Bây giờ hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng ra một con ma, bạn sẽ tưởng tượng con ma đó trông như thế nào? Có phải là “Một cô gái với bộ áo dài trắng, tóc xõa dài che phủ mặt,...” đó là nhân vật Sadako trong bộ phim Ringu 1998 (The Ring đối với thị trường quốc tế, Ringu đối với thị trường Bắc Mỹ). Nhân vật đó đã len lỏi vào trong tiềm thức của ta và đã hình tượng hoá một nhân vật kinh dị là như thế nào.
Ở những năm 1990 là thời kỳ phát triển của các bộ phim Nhật Bản khi liên tục cho ra những sản phẩm chất lượng, ở thể loại kinh dị "Ringu" là một ví dụ tiêu biểu. Được ra mắt vào năm 1998, bộ phim này đã gây ra cơn sốt trên toàn thế giới bởi cốt truyện hấp dẫn và cách kể chuyện tinh tế. Không chỉ vậy, "Ringu" còn chạm đến những nỗi sợ hãi cơ bản của con người, đó là sợ những thứ hữu hình.
Hãy sẵn sàng để bị cuốn hút vào một hành trình kinh hoàng qua thế giới của ‘bộ xương’ (đọc đến cuối bài viết để hiểu tại sao mình dùng từ này) và linh hồn đang bị vùi dập trong sự tăm tối. Để nhận ra rằng "Ringu" không chỉ là một bộ phim, mà là một trải nghiệm đầy kích thích.
Xin chào mình là Kraven, hãy cùng mình chuẩn bị cho một hành trình khám phá sự kinh dị của Hideo Nakata (đạo diễn phim). Nhấn play và để bạn cùng mình cùng tiến vào phiêu lưu vào cuộn băng bị ám. Đừng quên chia sẻ cảm nhận của bạn sau khi trải qua trải nghiệm này - liệu bạn có thể vượt qua được "Ringu" mà không để lại dấu ấn kinh hoàng nào?
Lưu ý: Mình đã đọc qua tiểu thuyết gốc và xem cả bản The Ring 2002 của Hollywood. Trong bài viết này mình sẽ so sánh cả 3 tác phẩm nhưng phân tích Ringu 1998 là chính. Để tiện các bạn theo dõi thì Ring 1998 từ giờ mình sẽ gọi là Ringu, tiểu thuyết gốc gọi là Ring và bản 2002 của Hollywood sẽ gọi là The Ring. Có thể ấn vào mục lục để đến phần bạn cần xem.

Tóm tắt diễn biến của Ringu (Cảnh báo Spoil!)

Mở đầu phim là cảnh 2 cô bạn Tomoko và Masami đang trò chuyện với nhau về 1 truyền thuyết đô thị, rằng “Có một cuộn băng bị ám và ai xem phải nó sẽ chết trong vòng 7 ngày sau 1 cuộc điện thoại”. Cô bạn Tomoko đã kể rằng cô và nhóm bạn đã xem 1 đoạn băng lạ vào tuần trước và bây giờ là tròn thời hạn 7 ngày, sau đó một cuộc điện thoại gọi đến nhưng đó chỉ là cuộc gọi của mẹ cô. Cả 2 thở phào, Masami đi vệ sinh thì TV trong phòng tự bật lên và Tomoko chết bởi một hiện tượng siêu nhiên kì bí.
Đến với nữ chính của phim, Reiko Asakawa. Cô là nhà báo đang nguyên cứu về truyền thuyết này. Sau khi dự tang lễ Tomoko - nạn nhân đồng thời cũng là cháu gái cô, Reiko đã biết rằng cả 3 người bạn còn lại của Tomoko cũng mất cùng thời điểm với cháu cô. Cô nhận được một bức hình nơi mà 4 nạn nhân mặt bị biến dạng do dính phải lời nguyền đang đứng trước một căn Cabin. Sau khi xác định được địa điểm cô đến căn Cabin đó để điều tra thêm.
Đến nơi, cô bị thu hút bởi cuộn băng lạ. Khi cô xem nó, hàng loạt hình ảnh kỳ lạ được hiện ra, khi đoạn băng kết thúc thì cuộc gọi kỳ lạ đã gọi đến và cô đã bị nguyền.
Cô nhờ sự giúp đỡ của người chồng cũ là Ryuji Takayama để điều tra và tìm cách hoá giải lời nguyền. Sau đó Ryuji cũng bị mắc lời nguyền. Cả 2 sau những cuộc điều tra chả khác gì phim trinh thám đã tìm đến một hòn đảo. Cả 2 chuẩn bị đến đó nhưng trước khi đi, con của Reiko là Yoichi đã xem phải cuộn băng và mắc lời nguyền. Điều bí ẩn là Yoichi và Ryuji không nhận được cuộc gọi nào cả.
Ở trên đảo, Reiko được hồn ma bí ẩn (mình sẽ gọi hồn ma là bé gái vì trong phim hồn ma này 12 tuổi)  truyền năng lực ngoại cảm khiến cô bước vào ký ức của hồn ma trong quá khứ. “Trong lúc hồi tưởng đó, cô thấy người phụ nữ trong cuộn băng đã trình diễn kỹ năng ám thị (Tức là không nhìn nhưng vẫn biết được) trước giới nhà báo. Những tay nhà báo sau khi thấy hàng loạt màn trình diễn thành công của người phụ nữ ấy đã cho rằng đó là lừa đảo, là phản khoa học. Lúc này bé gái đã dùng sức mạnh tâm linh của mình để giết tên nhà báo đó và cả gia đình cô về sau bị truyền thông liên tục công kích”. Về sau, cô gái ma ấy tên là Sadako do người cha của Sadako tiết lộ, người phụ nữ có năng lực ngoại cảm là mẹ của Sadako, cô đã truyền năng lực này lại cho con mình và giờ Sadako đã dùng năng lực ấy để hồi tưởng cho Reiko, cô còn biết được rằng cha của Sadako chính là người đã đẩy Sadako xuống giếng gây ra cái chết của cô.
Đến đây cả 2 biết được lý do Yoichi và Ryuji không nhận được cuộc gọi vì họ không xem đoạn băng này tại căn Cabin giống Reiko. Cả 2 tức tốc về lại đất liền vì thời hạn còn lại của Reiko là chưa tròn 24 tiếng là tròn 1 tuần.
Đến căn Cabin, cô và Ryuji tìm được 1 cái giếng, giống hình ảnh trong đoạn băng và những gì Sadako đã hồi tưởng cho cô. Cả 2 vớt được một bộ xương và đó chính xác là xác của Sadako.
Đã quá thời hạn 7 ngày mà Reiko chưa chết, thế là lời nguyền đã được hóa giải. Ai vui vẻ về nhà nấy. Nhưng cuối cùng Ryuji chết và anh dùng sức mạnh tâm linh để chỉ dẫn cho Reiko biết cách hoá giải lời nguyền là “sao chép và đưa băng cho người khác xem”. Cuối phim Reiko chạy xe về nhà để cho cha mình xem cuốn băng nhầm hoá giải lời nguyền cho con trai mình, Yoichi.

Phân tích

Nhìn chung cả 3 tác phẩm đều có nét riêng biệt riêng, ở bài viết này mình sẽ đánh giá rất khắt khe sản phẩm của Hideo Nakata vì Ring là 1 tuyệt tác J-Horror mà Suzuki Koji nhận được biệt danh Stephen King Nhật Bản (Mình fan Stephen King), việc chuyển thể một tác phẩm kinh điển lên màn ảnh đương nhiên là phải khó tánh xíu và sau đây là phần phân tích của mình.
_______________________________
Lưu ý: Phê bình hay review giống như việc làm dâu trăm họ, chỉ với 1 luận điểm có thể được lòng người này nhưng mất lòng người kia. Nên đây là ý kiến riêng của mình, và nếu bạn có ý kiến riêng của bạn thì đừng ngại để dưới phần bình luận để tạo ra một bài viết đa chiều hơn, xin cảm ơn.

