Sau khi xem xong phim này tôi cảm thấy nó rất khó hiểu. Khoảng một ngày sau thì tôi nhận ra không phải 5 Centimet trên giây khó hiểu mà bởi phim đã gợi lại những điều tôi từng biết song chưa hiểu hết về tình yêu giữa con người với nhau.
 
5 Centimet trên giây là một bộ phim hoạt hình của Shinkai Makoto được ra rạp lần đầu năm 2007. Nội dung kể về đời sống tình cảm của Tono Takaki với các cung bậc cảm xúc như: rung động đầu đời, yêu đơn phương, chia ly và đơn độc trong lần lượt ba chương là Hoa Anh Đào, Phi Hành Gia5 Centimet trên giây. Phim cũng đã được chuyển thể thành tiểu thuyết và truyện tranh.
 
Cảm nhận ban đầu
Điều đầu tiên khiến tôi chú ý ở bộ phim này là có rất nhiều khung hình đẹp: Hình ảnh cây anh đào nở rộ, đoàn tàu lặng lẽ dừng lại trong bão tuyết, bãi biển lúc hoàng hôn, thành phố nhộn nhịp ánh đèn và đoàn tàu lướt qua giữa hai con người từng quen thuộc v.v… Màu sắc trong các khung hình ấy dù khá tươi sáng song vẫn có chút gì đó hoài niệm như được tô vẽ từ các kí ức có thực của đời người.

Cốt truyện của phim không có quá nhiều tình tiết gay cấn, nó chậm rãi và man mác buồn đến mức đôi lúc khiến người xem cảm thấy bức bối. Đặc biệt là phần kết phim khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi của Cửu Bả Đao. Một cái kết khiến người ta thất vọng vì nó lạnh lùng và thực tế quá. Trong khi, chìm vào phim ảnh là lúc tâm tư con người đang chán ngán với hiện thực nên họ muốn tìm chút an ủi để nâng đỡ cảm xúc mềm yếu trong lòng.
Tuy nhiên, vẫn đáng xem bộ phim này, bởi chưa bao giờ vé vào xem nỗi buồn lại giản đơn đến thế. Đối mặt với những dang dở trong lòng sẽ giúp mỗi chúng ta tìm ra lời giải cho chúng, hoặc chấp nhận chúng không bao giờ có lời giải.
Để cố gắng vui vẻ, ta giữ lại nỗi buồn trong lòng. Đến lúc ta đối diện với ưu tư trong lòng thì ta sẽ thật sự trở nên vui vẻ.
Đừng sợ nỗi buồn, bạn nhé. Nỗi buồn chính là một phần của bạn, còn bạn không phải là nỗi buồn mà còn có nhiều cảm xúc khác nữa.
Phía sau mỗi câu chuyện
Hoa Anh Đào là chương đầu tiên trong cuộc đời của cậu bé Takaki- chương đầu rực rỡ, tươi sáng gắn với hình ảnh của cô bé Akiri.
Đó là lần đầu họ trò chuyện cùng nhau về 5 Centimet trên giây là vận tốc của cánh hoa anh đào khi rơi xuống mặt đất. Tình cảm chân thành giữa họ khiến cả hai tin tưởng dù hoa anh đào rơi như tuyết hay tuyết rơi tựa cánh anh đào thì họ vẫn tìm thấy nhau.
Sau đó, họ quả thực đã tìm thấy nhau để rồi nhận ra không thể trao nhau bức thư đã chuẩn bị trước. Mọi chuyện tình chớm nở đã kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu.
Akiri tiễn Takaki bằng lời chúc vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống- đó là những gì họ có thể nói vào lúc ấy, mặc dù cả hai đều biết đó không phải điều trái tim họ thực lòng muốn nói ra.

