[Review] Mouse - Liệu con của kẻ giết người hàng loạt có trở thành kẻ giết người hàng loạt không?
“Liệu bạn có sinh ra một đứa trẻ khi biết trước rằng nó sẽ mắc phải căn bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội hay không?”
Hắn ngồi bất động một góc trong nhà tù tăm tối, đôi chân co quắp và đôi bàn tay chắp lại đặt trên đầu gối. Hắn nhắm mắt, cúi gằm mặt xuống. Hắn đã ngồi bất động như thế rất lâu rất lâu. Trong bóng tối, những ký ức trầm luân của một kiếp người trở nên rõ rệt, sự uất hận, than trách, nguyền rủa của người đời dành cho hắn văng vẳng bên tai. Đau khổ, dằn vặt, hối hận bám víu vào hắn trong từng tiếng thở. Hắn lẳng lặng để cho cơn đau thể xác đang dày vò và lương tâm đang cắn rứt từng tế bào não bộ.
Cuối cùng, hắn không nhận được sự tha thứ từ những người hắn yêu quý.
Cuối cùng, hắn không có đủ tư cách để chuộc lại lỗi lầm.
Cuối cùng, con quỷ trong hắn đã chui lại vào hộp Pandora. Hắn quăng mạnh chiếc hộp xuống vực sâu của tâm trí. Tất cả đã muộn màng. Thời gian cho hắn đã hết.
Không biết hắn đã ngồi như thế trong bao lâu. Trời hửng sáng, những ánh nắng mềm mại tràn xuống một nửa người, phủ lên đầu, lên tai, lên đôi bàn tay đã gây ra bao tội lỗi của hắn. Hắn mở mắt, hướng ánh nhìn vô vọng về phía mặt trời qua song sắt nhà tù. Có lẽ ngoài kia là một ngày đẹp trời. Có lẽ ngày mai luôn ngập tràn ánh sáng và niềm hi vọng. Nhưng những điều đó không dành cho hắn. Tình yêu cũng vậy, hắn không xứng đáng yêu và được yêu. Quá xa xỉ với một kẻ tội đồ mang đầy tội lỗi.
Chúa đang trêu đùa hắn ư?
Không. Chúa đã lắng nghe lời thỉnh cầu của hắn.
Cuối cùng, hắn đã được sống trong hình hài con người.
Và…
Chúa cũng trừng phạt hắn.
***
Mouse mở đầu bằng một phát kiến mới của nhân loại: Con người đã có thể xác định ai mắc phải chứng bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội thông qua xét nghiệm DNA. Ở bối cảnh đó, mọi người đã phải đối mặt với một câu hỏi khó có thể trả lời: “Liệu bạn có sinh ra một đứa trẻ khi biết trước rằng nó sẽ mắc phải căn bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội hay không?”
Phức tạp, nặng nề và đầy ám ảnh
Mouse lôi cuốn và xây dựng twist ngay từ tập 1, có đến 1001 uẩn khúc dành cho khán giả đi tìm lời giải đáp, hứa hẹn diễn biến hấp dẫn trong những tập tiếp theo. Phần đầu của bộ phim cung cấp những thông tin vừa đủ để khán giả dấy lên nỗi nghi ngờ trong lòng họ, nhưng bằng nhiều pha bẻ lái và cua khét của biên kịch, khán giả không những nghi ngờ toàn bộ nhân vật trong Mouse mà còn tự nghi vấn chính bản thân mình. Và cũng có những phân cảnh vượt ngoài trí tưởng tượng của khán giả. Nếu được chứng kiến khán giả của mình tranh luận, đưa ra những suy đoán về tình tiết mới trong bộ phim chắc hẳn biên kịch Mouse sẽ hả hê lắm.
Mouse là một bộ phim trinh thám kinh dị, dài 20 tập (mạch phim chính là 18 tập + 2 tập đặc biệt), mỗi tập có thời lượng 1h-1h30 quá thừa thời gian để biên kịch có thể đặt khán giả lên bàn xoay và xoay họ theo hướng mình muốn một cách hoàn hảo. Mouse được đánh giá là kiệt tác phim trinh thám với những tình tiết mới mẻ, đặc sắc, cực kỳ sáng tạo. Bên cạnh đó, phim vẫn tồn tại những hạt sạn, nhưng tôi nghĩ rằng đối với một bộ phim được phát 2 tập/tuần trong khoảng thời gian dài và những tình tiết chính quá hấp dẫn sẽ khiến khán giả dễ dàng bỏ qua nó. Dù không phải fan của thể loại trinh thám, tôi vẫn quyết định chọn Mouse để kết thúc những ngày sống chậm của mình, để thấy cuộc sống vận hành một cách nhanh hơn. Tôi đã xem 20 tập phim chỉ trong vòng 3 ngày vì phim rất cuốn và hiện còn nhớ khá rõ các tình tiết trong phim.
Những phim trinh thám tôi xem chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi khá ngại review thể loại này vì rất khó nói lên cảm nghĩ của mình mà không hớ hênh về chi tiết liên quan đến hung thủ hay hình thức gây án. Sau Forgotten với cú plot twist quá đỉnh thì đây là bộ phim trinh thám thứ 2 mà tôi xem xong phải ngả mũ thán phục sự tài hoa của biên kịch.
Tuy nhiên, tôi sẽ mượn câu hỏi của tiến sĩ vật lý Yukawa trong Phía sau nghi can X để hỏi mọi người, câu hỏi đó là: “Việc tự mình nghĩ ra lời giải và kiểm tra lời giải của người khác đúng hay sai, việc nào đơn giản hơn?” Hãy trả lời câu hỏi này trước khi đọc tiếp nhé!
… Câu trả lời của bạn là gì? Nó sẽ quyết định bạn đọc tiếp hay nên đi xem phim rồi quay lại đọc tiếp, vì tôi sẽ spoil chi tiết của tập 5 - một trong những tập đỉnh cao nhất của phim. Để hạn chế việc spoil, tôi xin phép được gọi nhân vật mà mọi người xem là con quỷ là “hắn” như những dòng đầu tiên của bài review này.
Con của kẻ sát nhân hàng loạt có trở thành kẻ sát nhân hàng loạt trong tương lai không?
Câu hỏi này và câu hỏi ở phần mở đầu phim luôn song hành cùng với nhau xuyên suốt bộ phim. Để trả lời cho 2 câu hỏi này thì tất nhiên bạn phải xem phim rồi, nhưng hãy xem phim với một tâm thế khách quan nhất có thể và hãy xem thật tập trung để không bỏ lỡ chi tiết nào. Không có chi tiết thừa nào trong phim cả, dù đó là con chim, con chó, con mèo, con thỏ hay thậm chí là biết thêm ý nghĩa của con dê trong kinh Thánh để biết bộ phim được chăm chút kĩ lưỡng thế nào. Trước khi đi vào mạch chính, hãy đọc đoạn trích dưới đây, tôi tìm được khi nghiên cứu thêm về Chúa (một khái niệm khá xa lạ với tôi) và muốn chia sẻ nó với mọi người:
Ngày xưa, có một cụ già thường ngồi thiền bên bờ sông Hằng. Một buổi sáng, sau khi ngồi thiền xong, bà nhìn thấy một con bọ cạp đang trôi bập bềnh vô vọng theo dòng nước. Khi con bọ cạp bị sóng đánh lại gần hơn, nó bị mắc kẹt vào chiếc rễ cây tỏa rộng trên mặt nước. Con bọ cạp vật lộn điên cuồng để tự giải thoát nhưng càng cố gắng nó càng kẹt sâu vào bẫy. Ngay lập tức, bà lão đi tới chỗ con bọ cạp đang gần chết đuối nhưng khi vừa chạm vào người nó, bà đã bị nó cắn. Bà cụ già rụt tay nhưng, sau khi bình tĩnh lại, bà cố gắng cứu sống con bọ cạp một lần nữa. Nhưng, mỗi lần cố gắng, thêm một lần bà bị bọ cạp cắn đến nỗi bàn tay ứa máu và khuôn mặt méo xệch đi vì đau. Một người đi đường nhìn thấy bà cụ đang vật lộn với con bọ cạp đã hét lên; “Bà có làm sao không thế, bà cụ ngốc nghếch kia? Bà có muốn chết vì cứu con vật xấu xí kia không?”. Nhìn vào đôi mắt của người lạ, bà đáp: “Vì bản tính của con bọ cạp là cắn, vậy tại sao tôi lại chối bỏ bản tính của mình là cứu lấy nó?”.
