Bài viết của tôi chia sẻ cảm nghĩ về series phim Spider-Man gồm 3 phần: “Homecoming”, “Far From Home” và “No Way Home”. Có lẽ chính xác hơn là về nhân vật Peter Parker (do Tom Holland thủ vai). Điều khiến tôi hứng thú không phải là sức mạnh của phiên bản Peter Parker này. Bởi cá nhân tôi thấy bản Spider-Man do Tobey Maguire và Andrew Garfield có những kẻ địch nặng ký hơn (chúng không những mạnh mà còn mưu mẹo, có hiểu biết về Người Nhện), phải chiến đấu đơn độc, thiếu sự cố vấn, trang thiết bị hỗ trợ công nghệ cao từ các tổ chức nên nội lực của họ cũng rõ rệt hơn.
Điều tôi hứng thú với Spider-Man trong series 3 phần này là quá trình trưởng thành của một thanh thiếu niên trước những bước ngoặt của cuộc đời. Có lẽ dù không quan tâm đến vũ trụ siêu anh hùng nhưng nếu quan tâm đến những đặc điểm tâm lý, tính cách của thanh thiếu niên thì bạn không nên bỏ qua Spider-Man do Tom Holland sắm vai.
Phần 1: Homecoming
Trong phần đầu, Spider-Man là một cậu học sinh luôn mong ngóng nhiệm vụ mới từ Tony Stark (Iron Man). Giống với bạn bè đồng trang lứa là thừa sinh lực, thời gian nhưng thiếu kinh nghiệm: cậu liên tiếp sa vào các rắc rối trong quá trình tìm kiếm tội phạm. Dù lập được chút công lao ít ỏi, nhưng trên thực tế thì thiệt hại cậu gây ra thường lớn hơn.
Tony Stark đã nổi giận và thu lại bộ đồ người nhện tối tân của cậu. Đây cũng là đoạn mà tôi thấy nổi lên khoảng cách thế hệ rõ rệt nhất: Người lớn thường biết nhiều điều hơn thanh thiếu niên nhưng không phải là biết tất cả mọi thứ. Nhưng đôi khi họ quên mất điều này rồi từ chối lắng nghe, kết luận mọi thứ về các em. Đây có thể là một phần lý do khiến cho tuổi dậy thì hay bị coi là “tuổi nổi loạn”. Cảm thấy bị đè nén, không được tôn trọng và phải làm theo mệnh lệnh đã khiến các bạn thanh thiếu niên lựa chọn những hành vi quá khích. Ngược lại nếu được quan tâm, trò chuyện thì tuổi dậy thì đối với một số bạn không hề bất ổn như hầu hết chúng ta vẫn tưởng.
Spider-Man chính là một chàng trai như vậy. Dù bị hiểu lầm, khiển trách và có đôi chút xem thường thì cậu vẫn hành động theo những điều mà bản thân tin là tích cực mà không có những hành vi chống đối hay tiêu cực. Khi người lớn cảm thấy bị chống đối, đó là lúc họ từ chối công nhận quyền bình đẳng và muốn áp đặt mệnh lệnh của bản thân lên trẻ em. Nên các bậc cha mẹ hãy cẩn trọng nếu cảm thấy con cái chống đối mình: tín hiệu đó cho thấy con đang cảm thấy cha mẹ không tôn trọng mình đủ và đúng cách.
Tuy nhiên nếu không có người hướng dẫn, Spider- Man phiên bản dậy thì này cũng sẽ biến sự nhiệt tình và siêu năng lực của mình thành một thảm kịch. Nếu cần phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại gây ra do tính bộp chộp và ít chịu suy nghĩ trước khi hành động thì cậu sẽ không đủ thời gian làm siêu anh hùng vì phải chăm chỉ cày cuốc kiếm tiền đền bù thiệt hại như việc làm manh động trên chiếc phà khiến nó bị gãy đôi rồi suýt làm cho các hành khách tử nạn và màn đuổi bắt phá nát chiếc máy bay của tập đoàn Stark.
Tính độc lập của cậu là một điều thú vị nhưng nếu thiếu đi sự lắng nghe và thói quen tư duy thì siêu anh hùng mới lớn này dễ trở thành nguồn cảm hứng chọc cười. Theo tôi biết thì hiếm ác nhân, kẻ xấu nguy hiểm nào bó tay chịu trói vì quá buồn cười trước các hành động ngây ngô của siêu anh hùng.