Điểm mình thích của bộ phim

Kịch bản theo hướng riêng

Có nhiều sự khác biệt giữa nguyên tác và phim, mình chỉ nêu một số khác biệt ảnh hưởng đến cốt truyệntrải nghiệm của bạn.
Đầu tiên là ở đầu phim, chúng ta biết được ngay từ đầu đã tồn tại một lời nguyền về cuộn băng và cuộc gọi kỳ lạ, nó như một truyền thuyết đô thị nơi mà Tomoko và Masami thảo luận với nhau, sau đó còn là buổi phỏng vấn của Reiko với những thanh niên để thực hiện quá trình điều tra của mình. Ở tác phẩm gốc, không có lời nguyền nào từ ban đầu cả, nơi đơn giản Asakawa (trong tiểu thuyết thì nhân vật chính là nhân vật nam) thực hiện điều tra về hàng loạt cái chết có điểm chung là cùng trường đại học, cùng bị suy tim và cùng một khung giờ. Có thể nói trực giác nghề nghiệp đã mách bảo anh làm điều đó. Điểm chung của họ đều là nhà báo và việc rút ngắn một số sự kiện của bộ phim là hợp lý do thời lượng có hạn của phim ảnh khi so với tiểu thuyết. 
Thông tin thêm: Ở The Ring thì không có nhà báo nào cả, một sự điều tra bị động.
Tiếp theo là để nhận diện những người bị nguyền là khi nhìn vào hình ảnh của họ, khuôn mặt của người bị nguyền sẽ bị biến dạng. Ở tiểu thuyết gốc thì không có cách nhận diện. Đây cũng là một nước đi rất hay của Hideo Nakata khi ở tác phẩm chính, sau nhiều sự suy đoán, điều tra, thuyết phục thì Asakawa mới đến với giai đoạn cho Ryuji xem đoạn băng. Việc này giúp Ringu tinh chỉnh thời gian cực kỳ hay và hợp lý khi vẫn thể hiện được sự ma mị về khuôn mặt biến dạng nhưng vẫn đảm bảo thời lượng cho người xem.
Đó là một số thay đổi mang đến sự thành công và tinh quái của Hideo Nakata. Tiếp theo chúng ta hãy đi đến màn diễn xuất của diễn viên.

Diễn xuất

Nhân vật chính Reiko được đóng vai bởi Nanako Matsushima thể hiện rất tốt nhân vật của mình khi kết hợp với những diễn viên khác. Đó là đối tác Ryuji được đóng vai bởi huyền thoại Hiroyuki Sanada. Đó là một mối quan hệ phức tạp khi ở tác phẩm gốc nam chính và Ryuji là bạn thân cùng giới. Ở Ringu, Ryuji là chồng cũ của nữ chính, cả 2 đã thể hiện màn trình diễn rất xuất sắc của mình ở những cảnh thân mật với nhau, những phân đoạn cùng điều tra,... tiếp theo là người con Yoichi, ở tác phẩm gốc ta thấy một người cha dù phải xa nhà nhưng vẫn liên tục hỏi thăm con mình, liên tục lo cho người con dù không có nhiều thời gian với bé. Ở Ring ta thấy tình mẫu tử của người mẹ Reiko dành cho con mình cũng tương tự. Ở phân cảnh Reiko bắt gặp người con mình xem phải cuộn băng, cô đã ôm con thật chặt và lắc mạnh Yoichi, khác với phân đoạn khi cô phát hiện ra xác của Sadako, cô chỉ ôm âu yếm cái xác thôi.
Cô lắc mạnh Yoichi
Cô lắc mạnh Yoichi
Cảnh Reiko ôm xác Sadako
Cảnh Reiko ôm xác Sadako
Một điểm cộng rất lớn cho bạn đồng hành cùng Reiko là Ryuji. Mình thấy được một Ryuji bước ra từ tiểu thuyết gốc, anh được cô học trò và cũng là tình nhân Takano Mai nhận xét “Trước mặt tôi, thầy là một cậu bé mười tuổi, nếu ở đó có thêm người thứ ba, thầy là một quý ông. Còn ở trước mặt anh, hẳn thầy sẽ cố tỏ như mình là một tên đốn mạt… - … Nếu không là thế, thầy sẽ không thể tồn tại trong xã hội này” (đọc đến đấy mình khóc vì tác giả Suzuki Koji đã mượn nhân vật Ryuji để nói lên nỗi niềm của người đàn ông trong xã hội này), và đối với Asakawa thì “Ryuji là người bạn thân tuyệt vời nhất.” Ở đó ta thấy một Ryuji có phần lấn ápthiện cảm rất nhiều so với nam chính Asakawa. Trong Ringu phần thể hiện của Hiroyuko Sanada khiến mình rất cảm động, anh diễn chính xác những gì cô tình nhân Takano Mai nhận xét, bên ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong yếu đuối, có lúc lỗ mãng nhưng thực chất anh rất tận tâm, bạn có thể thấy những phân cảnh Ryuji tuy lời thoại không được mùi mẫn nhưng hành động của anh lại rất chân thành. Ngoài ra do hạn chế về việc thay đổi giới tính của nhân vật chính khiến cho Ryuji không có phân đoạn hi.ếp d.âm cô nữ sinh, về sau cùng thì đó chỉ là chuyện bịa đặt làm ta ghét rồi lại yêu Ryuji thêm thôi nhưng nói chung mình chấm anh này 10/10.
Ngoài ra còn đó là một số nhân vật như Yoichi hay bố của Sadako (tiến sĩ) cũng để lại ấn tượng với người xem.

Âm Thanh

Một điều làm nên sự xuất sắc của Ringu là âm thanh. Những tiếng rò rè từ tivi, tiếng đẹo thoại reo, âm thanh bất chợt vang lên hay tiếng ù ù là những điều khiến giới phê bình không ngớt lời khen ngợi Ringu. Cá nhân mình sau khi xem xong bộ phim mình không sự Tivi vì đương nhiên rồi, thời nay còn băng đâu mà xem. Mà mỗi lần điện thoại thông báo hay ai đó gọi, mình đều có 1 sự sợ hãi vô hình tương tự lúc xem Ringu vậy. Phải nói khâu đội ngũ âm thanh Ringu thật sự làm rất tốt.

Chi tiết khác

Một số chi tiết có thể các bạn sẽ bỏ qua, chúng ta đến với cảnh quay nhỏ của Yoichi khi cậu giúp mẹ mình kéo áo. Đây là một chi tiết rất hay của Hideo Nakata, việc thay đổi giới tính nhân vật làm cho gia đình Reiko mất đi một bờ vai của người đàn ông. Nơi mà một chi tiết nhỏ là Yoichi kéo khoá áo giúp mẹ đã thể hiện được sự trưởng thành và thích nghi của cậu trong một ngôi nhà thiếu đi người bố sẽ sinh hoạt như thế nào.
Đến với cảnh quay ‘nhá hàng’ đầu tiên của ta về sự hiện diện của lời nguyền đó là cảnh hồn mà Tamako xuất hiện và dẫn Yoichi đi vào căn phòng chứa chiếc Tivi đã gián tiếp giết cô. Nakata đã quay với tỷ lệ ⅓, Yoichi đứng trơ trọi, bí bách giữa 2 bức tường bị thu hẹp, một cảnh tối báo hiệu cho những chuyện không may sẽ đến với gia đình này.
Điều làm nên nét đáng sợ của dòng phim Ring là những chiếc Tivi. Một điều ít người chú ý đến đó là những cảnh đầu phim, khi mọi thứ đều lạ lẫm đối với Reiko, nơi mà lời nguyền được xuất hiện là những chiếc Tivi. Những cảnh trong phòng Tivi rất tối, ta luôn có cảm giác bất an mỗi khi chiếc Tivi đó được bậc lên. Nhưng khi Reiko đã giải được lời nguyền, tại phân cảnh Ryuji giúp Reiko cách hoá giải lời nguyền thì căn phòng ấy lại sáng. Khi tất cả bí mật đã được điều tra và hiểu rõ, chiếc tivi, nơi lấy đi mạng người được thắp sáng lên bởi sự tinh tế của Hideo Nakata.
Bạn thấy rõ Tivi được đặt trong 1 góc rất tối
Bạn thấy rõ Tivi được đặt trong 1 góc rất tối
Khi đã điều tra được thì ảnh sáng đã rọi vào chiếc Tivi
Khi đã điều tra được thì ảnh sáng đã rọi vào chiếc Tivi
Dù có một số thay đổi nhưng mình thấy Ringu rất tôn trọng nguyên tác. Đặc điểm của Suzuki Koji là dù ông chuyên viết về truyện kinh dị nhưng ông lại không bao giờ dùng máu cả. Và trong Ringu cũng thế, không cần giật gân câu kéo bởi những hình ảnh máu me, những chi tiết được thay đổi cũng nhầm phục vụ cho thời lượng của bộ phim.

Điểm mình không thích của bộ phim

Nhịp độ phim

Do Hideo Nakata đã cố gắng tinh chỉnh các tình tiết để phù hợp với điện ảnh hơn vô hình trung làm cho nhịp độ phim bị nhanh so với tác phẩm. Nhịp độ bộ phim nhanh cũng có thể chấp nhận nhưng bạn nên nhớ đây là một bộ phim thể loại trinh thám, điều này đồng nghĩa với việc người xem cần phải dừng lại là suy ngẫm một số phân cảnh nhầm hiểu được tường tận vấn đề để thấu hiểu hơn với nhân vật tiến hành điều tra. Theo mình nếu kéo dài thời lượng lên 2 tiếng thì vẫn có thể chấp nhận được vì dù sao đây cũng là một bộ phim mang nặng tính trinh thám, khán giả sẽ hiểu hơn. Một số người xem dường như bị bỏ lỡ một số đoạn làm cho họ khó hiểu phần cốt truyện về sau.Với tuyến truyện phúc tạp này việc để nhịp độ phim nhanh theo mình là chưa hợp lý.
_______________________________
Bạn không biết được vì sao mẹ Sadako được ban cho sức mạnh kỳ lạ đó nhưng trong nguyên tác có đề cập. Bạn không hiểu vì sao Tamako có thể hiện hồn về và nguyền rủa Yoichi. Bạn không hiểu vì sao những người bị mắc lời nguyền thì khuôn mặt lại bị biến dạng khi bị chụp ảnh.

Những thay đổi tiêu cực

Như ở trên chúng ta đã phân tích những thay đổi của Nakata so với tiểu thuyết gốc là hợp lý, thì đó chỉ là phần nổi của vấn đề. Ở đây là những phần rất mâu thuẫn.
_______________________________
Trong tác phẩm gốc, Sadako không có năng lực để tác động vào Reiko. Nhưng trong Ringu Sadako đã hiện cho Reiko thấy quá khứ của mình và kèm theo là cào tay Reiko. Mình không hiểu chi tiết này thêm vào để làm gì. Khi việc hoá giải lời nguyền không phải là đưa Sadako đi an tán mà là sao chép cuộn băng, thì việc gì Sadako lại hiện quá khứ của cô cho Reiko biết để làm gì? Chả việc gì phải làm thế cả, Hideo Nakata chỉ cần đơn giản là thêm vào đoạn băng chi tiết giống bản gốc là cục xúc sắc là có thể giải quyết được vấn đề rồi.
Ở tác phẩm gốc vợ Asakawa đã lỡ cùng con xem bộ phim, cả 2 đều mắc lời nguyền. Như bạn biết ở Ringu thì Yoichi đã xem phải bộ phim do hồn ma Tomoko dẫn. Vậy thì miêu tả nhân vật Ryuji có năng lực siêu nhiên để làm gì? Khi anh chết anh dùng năng lực siêu nhiên của mình để chỉ Reiko cách hoá giải lời nguyền, điều đó chấp nhận. Nhưng Tomoko làm sao có năng lực siêu nhiên để chỉ Yoichi xem cuộn băng? Và tại sao lại khiến Yoichi xem cuộn băng? Yoichi mắc lời nguyền để giải quyết chuyện gì? Nên nhớ Yoichi và Tomoko là họ hàng, việc này chẳng logic tí nào cả.
Ta còn không biết vì sao cách hoá giải lời nguyền lại là sao chép cuộn băng và cho người khác xem. Ở tác phẩm gốc, do người đàn ông bị bệnh đậu mùa cuối cùng cưỡng hiếp và giết chết, cộng với sức mạnh siêu nhiên có thể điều khiển được Tivi mà không cần nguồn điện. Sadako đã nguyền rủa cuộn băng khiến nó vừa ám người mắc phải, đồng thời phải sao chép và truyền lại cho người khác xem như một thứ dịch bệnh. Thay đổi của Nakata làm ta không biết rõ tại sao phải là sao chép và truyền cho người khác. Đây là điểm trừ vì khiến người xem bị thắc mắc khi xem phim.

Diễn xuất

Mình cực kỳ hài lòng với nhân vật Ryuji nhưng Reiko thì ngược lại. Được thủ vai bởi Nanako Matsushima mình thấy những tình huống trong phim cô diễn không trọn vẹn. Ngoài những cảnh với người con Yoichi hay có sự kết hợp với Ryuji cô phối hợp khá tốt thì những cảnh độc diễn lại cho thấy mặc thiếu sót của cô về những hành động. Sự cứng nhắc và hời hợt của cô làm mình không thể không trừ điểm trong quá trình xem phim. Khi xem Ringu bạn sẽ thấy một nhân vật chính với lối diễn xuất thiếu cái gì đó để trở nên hoàn hảo cho phân cảnh đó. Như mình nói đó là hành động của cô, về biểu cảm khuôn mặt thì nằm ở mức tròn vai.
Có lẽ do bộ phim đầu tay của Hideo Nakata là Don’t Look Up hay Ghost actress (1996) được một diễn viên nữ đóng vai chính và đây là vai diễn thành công của cô. Đã làm cho Hideo Nakata quyết định đổi giới tính nhân vật chính của tác phẩm Ringu này.

Quay dựng

Mình không định đánh giá phần quay dựng nhưng khi nhìn về số tiền được chi ra là 1,5 triệu đô thì mình đã suy nghĩ lại. Ngoài việc thực hiện hiệu ứng  "grainy" tốt thì các cảnh quay khác chỉ là xem cho có chứ chưa thật sự xuất sắc. Bạn sẽ phải làm quen với nét quay mờ, rè và ánh sáng chưa được tối ưu. Những góc quay có thể tốt hơn như cảnh giới thiệu căn Cabin có thể quay góc rộng để người xem hình dung được căn Cabin ấy. Khi cả 2 cùng lên xe di chuyển trên đảo có thể quay cho camera đi theo hướng của chiếc xe thay vì góc quay cố định. Ở cảnh cao trào cuối phim, đoàn Reiko ôm lấy xác của Sadako thì lại có sạn do việc thay đổi chiều ánh sáng của đèn pin. Nhìn chung bạn phải làm quen với lối quay của những phim ngày xưa mới có thể thoải mái theo dõi bộ phim đến cuối.
_______________________________
Việc này làm cho đoạn đáng lý là cao trào lại trở nên khó chịu đối với mình vì nó không thật sự thoả mãn.

Sự xuất hiện của Sadako

Mình không thích cách Hideo Nakata cho Sadako xuất hiện. Trong phim lần đầu chúng ta thấy cô là cảnh cô cho Reiko trở về quá khứ, việc xuất hiện Sadako ở đây như đã phân tích ở trên là thiếu logic và mình không thích cách xuất hiện này, ít ra hãy như tác phẩm gốc. Trong Ring chúng ta chủ yếu đồng hành cùng Asakawa phá án chứ chả có con ma nào trong quá trình đó cả, lần đầu ta biết được Sadako là qua câu chuyện Sadako từng diễn kịch. Qua lời kể của những người từng chứng kiến cô giết người thì sự xinh đẹp đó chẳng còn mà còn đó là sự ma mị.
2 đoạn miêu tả tổng thể Sadako
2 đoạn miêu tả tổng thể Sadako
Nói chung mình thích Sadako trong tiểu thuyết vì ta tò mò về cô cho đến cuối tác phẩm để rồi nhận ra điều ta sợ trước giờ cũng chỉ là một cô gái (thật ra là tinh hoàn nữ hoá nhưng cứ gọi là cô gái đi) xinh đẹp và bình thường như bao người, chỉ là cô xui xẻo có được vẻ đẹp quá hoàn hảo khiến cho gã bác sĩ Nakao bị cuốn hút để rồi giết cô.

Lời kết

Vậy là bạn đã cùng mình đi qua tóm tắt đến diễn biến và phân tích của cá nhân mình về bộ phim Ringu. Nhìn chung 3 tác phẩm đều có lối đi riêng nhưng vẫn chung quy lại một bài học: tình phụ tử/ tình mẫu tử, phê phán đám đông và cách truyền thông bóp méo sự thật, phê phán những người tin hoàn toàn vào khoa học, là phương tiện để tác giả nói lên sức lan truyền của các truyền thuyết/ tin vịt,...
Cách hiệu quả để chống lại lời nguyền
Cách hiệu quả để chống lại lời nguyền
Sau khi trải nghiệm cả 3 tác phẩm Ring, Ringu và The Ring mình rút ra một kết luận sau. Bạn muốn 1 điều hoàn hảo, kiệt tác hãy đến với tiểu thuyết gốc, muốn những cảnh hù doạ hãy đến với The Ring, muốn xem một bộ phim hay để giết thời gian hãy xem Ringu.
Cá nhân mình sau khi đọc xong quyển sách mình sợ rằng sau 7 ngày mình có bị nguyền không, mỗi lần điện thoại Ting Ting là mình giật mình vì sợ.
Tuỳ vào mục đích xem của từng người, Ringu không có cảnh hù doạ so với những bộ phim kinh dị khác, có người thích điều này có người không. Nếu muốn xem một bộ phim tương tự Ringu nhưng nhiều cảnh hù dọa hãy xem Ju-On: The Grudge.
Những điểm mạnh của phim:
Kịch bản, diễn xuất của Ryuji, Âm Thanh, chi tiết nhỏ...
Những điểm yếu của phim:
Nhịp độ, tính Logic, diễn xuất của Reiko, quay dựng, cách Sadako xuất hiện,...
Nhìn chung mình khuyên bạn nên trải nghiệm 1 trong 3 tác phẩm. Nếu đọc tiểu thuyết rồi hãy chọn 1 trong 2 phim, giống nguyên tác hơn thì là Ringu, muốn giật gân hơn thì là The Ring hoặc không xem phim nào cũng được vì tiểu thuyết khá hay. Còn bạn xem 1 trong 2 phim thì nên đọc tiểu thuyết vì nó đáng sợ hơn nhiều. Mình chấm phim 7/10.
*Reng reng reng…
_______________________________
Kraven | 30/1/2024 23:11
Tâm sự: Mình khá bâng khuâng khi đăng bài này, ở Rotten Tomato và IMDB đánh giá phim này rất cao. Nhưng mình lại thấy tác phẩm này chưa thật sự đến mức cao đó. mình chắc chắn mình hiểu rõ The Ring vì đã xem cả 3 tác phẩm cơ mà. Nhưng dù sao đây là bộ phim đầu tiên mình phê bình khi học đại khái xong khoá phê bình phim lỏm từ nhiều nguồn. Đây là trải nghiệm của mình và mình sẽ nêu đúng trải nghiệm đó, không theo số đông gì cả.
Cảm ơn anh CongQuach (User: @quachthaicong) đã trò chuyện với em về những lựa chọn dạo này em gặp khó khăn để quyết định.
Cảm ơn Narcy Nguyen (User: @narcynguyen) vì buổi trò chuyện nho nhỏ với bạn (dù đang lẻ mình phải gọi là chị nhưng mình thích xưng hô theo kiểu chưa từng biết tuổi của nhau hơn nên bạn có đọc được thì giữ nguyên cách trò chuyện nhé).
Cảm ơn Bình luận viên Châu đã 3 đêm thức cùng với mình ở khung giờ 3 giờ sáng để cùng xem bóng đá.