[Review Phim] Parasite (Kí sinh trùng)
Không ngoe nguẩy và chỉ lộ diện vào phút chót, biết thích nghi và tiếp tục tồn tại khi biến sự tha hóa thành lợi thế để sinh tồn. Đó...
Không ngoe nguẩy và chỉ lộ diện vào phút chót, biết thích nghi và tiếp tục tồn tại khi biến sự tha hóa thành lợi thế để sinh tồn. Đó là kí sinh trùng. Chừng nào con người còn bóng tối bên trong thì chừng ấy vẫn còn kí sinh trùng.
Tên gọi của bộ phim đã gợi lên một cảm giác không thoải mái. Nhưng nếu sự thật mà dễ nghe thì chỉ là thật một nửa. Thật một nửa thì có phải là thật hay không?
Bộ phim khai thác một mỏ quặng quý hiếm ở vực sâu đầy hiểm nguy. Vì bản chất con người thích cái sạch, yêu cái đẹp và mơ về những điều lý tưởng. Mặc dù vậy, khi xem bộ phim Kí sinh trùng, không ít người buộc phải trải qua cảm giác nhột nhạt vì liên tưởng. Đâu đó, từng thước phim như từng sinh vật nhỏ bé lướt qua tâm trí để tìm kiếm đồng loại.
Đạo diễn Bong Joon-ho thành công cũng bởi đã mạnh dạn cho chúng ta thấy mặt trái của những điều hào nhoáng, giúp chúng ta thấy được những điều vốn dĩ xảy ra thường ngày, mà vì không có dũng khí, ta ép mình phải lơ đãng quên đi hoặc tự cho rằng mình không có trách nhiệm.
Không ai thích sự nghèo khó và càng đặc biệt không thích bị nghĩ rằng mình đang nghèo khó. Trong một xã hội phát triển, nghèo khó đồng nghĩa với việc bị chối bỏ. Thế nên, sự nghèo trong bí mật ấy dễ khiến cho con người ta nạp vào tiềm thức những ý tưởng tồi tệ.
Gia đình ông Ki tìm mọi cách để sinh tồn và khi không thể tự sinh tồn thì họ dần trở thành kí sinh trùng. Năng khiếu diễn suất và sự khôn khéo đã giúp các thành viên trong gia đình từng bước đạt được mục đích.
Kí sinh trùng thật sự luôn xuất hiện dưới những vỏ bọc vô hại. Và nếu càng chăm chút cho vỏ bọc thì lại càng chứng tỏ bản chất kí sinh.
Cách làm vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả của nhà ông Ki là tự gắn tên tuổi của mình với những danh xưng tượng trưng cho tầng lớp thượng lưu. Do thói quen chỉ đánh giá mọi thứ theo nhãn mác, thích cái gì đó nghe có vẻ “xịn xịn” nên vợ ông Park mới dễ dàng để từng thành viên trong gia đình ông Ki thâm nhập trong khi chưa hiểu rõ về họ.
Bên cạnh đó, mặc dù được phác họa là một người đàn ông thành đạt trong sự nghiệp, nhưng ông Park cũng không chú ý đến đảo lộn đầy trùng hợp trong gia đình mình. Dường như, sự sắc sảo của ông chỉ dành cho việc kiếm tiền.
Tấn bi kịch xảy ra tiếp theo là một tất yếu cho cả đôi bên. Vì thật ra, trước đó cả hai gia đình ở hai thái cực khác nhau này chưa bao giờ thực sự hạnh phúc. Nếu người đời đánh giá họ một giàu – một nghèo thì chưa hiểu cuộc sống của họ. Đặc biệt là những khiếm khuyết họ thường xuyên tìm cách che giấu bằng nỗ lực vụng về.
Tầng hầm tăm tối chính là hình ảnh sâu thẳm của vô thức bị dồn nén mọi thứ đến độ sản sinh ra một con người điên khùng. Duy nhất, chỉ có cậu bé con ông Park thấy rằng ngôi nhà cùng sự xa hoa của nó có một con ma trong khi các thành viên khác chỉ tin yêu tiện nghi nó mang lại.
Cũng giống như bản thân ta tin chắc đã hiểu rõ chính mình, thì đâu đó vẫn sót lại cánh cửa tầng hầm ẩn khuất chưa được khám phá. Thi thoảng, nó sẽ lướt qua dưới dạng giấc mơ hay hành vi thiếu kiểm soát.
Nếu nhìn từ góc độ giáo dục, người xem sẽ hiểu lý do tại sao giáo dục đạo đức luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do gia đình ông Ki chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để sống mà không suy nghĩ đến việc sống như thế nào nên mới chấp nhận lừa gạt. Thậm chí ông còn khen con gái của mình khi làm giả giấy tờ và sung sướng tham gia trò lừa gạt của các con mà không hề khuyên bảo, can ngăn.
Thiếu đạo đức nên mọi thành tựu họ đạt được đều nhanh chóng sụp đổ và khiến họ phải trả giá đắt.
Đối với gia đình ông Park thì cô con gái thiếu sự quan tâm và cậu con trai được quan tâm quá mức cũng thật đáng thương. Tưởng rằng chăm lo tốt cho con cái song ông bà Park không hiểu con của họ ở trong tình trạng thiếu thốn tình cảm.
Đáng buồn hơn, đến lúc chết có lẽ ông Park vẫn chưa hiểu lí do mình chết. Có thể vì đã quen với việc được những người khác chú ý nên ông không còn biết chú ý đến ai khác nữa.
Chi tiết ngày đầu ông Ki đến lái xe, ông Park nói rằng không kiểm tra tay lái của ông Ki mà tay vẫn khư khư giữ lấy cốc cà phê, thỉnh thoảng đảo mắt xem có bị sóng ra ngoài hay không chứng tỏ ông không bao giờ đặt trọn vẹn niềm tin vào người khác. Và cùng vì lí do đó, ông tự cho rằng mình ở một tầng lớp trên và không cần đồng cảm.
Rốt cuộc thì trí khôn lão luyện nhưng thiếu chân thành của ông cũng không mấy hữu ích để cứu sống ông.
Với tôi, phim ngầm chứa thông điệp khi những người xung quan bạn đau khổ, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn có thể yên ổn mà hưởng thụ cuộc sống. Dù có thích sự thật này hay không thì con người vẫn sống phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta giúp đỡ người khác cũng là đang giúp đỡ chính mình.
Lời kết
Kí sinh trùng đem đến nhiêu cung bậc cảm xúc thú vị, đặc biệt khi tôi ngồi viết lại vài dòng review trên đây.
Do dành giải Oscar nên có không ít bài cảm nhận về bộ phim này. Còn theo phong cách của mình, dù là sách hay phim thì tôi chỉ review một nửa. Vì nếu tôi chia sẻ hết những điều tôi thấy và tôi nghĩ thì bạn đọc cũng dễ bị ảnh hưởng bởi cái thấy và cái nghĩ đầy tính chủ quan của tôi.
Như Miyamoto Musashi từng nói “Không thể tách hạt khỏi hoa và coi hoa như hạt”.
Như vậy thì thật là lãng phí.
Bạn hãy dành thời gian để trực tiếp cảm nhận mọi thứ với cõi lòng rộng mở vì mỗi chúng ta đều có những lý giải độc đáo và thú vị của riêng mình.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất