Người đua diều như một tác phẩm tự truyện của cậu bé Amir đến lúc trở thành một người đàn ông trưởng thành. Quá trình phát triển của cậu bé cũng chính là hành trình lịch sử của một đất nước thu nhỏ, với những biến cố xảy ra với mọi người xung quanh đã dạy cho cậu nhiều bài học về cuộc sống.
Câu chuyện bắt đầu bằng khung cảnh êm ấm của gia đình Amir, với Baba – cha của cậu, 2 cha con người Hazara Ali và Hassan. Biến cố xảy ra khiến tất cả vỏ bọc hạnh phúc vỡ nát, Ali và Hassan rời đi; một thời gian sau đó, Baba và Amir cũng rời khỏi đất nước để sang Mỹ. Ở Mỹ, Amir học đại học và viết văn theo đúng ước mơ ngày bé, kết hôn với một cô gái tốt, đạt được cuộc sống tốt đẹp hơn những đồng hương còn ở lại quê cũ. Giấc mơ Mỹ đã thành hiện thực, nhưng những sai lầm trong quá khứ của cả Baba và Amir đã đưa một Amir ba mươi tám tuổi quay trở lại quê hương. Và lần này, Amir không để hèn nhát phá hủy cuộc sống của mình thêm một lần nào nữa.
Nhiều nhận xét cho rằng đây là câu chuyện về tình bạn cảm động giữa hai đứa trẻ Amir và Hassan, nhưng cá nhân mình không nghĩ như vậy. Từ lúc nhỏ, Amir và Hassan đã thân thiết với nhau, nhưng trong suy nghĩ của Amir, Hassan vẫn chỉ là con trai của người giúp việc. Amir luôn cảm thấy xấu hổ khi mình chơi đùa với một cậu bé không cùng đẳng cấp, dù Hassan luôn sẵn sàng làm mọi việc cho Amir. Tình bạn từ thuở bé của hai người họ đã khập khiễng, cảm giác ganh tị luôn quanh quẩn với Amir. Cậu bé cho rằng Hassan mới là hình mẫu một đứa con mà Baba mong muốn – dũng cảm, trung thực, khỏe mạnh, biết tự bảo vệ mình.
Hassan đã luôn "vì cậu, cả ngàn lần rồi" nhưng khi Hassan cần đến sự giúp đỡ của Amir một lần duy nhất, Amir đã hèn nhát bỏ chạy, để Hassan một mình trải qua nhục nhã và đau đớn. Sự vị tha của Hassan càng dày vò Amir, nhìn thấy Hassan chính là hình phạt dành cho cậu. Bởi vậy, Amir đã sai trái tìm cách đẩy gia đình Hassan rời đi, mở ra bi kịch cho gia đình người giúp việc.
Về sau quyển truyện, Amir đã chuộc lại lỗi lầm của mình bằng việc cứu giúp đứa con của Hassan. Dù vậy, ngay từ đầu chàng trai không hề tự nguyện quay về quê hương. Chính chú Khalim – người đã luôn dõi theo Amir và những sai lầm của cậu và ba cậu - vào những ngày cuối đời, đã dành tặng cho Amir một món quà ý nghĩa hơn bất kì món quà nào cậu đã từng nhận được: cơ hội để sửa lại những sai lầm trong quá khứ của gia đình cậu.
Đối với mình, sai lầm với người này không thể được chuộc lại bằng việc đối xử tốt với một người khác. Những khốn khổ mà Hassan, ba cậu, vợ cậu và con trai cậu phải chịu đựng, không ai có thể thấu hiểu và sửa lại. Quá khứ không phải một trang giấy để ta xóa đi và thay bằng những điều tốt đẹp hơn. Những gì mỗi người đã trải qua là không thể nào quên được.
Những bất công xã hội, khác biệt giai cấp thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Dù đi đâu, không một ai có thể thoát khỏi số phận, giai cấp, thân thế mà họ có ngay từ khi sinh ra. Như Hassan, cậu đã luôn phải chịu đựng những bất công vì dòng máu của cậu. Ngay cả tình bạn cậu có, cũng chỉ một chiều và dường như quá xa xỉ.
Người đua diều là một tác phẩm đủ hay để đọc đến cuối, nhưng với số phận của nhân vật sẽ luôn khiến bạn day dứt. Người tốt luôn hành động chính trực, người hiền lành luôn quá chịu đựng, những người khổ cực luôn phải tiếp tục chịu đựng vất vả. Cuộc sống, không phải chỉ có màu hồng.
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và trong nhà


P/s: để xem thêm các bài review sách khác, các bạn có thể ghé thăm page Gặm Sách của mình.