Phi Hành Gia là chương số hai trong đời Takaki. Cậu học cấp ba trên một hòn đảo với bầu trời và bãi biển rộng lớn. Lúc này, Takaki vẫn chăm chú với thế giới nội tâm của riêng mình và soạn đi những tin nhắn không bao giờ gửi trên chiếc điện thoại di động.  Có lẽ cậu muốn mở nó ra để tránh cảm giác thấy nó đóng lại, song rốt cuộc bao nhiêu lần mở ra là bấy nhiều lần Takaki buộc phải đóng lại thêm lần nữa.
Chứng kiến sự luẩn quẩn, mơ hồ ấy là Kanae. Cô gái thầm thích Takaki đến mức luôn mong muốn được nhìn ngắm cậu. Thế nhưng, cũng giống như mặt biển nơi cô thường tập lướt sóng, Takaki sâu thẳm đến mức chỉ là những ngọn sóng vô hình mà mãi cô không thể nắm bắt.
Ngày chứng kiến chiếc phi thuyền bay vào không gian, Kanae định bày tỏ tình cảm dành cho Takaki. Thế nhưng, trong khoảnh khắc cô đã nhận ra cả hai thuộc về những thế giới khác nhau. Cô chấp nhận cùng lúc cả khoảng cách và tình cảm vốn luôn dành cho Takaki, trong nước mắt.
Bóng lưng Takaki khuất dần sau khi đưa Kanae về nhà.
5 Centimet trên giây là chương ba, chương cuối trong hành trình cảm xúc của Takaki, có thể sau đó anh không còn cảm xúc hoặc cảm xúc của anh sẽ luôn như vậy.
Bắt đầu công việc tại Tokyo đông đúc, Takaki cũng có những mối quan hệ mới. Với những người khác nhau, theo các cách khác nhau song kết thúc vẫn như nhau. Rốt cuộc chỉ còn lại anh chàng kĩ sư lập trình phần mềm sống đơn độc trong căn hộ của mình. Bỏ mặc cho công việc vắt kiệt sức lực và thời gian, bỏ mặc cho ngày tháng dẫn dắt đời mình.

Bỗng có hôm đang đi trên đường, Takaki ngang qua một phụ nữ, anh đột nhiên dừng lại. Họ bị ngăn cách bởi đoạn đường ray, tình cờ lúc đó xe lửa lướt tới giữa họ. Khi Takaki nhìn lại phía bên kia thì đã không còn ai nữa.
Anh biết Akiri luôn sống mãi trong tâm trí mình. Song anh không thể sống mãi với quá khứ mà cần tiếp tục mở lòng rồi tiến về phía trước.
Mỗi người lại trưởng thành ở những thời điểm khác nhau.
Còn lựa chọn nào khác?
          Tôi cảm thấy nam chính hơi yếu đuối và ủy mị. Thế rồi sực nhớ mình đang phán xét một con người thì tôi lại bật cười về sự ấu trĩ của bản thân. Con người đi phán xét con người thì đâu thể chính xác được cơ chứ?
          Đây không phải là một bộ phim hành động, cũng không phải một bộ phim truyền cảm hứng. Đạo diễn chỉ đang cố gắng giúp chúng ta sống lại miền kí ức đã qua với những dấu mốc đáng nhớ trong đời sống tình cảm bình thường.
          Bình thường là bởi bẩm sinh có cá nhân khí chất mạnh mẽ song cũng có cá nhân với tâm hồn mong manh. Họ cũng sống để tìm hạnh phúc của đời mình trong sự trọn vẹn hoặc mơ ước về sự trọn vẹn.
          Tôi thích một cái kết đẹp, có hậu hơn nhưng tôi biết không phải lúc nào sở thích cũng thực tế. Cuối cùng, tôi bằng lòng với bộ phim và cách mà bộ phim kết thúc. Vì dù sao, phim đã cũng mang đến cho người xem âm hưởng sống động trong lòng.
Trong hành trình hướng đến tương lai, đâu có thể loại bỏ hoàn toàn nỗi buồn và sự nuối tiếc trong cuộc sống, bạn nhỉ?  

Thay cho lời kết
          Trong cuốn Sổ tay nhà thôi miên II của Cao Minh, nhà trị liệu tâm lý từng nói: “Chỉ thần linh hoặc dã thú mới có thể sống cô độc”. Điều này cho thấy bản chất con người bình thường đã và luôn mang tính xã hội. Do đó, ai cũng có quá khứ và kí ức riêng, dù vui vẻ hay đau buồn, về những người xung quanh.
          Vấn đề ở đây chính là việc không có vấn đề nào trong cuộc sống mà chỉ có vấn đề trong cách chúng ta chấp nhận cuộc sống. Trong Bát khổ của nhà Phật có đề cập đến “Ái biệt ly khổ” tức là nỗi khổ của những người yêu nhau mà phải xa nhau hoặc không đến được với nhau. Đó là sự thực và cũng là hương vị của nhân sinh- nếu nếm trải rồi thì thấy trước đắng sau ngọt hay trước ngọt sau đắng cũng đơn thuần là thế.
        Chỉ cần tự thôi ràng buộc bản thân vào những dĩ vãng không thể buông bỏ, thì mỗi người đều cảm nhận được hạnh phúc. Trong khi ngắm hoa anh đào rơi hay nở, bông tuyết còn hay tan thì cũng vẫn tự tại. Vì tình yêu chân thành thì không chấp vào việc sớm nở tối tàn. Cuối cùng, ta hiểu ra rằng dù nhanh, hay chậm thì bắt đầu và kết thúc chỉ là thuận theo lẽ tự nhiên. Lý lẽ của trái tim thì luôn luôn thuộc về điều tự nhiên ấy.