Đây là một ví dụ khá ấn tượng - không nhiều người trong số chúng ta có thể đặt mình vào tình huống nguy hiểm như vậy để cứu sống một con bọ cạp. Nhưng chắc chắn là hầu hết tất cả chúng ta ở một thời điểm nào đó đều từng cảm thấy tiếng thúc gọi bên trong là hãy giúp đỡ một người lạ đang gặp khó khăn, thậm chí cả khi bản thân mình chẳng được lợi lộc gì. Và nếu chúng ta đã từng thực sự hành động như vậy thì cái chúng ta nhận lại thường là một cảm giác vô cùng ấm áp vì “đã làm được một điều gì đó đúng đắn”. Nếu chú tâm lắng nghe tiếng nói nội tâm mà đôi khi chúng ta gọi là lương tâm ấy, chúng ta sẽ thấy trong mỗi con người đều tồn tại sự thôi thúc sẻ chia tình yêu thương, dù cho chúng ta có thường xuyên cố gắng phớt lờ nó.
Trích “Ngôn ngữ của Chúa” - FRANCIS S. COLLINS (Giám đốc dự án giải mã gen người)
Bản chất của con người đều tồn tại sự chia sẻ yêu thương, lòng vị tha,.. Và thiêng liêng hơn cả chính là tình mẫu tử. Bà lão đã bất chấp bản tính của con bọ cạp là cắn mà không chối bỏ bản tính của mình là cứu lấy nó. Vậy một bà mẹ khi phát hiện ra con mình có gen rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ lựa chọn giữ hay bỏ đứa bé?
Trong thí nghiệm của tiến sĩ Daniel, chúng ta có thể xác định chính xác đến 99% một đứa trẻ có gen rối loạn nhân cách chống đối xã hội. 1% còn lại sẽ là gen của thiên tài.
Bà mẹ là vợ của Kẻ săn đầu người đã quyết định sinh con.
Bà mẹ là vợ của một cán bộ nghiên cứu cùng tiến sĩ Daniel cũng quyết định sinh con. Trong khi 2 người họ biết rõ rằng đứa trẻ trong bụng mình có gen rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Ai cũng tin rằng con mình thuộc 1% còn lại - gen của thiên tài.
Ai cũng tin rằng thí nghiệm đó đã sai. Mình hoàn toàn có thể nuôi dạy con trở thành một công dân tốt cho xã hội.
Tuy nhiên, khi 2 đứa trẻ lớn lên và chạm mặt nhau - một là bác sĩ lạnh lùng Sung Yo Han và một là cảnh sát newbie Jung Ba Reum, giữa họ đã xảy ra cuộc chiến sống còn. Một trong 2 người họ đã trở thành Sát nhân giết người hàng loạt như dự đoán của tiến sĩ Daniel ở đầu bộ phim.
Câu hỏi tiếp tục được đặt ra là: Bản tính của một đứa trẻ đã được hình thành từ khi sinh ra hay còn phụ thuộc vào môi trường, cách dạy con, tình yêu thương của gia đình? Liệu có con quỷ nào đã đội lốt trong hình hài một đứa trẻ hay do tác động của cuộc sống đã tạo ra con quỷ đó?
Biên kịch liên tục đẩy những câu hỏi, thắc mắc và nghi vấn cho khán giả, mỗi tập đều có cao trào, mỗi nhân vật đều có hint là những góc khuất, những hành động xấu diễn ra trong quá khứ, mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật khác. Khán giả chới với bơi trong những nghi vấn của bản thân và chỉ còn biết dùng phao cứu hộ là “xem tiếp phim” để giải thoát sự bức bách khó chịu khi chưa tìm được lời giải đáp cho các câu hỏi của mình. Tôi đã xem liên tục 6 tập đầu tiên “chới với” như thế. Nhịp phim phần đầu rất nhanh, nặng nề và u ám với quá khứ đau buồn của nhân vật cùng hiện tại ám ảnh với vụ án giết người liên hoàn. Rất nhiều cảnh bạo lực và nhiều xác chết đến nỗi chẳng thể nhớ tên hết tuyến nhân vật phụ này. Nặng nề đến nỗi tôi đã mơ thấy ác mộng 2 đêm liên tiếp trong quá trình xem Mouse.
Vụ án giết người liên hoàn “Phản - Thất đại tội”
Goo Mu Chi là một cảnh sát chuyên săn những kẻ giết người liên hoàn vì mối thù trước đây với Kẻ săn đầu người, hắn đã giết hại toàn bộ gia đình anh. Nếu nỗi nghi ngờ dành cho các nhân vật khác trong phim trở thành kẻ xấu đều rất lớn thì niềm tin khán giả dành cho Goo Mu Chi là nhân vật thuần chính diện chắc chắn quá bán. Đây cũng là nhân vật cảnh sát thông minh nhất phim và gần như gánh cả team cảnh sát (Vai trò của cảnh sát khá mờ nhạt trong phim, thậm chí sự hời hợt của cảnh sát còn được lên án khi đã phán quyết sai hung thủ trong một vụ án giết người hàng loạt xảy ra cách đây 25 năm).
Sự thông minh của Goo Mu Chi được thể hiện khi tìm ra tiêu chí chọn người để giết của hung thủ. Nhưng cuối cùng Mu Chi vẫn mắc vào bẫy của hung thủ đặt ra, khiến người anh của mình bị sát hại dã man ngay trên sóng truyền hình. Đó là dựa theo 7 câu chuyện ngụ ngôn tương đương với 7 đại tội: Đố kỵ (Envy), Tham lam (Greed), Phàm ăn (Gluttony), Lười nhác (Sloth), Dâm dục (Lust), Phẫn nộ (Wrath) và Kiêu ngạo (Pride)
Byun Soon-Young: Nạn nhân là người phụ nữ từ chối tiếp khách, lao động chân chính để nuôi con. Cô bị hung thủ đội mũ đỏ khi chết, liên hệ với truyện Cô bé quàng khăn đỏ - nói về "dục vọng" của con sói (con sói ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho những tên yêu râu xanh) -> Vì không chịu bán thân nên bị giết.
Na Chi-Kook: Bạn thân của Ba Reum bị lột sạch quần áo - liên hệ với truyện Bộ quần áo mới của Nhà vua, phê phán tính "tự mãn, kiêu ngạo". -> Vì quá khiêm tốn nhường công cho bạn mà bị giết.
Jo Mi-Jung: Nữ vlogger mukbang sau khi quay xong video thường nôn hết những thứ đã ăn ra, bị treo trong vườn nho, liên tưởng tới truyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho - bài học về tội ham ăn. -> Vì không ham ăn nên bị giết.
Giám đốc Kim: Người đàn ông vì rộng lượng cho đi hết tài sản của mình, bị giết vì 1 cái búa - liên hệ tới truyện Người tiều phu và chiếc rìu, dạy bài học về tính "tham lam". -> Vì rộng lượng nên bị giết.
Nạn nhân Jong Ho là công nhân làm việc chăm chỉ, liên tục uống cà phê để làm ca tối. Trong miệng anh ngậm 1 con châu chấu - liên hệ truyện Châu Chấu và Chú kiến - bài học về sự lười biếng. -> Vì quá chăm chỉ nên bị giết.
Kim Han-Kook: Đứa trẻ tội nghiệp không ghét người cha bỏ rơi mình. Do cậu bị dụ dỗ bằng những mẩu bánh mì nên Moo Chi liên hệ đến truyện Hansel và Gretel - cậu chuyện về 2 đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng. Tuy nhiên vì Han-Cook chỉ là mồi nhử dụ Mu Chi hiểu lầm hung thủ bắt cậu bé vì đã không phẫn nộ người cha bỏ rơi mình. Thực tế hint là chiếc mặt nạ dê ám chỉ câu chuyện ngụ ngôn Dê và Lừa (vì ghen tỵ Lừa được ăn ngon mà Dê hãm hại Lừa, cuối cùng lại bị người chủ giết chết để cứu Lừa) – bài học về lòng đố kỵ. Vì Han-Cook không đố kỵ với đứa trẻ có bố nên cũng bị giết chết.
Cha xứ Goo Mu Won: Là nạn nhân của kẻ Săn người Seo Jun, nhưng thay vì phải căm ghét hung thủ, Cha xứ lại chọn tha thứ cho hắn. Hành động vị tha này làm kẻ sát nhân chán ghét và chọn giết Cha xứ vì tội không phẫn nộ. Hành động nhét đá vào bụng Cha Xứ để liên hệ tới con sói trong truyện Chó sói và 7 chú dê con. Dê mẹ vắng nhà sói liền mò tới nhà dụ các dê con mở cửa rồi nuốt chửng chúng vào bụng. May cho chú dê út chạy thoát được đã mách với dê mẹ chuyện xảy ra. Căm giận con sói nên dê mẹ tìm tới con sói đang say ngủ sau bữa ăn, mổ bụng nó cứu các con rồi bỏ đá vào thế chỗ.
Hắn chọn giết các nạn nhân của mình vì họ quá tốt đẹp nên không xứng đáng được trở thành công dân trong thế giới mà hắn làm bá chủ. Vì căm hận Chúa không đáp lại yêu cầu của mình (không biến hắn trở thành quỷ) nên hắn từ bỏ lòng tin Chúa và trở thành Kẻ Phản Chúa - chính là đại diện cho hình ảnh Lucifer. Trong Kinh Thánh, Lucifer là đứa con đầu tiên của Đức Chúa Cha, là luyến thần (Seraphim) có quyền năng tối thượng nhất trên Thiên Đàng. Lucifer vì thế mà trở nên kiêu ngạo. Hắn bất mãn khi Chúa Cha bắt các thiên thần phải cúi đầu trước con người và Chúa Jesus – là Đấng cứu thế sinh ra để cứu rỗi nhân loại. Lucifer cho rằng loài người là những kẻ phàm tục thấp kém, từ chối tuân theo, kêu gọi các Thiên thần khác nổi loạn chống lại Thiên Chúa.
Cuối cùng hắn bị Chúa trừng phạt đày xuống địa ngục, trở thành Satan – Chúa quỷ địa ngục, cùng với 6 con quỷ là Beelzebub, Leviathan, Asmodeus, Behemoth, Mammon, Belphegor đại diện cho Thất đại tội kể trên. Vì thế mà trong Thất đại tội, tội Kiêu Ngạo được coi là tội lỗi nặng nề nhất. Kẻ sát nhân vô cùng thông minh nên hắn coi khinh tất cả con người đều hạ đẳng, nhất là những kẻ không phạm “thất đại tội” kể trên. Những người như vậy không xứng đáng xuống địa ngục - nơi cai trị của hắn và bị hắn tiễn lên Thiên đàng, về với phe Chúa.
Nếu việc phá thai được thông qua, liệu có hay không một Utopia lý tưởng khi không có những kẻ sát nhân rối loạn nhân cách?
Đó đã từng là ước mơ của tiến sĩ Daniel, là động lực để ông nghiên cứu ra xét nghiệm DNA có thể xác định được gen rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Bộ gen người chứa toàn bộ các ADN, mã số di truyền của sự sống. Trong buổi công bố bảng phác thảo chứa trong đó tất cả những chỉ dẫn về sự hình thành loài người, giám đốc Dự án Giải mã Gen người FRANCIS S. COLLINS đã phát biểu: “Hôm nay là một ngày hạnh phúc của toàn thế giới. Riêng với tôi, thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc khi biết rằng lần đầu tiên chúng ta đọc được cuốn sách chỉ dẫn về chính bản thân mình, cuốn sách mà trước đó duy chỉ có Chúa biết đến”.
Nếu Chúa sáng tạo ra con người, vậy lý do nào khiến Ngài tạo ra một con quỷ ngay từ trong bụng mẹ với sự sở hữu gen rối loạn nhân cách chống đối xã hội như vậy?