Trên chiến trường, những sai lầm rất nhỏ cũng dẫn đến thương vong. Nên nếu các bạn thanh thiếu niên muốn lập công hoặc làm anh hùng thì cần phải rèn luyện chăm chỉ, kiên nhẫn học hành và nên có cố vấn giàu kinh nghiệm thay vì nhảy bổ vào thực thi công lý. Trong đời thực thì công lý và kẻ xấu không thể dễ dàng định nghĩa như trong sách vở. Đến Spider-Man còn chết hụt mấy lần huống chi là chúng ta- không có siêu năng lực và hào quang nhân vật chính.
Phần 2: Far From Home
Sang đến Far From Home, Spider-Man đã bớt tính hiếu thắng và không muốn làm anh hùng nữa. Cậu suy nghĩ chín chắn hơn nên chỉ muốn được sống cuộc đời của một học sinh bình thường. Nhưng số phận (hoặc đạo diễn và khán giả) đã đẩy cuộc đời cậu sang hướng phải đối mặt với kẻ phản diện: Mysterio.
Dù hơi khùng như hầu hết các kẻ phản diện khác nhưng tôi thấy Mysterio có tiềm năng trở thành siêu anh hùng không khác gì Bat Man hoặc Iron Man. Anh ta nắm bắt tâm lý con người tốt, biết tranh thủ sự hỗ trợ từ đội nhóm cùng các thiết bị công nghệ và có tài lập chiến thuật. Trên chiến trường, tôi nghĩ Mysterio là kẻ thù mạnh nhất của Spider-Man ở vũ trụ này. So với sự nông nổi của Spider-Man gà trống choai thì Mysterio cáo già (thậm chí qua mặt được cả Nick Fury).
Tôi nghĩ thông điệp dành cho các bạn thanh thiếu niên phần này là: “chọn bạn mà chơi” và nên đừng tin tưởng tuyệt đối vào công nghệ. Vì quá tin tưởng Mysterio, mà thực chất là tìm ra nơi trút gánh nặng do Tony Stark để lại, Spider-Man đã vội vã tự suy diễn rồi trao chiếc kính nắm quyền điều khiển hệ thống công nghệ cao cho hắn. Có lẽ người anh hùng trẻ tuổi thừa kinh nghiệm chiến đấu nhưng thiếu kinh nghiệm sống này không lường trước được rằng kẻ nguy hiểm thực sự không phải lúc nào cũng tự nhận hắn là kẻ thù.
Chiếc kính công nghệ cao cũng không quan tâm lắm đến nhân cách của người sở hữu nó. Vậy nên công nghệ cao chính là một dạng quyền năng mà ở trong tay những người chưa trưởng thành, nó sẽ tha hóa họ. Spider-Man còn sống nhờ hào quang nhân vật chính sau khi rơi vào chiếc bẫy được sắp đặt hoàn hảo của Mysterio. Siêu anh hùng của chúng ta suýt thì lên báo khi tự mình lao vào đoàn tàu điện (có lẽ cái chết ấm ớ của cậu sẽ lại được kết luận theo kiểu rất “teen” là do áp lực học hành, mâu thuẫn trong quan hệ với người lớn hay gặp rắc rối trong chuyện tình cảm).
Việc Spider-Man hạ gục được Mysterio là một trong những cái kết tôi thấy khá kỳ lạ. Có thể người nhện của chúng ta may mắn còn anh chàng phản diện này thì đen đủi. Nhưng về năng lực, dù thích Spider-Man thì tôi vẫn khó có thể công nhận cậu dành chiến thắng. Sự việc sau đó đã chứng minh điều này: Mysterio chuẩn bị phương án dự phòng cho thất bại của mình (điều mà Spider-Man không bao giờ làm vì tin vào vận may hoặc tin là cứ nguy cấp sẽ có đàn anh nào đó trong Avenger đến cứu hay chỉ đơn giản là việc đến đâu hay đến đó).
Mysterio dùng công nghệ giáng đòn kể cả khi đã chết: hắn công khai Spider-Man chính là Peter Parker, biến truyền thông thành vũ khí hữu hiệu của mình. Nếu xem phần 3, bạn sẽ thấy hắn đã thành công khi khiến Peter Parker “đăng xuất” trong ký ức mọi người.
Phần 3: No Way Home
Sau khi bị lộ danh tính thật, người nhện của chúng ta phải đối mặt với không ít vấn đề. Cậu nảy ra sáng kiến tìm đến sự trợ giúp của Dr. Strange. Người cố vấn này của cậu không theo hệ vật lý như Tony Stark mà theo hệ phép.
Nhưng dù là khoa học hay phép thuật thì cũng không thể tuyệt đối chính xác. Trong khi vấn đề có thể được giải quyết rất dễ dàng nếu Spider – Man chịu khó bớt thời gian bay nhảy để đọc, viết có lẽ cậu đã nói năng rành mạch và không tăng động xen ngang khi Dr. Strange thực hiện nghi thức.
Đây là điều tôi nhận thấy: dù là siêu anh hùng thì cũng vẫn cần học tập và việc học tập ấy nên bắt đầu từ những thứ căn bản. Spider – Man khá xuất sắc trong các môn học tự nhiên và phản ứng lanh lẹ của cậu cho thấy cậu tiếp thu tốt. Nhưng mọi việc sẽ chẳng là gì nếu những kiến thức cao siêu về vật lý lượng tử hay đa vũ trụ không giúp cậu diễn đạt đúng và đủ điều bản thân muốn- ngoại trừ việc ứng dụng toán học để trói Dr. Strange trong thế giới gương, người đang giúp cậu (hãy chăm đọc sách hơn nhé Người Nhện).
Đám ác nhân từ những vũ trụ khác bắt đầu kéo đến. Như mọi khi, thay vì giải quyết vấn đề thì Người Nhện của chúng ta lại tạo ra thêm vấn đề. Cậu có thiện ý muốn cứu người nhưng lại thiếu cân nhắc về bản chất của những ác nhân. Mặt tốt đẹp của Người Nhện chính là tin vào sự tốt tính của những người xung quanh nhưng lý tưởng ấy khiến cậu xa rời thực tế. Những kẻ xấu không phải ngẫu nhiên trở nên xấu hay hứng lên thì mới xấu: chúng có vấn đề khá lớn về đạo đức hoặc nhận thức và những vấn đề này không phải chỉ hình thành nên trong ngày một ngày hai. Ép buộc chúng ngay lập tức nhận thức được sự sai trái của bản thân là điều quá sức của cậu. Giống như một người cố tóm lấy con bọ cạp để giảng cho nó là không nên đốt người và ảo tưởng rằng bọ cạp hiểu họ đang muốn làm việc tốt nên sẽ không cắm cái đuôi đầy nọc độc xuống.
Dr. Strange đã lưu ý với Spider – Man rằng vũ trụ có quy luật của riêng và luật ấy không vận hành theo ý chí của con người khi chính bản thân họ còn chưa biết điều họ muốn có ý nghĩa thực là gì (tôi chưa rõ Dr. Strange có tìm đọc mấy sách về luật hấp dẫn hay luật tâm thức gì đó hay không?). Giống như một thử thách, siêu anh hùng non nớt thường là người đi quá giới hạn và phải trả giá bằng cuộc sống bình thường của chính mình. Trong hai vũ trụ còn lại, Spider – Man cũng phải chấp nhận việc mất đi bác Ben và người bạn gái MJ. Câu nói “quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng nhiều” dường như là chân lý trong mọi vũ trụ - đúng đắn như việc Dr. Strange khẳng định sẽ yêu bạn gái của mình ở mọi vũ trụ vậy.
Dù kết phim mang tính nhân văn khi chỉ có dì May lương thiện của cậu chết còn đám ác nhân có cơ hội sống tiếp để sửa sai (đám ác nhân này có lẽ trở nên cool ngầu hơn nếu sau đó viết tự truyện về cuộc đời hoàn lương rồi kiếm tiền tỷ, được ngợi ca, được mời đi truyền cảm hứng. Sau đó, vào một sáng tinh mơ trên du thuyền sang trọng, sau một buổi tiệc tùng rã rời đêm hôm trước thì họ giác ngộ mình đã ngốc nghếch như thế nào khi hờn cả thế giới) thì cuộc sống của Spider – Man cũng thay đổi hoàn toàn.
Tôi khá thích phân cảnh gần cuối phim khi cậu bước vào tiệm bánh với ý định gợi cho cậu bạn thân Ned và bạn gái MJ nhớ lại mình. Đó là một khung cảnh lãng mạn với tuyết trắng, quà tặng dịp Giáng Sinh. Spider – Man của chúng ta chải chuốt gọn gàng, viết sẵn những điều mình định nói (tiến bộ rõ rệt) bước vào quán. Thế rối cậu quan sát (thêm một tiến bộ đáng kể), cậu suy nghĩ (tín hiệu của người trưởng thành) và rồi cậu lựa chọn hành động một cách chắc chắn để không tạo ra thêm vấn đề nữa (Spider – Man của chúng ta đã thực sự trưởng thành). Cách nói chuyện của cậu với chú Happy trước mộ dì May cũng khác. Cậu nhắc chú quan tâm chăm sóc bản thân thay vì ba hoa không có trọng điểm như trước đây.
Trưởng thành có lẽ là một hành trình gian khó kèm theo mất mát đối với cả siêu anh hùng lẫn người bình thường. Nên trong đời thực, nếu chúng ta né tránh mọi gian khó, mất mát bằng việc liên tục đi chữa lành thì có lẽ, ngày ta trưởng thành sẽ còn ở rất xa.
Thay cho lời kết
Tuần trước bạn học sinh của tôi mới đi du lịch về. Bạn ấy mua được một bộ lắp ghép lego Spider – Man để bày trên bàn. Mỗi lần kể về Spider – Man tôi nhận thấy bạn ấy rất hào hứng. Tôi trân trọng công sức của các nhà sáng tạo khi xây dựng nên vũ trụ điện ảnh tuyệt vời, nơi các siêu anh hùng trở thành KOL cho người xem về nghị lực vươn lên và hướng thiện. 
Nhưng trong tương lai, tôi mong các nhà sáng tạo bắt tay thêm với các nhà giáo dục để sản phẩm dành cho thanh thiếu niên không thuần túy mang tính giải trí mà nên kèm theo những thông điệp giáo dục. Dĩ nhiên không phải theo kiểu giáo khoa hay rao giảng đạo lý, nhưng cũng đừng nên quá bất hợp lý và có khuyến nghị kèm theo. Dù hiếm hoi, nhưng tôi thực lòng mong không có thêm cô bé, cậu bé nào thử việc cho nhện cắn để trở thành người nhện như báo chí đăng tải.
Tôi biết là để tạo nên nội dung vừa hài hước, vui vẻ, vừa bổ ích, thiết thực không hề dễ. Tôi ngồi viết ở đây bao giờ cũng đơn giản hơn so với đoàn làm phim thực hiện. Dù không dễ nhưng trong thời đại này, hành động cao thượng ấy lại rất cần thiết. Bởi tôi nhận thấy trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay học từ hoạt động giải trí (đặc biệt là các hoạt động giải trí trực tuyến) nhiều hơn so với việc học trên trường lớp. Nên hình ảnh của một siêu anh hùng tuổi teen, có cách nghĩ, cách hành động giống các em có lẽ là yếu tố ăn khách đã được các nhà sản xuất tính đến- và diễn viên Tom Holland đã rất xuất sắc khi nhập vai vào một người nhện có bản sắc riêng. Nếu khai thác sâu hơn và diễn giải rõ hơn những bài học Spider – Man nhận ra trên hành trình trưởng thành của mình và bớt đi chút kỹ xảo khói lửa, chiến thắng bằng sức mạnh siêu nhiên mà không cần rèn luyện, chăm chỉ đi diệt người xấu nhưng không quên nỗ lực để bản thân tốt hơn thì có lẽ Spider – Man sẽ mang lại thêm nhiều ấn tượng đẹp.
Bài viết này là cảm nghĩ của tôi qua lăng kính giáo dục nên đôi chỗ sẽ mang tính suy diễn, sử dụng quan điểm cá nhân để giải thích cảm nhận chủ quan về series người nhện. Bạn nên trực tiếp xem phim để có trải nghiệm trọn vẹn vì dù sao đây cũng là một loạt phim phù hợp với mọi lứa tuổi và không nhàm chán.
* Nguồn ảnh trong bài được trích từ 3 phần phim Spider – Man: “Homecoming”, “Far From Home”, “No Way Home”.