(Review "Mùi hương" - Patrick Suskind) Kẻ giết người hay gã lang thang cô độc?
Tác giả: Patrick Süskind Đức: Das Parfum: Die Geschichte einse Mörders Tựa Việt: Mùi hương: Chuyện một kẻ giết người Thể...
Tác giả: Patrick Süskind
Đức: Das Parfum: Die Geschichte einse Mörders
Tựa Việt: Mùi hương: Chuyện một kẻ giết người
Thể loại: Tiểu thuyết, Hư cấu, Thần bí, Magical Realism (chủ nghĩa hiện thực huyền ảo)
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Công ty phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản: NXB Văn học
" Mùi hương " (Das Parfum) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Đức Patrick Suskind xuất bản năm 1985. Khi cầm trên tay cuốn sách với dòng chữ " Lời đáp trả của châu Âu với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh" mình đã nghĩ chỉ là cách pro của nhà sách. Đem một tác phẩm đầu tay để đối trọng với một nền văn học của một châu lục vốn đã hoài thai nên những tượng đài vĩ đại có phải nói quá không? Nhưng mình đã nhầm! Bằng chứng là " Mùi hương " đã được giới phê bình đánh giá là một " hiện tượng văn học " với những thông điệp lớn từ câu chuyện một kẻ giết người ở Pháp. Và khi đã cuốn vào thế giới ma mị của " Mùi hương " ấy, chính độc giả là người kiểm chứng rằng sức hút của nó không đến và đi như mùi hương phù du, không lưu lại chút dấu vết nào. Thực sự là mình đã bị tác phẩm " bỏ " bùa mê!
Khi bắt đầu đọc " Mùi hương ", mình đã nhầm đó là câu chuyện trinh thám vòng vèo của một tên sát nhân, với khuôn mặt bí ẩn quái ác được ngụy tạo bằng lớp mặt nạ khéo léo, với những cảnh máu me ghê rợn và những dấu vết đầy cố ý thách thức. Nếu chỉ đơn giản là câu chuyện về kẻ giết người ấy, có lẽ "Mùi hương" không hơn gì những tiểu thuyết giật gân thị trường, và có lẽ nó đã phủi bụi trong góc chứ không được "sống" tới bây giờ.
Sức hút của "Mùi hương" với mình, không phải ở cấu trúc văn học hoang đường, tuyệt diệu của lối kể chuyện, ở thế giới ngôn từ tuyệt đẹp, ma mị. Mình yêu "Mùi hương" vì Patrick Suskind đã khơi mở được cái hộp đen bí ẩn của loài người: nỗi sợ. Sợ bóng tối ư? Sợ đói? Sợ rét? Những cái đó đáng sợ thật ấy. Nhưng nỗi sợ ấy còn có thể khắc phục đựơc. Có một nỗi sợ bản năng đã tồn tại sâu thẳm trong chúng ta, từ khi còn là một hình hài bé nhỏ tới lúc già nua nằm trên giường bệnh, nỗi sợ ấy gặm nhấm con người ta, nó có thể khiến một con người héo dần héo mòn. Nỗi sợ ấy đã bị Patrick Suskind nhìn thấu, ngòi bút của ông đã lách sáu vào tận cùng thế giới tâm linh của con người: sợ bị cô độc, sợ bị ném ra ngoài rìa xã hội, sợ không được mọi người chấp nhận. Bạn có dám khẳng định mình không sợ cô đơn không? Và sự cô độc thì còn ám ảnh kinh khủng hơn như thế!
Jean-Baptiste Grenouille là một kẻ CÔ ĐỘC. Hắn cô độc từ khi còn là một hình hài trong bụng, hắn sinh ra rồi cũng sẽ bị chính mẹ đẻ bỏ mặc trong đống ruột cá, sẽ bị hót đi, kéo sang nghĩa trang hoặc tống xuống sông. Có nghĩa là hắn đã được mặc định đã chết ngay khi bắt đầu sự sống! Hắn là kẻ cô độc tột cùng, thậm chí hơn cả khái niệm về sự cô độc, trạng thái cô độc ấy của hắn khó có thể diễn tả bằng lời, hơn cái giới hạn mà một con người có thể hiểu được.
Không ai nhận nuôi hắn, ba bà vú nuôi không bà nào chịu giữ hắn quá vào ngày. Cha xứ Terrier bao dung cũng muốn tống khứ của nợ này càng nhanh càng tốt, tông khứ ngay, ngay lập tức. Vì hắn dị tật ư? Hay hắn xấu xí? Không, hắn hoàn toàn bình thường, có đầy đủ mắt, mũi, tai, tay chân...thậm chí hắn có một bộ óc nhanh nhạy thông minh. Hắn khỏe gấp đôi gấp ba người khác, có thể làm hùng hục mà không kêu ca, mà có ốm đâu thập tử nhất sinh thì hắn cũng chẳng chết. Lẽ ra với đầy đủ đặc tính của con người như thế, hắn phải được yêu thương, hay đối xử tử tế chứ. Người ta ghê tởm hắn, không muốn đụng tới hắn, tránh hắn như tránh quỷ!
Chỉ vì hắn không hề có mùi hương!
"Nó chắng cho thế giới cái gì ngoài phân, không mỉm cười, không khóc, không ánh mắt và không cả mùi của chính nó."
Hắn có một khứu giác siêu phàm, có thể nhận biết mọi mùi hương trên thế gian này mùi hôi hám, kinh tởm,mùi hôi thối của đường sá, của phân chột, gỗ mủn, bệnh tật và cả con người,... ngàn vạn mùi hương đều nằm trong sự kiểm soát của hắn. Nhưng trớ trêu thay chính hắn lại không có một mùi hương nào. Dù là một chút ít, hôi hám, sú uế hắn đều không có. Đương nhiên hắn nhận ra sự ghê tởm ấy của mình, nó thôi thúc hắn tạo ra một mùi hương của riêng mình, và đó chính là khởi nguồn của chuỗi tội ác đáng sợ của kẻ sát nhân này.
Ngôn từ cuả Patrick Suskind đã dẫn dắt ta lạc bước vào thế giới của mùi hương. Ám ảnh. Mùi hương không đơn giản là cảm nhận của khứu giác. Có lẽ nó hơn cả mống mắt, vì ta còn nhìn ra được cấu trúc và lưu giữ nó. Còn mùi hương, phù du và tan biến hoàn toàn. Nhưng nó lại là danh tính của con người. Hàng trăm tỷ người không ai lẫn một mùi hương nào, dù cho có che đậy bởi hàng trăm loại nước hoa. Sự ám ảnh của mùi hương ở chỗ ấy. Không có mùi hương, không là con người, cũng không phải bất cứ loài sinh vật nào!
Tôi không nhìn ra sự máu lạnh trong hình ảnh kẻ sát nhân Grenuoille. Hắn là một nạn nhân. Một nạn nhân thảm hại, đau đớn nhất mà tôi từng gặp. Hắn là nạn nhân của nỗi sợ, nỗi cô độc. Nói hắn sợ, vì hắn không chỉ đánh hơi được hàng ngàn vạn mùi của thế gian, mà hắn đánh hơi được mùi "con người". Không có tội ác nào, không có sự che đậy đê tiện nào có thể qua nổi khứu giác của hắn. Thứ mùi hắn không thể chịu nổi, ghê tởm. Nói hắn cô độc, vì hắn nhận ra hắn không thuộc trong số bọn họ, hắn trốn chạy ròng rã khỏi thế giới loài người.
Bi kịch của Grenuoille, theo tôi, nằm ở chính sự phủ định bản thân của hắn. Hắn ngộ nhận rằng hắn không phải là họ. Hắn tìm kiếm một thứ mùi khiến hắn trở nên Vĩ Đại, và loài người sẽ yêu mến, à không, sẽ sùng kính, nâng niu, khóc vì hắn, quỳ móp dưới chân hắn. Hắn sẵn sàng làm mọi thứ để tạo một chiếc mặt nạ hoàn hảo, che đậy bản chất xấu xa của hắn mà không biết rằng còn bao kẻ như hắn, cũng đang khổ sở ngụy tạo lớp vỏ bọc cho mình. Sự lầm tưởng ghê tởm ấy đã gặm nhấm con người Grenuoille, và trong lịch sử, ta đã gặp bao kẻ lầm tưởng chính mình mà gây nên tội ác đáng bị quỷ nguyền nủa?
Nối sợ hãi, cái ác trong con người, bao giờ cũng thế, luôn thèm muốn cái thiện!
Con cóc ghẻ Grenuoille quyết tâm đánh cắp hương thơm của những thiếu nữ trẻ, thứ mùi hương được cho thơm nhất thế gian này. Thứ hương thơm trong vắt không chút bụi bẩn, tạp uế. Thứ hương thơm trinh khiết. Thứ hương thơm mà người ta phải quỳ rạp xuống tôn sùng, nâng niu, khóc vì nó. Bởi, thứ hương thơm ấy là cái thiện, cái mà con người thiếu nhiều nhất!
Từ một tên tội đồ, kẻ sát nhân, Grenuoille bước ra pháp trường như một thiên thần, toàn bộ những người có mặt đã quên vì sao họ đến đây, quên kẻ đứng trên kia đáng nguyền rủa ghê tởm thế nào. Họ quỳ rạp xuống chân hăn, khóc vì hắn, tôn hắn như một vị chúa. Tôi đã nghĩ, Grenuoille, mày có điều mày muốn rồi đấy, giờ thì mày sẽ làm gì? Sống như một đức thánh hoàng? Chà đạp lên những kẻ đã từng ghê sợ mày? Hạnh phúc tột cùng chưa? Kẻ sát nhân khi có được sự thỏa mãn hắn thèm khát, hẳn sẽ tự mãn lắm! Nhưng ngược lại!
" Trong lúc gã bước từ xe xuống quảng trường chói nắng, phủ trên người lớp nước hoa mà gã đã thèm khát cả đời và phải mất hai năm làm việc ròng ra mới có được, thứ nước hoa khiến người ta yêu thích...trong lúc gã nhìn và ngửi nước hoa ấy tỏa nhanh như gió, chế ngự mọi người quanh gã, không ai cưỡng lại được, thì cũng chính lúc đó tất cả sự kinh tởm đối với con người duồn cuộn lại trong gã, làm ô uế mọi vinh quang, khiến gã chằng những không thấy vui mà cũng chằng mảy may toại ý...Gã chợt hiểu rằng gã không bao giờ tìm thấy thỏa mãn trong tình yêu mà chỉ có thể trong thù ghét; ghét người và bị người ghét."
Nỗi sợ lúc này đã gặm nhấm hắn không còn gì. Nỗi sợ của một kẻ cô độc, dù được biết cảm giác được sùng kính, yêu thương. Cái họ yêu không phải là hắn, mà là thứ hương thơm ngụy tạo, khi nó tan biến, hắn lại trở về là kẻ vô danh tính, kẻ - bị - ruồng - bỏ, kẻ - ghê - tởm, kẻ- cô - độc -tột - độ. Sự hoang tưởng của hắn bắt nguồn từ nỗi sợ cô độc, đã biến hắn thành tên sát nhân đáng ghê tởm nguyền rủa nhất, giờ lại đá trả lại hắn.
Cuối cùng, tôi vẫn không trách Grenuoille, hắn chỉ là một kẻ lang thang cô độc! Một kẻ cô độc lầm tưởng về chính mình, muốn bộc lộ mình mà không thể. Jean-Baptisete Grenouille đã biến mất, không còn lại gì, dù chỉ một mảnh nhỏ, như chính thế giới phù du của hắn vậy.
Với những mã hóa hình tượng trong "Mùi hương", thế giới ngôn từ huyễn hoặc, tuyệt diệu, tôi không dám nói nhiều, vì đó thực sự là một công trình vĩ đại. Ám ảnh nhất, vẫn là gã Grenuoille cô độc thảm hại ấy, nó một lần nữa lại khơi sâu vào câu hỏi đau đáu bậc nhất của nhân loại : " Ta là ai?"
Không có cảnh máu me, không có bóng ma nào đeo bám chúng ta cả. Chỉ có một nỗi sợ, một nỗi hoang hoải ta vừa muốn chạy trốn vừa muốn tìm lời giải đáp : " TA LÀ AI ?"
18-6-2018
Mọi người có thể đọc thêm các bài viết của mình tại https://bookreviewslaw.wordpress.com
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất