Hoàng hôn buông xuống Tử Cấm Thành. Ở lối vào, một ông lão đang mua chiếc vé cuối ngày để xem ngai vàng. Khi nhìn thấy xung quanh không có ai, ông lão bước lên chiếc ngai vàng đó. Đột nhiên một chú bé chạy tới, nhắc ông không được làm vậy. Ông lão nói cho chú bé rằng ông có thể làm vậy, bởi ngai vàng từng là nơi ông ngồi. Trong lúc chú bé băn khoăn không biết có phải liệu ông già này đã mất trí hay không? thì ông lão đã mau chóng quay ngai, lôi ra từ phía sau đó một chiếc hộp đựng dế tặng cho chú bé.
Sau đó ông lão biến mất. Nhưng số phận của ông thì hoàn toàn không thể biến đi khỏi tâm trí của nhiều người, nhất là sau khi họ xem bộ phim “Hoàng đế cuối cùng” (The Last Emperor, năm 1987) của đạo diễn Bernardo Bertolucci. Bộ phim dựa trên cuốn tự truyện của cựu hoàng đế Phổ Nghi.
Người trên muôn người
Trong thời đại phong kiến, số mệnh của mỗi con người gắn liền với địa vị xã hội của cha mẹ và nơi chốn họ sinh ra (nếu điều này vẫn đúng ở hiện tại thì sự ám ảnh của chế độ phong kiến thật đáng sợ). Cá nhân ấy được ban cho mọi thứ (hoặc lấy đi mọi thứ) để giữ vững trật tự xã hội có lợi nhất cho việc củng cố quyền lực của tầng lớp cai trị. Phổ Nghi với các điều kiện: 03 tuổi, mang dòng họ Ái Tân Giác La, được Từ Hi Thái Hậu chỉ định là đã quá đủ để lên ngôi hoàng đế, trở thành người trên muôn người.
Chú bé bình thường này cũng giống với các chú bé khác: khóc lóc khi bị mang khỏi mẹ, thích quấy phá để được nuông chiều và nghịch ngợm. Cách nuôi dạy (thực ra cũng không mấy ai dám dạy bậc thiên tử) chốn cung đình đã biến cậu nhóc thành một ông vua con. Tiểu hoàng đế Phổ Nghi dần dần thích nghi cho vừa vặn với chiếc ngai vàng của mình.
Nhận thức của chú bé non nớt ấy về tầm quan trọng của bản thân được hình thành rồi củng cố theo năm tháng. Hình như ai đã làm vua rồi thì vĩnh viễn không thể quay về làm người thường được nữa. Chân dung của vị hoàng đế ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Tôi cảm nhận chỉ cần đối xử với ông vua như một vị vua thì ông ta sẽ rất dễ tính, thậm chí ngờ nghệch nhưng nếu đe dọa địa vị, thì ông ta sẽ trở nên hung hăng, thậm chí tàn nhẫn.
Thiếu tình thương và sự dạy bảo chân thành, Phổ Nghi vẫn làm hoàng đế. Hóa ra làm hoàng đế có nhiều kiểu. Có kiểu cần nỗ lực, đánh đổi xương máu nhưng cũng có kiểu chỉ cần sinh ra đúng thời điểm. Nhưng vị hoàng đế này dường như không có thực quyền ngoài việc sai khiến đám hoạn quan- với cái giá đắt đỏ khi chúng bòn rút của cải triều đình. Hoàng đế Phổ Nghi đã quá nhập tâm với vai diễn được trao cho ông.
Kể cả đến khi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành, ông vẫn chưa nhận ra vở kịch đã buông màn mà vẫn cố nán lại diễn tiếp để rồi đưa bản thân vào cảnh khốn khổ. Như các vị vua trước đây, trải dài từ Đông sang Tây, không bao giờ muốn thoái vị. Vua chúa muốn nhận được những nghi thức trọng thể đến trọn đời, thậm chí kể cả sau khi hết đời thì nắm xương tàn cũng phải gửi vào trong lăng mộ bề thế.
Vị vua hết thời
Điều khiến tôi thấy buồn cười và cũng dấy lên sự thương cảm là suốt những năm tháng thanh thiếu niên, Phổ Nghi luôn đòi được ra khỏi Tử Cấm Thành. Nhưng đến lúc bị mời (thực chất là đuổi) ra khỏi thì ông lại dùng dằng, lưu luyến. Đây là dấu hiệu cho thấy vị vua này chưa trưởng thành, chưa có bản lĩnh. Đời sống chiều chuộng, khép kín nơi cung cấm đã làm hỏng ông. Ngai vàng đã nhào nặn nhận thức của ông thành chủ quan và thiếu đi sự sắc bén với thời cuộc.
Làm hoàng đế là làm gì? Hoàng đế Phổ Nghi có lẽ chưa bao giờ tự hỏi mình về điều này. Dù đôi lúc ông cũng có hành động quyết liệt như đe dọa đám thái giám vì việc tham nhũng hoặc cắt phăng búi tóc đuôi sam phía sau. Nhưng loạt hành động thiếu suy xét ấy chưa thể hiện được khí độ của một bậc quân vương mà chỉ bộc lộ tính bốc đồng của một chàng trai mới lớn.
Vị vua hết thời này giống một người mộng du kiên quyết không thức dậy. Ông trở thành một tay chơi bên ngoài, tiêu pha phung phí và vẫn tin rằng mình sẽ trở lại làm vua. Sau khi nghe tin lăng mộ của tổ tiên bị phá phách, Phổ Nghi quyết định bắt tay với Nhật để được nâng lên làm hoàng đế của Mãn Châu quốc. Quyết định này sau đó đã biến ông (thêm một lần nữa) thành vua bù nhìn. Cuối cùng, sau khi quân Nhật thất trận, ông trở thành tội phạm chiến tranh bị giam giữ, cải tạo trong 10 năm.
Trong 10 năm tù tội đó, Phổ Nghi học lại những kỹ năng cơ bản của làm người như vệ sinh cá nhân, biết quan tâm đến người khác, cách buộc dây giày, trồng cây v.v. Sau khi được ra tù, ông sống với nghề làm vườn.
Vào một buổi chiều tà, như bạn và tôi đã biết, có một ông lão mua vé vào thăm quan Tử Cấm Thành. Ông lão ấy vẫn tin mình là vua và ông nói ra điều ông tin tưởng. Nếu không bàn đến đúng, sai thì lòng tin mãnh liệt ấy đã giữ cho Phổ Nghi còn sống. Ý nghĩa cuộc đời đến với chúng ta hoặc được chúng ta tạo ra theo những cách riêng của mình. Có lẽ đối với ông, ý nghĩa cuộc đời là làm hoàng đế- dù chưa rõ làm hoàng đế là làm gì?.
Cuộc đời bị giam cầm vĩnh viễn
Chiếc hộp dế mà tiểu hoàng đế Phổ Nghi nhận được năm xưa dường như là điềm báo cho cuộc đời ông: một cuộc đời tù túng chỉ biết gáy lên những tiếng nỉ non chứng minh cho sự tồn tại của mình, thi thoảng được lôi ra ngoài để mua vui cho chủ nhân.
Ông liên tục bị giam cầm trong cung điện, dinh thự rồi nhà tù và xuyên suốt tất cả chính là ký ức về những năm tháng vàng son. Dù sao ông cũng là một con người, con người hồn nhiên tin rằng mình là chủ nhân của những người khác mà quên đi rằng nếu chưa thể nắm bắt số phận của mình thì chẳng thể làm chủ nhân của ai khác.
Trong phim, ông có hai người vợ là Uyển Dung và Văn Tú. Một người đã đơn phương quyết định ly dị ông, dù ông không cho phép. Còn một người thì phản bội ông vì quá yêu ông nhưng ông thì chỉ yêu ngôi vị. Nỗ lực ngồi vững trên ngai báu đã khiến ông quên đi rằng: một con người thì không nhất thiết phải ngồi trên một chiếc ghế bằng vàng thì mới sống hạnh phúc.
Vị thầy giáo ngoại quốc Johnston cũng khiến cho tôi ấn tượng. Johnston khôn ngoan làm mọi việc đúng chức trách của mình. Ông lịch sự hoặc mỉa mai, thương hại nhưng cũng nhẫn tâm với Phổ Nghi khi tránh nói những điều Phổ Nghi không muốn nghe. Ông có phong cách chuyên nghiệp nhưng tôi cho rằng ông chưa hoàn thành sứ mệnh của một người thầy đúng nghĩa: đó là lòng can đảm để chân thành khuyên bảo những sai lầm của học trò. Trước khi ông rời khỏi Trung Quốc, cựu hoàng đế Phổ Nghi đã hỏi ông liệu mình có thể làm vua lần nữa không? Ông đã trả lời là có thể. Nếu như ông trả lời thẳng thắn hơn, nửa sau cuộc đời Phổ Nghi sẽ khác. Vì hoàng đế mang nỗi bất hạnh giống với các vị hoàng đế tiền nhiệm khác- không được nghe lời chân thật từ những người tưởng như thân cận nhất.
Phổ Nghi của nửa đời trước được hưởng vinh hoa phú quý nhờ số mệnh, thì nửa đời sau chịu đựng khổ cực, đắng cay cũng bởi số mệnh. Quen với sự định sẵn và tính lệ thuộc nên có lẽ ông không giỏi lắm trong việc đưa ra lựa chọn của riêng mình. Những năm tháng trong tù có lẽ phần nào đã giúp Phổ Nghi nhận ra sự phục dịch từ những nô tài, cận thần quanh ông ngược lại đã biến ông thành nô lệ và vật chủ cho họ ký sinh lúc nào không rõ.
Quãng đời thăng trầm của vị hoàng đế cuối cùng triều đại Mãn Thanh và chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc lặng lẽ khuất lấp như vầng mặt trời trong buổi hoàng hôn, mang vẻ hoài niệm thê lương, tiếc nuối.
Tôi không mấy thương cảm cho vị hoàng đế, nhưng lại thương thay cho ông lão cựu hoàng đế bé nhỏ phải mua vé vào thăm căn nhà cũ của mình, kèm những hơi thở cuối cùng còn phảng phất chấp niệm về ngôi vị. Màn kịch khép lại, khán giả đã về hết chỉ còn người diễn viên già tận tụy diễn vai cuộc đời sắm cho mình cho tới tận phút chót. Những sự kiện cá nhân này dường như cũng bộc bạch đôi điều về bản chất, thân phận con người.
Thay cho lời kết
“Hoàng đế cuối cùng” là một bộ phim dài gần 3 tiếng nói về một hoàng đế sống 61 năm để nếm trải vinh nhục trên nhân gian. Tôi nghĩ 3 tiếng cho một bộ phim là dài nhưng thực ra cũng lại ngắn như giấc mộng Hoàng Lương (giấc mộng Kê Vàng). Điển tích ấy như sau:
“Ngày xưa có Lư Sinh đi thi không đỗ, vào hàng cơm nghỉ chân. Có một lão già cho mượn một cái gối nằm. Lư Sinh ngủ và chiêm bao thấy đỗ tiến sĩ, làm quan to, vinh hiển hơn 20 năm, gia đình hưng vượng, con cháu đầy đàn. Tỉnh ra mới biết ấy chỉ là một giấc mộng. Nồi kê nhà hàng còn chưa chín. Ý nói giấc mộng đẹp và ngắn ngủi.”
Hình như đã là người thì ai trong lòng cũng có hoặc từng có ôm ấp một giấc mộng đẹp nào đó. Nếu sống trong cõi thực thiếu mộng thì buồn tẻ, nhưng sống trong cõi mộng thiếu thực thì viển vông. Hoàng đế cũng là người, mà là người thì ai cũng cần học cách làm người, trước khi làm hoàng đế.
Nếu lạm bàn một chút sang hoạt động giáo dục, thì tôi nghĩ sự chiều chuộng, bao bọc con trẻ thái quá nhưng lại không hướng dẫn về trách nhiệm, thói quen tôn trọng người khác là con đường ngắn nhất tạo ra những “ông vua con”. Những “ông vua con” này có lẽ sung sướng gấp đôi trong thời thơ ấu nhưng sẽ khổ cực và cay đắng gấp ba khi hòa nhập với đời.
* Hình ảnh trong bài được trích từ bộ phim “Hoàng đế cuối cùng” (The Last Emperor, năm 1987) của đạo diễn Bernardo Bertolucci.