Một người sống tự do ở một đất nước hoà bình, liệu có hiểu được đau khổ của những người phụ nữ đang chịu đựng hàng ngàn sự hà khắc, đói khổ, chiến tranh ở một nơi nào đó trên thế giới?
Câu trả lời là có. Ngàn mặt trời rực rỡ đã lay chuyển suy nghĩ của mình từ Việt Nam sang đến Afghanistan.
Mạch truyện đưa đẩy nhân vật thế nào thì cảm xúc người đọc cũng xoay chuyển như thế. Nếu như phần đầu cuốn sách, cảm giác khó chịu, không chấp nhận được khi các nhân vật im lặng chịu đựng, tuân theo những tục lệ "không tưởng" nhưng vẫn tồn tại hàng ngàn năm ở đất nước Hồi Giáo này, thì phần cuối câu chuyện đã giải tỏa được phần nào. Có lẽ ở đâu, những người phụ nữ khi bị đẩy đến bước đường cùng, cũng sẽ tìm cách vùng lên. Việt Nam có chị Dậu, chị Hai Năm Tấn thì trong truyện, Mariam, Laila cũng tuyệt vời như vậy. Họ không thay đổi được tất cả xã hội, nhưng điều họ làm có thể thay đổi cuộc đời một ai đó, dù chỉ là chút ít, nhưng hạnh phúc, tốt đẹp hơn. 
Một điều khác rõ ràng chúng ta có thể nhận thấy qua các nhân vật phụ. Đúng là khi nhắc đến vùng Trung Đông, điều khiến người ta nhắc đến nhiều nhất là đói nghèo, bạo lực, chiến tranh. Những người phụ nữ luôn mặc trang phục kín mít và những người đàn ông chiếm thế thượng phong. Nhưng qua Ngàn mặt trời rực rỡ, chúng ta vẫn bắt gặp những người tử tế,  không phân biệt giới tính. Những người có tư tưởng tiến bộ chờ ngày đất nước hết rối ren.
"Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng toả sáng trên những mái ngói của nàng
Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng."
Ngàn mặt trời rực rỡ - một cái tên rất thơ, rất tình. Sau tất cả thương đau, ánh dương sẽ chiếu rọi để con người ta vượt lên mất mát, mạnh mẽ chạm tay với hạnh phúc.
Tác giả có lẽ gửi gắm mong mỏi đó.
Và mình cũng mong như vậy.