Tóm tắt nội dung (theo Wikipedia)
The Social Network (Mạng Xã hội) là một bộ phim tâm lý do Mỹ sản xuất năm 2010, nói về sự hình thành của mạng xã hội Facebook. Kịch bản được viết bởi biên kịch Aaron Sorkin dựa trên quyển sách The Accidental Billionaires của Ben Mezrich và đạo diễn bởi David Fincher, với sự tham gia diễn xuất của Jesse Eisenberg trong vai Mark Zuckerberg, cùng với Andrew Garfield và Justin Timberlake.
Dù bị chỉ trích là thiếu chính xác về cá nhân Mark Zuckerberg cũng như quá trình thành lập Facebook, bộ phim được đánh giá rất cao về mọi mặt: đạo diễn, diễn xuất, dựng phim và đặc biệt là kịch bản.
Bộ phim đã giành giải cho phim hay nhất ở thể loại Drama và giải đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản hay nhất, và âm nhạc hay nhất tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 68. Ở giải Oscar lần thứ 83, phim giành ba giải Biên kịch, Dựng phim và Nhạc nền xuất sắc nhất.
Cảm nghĩ
Bộ phim có chủ đề xoay quanh một ứng dụng quen thuộc với hầu hết chúng ta: Facebook. Giống như không ít ứng dụng và các công cụ, phát minh khác từng xuất hiện, từng được con người sử dụng Facebook có mặt tích cực và hạn chế. Mặt tích cực và hạn chế ấy gắn liền với đặc điểm của người tạo ra nó: Mark Zuckerberg
Tôi tin bộ phim không thể truyền tải được chính xác những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng tình tiết trong phim cũng không hoàn toàn là vô lý nếu quan sát quá trình tăng trưởng của Facebook và tác động của nó đến người dùng. Có những sự thật dù được bo tròn các cạnh và mãi nhẵn các góc thì vẫn là sự thực trần trụi.
Kỳ nghỉ của những hacker
Chia sẻ thông tin là cách để chúng ta hiểu nhau hơn, nhưng cũng khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn. Vậy nên chia sẻ thông tin với ai, thông tin đó được sử dụng vào mục đích gì, những thông tin được hỏi có thực sự cần thiết cho tính chất của mối quan hệ giữa đôi bên, là điều mà người có lý trí nào cũng cần cân nhắc.
Nhưng sau một cú giáng mạnh mẽ vào cái tôi tuổi trẻ (bị cự tuyệt bởi cô bạn gái) chàng sinh viên Mark đã biến nỗi đau thất tình bình thường thành một hành động phi thường: lao vào thay đổi thế giới. Anh muốn tạo ra một nơi mà anh là chúa tể thay vì đợi được cho phép một hội nhóm danh giá nào đó để trở nên đặc biệt hơn để chứng tỏ bản thân.
Sự đau khổ, thêm một chút bi kịch, trí tuệ vượt trội, khả năng sáng tạo mạnh mẽ, trợ giúp tinh thần, vật chất kịp thời và dĩ nhiên, không thể thiếu “cây đũa thần công nghệ” đã giúp Mark chứng tỏ anh không phải là một người bình thường.
Trong tất cả các đoạn thoại với những nhân vật khác, Mark đem đến cho tôi cảm giác anh là một người sắc sảo, thích nắm thế chủ động và khó định nghĩa là bất lương cho đến khi anh tung cú lật lọng quyết định. Anh có lẽ thuộc về kiểu người trung thành với tư tưởng: hoặc cai trị con người hoặc bị con người cai trị.
Tâm trí của anh là những phép toán chính xác đến lạnh lùng, được tối ưu đến mức bất chấp. Có lẽ sát thủ John Wick còn giàu cảm xúc hơn chàng sinh viên có ngoại hình tưởng chừng vô hại này.
Ý tưởng của anh và người bạn phát ngôn thay anh ý tưởng đó: Eduardor Saverin đáng thương, là tạo ra một nơi họ có thể thoải mái chọn lựa người khác như lựa đồ trên kệ hàng siêu thị. Những người tham gia vào “The Facebook” sẽ tự nguyện dán nhãn, đóng gói bản thân để tung lên Internet cho người khác ngắm nghía, chọn lựa.
Họ không cần phải đánh cắp thông tin, mà thông tin người dùng sẽ được phơi ra trước mắt như mỏ vàng lộ thiên. Giới hacker hẳn sẽ ngưỡng mộ Mark với hành động “nghĩ ngược lại và làm khác đi” này.
Nụ cười lúc mở đầu phim của Eduardo Saverin đã tắt ngấm khi bước vào vụ kiện giành giật quyền lợi với Mark Zuckerberg. Anh ta có nhắc lại đôi chút về tình bạn quý giá giữa họ, nhưng có lẽ cả hai đều hiểu vụ kiện không phải để hàn gắn tình bạn mà để thỏa thuận về lợi ích.
Những vị luật sư trong phim phân xử rất điềm tĩnh và chuyên nghiệp (thậm chí tôi còn thấy nét mỉa mai trong nụ cười không phát ra thành tiếng của họ). Họ quá quen với kịch bản kiểu này: chẳng ai kiện cáo nhau lúc mới khởi nghiệp hay thuở hàn vi. Chỉ khi khởi nghiệp thành công và sự giàu sang ập đến, các cộng sự thân thiết một thời bắt đầu mới thay lòng đổi dạ, mới “nã” vào nhau những viên đạn thực sự khi lớp đường bên ngoài đã tan chảy hết.
Lý do thì nhiều nhưng mục đích thì chỉ có một:
Lợi nhuận
Trong khi Eduardor Saverin nôn nóng muốn kiếm tiền từ quảng cáo, Mark Zuckerberg chần chừ tìm thứ gì đó hiệu quả hơn thì Sean Parker xuất hiện. Từng trải, anh ta khôn khéo hiểu được tham vọng của Mark trong khi người bạn thân nhất Eduardor Saverin không hề hiểu.
Sau khi biết đối phương muốn gì, Sean Parker biết anh ta cần làm gì. Anh ta cần thay Mark gọi ra ước muốn đó và đã xuất sắc qua bài test để nhập hội. Mark cần người khác nói hộ điều mình muốn, vì anh thuộc nhóm tối ưu hành động, không muốn bộc lộ dã tâm. Nhờ kiệm lời nên anh tránh được khá nhiều rắc rối, lùm xùm ở giai đoạn đầu sự nghiệp và kể cả khi có thành tựu- khác với thói ăn chơi xa xỉ của “Sói già phố Wall”.
Họ bành trướng, dẹp hết các chướng ngại vật và thanh toán mọi rào cản (từng là nguồn lực thời kỳ đầu) từ người bạn duy nhất Eduardor Saverin đến anh em nhà Winklevoss.
Với Mark thì càng dễ cộng tác bao nhiêu thì càng loại bỏ đơn giản bấy nhiêu. Sean Parker bị cảnh sát bắt khi đang dùng chất cấm và Mark bình tĩnh đến khó tin khi chỉ nói rằng “Về nhà đi”. Mark tuy không tham gia bữa tiệc nhưng biết Sean ở đâu và làm gì.
Sean đã quá tự tin về độ từng trải của bản thân và đem kinh nghiệm ấy ra để ứng phó với một bộ não dị thường là Mark. Còn Mark thì không quan tâm đến nhưng khái niệm như “tinh thần đồng đội”, “sống có trước sau”. Anh thực tế đến tàn nhẫn và thường phụ người trước khi người kịp phụ mình. 
Vậy Mark có thành công?
Trí thông minh không cảm xúc
Mark Zuckerberg rất thành công. Anh có quyền lực không biên giới trên không gian mạng và có tài sản to lớn trong đời thực. Nhưng tôi thấy hình như anh lúc nào cũng giống như đeo một chiếc mặt nạ không cảm xúc.
Chi tiết duy nhất trong phim khiến tôi thấy anh có chút cảm xúc đó là lúc còn lại một mình, ngồi lặng lẽ trong căn phòng, Mark gửi lời mời kết bạn đến cô bạn gái Erica Albright năm xưa. Họ đã không thể làm người yêu và thậm chí là làm bạn, dù Mark có tạo ra Facebook chăng nữa.
Hình ảnh một chàng trai yếu đuối, làm tất cả chỉ để chứng tỏ bản thân, càng thành đạt thì càng cô đơn hiện ra. Mark đã rất thành công trong sự nghiệp. Nhưng cách đi đến thành công của anh đã khiến anh thất bại trong các mối quan hệ giữa người với người.
Nếu giữa người với người chỉ có trí thông minh mà không còn cảm xúc, thì xã hội sẽ không còn lòng trắc ẩn và những việc làm vô vị lợi nữa.
Những phép toán tạo nên những con số làm giàu cho Mark chỉ có thể giúp anh thành công, còn con người mới mang lại cho anh hạnh phúc. Theo như Einstein từng chia sẻ: "Không phải tất cả những điều quan trọng đều có thể đong đếm và không phải tất cả những điều có thể đong đếm được đều quan trọng".
Giá như có ai đó yêu thương, quan tâm đến Mark hơn. Để anh có thể sống đúng với tuổi trẻ của mình: đau khổ, vật vã, say xỉn khi thất tình để rồi sáng hôm sau lại tiếp tục sống như bao bạn bè đồng trang lứa khác, thay vì quyết tâm hủy hoại đời thực bằng thế giới ảo. Phim dừng lại ở hai vụ kiện, nhưng trong đời thực, chúng ta biết rằng số vụ kiện Facebook không dừng lại ở đó.
Thiên tài với tâm hồn đẹp là thiên thần. Thiên tài với tâm hồn xấu là ác quỷ.
Thay cho lời kết
Tôi tin để tạo nên thế giới Internet rộng lớn đã có rất nhiều người phải hy sinh. Đó có thể là những lập trình viên phải mang chứng đau lưng, đau vai gáy, dồn ép thần kinh để căng mắt viết nên những câu lệnh; đó có thể là nhà sáng lập nên các doanh nghiệp công nghệ với những ứng dụng cải tiến đời sống con người, hoặc nhà đầu tư tin tưởng vào tầm nhìn của các dự án- họ đều phải làm việc và chịu áp lực với cường độ cao hơn rất nhiều so với người thường mà vẫn có thể rơi vào tình trạng phá sản, trắng tay và nợ nần chồng chất.
Còn phải kể đến rất nhiều tài nguyên bị khai thác nhằm phục vụ cho chế tạo máy móc và sức khỏe của không ít công nhân bị hao mòn khi phải làm việc trong môi trường độc hại để lắp ráp nên những máy móc ấy.
Facebook đã mang tới rất nhiều điều và cũng lấy đi nhiều điều. Công nghệ cũng vậy. Trong phim, Mark đã được một vài thứ nhưng cũng mất đi những thứ khác.
Đến khi nào thì mối quan tâm đến những giá trị cơ bản, hiện hữu trong đời sống thường ngày như sức khỏe, môi trường, đạo đức, giáo dục mới được quan tâm hơn những tiến bộ về công nghệ? Đến khi nào thì ít hơn mới là điều nhân loại hướng đến, thay vì nhiều hơn?
Đó là một câu hỏi ngỏ, và câu trả lời không thuộc về các tập đoàn đa quốc gia, mà thuộc về mỗi chúng ta. Dùng công nghệ hay bị công nghệ dùng? đầu tư tiền bạc vào công nghệ đôi lúc có thể thu về tiền bạc, nhưng đầu tư thời gian vào công nghệ liệu có thể lấy lại thời gian? cũng là điều mỗi cá nhân suy ngẫm, nếu muốn chọn "viên thuốc màu xanh". 
“Mạng xã hội” là một bộ phim đáng xem để chúng ta có thêm những góc nhìn khác về hình ảnh của Mark Zuckerberg. Dù nội dung bộ phim không hoàn toàn chính xác, có thể khiến Mark Zuckerberg bị hiểu lầm và phủ định những khía cạnh tích cực trong con người anh. Tôi nghĩ nỗi ấm ức này là một “quả” mà Mark nhận về sau khi tạo ra “nhân” Facebook.
Nguồn ảnh: sưu tầm trên Internet