Trước hết, chúng ta hãy thừa nhận rằng phần lớn nỗi đau khổ của chúng ta và những người xung quanh là do chúng ta gây ra cho nhau. Chính con người chứ không phải Chúa đã tạo ra những khẩu súng, những quả bom, con dao, mũi tên… và tạo ra những cuộc chiến tranh. Chúng ta được trao cho sự tự do ý chí và khả năng làm những gì chúng ta muốn.
Nếu thế giới mất đi những kẻ sát nhân rối loạn nhân cách thì những người vô tội sẽ không phải gánh chịu cái chết. Điều này đúng! Nhưng thực tế liệu có hoàn hảo đến vậy?
Dù không có những kẻ sát nhân giết người biến thái, thì con người vẫn tự gây ra nỗi đau cho nhau bằng cách này hay cách khác. Thất đại tội vẫn còn đó, đố kỵ, ganh ghét, tham lam,... vẫn còn đó. Trong những tập cuối phim đã cho chúng ta thấy rõ rằng những con quỷ đội lốt con người, chúng nhân danh Chúa để tạo ra một Utopia nhưng nhìn xem chúng đã làm những gì để đạt được mục đích đó? Chẳng phải chúng cũng giết những người vô tội đó hay sao? Chúng có mang gen rối loạn nhân cách không vậy? Rõ ràng là không. Chúng vẫn là “con người”.
Và những động cơ kích hoạt việc giết người vẫn còn đó, chiến tranh thế giới vẫn có thể xảy ra khi con người vẫn còn những ham muốn, mong cầu, vụ lợi, ích kỷ… Lewis đã có một lập luận rất hay thế này: “Không phải con người sinh ra đã có ham muốn trừ khi tồn tại sự thỏa mãn các ham muốn ấy. Một đứa trẻ cảm thấy đói: vậy thì, có gì đó để thỏa mãn cơn đói của nó, đó là thức ăn. Một chú vịt con muốn bơi: vậy thì, có gì đó để thỏa mãn mong muốn của nó, đó là nước. Con người sinh ra đã có ham muốn tình dục: vậy thì, có cái gọi là tình dục. Nếu như tôi cảm thấy bản thân mình có mong muốn mà không tìm thấy sự thỏa mãn nào trong thế giới này, lý giải hợp lý nhất ở đây là có thể tôi đã được sinh ra dành cho một thế giới khác”. Ham muốn được giết người, tức là có người thỏa mãn những điều kiện đáng bị chết như nhận được sự căm thù, sự tham tham, sự đạt được lợi ích,... của kẻ giết người. Bên cạnh đó vẫn còn vô số những động cơ giết người khác trong một xã hội vô cùng phức tạp.
2 đứa trẻ mang gen rối loạn nhân cách ngày nào đã bị chính những con quỷ đội lốt người lợi dụng để chúng đạt được động cơ của mình chứ không phải chúng mong muốn thế. Hầu hết những người tự cho mình là người lớn, người mẹ, người cha đã có những cư xử không đúng đắn, hành vi sai lệch dẫn đến hệ lụy về sau. Con quỷ đã ăn nốt nhân tính của đứa trẻ thiếu đi tình thương yêu và chịu sự vô tâm, lạnh nhạt của xã hội. Thủ thuật vĩ đại nhất của con quỷ là thuyết phục mọi người rằng nó không tồn tại.
Trong trường hợp của mình, tôi nhận thấy, cho dù lờ mờ, rằng việc con gái tôi bị cưỡng bức là một thách thức để tôi có thể hiểu ý nghĩa thực sự của việc tha thứ trong một hoàn cảnh hết sức ngang trái. Thành thực mà nói, tôi vẫn đang cố gắng thực hiện điều đó. Có thể, đây cũng là một cơ hội để tôi nhận ra rằng tôi thực sự không thể bảo vệ nổi con gái tôi khỏi đau đớn và khổ sở, tôi phải học cách trao trách nhiệm đó cho sự quan tâm đầy yêu thương của Chúa với nhận thức rằng điều đó không phải là để dọn đường cho tội ác mà là một sự đảm bảo rằng những đau khổ của các cháu không phải là uổng phí. Thực vậy, con gái tôi đã nói rằng, trải nghiệm này cho nó cơ hội cũng như động lực để khuyên nhủ và làm an lòng những người cũng lâm vào tình cảnh tương tự. - Trích "Ngôn ngữ của Chúa"
Hãy nhìn nhận theo góc nhìn khách quan và tích cực hơn với mọi sự việc xảy ra. Ví dụ ở trên khá thiết thực về việc con người buộc phải đối mặt với những việc đã trải qua và rút ra được bài học từ nó. Trên thực tế, nguyên lý của sự trưởng thành thông qua đau đớn gần như rất phổ biến trong tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới. Chẳng hạn, Tứ Diệu Đế mà Đức Phật dạy trong bài thuyết pháp ở Vườn Lộc Uyển bắt đầu với câu “Đời là bể khổ”. Đối với những tín đồ đạo Phật, việc nhận ra điều đó lại có thể chính là cội nguồn cho sự giải thoát lớn lao.
