[Review Sách]
Người Trẻ Trong Xã Hội Hiện Đại – Nhiều tác giả
Bộ sách “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại” là tuyển tập các nghiên cứu xã hội học – nhân học của nhóm Nghiên cứu SocialLife, do PGS.TS Nguyễn Đức Lộc làm chủ biên, gồm 3 tập sách: Tình cảnh sống của Người công nhân: Thân phận, Rủi ro, và Chiến lược sống (Tập 1), Người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, Trở thành, Khác biẹt (Tập 2) và “Người trẻ trong xã hội hiện đại” (Tập 3).

—-
Nội dung chính của Tập 3:
Các bài viết về sự chuyển dịch các hệ giá trị của người trẻ trong bối cảnh diễn ra những thay đổi lớn và nhanh chóng về kinh tế – xã hội, quá trình Toàn cầu hoá, Đô thị hoá, và sự phát triển của Khoa học công nghệ. Theo đó, đi cùng với những cơ hội mới mở ra cho người trẻ là những vấn đề mới phát sinh, song song với đó là một số xu hướng chuyển dịch giá trị như “cá nhân hoá” và “lý tính hoá”, tạo thành những sự va chạm về giá trị, bản sắc, những mâu thuẫn trong quá trình hình thành và diễn giải căn tính của người trẻ. Đối tượng mà các bài viết tìm hiểu tương đối đa dạng: những bạn trẻ làm freelancers, khởi nghiệp, làm lập trình, công nhân tại khu công nghiệp,…Các bài viết có kết cấu tương tự nhau và cùng xoay quanh ba chủ đề chính: “Rủi ro” – những cơ hội và thách thức của cuộc sống hiện đại, “Tan vỡ” – những cuộc đối thoại và va chạm của những “cái tôi phân mảnh” trong đời sống thật và đời sống số, dưới sự ảnh hưởng của các giá trị truyền thống và hiện đại, hay các luồng văn hoá và tư tưởng giờ đây đã không còn bị giới hạn bởi địa lý; và cuối cùng là “vượt thoát” – sự lựa chọn của mỗi cá nhân để giải quyết các mâu thuẫn nói trên: “Rủi ro hay tan vỡ không chỉ được xem như là những tai nạn gây ra những bất ổn trong một hệ thống hay trong một xã hội, trái lại, […] có thể đánh dấu một bước chuyển đổi những hệ giá trị cũ để kiến lập nên một hệ giá trị mới. […] mở cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những hệ thống giá trị đã trở nên cứng nhắc, lạc hậu, và là nguyên nhân dẫn đến những sự đứt gãy trong xã hội.”
—-
Mình tình cờ bắt gặp cuốn sách này trong nhà sách – cũng là bản cuối cùng còn lại trên giá sách lúc đó. Cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy nó là rất vui, vì lâu lâu mới thấy thấy có những nghiên cứu xã hội học, do người trẻ nghiên cứu và viết về những vấn đề của người trẻ, mà lại được xuất bản và bày bán trên thị trường thay vì nằm đắp bụi trên các thư viện (hoặc có thể do mình chưa tìm đúng nơi). Một lý do nữa khiến mình muốn đọc các bài nghiên cứu thay vì các bài viết phân tích hiện tượng trên báo mạng, từ các bloggers hay facebook – mà phần lớn là cập nhật theo ngày và theo trend – vì đó là kết quả của quá trình quan sát, thu thập dữ liệu trên cơ sở vận dụng các lý thuyết từ xã hội học, triết học, nhân học, vv… Quá trình phân tích cho chúng ta một điểm nhìn tương đối xa về mặt thời gian để có thể nhìn nhận các hiện tượng một cách khách quan, trong mối liên hệ với các hiện tượng và sự chuyển biến khác đã và đang cùng diễn ra.
Có thể vì là lần xuất bản đầu tiên nên các bài viết chưa thực sự được hoàn thiện ở chất lượng tốt nhất, nhưng vẫn gợi ra được nhiều chủ đề mới mẻ hoặc những góc nhìn mới mẻ cho những chủ đề quen thuộc. Mình nghĩ nó là một bài luyện tập để phân tích và thảo luận thú vị cho những ai quan tâm tới nghiên cứu xã hội học 
Một số bài viết nổi bật trong tuyển tập này (theo đánh giá cá nhân):
1) “Nghề nghiệp và mục tiêu cuộc đời” (Nguyễn Đức Lộc) Từ các số liệu khảo sát liên quan tới các lựa chọn về nghề nghiệp của thanh niên tại TPHCM, bài viết phân tích sự chuyển dịch trong việc lựa chọn giá trị sống của người trẻ, nổi bật nhất trong đó là xu hướng thay thế những quan niệm truyền thống coi trọng “sự ổn định”, “địa vị xã hội” bằng những giá trị liên quan tới “tự do”, “tự khẳng định mình”, hoặc những trào lưu ít phổ biến hơn nhưng cũng đang dần định hình rõ nét như “sống xanh”, “khước từ công nghệ.”
2) Hacker – Sự diễn giải căn tính trong trò chơi ngôn ngữ hậu hiện đại (Nguyễn Trung Hiếu). Tác giả gần như tạo ra một cuộc đối thoại giữa đại diện của hai cộng đồng “Hacker mũ trắng” (kỹ sư an ninh mạng) và “Hacker mũ đen” (xâm nhập các web hay hệ thống để lấy dữ liệu), cho thấy những sự đối lập trong cách mà mỗi bên diễn giải về mục đích của hành động hack hay “quy tắc đạo đức và hành nghề” của các hackers. Tác giả cho rằng những khác biệt về cách diễn giải này không chỉ là kết quả của lựa chọn của mỗi cá nhân mà còn phản ánh hai thái độ sống và hệ giá trị đối lập và đặc trưng cho thế hệ ngày nay. (Cá nhân mình thấy đây là bài rất thú vị, và ấn tượng nhất về cả nội dung, cách tiếp cận vấn đề, lập luận và phong cách viết).
3) Khám phá trải nghiệm mưu sinh và kiến tạo cuộc đời của nữ công nhân Khmer ở Bình Dương (Lê Anh Vũ): Thông qua so sánh trải nghiệm của nữ công nhân người Khmer ở mỗi thế hệ, tác giả chỉ ra ở những người trẻ tuổi một cách “vượt thoát” và tự khẳng định mình rất khác so với thế hệ trước, mà trong đó có sự đóng góp không nhỏ của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá cũng như các cơ hội mà mạng xã hội mang lại để người trẻ tự “kiến tạo bản sắc cá nhân.”