Bộ phim kể về trận chiến của ba trăm chiến binh Sparta do vua Leonidas I chỉ huy trước một triệu quân của đế chế Ba Tư cổ đại. Nội dung này dựa theo trận Thermopylae trong lịch sử Hy Lạp.
Sau khi xem phần tóm tắt phía trên, hẳn các bạn đã hình dung ra đây là một bộ phim ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất và lòng yêu nước của các chiến binh Sparta- được miêu tả là hình mẫu chiến binh hiếu chiến, hoàn hảo và mạnh mẽ nhất thời cổ đại. Tôi nghĩ có một vài lý do khiến họ trở thành những Spartans khiến kẻ thù nào cũng phải khiếp sợ.

Môi trường sống khắc nghiệt
Nhiều người trong số chúng ta cho rằng, môi trường sống khắc nghiệt đồng nghĩa với điều kiện tự nhiên khách quan ở bên ngoài vô cùng khó khăn. Vậy nhưng môi trường xã hội không có chỗ cho sự mềm yếu, khoan dung hay nhân nhượng mới chính là yếu tố làm nên sự khắc nghiệt trong xã hội Sparta.
Dù là trẻ nhỏ cũng phải không ngừng nỗ lực đấu tranh để giành quyền được sống. Phương châm của nơi này là: sự sống chỉ thuộc về người xứng đáng.
Đó là nguyên nhân khiến trẻ em buộc phải từ bỏ vòng tay êm ấm của gia đình để đương đầu với khó khăn, thử thách rồi học cách sinh tồn do trực tiếp thần chết dạy bảo.
Quá trình khổ luyện đã tạo nên những chàng trai tuy tuổi đời còn trẻ song đã vô cùng quen thuộc với hiểm nguy và nỗi sợ hãi. Sự dày dạn này đã làm nên bản lĩnh của chiến binh. Bởi yếu tố hàng đầu của một lính chiến là tâm lý vững vàng- kĩ năng chiến đấu chỉ là công cụ tiếp theo trong tay họ.
Khi chế ngự được cái chết của bản thân thì các chiến binh Sparta đồng thời cũng chế ngự được cái chết do kẻ địch mang lại. Họ sẵn sàng chiến đấu đến cùng để hướng tới vinh quang sau cùng là bỏ mạng trên chiến trường sau khi đã tước đoạt vô số sinh mạng.
Người Sparta đã đánh trận là sẽ không bắt tù binh. Trận chiến sẽ kết thúc khi toàn bộ quân địch bị tiêu diệt.
Môi trường sống khắc nghiệt kiểu Sparta đã tạo nên một nhánh đặc biệt trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, đó là những con thú đầy sức mạnh song lại có trí tuệ của con người.
Tin vào bản thân và sẵn sàng chấp nhận hậu quả
Spartans có lý tưởng rất rõ ràng và tính kỷ luật cao, khác hẳn với quan điểm cho rằng họ là một chủng tộc hiếu chiến, man rợ.
Để mạnh mẽ và hợp nhất như là một cỗ máy giết chóc, họ không chiến đấu đơn độc mà cùng những người đồng đội có chung bản năng. Vua Leonidas là điểm hợp nhất tất cả bản năng hoang dã ấy lại để bổ sung thêm vào đó tính kỷ luật- trí khôn của dã thú.
Kỷ luật đó đến từ niềm tin vào bản thân của Spartans. Trong hoàn cảnh không nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ, đích thân Leonidas đã làm điều ông cảm thấy là đúng đắn. Khoảnh khắc ông đạp tên sứ giả của Ba Tư xuống giếng sâu cũng là lúc ông tin mình sẽ chiến đấu đến cùng, thay vì chấp nhận đầu hàng để đảm bảo quyền lực, quyền lợi riêng tư.
Sự nhất quán ấy kéo dài tận hơi thở cuối cùng của nhà vua. Ông khước từ mọi cám dỗ mà Xerxes mời gọi. Mặc dù nhìn từ ngoài vào, người xem có thể cảm thấy ông đang cố chấp và buộc những chiến binh đi theo mình phải chết một cách oan uổng.

Dù là nhà vua hay dân thường cùng đều quý trọng sinh mạng. Tuy nhiên, nếu còn sinh mạng ấy mà không có sự tự chủ, thì sự sống vay mượn cũng không còn giá trị nữa.
Xerxes nói rằng chỉ cần quỳ gối tuân lệnh là sống, thế nhưng Leonidas đã chọn đứng cho đến khi tiếng gầm cuối cùng của ông vang vọng đến tận sâu thẳm tâm hồn nơi toàn cõi Hy Lạp.
Khi Leonidas tin vào lựa chọn của mình, thì những chiến binh đi theo ông cũng tin ông. Cái chết và vinh quang đã làm nên số mệnh của ba trăm chiến binh Sparta.
Cản đảm song không liều mạng vô ích
Nhóm ba trăm chiến binh vốn được tuyển chọn rất kĩ càng. Leonidas biết rõ họ sẽ đi vào lịch sử sau trận chiến ấy, nên mong muốn rằng bất kì ai tham chiến cũng có con cái nối dõi để tự hào và tiếp nối dòng máu anh hùng trên mảnh đất Spatar.
Trận chiến quyết liệt tại hẻm núi đã thể hiện rõ tư duy của Leonidas khi đã biết cách “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” và “biết địch, biết ta”.
Điều ngạc nhiên là, ông vua chiến tranh này đã kiêm luôn chức trách của chiến lược gia cho toàn bộ đội quân. Trong cơn say máu, Leonidas vẫn nghĩ đến loạt diễn biến tiếp theo của trận chiến. Vào phút cuối, ông gửi Dilios trở lại quê nhà để hoàn thành cùng lúc cả việc công lẫn việc tư: Tiếp thêm sức mạnh và lòng can đảm cho người Hy Lạp, đồng thời khẳng định tình cảm của mình với hoàng hậu Gorgo cùng niềm tin đến cậu con trai sắp kế vị.
Bước vào cuộc giao chiến cuối cùng, ông không giết tên phản bội Ephialtes mà để hắn sống với sự thống khổ khi bản thân hành động bán đứng đồng bào đã quá đủ để chứng minh hắn không xứng đáng trở thành Spartans.
Đối với Xerxes, Leonidas để lại một vết sẹo trên gương mặt để nhắc hắn về sự hèn nhát của kẻ quen nấp sau sự hi sinh của binh lính và ảo tưởng hoàn mỹ của bản thân. Leonidas đã khẳng định Xerxes cũng chỉ là con người bằng xương, bằng thịt và dù đạo quân của hắn có mạnh mẽ, đông đảo đến mấy thì cũng không thể nào giúp hắn còn nguyên vẹn khi đã dám đối đầu với nhà vua của Spatar.
Cái chết của ba trăm chiến binh là cái chết tất yếu, nhưng cũng mang tính chiến lược cho chiến thắng của toàn cõi Hy Lạp. Vậy nên, lòng can đảm của họ không hề mù quáng, ngược lại còn rất sáng suốt khi quyết định đi theo nhà vua với tuyên bố: “ Các ngươi hãy ăn sáng cho tử tế, tối nay chúng ta ăn ở địa ngục”.
Trí tuệ của Leonidas cũng lạnh lùng như chính thanh kiếm ông nắm chắc trong tay. Dù ở địa ngục, ông vẫn sẽ được biến đến với tư cách vị vua đứng đầu ba trăm chiến binh thiện chiến.

Thay cho lời kết
Dù ở thời đại nào, thì khí chất chiến binh cũng giống nhau ở một điểm: Sự tự chủ vô cùng mạnh mẽ và ý thức rất sâu sắc số phận của bản thân.
Họ có thể chiến đấu để bảo vệ những điều tốt đẹp, họ có thể dùng sức mạnh để chống lại sức mạnh và họ có thể dùng cái chết để đổi lấy sự sống.
Lý tưởng sống của chiến binh là thứ nằm ngoài tầm hiểu biết của những người bình thường. Do đó, sẽ có đôi lúc tinh thần không chịu khuất phục hiện lên thật ương gàn, khó hiểu.
Người chiến binh thực thụ chỉ cần không hổ thẹn với lương tâm, không phí hoài sức mạnh vào chuyện vô nghĩa và có thể bảo vệ lẽ phải là họ đã đủ mãn nguyện.
Người sống đủ trọn vẹn thì thường không cầu sống lâu.