Trong phim, nếu không có kẻ săn người liệu Bong Yi có nhận ra tình yêu bao la và sự dằn vặt cả đời của bà nội về lỗi lầm đã gây ra cho cô hay không? Nếu không từng trải qua đau khổ thời thơ ấu liệu có một Bong Yi nào đó sẽ cứu giúp đứa trẻ sắp bị ấu dâm hay không? Liệu Goo Mu Chi có thôi căm phẫn anh ruột mình vì đã tha thứ cho kẻ sát hại cả gia đình mình? Liệu sau cùng, họ có học được bài học về sự tha thứ và giải thoát bản thân khỏi những nỗi đau trong quá khứ để trở thành người hạnh phúc trong tương lai?
Tiếp tục sống và cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống mình đáng được hưởng hay chìm đắm trong hận thù và dằn vặt?
Mouse sử dụng chiếc loa để thức tỉnh một thế giới đang điếc
Trong Mouse có 3 tuyến nhân vật rất rõ ràng: Chính diện, Phản diện và những kẻ phản diện nhân danh chính diện ( hay còn gọi là quỷ đội lốt người)
Cảnh sát Goo Mu Chi lớn lên cùng nỗi đau, sự tổn thương sâu sắc khi chứng kiến cảnh bố mẹ bị sát hại. Bong Yi có một tuổi thơ đầy ám ảnh và đau khổ khi bị kẻ xấu làm nhục trong một lần vâng lời bà đi mua rượu. Bác sĩ Yo Han từng bị bạo lực học đường suýt mất mạng vì mang danh con của kẻ giết người biến thái. PD Choi từng bị Kẻ săn đầu người bắt cóc và bắt phải tham gia vào vụ giết người của hắn, vì tội lỗi nên trải qua nửa đời người cô không dám nhận bố mẹ.
Cậu bé Jae Hoon cũng phải chứng kiến cảnh gia đình bị sát hại, thiếu vắng tình cảm gia đình, bạn bè xa lánh, thầy cô nhìn như một kẻ lập dị. Dù không phải kẻ giết hại gia đình mình nhưng do sự bất lực của cảnh sát thời bấy giờ không tìm được hung thủ mà người đời vẫn xem cậu là kẻ máu lạnh. Trong khoảnh khắc bất lực đến cùng cực, cậu chỉ biết tìm đến Chúa và cầu xin đừng biến cậu thành con quỷ.
Thế nhưng, có một con quỷ thực sự lẩn khuất trong hình hài đám đông. Con quỷ cho mình quyền phán xét và định tội người khác. Thậm chí, nó lợi dụng uy quyền của mình để thí nghiệm trên con người.
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người nhưng vẫn luôn tồn tại bạo lực, ghen ghét, đố kỵ,... những lỗi lầm của người lớn con trẻ phải gánh chịu và trực tiếp bị tổn thương.
Học đường là cái nôi nuôi dưỡng đạo đức con người nhưng giáo viên thờ ơ, ghẻ lạnh, chạy theo thành tích mà ghét bỏ những học sinh cá biệt; những đứa trẻ được xem là con của gia đình gia giáo mẫu mực trong xã hội thì buông lời độc ác, cay nghiệt lên chính người bạn cùng trang lứa với mình. Chúng xem mình là giống loài thượng đẳng và có quyền phán xét những người đơn độc, yếu thế.
