Bộ phim hoạt hình này khai thác chủ đề về chứng khiếm thính bẩm sinh và tình trạng bắt nạt học đường. Nhưng kèm theo đó, tôi nhận thấy cũng có khía cạnh về tình bạn, tình người, khoảng cách do mâu thuẫn trong chính nội tâm con người, cũng như sự bất hòa giữa bản thân con người với thế giới.
Ở trường học, cậu bé Ishida tinh nghịch sống sôi nổi cùng bè bạn. Tuy nhiên, mọi thứ dần thay đổi khi trong lớp xuất hiện của một cô bé khiếm thính tên Nishimiya. Như mọi lần, cậu tìm cách trêu chọc cô bé để thỏa tính hiếu động, thu hút sự chú ý kèm theo những tràng cười tán thưởng từ bè bạn.
Dần dần, hành động này bị biến tướng trở thành hàng loạt trò bắt nạt ác nghiệt mà Ishida chỉ kịp nhận ra khi đã quá muộn. Quãng thời gian sau đó, Ishida phải trả giá rất nhiều để vượt qua sai lầm này, khi chính cậu phải gánh chịu nỗi đau bị xa lánh, không người bạn nào thấu hiểu.
<i>ảnh: tuoitre.vn</i>
ảnh: tuoitre.vn
Bạo lực học đường: ám ảnh nghiệt ngã
Mỗi lớp học là một xã hội thu nhỏ. Xã hội ấy được tạo nên bởi những học sinh không phải lúc nào cũng chỉ biết đến việc học tập hay tạo ra những kỷ niệm đẹp. Môi trường học đường tồn tại không ít vấn đề của một xã hội thực thụ, mà nổi bật nhất là tình trạng bạo lực học đường.
Quá trình khởi đầu của bạo lực học đường thường là những trò vui đùa, những câu nói ác ý nhắm vào những học sinh yếu ớt không có khả năng tự vệ. Dần dần, để tăng thêm sức hấp dẫn, cũng như thể hiện uy quyền trước các đầu óc non nớt khác, kẻ khởi xướng các trò đùa vô hại dần dần trở thành kẻ bắt nạt. Kẻ bắt nạt đó càng ngày càng sành sỏi hơn trong việc chọn con mồi, nghĩ ra nhiều trò độc hơn để hành hạ con mồi của mình. Nhân tính của học sinh đó cũng bị bào mòn lúc nào không hay.
Mọi thứ chỉ vỡ òa khi sự bắt nạt đó gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng: Nạn nhân chịu tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần còn kẻ bắt nạt hoặc bị sa ngã hoàn toàn sau khi bị đuổi học hoặc tiếp tục đi học trong hoàn cảnh bị xa lánh, kì thị.
Nếu những tổn thương của nạn nhân là hoàn toàn rõ rệt, thì thủ phạm cũng gánh chịu hậu quả không nhỏ. Ishida đã phải đối mặt với tình huống ấy: Từ một cậu bẻ khỏe mạnh, hoạt bát, là trung tâm của lớp học, cậu trở thành một học sinh sợ sệt, mặc cảm với quá khứ. Bước vào Trung học, Ishida sống âm thầm như cái bóng. Cậu ngại việc nhìn thẳng vào mắt người khác, sợ hãi lắng nghe tiếng nói vì lo rằng mình đang bị lên án. Thậm chí, cậu còn chuẩn bị cho bản thân kế hoạch tự sát khi sức chịu đựng đến giới hạn.
Xem đoạn này, tôi liên tưởng đến những bức tranh nhân - quả thường xuất hiện ở chùa. Con người gây ra nhân nào, thì họ phải gặt quả đó. Cũng có thể là kiếp sau và cũng có thể ngay trong kiếp này. Hành vi bắt nạt của Ishida đã khiến cậu phải nhận lại hậu quả ngay lập tức: Vì đối xử bất công với người yếu thế hơn mình, cậu bị đám đông đối xử bất công; vì bắt nạt bạn, câu không thể kết bạn; vì khiến người khác đau khổ, cậu phải chịu đau khổ.
Nhưng dù sao cũng may mắn cho Ishida, bởi quả báo đến sớm nên cậu kịp thời nhận thức, sửa sai dù hành trình này thật gian nan.
Mặc dù vậy, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có cơ hội chuộc lỗi như Ishida, hay được cứu sống đúng lúc như Nishimiya. Trong tình trạng hoang mang, trầm cảm, trẻ hoàn toàn có thể tìm đến cái chết. Đến khi người lớn phát hiện, thì mọi việc đã quá muộn.
<i>ảnh: Pinterest</i>
ảnh: Pinterest
Cái chết là kết thúc, không phải là giải pháp
Ishida và Nishimiya đều có ý định tự sát. Họ đã thực hiện hành động này như thể họ tin rằng đó là giải pháp cho tất cả các vấn đề. Tôi nghĩ chúng ta không nên vội vàng phê phán những con người suy nghĩ như vậy, bởi không riêng trẻ em, hoàn cảnh bế tắc cũng có thể khiến người lớn lầm lạc với suy nghĩ rằng: chết là lối thoát duy nhất.
Người ta không thể thoát khỏi đau khổ khi gây ra thêm đau khổ cho thân nhân xung quanh. Nếu Ishida và Nishimiya chết, gia đình của họ sẽ đau khổ, tuyệt vọng. Lúc đó, nếu phát hiện ra hành động tự tử là sai, họ cũng không thể sống lại để sửa sai. Bởi chết là con đường một chiều, chẳng ai chết rồi mà có thể trở lại.
Đã sinh ra trên đời, thì mỗi chúng ta đều cần phải đi hết quãng đời để tiếp thu những bài học cần thiết. Tự tử là lối bỏ học giữa chừng, mà người bỏ học giữa chừng thì sẽ mất đi cơ hội tốt nghiệp. Biết đến khi nào mới lại được làm người để trả hết những duyên nợ mà bản thân đã tích lũy?
Tôi thấy rằng các tôn giáo đều nghiêm cấm con người tự sát, bởi đó là hành vi bội bạc, trước hết là đối với chính bậc cha mẹ nơi trần thế, sau là đối với tạo hóa. Cái chết không phải thuộc quyền định đoạt của con người, vậy nên tự hủy hoại sinh mệnh của mình là ngang nhiên đi ngược lại ý muốn của tạo hóa.
Suy nghĩ tiêu cực, nỗi cô đơn, những tổn thương tinh thần, trầm cảm lâu ngày, sự thiếu hiểu biết về cái chết v.v… khiến Ishida và Nishimiya lao vào vùng tối của cái chết. Nhưng nếu theo dõi bộ phim, bạn sẽ thấy nếu họ chết thì họ mãi mãi trốn tránh trách nhiệm của mình.
Nỗi sợ hãi kết hợp với các suy nghĩ lệch lạc dễ khiến các bạn trẻ trong độ tuổi mới lớn- vốn đã rất nhạy cảm, mất đi lý trí. Nếu các bạn trẻ đang đọc bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa cái chết là kết thúc, chứ không phải giải pháp cho mọi vấn đề.
Đừng chọn cái chết để bỏ chạy, coi việc chết đơn giản như thoát khỏi một tài khoản trên mạng xã hội nào đó hay dùng cái chết của bản thân để dằn vặt những người thân ở lại- trong khi dư luận thì nhanh chóng vồ lấy nỗi đau buồn để một mặt thì bày tỏ sự thương xót, mặt khác lại đem ra bàn tán khi rảnh rỗi.
ảnh: Pinterest
ảnh: Pinterest
Ngôn ngữ của tình yêu
Viết đến đây tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, bởi tôi bắt đầu có thể thả lỏng bàn về các yếu tố tốt đẹp và tính nghệ thuật của phim.
Dáng hình thanh âm (Shape of Voice) giúp người xem hiểu được ngôn từ không phải là toàn năng. Vẻ đẹp của trí tuệ, trái tim con người cũng không phải bắt nguồn từ ngôn từ diễm lệ họ sử dụng.
Thậm chí, càng nói nhiều, người ta càng không hiểu nhau. Càng nói những lời làm tổn thương người khác, họ lại càng làm cho chính bản thân bị tổn thương. Đoạn phim Ishida chạm vào tay vin cầu thang khiến Nishimiya cảm nhận được rung động, giúp tôi hiểu ra điều gì thực sự kết nối hai tâm hồn.
“Điều gì xuất phát từ trái tim, sẽ đến được với trái tim”, Ishia không còn ồn ào, không còn mong muốn thu hút sự chú ý nữa, đó là lúc cậu sống thực với cõi lòng mình. Cậu hiểu ra hành động của mình sai ở đâu, nó gây ra nỗi đau khổ như thế nào cho Nishimiya, gia đình của cô, thậm chí là cả mẹ cậu. Toàn bộ sự tuyệt vọng chẳng thể diễn ra thành lời giúp Ishida hiểu cảm giác của Nishimiya hơn. Từ khi Nishimiya còn bé, cũng đau khổ, cũng cô độc mà chẳng thể diễn tả thành lời.
Có thể bởi đồng cảm, Nishimiya nảy sinh tình cảm với cậu.
Trong sự yên lặng, Ishida từ từ vượt qua mặc cảm để trưởng thành còn Nishimiya, đã trưởng thành ngay từ thời điểm cô không thù hận Ishida. Vậy mới thấy, không phải cứ ai có vẻ ngoài lành lặn tức là họ không có khiếm khuyết. Đôi khi, khiếm khuyết trong tâm hồn còn đáng lo ngại hơn khiếm khuyết về thể xác.
Nhưng dù là khiếm khuyết nào chăng nữa, chúng ta vẫn luôn có thể bù đắp bằng tình yêu thương bản thân, những người xung quanh. Từ sự yêu thương đó, mỗi người sẽ tìm ra cách chấp nhận chính mình trước khi chấp nhận thế giới.
ảnh: thanhnien.vn
ảnh: thanhnien.vn
Thay cho lời kết
Với tôi, bộ phim này là một tác phẩm nghệ thuật trên nhiều phương diện: hình ảnh, giai điệu, thông điệp, kịch bản.
Tôi ngưỡng mộ cách mà đạo diễn Yamada Naoko và các đồng nghiệp dựng phim. Dáng hình (hình ảnh) và thanh âm (âm nhạc) trong phim được chau chuốt tỉ mỉ, kết hợp ăn ý cùng nhau- điều này tạo nên nhịp điệu hài hòa. Mặc dù diễn ra với tiết tấu không quá nhanh, nhưng người xem cần tập trung theo dõi để hiểu được ý nghĩa của các diễn biến trong phim. Sự tập trung không cần đến mức phải trở nên căng thẳng mà thường có khoảng nghỉ để khán giả kịp thời cảm nhận dư vị lắng lại, như đang được sống cũng với cảm xúc của Ishida và Nishimiya.
Dáng hình thanh âm (Shape of Voice) có kết thúc vừa vặn. Khi nhân vật chính cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống như nó vốn là, trước khi cậu tự đánh mất mình, tự ngăn cách bản thân với niềm vui sống.
Nguồn: