nơi người ta dán mắt vào điện thoại, dễ trở nên cáu gắt sau ngày dài làm việc.
Joe phát hiện ra không hẳn chỉ là có hoặc không có đam mê mà sống chân thành mới là điều quan trọng nhất. Anh nhận thấy sở dĩ các vĩ nhân thất bại trong việc giúp đỡ Số 22 là bởi họ luôn kì vọng 22 trở thành phiên bản của chính họ. Vậy nên, họ luôn thúc ép Số 22 phải trở thành một điều gì đó thật lớn lao trong khi chính họ đã quên mất không phải ai cũng sẵn lòng đánh đổi sự sống chỉ đến duy nhất một lần để nhận về danh tiếng.
Bằng sự vĩ đại của bản thân, họ tước đi sự bình thường của những người không muốn trở nên vĩ đại. Tôi nghĩ rằng trao tặng ai đó một món quà bằng sự ép buộc thì thật không khác gì việc ép họ phải vay tiền với lãi suất cao. Thay vì tiền, ở đây là cho sự kì vọng và muốn nhận về sự đáp ứng kì vọng ấy.
Vậy cách sống mà Số 22 lựa chọn là gì?

Điều lớn lao được tạo nên từ sự nhỏ bé
Nếu thất bại trong việc cố gắng tạo nên một thiên thần, người ta sẽ vô tình tạo nên ác quỷ. Điều này đúng trong trường hợp của Số 22. Sau khi nhận về đủ lời chê trách mang tính phán xét, Số 22 trở nên tồi tệ. Điều tồi tệ nhất là cảm thấy chính bản thân mình trở nên tồi tệ. Cô trở thành sinh linh lạc mất phương hướng trong biển cát mênh mông.
Cùng lúc này Joe sáng tỏ về lựa chọn “không lựa chọn điều gì” của Số 22 chính là bản chất con người khi sinh ra trên đời. Bởi nếu thực sự số 22 không hữu ích, thì cô đã không có quyền làm người mà sẽ tồn tại ở dạng sống thấp hơn.
Không mải miết với đam mê của bản thân, Số 22 có thể tiếp nhận ước mơ của người khác. Ở trạng thái trống rỗng, không áp đặt, số 22 khích lệ người thợ cắt tóc, bản thân Joe và cô bé học sinh trong lớp của anh. Sự khích lệ ai đó trở thành phiên bản tốt nhất mà họ mong muốn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với việc cải tạo họ thành phiên bản chúng ta trông đợi.
Bằng cách tiếp nhận những điều nhỏ bé, chưa hoàn thiện, Số 22 giúp những người xung quanh tìm ra cách hài hòa với bản thân và trân trọng sự sống. Sự sống của cô là dạng thức tập trung cao độ vào thực tại thay vì những ước mơ lớn lao.
Tâm hồn biết nâng niu những điều nhỏ bé, là tâm hồn có thể ươm mầm cho các hạt giống trở thành cây đại thụ- và họ hiểu sâu sắc một chân lý: không cây đại thụ nào trở nên to lớn chỉ trong một ngày.
Thay cho lời kết
Tôi nhận thấy nếu tập trung xem phim hoạt hình thì chúng ta có thể ôn lại các bài học bổ ích đã trót quên.
Bởi khi còn nhỏ, hầu hết chúng ta nhìn thế giới với đôi mắt trong lành nên thấy được nhiều điều tích cực. Lớn lên, chúng ta sử dụng một cặp kính tự chế để nhìn thế giới. Dù cặp kính ấy bảo vệ chúng ta khỏi nhức mắt, bụi bặm và thương tổn song cái giá của nó là việc chúng ta sẽ nhìn thấy mọi thứ mang sắc đen ảm đạm.
Sự sống và cái chết có ý nghĩa của riêng nó mà người chưa từng sống và chưa từng chết khó có thể lĩnh hội hết được. Thế nhưng, dù là cuộc đời vô vị nhất, nó cũng có ý nghĩa nhất định, chẳng hạn như dành cho người khác tham khảo.
Mọi cá thể sinh ra đều là sự thử nghiệm của tạo hóa. Dù với não bộ phát triển và hoài bão mãnh liệt, đôi khi nhân loại có thể nghĩ mình là điều gì đó lớn lao hơn thế. Điều này có thể đúng với cách chúng ta nghĩ, song có thể không hoàn toàn đúng với hiện thực. Vì nếu thực sự đã hoàn thiện, tại sao sinh mệnh con người buộc phải có điểm đầu và điểm cuối?

Vậy nếu gắng sức vươn đến sự bất tử bằng cách ghép máy móc vào cơ thể thì chúng ta có hoàn thiện hơn không?  Có lẽ, ngược lại, chúng ta đang ngày càng rời xa hơn sự hoàn thiện ấy.
Tôi nghĩ hoàn thiện đôi khi là chấp nhận được sự không hoàn thiện trong chính mình và vạn vật.
Nếu có thời gian, tôi nghĩ bạn nên xem bộ phim Soul. Dù tôi biết, hầu hết chúng ta sẽ không thích đầu tư thời gian cho việc suy nghĩ mà muốn ngốn ngấu một cách ngon lành những tri thức sẵn có trong sách vở hoặc internet. Nhưng bạn ạ, tự đúc kết được vài ý tưởng nào đó trong đời là sự tự giáo dục vinh quang nhất mà bản thân chúng ta xứng đáng có được.