Một người anh của mình đã từng bảo mình là thấy giọng văn của Modiano hơi khó ngấm và hẹn nếu mình đọc xong thì nhắn ông ấy cái review để coi thì tèn ten, đây là rì viu cho anh L.
Mình cũng đọc qua vài bài review trên mạng thì thấy có bài viết hay, đi thẳng vào vấn đề rồi đề cập tới đủ thứ, cũng có bài khá "chuẩn mực" giống hệt một bài phân tích văn học cấp ba đọc thì hoa mĩ xong cuối cùng chẳng nhớ gì. Mình thì chọn kiểu viết gợi mở một ít thôi và mặc dù đây không phải kiểu tiểu thuyết trinh thám có plot twist các thứ thì mình cũng không muốn spoil quá nhiều chi tiết nên đọc bài này có thể thấy hơi úp úp mở mở một chút.



Một tối mùa đông lạc lối trong cửa hàng sách Nhã Nam, sau khi ngó nghiêng hết tất cả các loại sách vẫn hay đọc, mắt tôi bỗng dừng lại ở hàng sách của Patrick Modiano – Sempé, một nhà văn Pháp sinh năm 1945, một người khá có tên tuổi trong làng văn học hiện đại nước này dù có vẻ không quen thuộc với độc giả Việt Nam cho lắm. Sau khi xem vài quyển truyện ngắn của ông nằm gần đấy, cuối cùng tôi chọn mua “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”. Điều đặc biệt để tôi quyết định chọn nó nằm ở tấm bìa mỏng in chữ “Noben Văn học 2014”, một cuộc dạo chơi mới mẻ với cuốn sách đoạt giải thưởng có lẽ cũng không tồi cho khởi đầu năm 2020 nhỉ.
“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” lấy bối cảnh Paris những năm 1960 khi những xung đột chính trị và văn hóa đang đan xen và có những chuyển mình mạnh mẽ, ảnh hưởng đến con người ở Paris nói riêng và cả nước Pháp nói chung. Câu chuyện không chia quá rõ các phần mà chủ yếu liên kết với nhau qua bốn ngôi kể là bốn người hoàn toàn khác nhau ở mọi phương diện. Một sinh viên trường mỏ, một cô gái trẻ, một người tình của cô và một kẻ xa lạ vô tình cuốn vào cuộc sống của họ. Tất cả bốn người này đều gặp nhau tại quán cà phê Le Condé.
Ở Le Condé, chúng ta gặp được những người trẻ hay tụ tập cà phê và dường như chỉ nói chuyện phiếm. Có người là sinh viên, có người là bác sĩ, có người chẳng có nổi một thân phận. Dưới con mắt của người dẫn truyện thứ nhất, Louki dần dần thể hiện mình là nhân vật chính trong chuỗi mờ mịt này. Cô chỉ được nhắc đến với sự bí ẩn như một người bạn xã giao ta vô tình hay gặp ở quán cà phê và chẳng biết gì về họ. Cô có vẻ xinh đẹp và tri thức, cô hay ngồi một vị trí quen thuộc và có vài quyển sách để nhâm nhi. Hay chí ít đó là tất cả những gì “người đầu tiên” phát hiện được về cô.
Đến ngôi kể chuyện tiếp theo, một thám tử. Hắn đã ngoài 40 và có nhiệm vụ giúp chúng ta, những người đọc lẫn một nhân vật mờ nhạt khác trong truyện, khám phá Louki một cách cụ thể hơn. Ta sẽ đi theo nhân vật này qua những chuyến tàu muộn và nặng nề, xuyên qua vài khu dân cư u ám và gõ cửa nhà Louki, nơi cô được biết với tên thật là Jacqueline.
Jacqueline đã trải qua kha khá những dấu mốc cuộc đời một cách mờ nhạt và chẳng có gì đáng nói dù với hầu hết mọi người, đó có thể là những sự kiện thật sự quan trọng. Khi cô và người tình của mình được tự nói về bản thân, chúng ta sẽ chính thức bị cuốn vào trong cuộc sống của họ và sẽ nảy ra những cảm xúc khó gọi tên, kiểu cảm xúc giống như có gì đó lấn cấn và nghẹn ngào tại ngực trái nhưng cũng có thể nó chỉ là một cái thở dài đầy tiếc nuối về những số phận đáng thương. Với mỗi người đọc tôi nghĩ sẽ nảy ra một trạng thái riêng biệt khó định hình chứ không đơn thuần là cảm giác yêu ghét nhân vật tốt xấu như nhiều tiểu thuyết khác.
Câu chuyện có nhiều chi tiết xoay quanh cuộc sống đa dạng của họ và đột ngột kết thúc với một sự trọn vẹn về cảm xúc vui buồn cho những nhân vật trong truyện. Nhưng chính kết thúc đấy lại gây ra tiếc nuối cho người đọc. Chúng ta sẽ nhớ lại những chi tiết vụn vặt về cuộc đời Jacqueline và những thấm khổ, những nỗi cô đơn đi cùng cô từ tuổi niên thiếu đến lúc trưởng thành, cả những sự lạc lối lẫn những tương lai tươi sáng đã mong manh xuất hiện bên đời cô. Có thể sẽ buồn và hụt hẫng với vài người nhưng sau tất cả, ta dường như hiểu được rằng đây là kết thúc thực tế và quen thuộc nhất đối với những người trẻ như Jacqueline thường nhận được.
Nhìn chung về cả tác phẩm thì tôi không thấy quá khó đọc hay phức tạp như một số tiểu thuyết đoạt giải Noben từng đọc khác, có chăng là người ta thường không vượt qua nổi chương một để bước vào hành trình cô đơn này. Nên lời khuyên nhỏ của tôi ở đây là hãy kiên nhẫn vượt qua chương một dù nó chậm rãi hay khô khan đến đâu vì từ những trang sau, mọi thứ sẽ rõ ràng và sáng tỏ hơn nhiều. Lối kể chuyện chậm rãi và đi từ từng chi tiết nhỏ để phác thảo một bức tranh toàn cảnh của Patrick Modiano cũng khá quen thuộc với những ai hay đọc dòng văn cổ điển phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Có chút thú vị khi tôi thấy kiểu viết về người trẻ cô đơn của Modiano mang lại cảm xúc như đọc văn của Murakamy vậy. Hoặc vì tôi thích ông bác người Nhật quá nên đọc gì cũng thấy giống.
Dù sao thì cuốn sách thực chất dày có 200 trang thôi nên hi vọng bạn sẽ đọc và sẽ có những chiêm nghiệm riêng về tuổi trẻ và nỗi cô đơn. Hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo.