Trong những ngày nghỉ Tết, tôi được bạn thân gợi ý xem 2 bộ phim là “Khao khát thành công” (Hunger) và “Thực đơn bí ẩn” (The Menu). Mặc dù phim có liên quan đến chủ đề ẩm thực với hình ảnh các món ăn ngon lành, đắt đỏ nhưng nội dung lại không hề “dễ nuốt”.
Tôi cảm nhận hai bộ phim này có chiều sâu và kết nối với nhau ở một vài điểm nên quyết định viết chung bài cảm nhận để chia sẻ. Bài viết là cảm nghĩ chủ quan, hơn nữa thông điệp của phim có thể mang nhiều hàm ý và còn các chi tiết tôi chưa thể hiểu hết. Để thưởng thức trọn vẹn thì bạn nên dành thời gian xem phim.
Khao khát thành công (Hunger)
Bộ phim mở đầu với cảnh bếp trưởng nổi tiếng Paul chế biến món ăn trong vườn của một gia đình giàu có. Ông ta toát lên sự nghiêm khắc, chỉn chu trong từng chi tiết. Bếp trưởng Paul không hề che giấu sự tự mãn và quyền kiểm soát của mình với những món ăn ông ta được trả tiền để làm ra.
Trong phân cảnh hướng dẫn ăn tôm hùm ở đầu phim và cắt miếng thịt nướng trong bữa tiệc gần cuối phim, Paul luôn đứng ở vị thế cao hơn và nhìn xuống thực khách.
Tư thế này giống với cách chủ nhân cho vật nuôi ăn. Nhìn bề ngoài tưởng chừng tận tâm nhưng trong đó chứa đựng sự kiểm soát, khẳng định vị thế thông qua hành động ban ơn với sinh vật thấp kém hơn mình. Vì sao một bếp trưởng tài năng lại có phong cách sống kỳ quái như vậy? Bạn hãy xem phim để hiểu rõ hơn.
Bật mí một chút là cái tên “Hunger” (cơn đói) mà Paul lựa chọn làm thương hiệu cho thấy ông ta không coi con người là người khi họ đói. Paul coi đó là những con vật với bản năng nguyên thủy của mình- nhưng điều đáng sợ hơn là cơn đói của con người thì không bao giờ được thỏa mãn triệt để. Thức ăn không đơn thuần là để no bụng mà để chứng tỏ đẳng cấp, uy quyền và tài sản của họ trong xã hội. Họ luôn khao khát và càng ăn thì lại càng cảm thấy đói.
Sau những chi tiết ly kỳ về Paul, chúng ta sẽ quay sang với Aoy. Aoy là một cô gái trẻ kế thừa quán hủ tiếu xào. Giống như bao người trẻ tuổi khác, cô không hài lòng với cửa hàng bé nhỏ tràn đầy những vị khách bình dân, ngập trong mùi chiên xào. Cô khát vọng tìm kiếm cơ hội giúp mình trở nên đặc biệt. Chính cách nghĩ này của Aoy đã dẫn cô đến với Paul và Paul dẫn cô đến với thế giới ẩm thực của tầng lớp thượng lưu.
Đến đoạn này hầu hết chúng ta sẽ đoán mạch phim trở về lối truyền thống kiểu cổ tích là ở “hiền gặp lành”, “có chí thì nên”: Aoy khổ luyện rồi sau đó tài năng của cô được công nhận và cô trở nên giàu có, thành công, trên người không còn bốc ra mùi dầu mỡ nữa. Phim khép lại với hình ảnh Aoy thành công với nụ cười rạng ngời bên một chàng trai giàu có, thành đạt, yêu cô say đắm mà cô tình cờ gặp, luôn dõi theo ủng hộ cô vô điều kiện.
Tôi nghĩ may mắn là bộ phim đã không diễn ra theo hướng đó.
Vì như vậy thì toàn bộ thông điệp sâu sắc phía sau trở nên thật gắng gượng. “Khao khát thành công” không tập trung vào “thành công” mà tập trung vào sự khao khát của con người. Mong muốn vươn lên của Aoy không hề xấu nhưng điều xấu là cô không biết điểm dừng và kịp nghĩ đến cái giá phải trả cho sự vươn lên ấy: thành công chỉ để được đám đông công nhận năng lực nhưng bản thân lại luôn muốn phủ nhận năng lực của người khác.
Nguồn ảnh: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/hunger-590
Nguồn ảnh: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/hunger-590
Paul là kẻ đi trước, đã khao khát, đã trả giá và đã thành công. Thành công của ông ta là gì? bên cạnh danh tiếng và tiền bạc (hình như có chúng rồi thì ông vẫn giống công cụ hơn con người) là cách cư xử khắt khe với đồng nghiệp, sự kiêu ngạo pha chút hận thù âm thầm với những thực khách giàu có ông phục vụ và ngọn lửa trong căn bếp của ông không hề mang lại sự ấm áp. Nó trở thành ngọn lửa địa ngục thiêu đốt các sinh vật và tiền của những kẻ thích xa xỉ.
Khi bàn về tình yêu trong món ăn, Paul đã thẳng thắn phủ nhận quan điểm của Aoy. Ông không thể thấy điều ông không có. Với Paul, thực khách trả nhiều tiền để được phục vụ tốt và ông sẵn sàng nấu nướng vì tiền. Tôi cảm thấy hơi tiếc cho Paul, bởi ông là một nhân tài nhưng nhân cách của ông đã bị hủy hoại trầm trọng đến mức khó cứu vãn.
Aoy cuối cùng cũng nếm hương vị của thành công từ những lời tâng bốc và dĩ nhiên là cả những đố kỵ, thủ đoạn. Ở nơi mình muốn đến, cô nhận ra bản thân không thuộc về thế giới tàn khốc ấy. Mọi thứ đều được trả giá, theo quan niệm “thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”- phần nào đó Paul đã đúng. Vì Paul sống với tầng lớp đó ngay từ khi còn nhỏ, ông ta hiểu họ và những chiêu trò họ dùng. “Đặc biệt” không phải là lúc nào cũng long lanh và đỉnh cao cũng là nơi gần nhất với vực thẳm, hào quang chói lòa chỉ để không bị nhìn thấy những góc tối.
Những lời nhận xét và sự phê phán của kẻ lắm tiền, ngông cuồng không bao giờ chân thành, tất cả chỉ là xảo thuật để thỏa mãn nhu cầu: cơn đói.
Vậy nên tôi nghĩ màn đối mặt của bếp trưởng Paul và Aoy ở cuối phim không hẳn là một sự cạnh tranh. Mà như Paul nói, ông ta muốn dạy Aoy một bài học- nghe có vẻ hơi tự mãn, nhưng tôi tin Paul cảm nhận được Aoy là người tốt nên đã cố gắng cứu vớt cô theo cách của mình. Ngọn lửa của Aoy còn ấm áp chứ chưa bị tha hóa như ngọn lửa của Paul. Và một người biến căn bếp trở thành hỏa ngục đã là quá đủ.
Sự kiện đêm đó đã đẩy Aoy văng ra khỏi giấc mơ của cô về một thế giới sang giàu nhưng vẫn đầy ắp tình người, về niềm tin hạnh phúc chỉ đến khi cô thành công. Aoy quay lại với quán hủ tiếu nơi phục vụ những vị khách bình dân. Cô tự tin bắt đầu với những gì mình có- lúc này Aoy đã nhận ra thứ gì là của mình thì sẽ là của mình, còn thứ gì không thuộc về mình thì có cưỡng cầu cũng không được. Vươn lên không có nghĩa là buộc phải trở thành một con người khác, giành giật để được chú ý mà là chấp nhận con người thực rồi cố gắng hoàn thiện.
Bộ phim không đưa ra kết luận mà gợi ra cho người xem suy nghĩ về khá nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Một trong số những khía cạnh đó là đạo đức nghề nghiệp và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Vấn đề này sẽ được đẩy đến mức kịch tính kèm theo hành động cực đoan trong bộ phim “Thực đơn bí ẩn” (The Menu).
Thực đơn bí ẩn (The Menu)
Bộ phim này không phải là phần tiếp nối của “Khao khát thành công” mà hoàn toàn độc lập với cốt truyện, bối cảnh, dàn nhân vật riêng. Nhưng tôi liên tưởng đây có thể là một trong số những kịch bản mà bếp trưởng Paul bị cuốn vào nếu ông ta duy trì nếp nghĩ, nếp sống của mình đến cuối đời.
“Thực đơn bí ẩn” tập trung vào bữa tối tại nhà hàng độc quyền Hawthorn nằm biệt lập trên đảo do bếp trưởng Julian Slowik phụ trách. Đến tham dự bữa tối này là các vị thượng khách có tiền bạc và địa vị xã hội (dĩ nhiên hầu hết họ mang theo suy nghĩ thượng đẳng, kèm theo câu hỏi đặc trưng “Có biết tôi là ai không?”). Trong số đó có Tyler và Margot- đến đảo Margot mới biết mình chỉ là phương án thay thế vào phút chót của Tyler sau khi anh ta chia tay bạn gái.
Margot rất thẳng thắn và trung thực với bản thân. Phẩm chất này là điều khiến Slowik bị thu hút. Ông gặp riêng cô để tìm hiểu vì sao cô không ăn. Cô trả lời rằng món của ông quá cầu kỳ, khoa trương đến nỗi nó không phải thức ăn. Slowik lại hỏi tiếp cô là ai? như các thực khách thường lui tới đây, đáng lẽ ông sẽ nhận được câu trả lời hợm hĩnh về chức quyền, địa vị hay gia thế nào đó thì Margot chỉ đơn giản trả lời rằng cô là Margot.
Sau một chút bối rối thoáng qua, Slowik cho cô quyền lựa chọn và cô cũng là thực khách duy nhất có quyền chọn mà không phải tuân theo kế hoạch đen tối mà Slowik dành cho các vị khách đêm nay: ông muốn thiết đãi họ bữa tiệc cuối cùng trong đêm cuối cùng của cuộc đời.
Nguồn ảnh: https://thanhnien.vn/phim-kinh-di-dam-mau-the-menu-voi-ket-thuc-nghiet-nga-1851524557.htm
Nguồn ảnh: https://thanhnien.vn/phim-kinh-di-dam-mau-the-menu-voi-ket-thuc-nghiet-nga-1851524557.htm
Trong khi Margot suy nghĩ thì Slowik từng bước thưởng thức nỗi sợ của thực khách khi từng bí mật đen tối của họ bị tiết lộ qua hình ảnh in trên chiếc bánh ngô. Tiếp đó Slowik cũng tự thú nhận những tội lỗi để bị trừng phạt. Quá trình đáng sợ này diễn ra theo trình tự các món ăn được đưa lên. Nhưng khi thấy cái chết đã cận kề, các vị thực khách dần dần không còn cảm nhận được thú vui ăn uống hay thứ gọi là “nghệ thuật ẩm thực” nữa. Họ đã không ăn để sống, mà sống để ăn.
Đầu bếp Slowik tự nhận thấy mình có tội khi đã chiều chuộng theo sở thích này. Ông từng chấp nhận đánh đổi đam mê vì tiền, vì hám danh. Dần dần, ông đánh mất đi đạo đức nghề nghiệp của bản thân và niềm vui thuần khiết khi được nấu những món ăn ngon. Để chiều chuộng theo thói phù phiếm và sở thích khác người của những kẻ lắm tiền, trong nhiều năm trời Slowik cùng các cộng sự đã phải tuân theo kỷ luật, biến căn bếp thành một doanh trại và phức tạp hóa những thực phẩm tươi ngon thành những thứ xa hoa, mang tên gọi mỹ miều để có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Trong khi trên thế giới có những người chết vì đói, thì Slowik lại đang cố làm hài lòng những kẻ no nê. Khi làm những kẻ này hài lòng, chúng ban cho ông địa vị, tiền bạc, quyền lực trong nhà hàng. Tài năng của ông chưa bao giờ thực sự thỏa mãn chúng, chúng ngốn ngấu những gì ông nấu và hoàn toàn không quan tâm đến giá trị của món ăn. Ngày này qua năm khác, Slowik chứng kiến các món ăn tinh tế mình làm ra để cho những kẻ nông cạn nhai nuốt thay vì thưởng thức. Cuối cùng ông trở thành kẻ mình từng coi thường và cư xử độc đoán, đòi hỏi vô lý không khác gì chúng.
Nhưng Margot đã thẳng thắn với ông. Có lẽ đã rất nhiều năm ông mới nghe được lời nhận xét tuy cay đắng nhưng thành thực về điều bản thân đã làm. Đến cuối phim, tôi thấy một nụ cười bình an của Slowik khi nghe tên món Margot yêu cầu. Đó là một món ăn đúng nghĩa, để nuôi sống con người mà không phải nuôi dưỡng lòng tham, sự ích kỷ của họ.
Kết phim có lẽ sẽ khiến bạn hơi bất ngờ. Vì có những sai lầm có thể sửa chữa, một số sai lầm khác chỉ có thể sửa chữa với giá đắt và số còn lại thì không thể sửa chữa dù với giá nào.
Trong cơn tuyệt vọng, những kẻ đáng thương đã đề nghị Slowik đưa ra con số để chúng giữ lại được mạng sống của mình. Mặc dù vậy ngọn lửa, trong tình huống này đã biến đổi từ vị phúc thần mang đến ấm no trở thành tử thần không quan tâm đến con số hay địa vị. Quan niệm “thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” không phải lúc nào cũng hoạt động, đặc biệt là đối với những kẻ có trái tim đã bị thiêu rụi trong nỗi thống khổ như Slowik. Ông ta đã bán linh hồn một lần, nên không còn gì để bán nữa. Kết thúc chuỗi ngày của mua -bán, Slowik đã thanh toán xong món nợ.
Thay cho lời kết
Tôi nghĩ hành động ăn uống tiết lộ rất nhiều điều về con người. Khi được mời đến bữa tiệc linh đình, có lẽ chúng ta đều hiểu cử chỉ đó mang theo mục đích. Người đời thường quan sát, đánh giá và nhận xét nhiều về nhau thông qua miếng ăn. Việc ăn uống vì thế cũng trở nên mất đi ý nghĩa cơ bản mà trở thành một bài toán rối ren. Điều này không tốt cho tiêu hóa và đôi khi ăn trong sự toan tính làm mất đi hương vị, công sức của người chế biến, lãng phí nguyên liệu tốt.
Có lẽ nếu thế giới còn vấn nạn đói, nghèo thì những người có lòng nhân ái sẽ ít khi muốn nhắc đến những cụm từ như “nghệ thuật ẩm thực” hay “đẳng cấp sang trọng”. Tôi tin họ thận trọng khi biết khiêm nhường. Bởi bản thân họ và gia đình khó có thể sống hạnh phúc lâu bền khi xung quanh toàn là những người bất hạnh.
“Khao khát thành công” (Hunger) và “Thực đơn bí ẩn” (The Menu) là những bộ phim khiến người xem suy ngẫm. “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” nếu vẫn còn như vậy, liệu đã phải là con người có văn hóa?