Đồn cảnh sát là nơi công lý được thực thi thế nhưng vẫn tồn tại những lỗi lầm tạo ra do sự ngu ngốc đã hủy hoại cuộc sống của một con người. Tại sao nạn nhân luôn phải chạy trốn còn hung thủ thì vẫn ngang nhiên lộng hành? Liệu có tồn tại 100% sự chính trực ở môi trường này hay chưa?
Còn giai cấp cầm quyền trong xã hội, liệu có đưa ra hướng đi đúng đắn phát triển nhân loại hay cũng tồn tại những dối trá, tàn độc ảnh hưởng đến quyền con người?
Sau cùng, Mouse chính là bản án toàn diện dành cho toàn thể xã hội phải ngồi xuống suy ngẫm lại về bản thân, về xã hội nhiễu nhương. Đừng mãi “điếc” trong những giả dối, mị hoặc, cũng đừng để con quỷ có cơ hội lộ diện! Một thế giới tươi đẹp chỉ tồn tại khi toàn bộ con người học được toàn bộ bài học trong Luật đạo đức của Chúa - đôi khi điều đó đến từ những nỗi đau họ buộc phải trải qua và cần một quá trình rất dài. Trong đó, bài học hàng đầu chúng ta cần phải học có lẽ là chấp nhận những điều xảy ra trong cuộc sống để sống tiếp. Bóng đêm và ánh sáng vẫn luôn song hành cùng với nhau, phải trải qua mới học được cách trân trọng. Bóng đêm là chuyện của hôm qua và ánh sáng chính là hôm nay tươi đẹp và tràn đầy hy vọng. Chúng ta xứng đáng sống để được hưởng thụ những điều tốt đẹp.
Dập tắt một bụi cây đang cháy thì không thể làm nó trở lại như xưa nữa
Hắn - con quỷ giết người tàn bạo cuối cùng cũng được Chúa cứu rỗi. Bóng đêm tàn độc phải chịu nhường chỗ cho ánh sáng, con quỷ rời đi để cái gọi là “lương tâm con người” ngự trị. Hắn cũng có quãng thời gian được yêu thương, được tôn trọng bởi con người và giờ thì hắn cũng có cảm xúc trọn vẹn như con người. Để hiểu được thế nào là tình yêu…
Nhưng những lỗi lầm của bố hắn thì chẳng bao giờ được tha thứ. Ông ta vẫn là một con quỷ khát máu từ đầu cho đến cuối, không có tư cách được làm người. Ngay đến lúc chết trong tay “tác phẩm nghệ thuật” của mình, ông ta vẫn không nhận ra lỗi lầm. Có lẽ vì thế, Chúa bắt hắn trả giá thay, bắt hắn phải nhận ra rằng tội ác luôn bị trừng trị và phải chịu dằn vặt, cắn rứt vì những lỗi lầm mình đã gây ra.
Hy vọng ở kiếp sau, hắn có thể sinh ra ở một môi trường tốt đẹp với chính bản ngã của mình, chứ không phải khao khát được trở thành người bình thường trong một xã hội thối nát.
Tôi nghĩ không còn cái kết nào hoàn hảo cho Mouse hơn cái kết thế này nữa.
Cuối cùng, câu trả lời của tôi khi xem xong phim là sẽ không ủng hộ đạo luật phá thai nếu biết đứa trẻ mang gen rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Vì một thế giới mới có thể tước đi của khoa học một số tài năng tương lai triển vọng của nó. Mỗi cá nhân trong chúng ta phải tự hoàn thiện chính mình, thực hiện đúng và đủ cương vị của mình trước khi thực hiện nó xuất sắc, như việc làm cha mẹ phải quan tâm đặc biệt đến con cái, giáo dục cần loại bỏ những tiêu cực trong môi trường nuôi dưỡng mầm non đất nước và một xã hội cần có những người cầm quyền sáng suốt. Nếu phát hiện những đứa trẻ có gen tâm thần, tại sao đất nước không dành cho chúng sự quan tâm kỹ lưỡng như giáo dục một cách đặc biệt để tránh những trường hợp xấu diễn ra sau này?
Xã hội cần sự phát triển. Con người cần tiến hóa.
Xem thêm các bài viết khác của mình tại
- Fanpage: Haru
- Blog:
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất