"Lựa chọn" không phải là cuốn sách đầu tiên mình đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng nó là cuốn sách khiến mình phải dừng ở mỗi trang sách, để ngẫm và cảm thụ cảm xúc mà nhân vật chịu đựng.
Ban đầu khi cầm trên tay cuốn sách này (mình được tặng), mình cứ nghĩ đây là một câu chuyện về tình yêu đôi lứa. Bạn biết đấy, mô típ chàng trai nhà nghèo và cô gái nhà giàu bên nhau. Rồi thì lựa chọn của chàng trai sẽ là gì khi đứng giữa cô gái và vật chất. Nhưng mà không, Lựa chọn là một khía cạnh khác. Hoàn toàn khác.

Cho dù tôi có cố thế nào, nó vẫn tìm được tôi, nó săn đuổi tôi, nó phủ lấy tôi, nó nuốt chửng tôi... từng ngày một."                           _Đôi câu chữ hiếm hoi trong cả cuốn sách_
Lựa chọn kể về câu chuyện của một bé gái bị xâm hại tình dục, đến mức cô phải tự tạo ra cho bản thân một người bạn tưởng tượng. Một người bạn thay cô hứng chịu mọi nỗi đau không nói nên lời đó. Chị Hoàng Giang đã khắc họa lên một bức tranh mà trong đó những người lớn luôn sống xoay quanh cái điện thoại, một xã hội đi đâu cũng toàn những người vô cảm, gã kia và cô bé. 
Nỗi đau của cô bé, nó đơn giản là không thể diễn tả được. Vì thế mà cô tự tạo cho mình một lối thoát, một người bạn không có thật, một người bạn thân thiết với cô, thay cô trải qua những nỗi đau đó. Như thế cô chỉ là một người chứng kiến mà thôi. Nói cho cùng thì, nỗi đau của cô quá khó giãi bày, và cô bé còn cô độc.
Không dài dòng lê thê, không thoại, không nhiều màu sắc. Chỉ có hình ảnh và nỗi đau của nhân vật. 

Không thể chỉ đọc một lần.

Thú thực mình đã không hiểu khi đọc xong cuốn sách lần thứ nhất. Mình có quá nhiều thắc mắc, cũng giống như một số người khác khi đọc xong cuốn sách này và review nó trên Goodreads. Lựa chọn là một thứ gì đó rối rắm, và việc đọc không thoại càng khiến mình khó hiểu. Nhưng rất may, cuối sách có một phần Lời cuối, nơi để tác giả nói qua về xuất phát điểm của cuốn sách, cũng như quá trình tạo ra nó. Có lẽ sau khi đọc xong phần này, mình mới bắt đầu mường tượng ra được toàn bộ câu chuyện, cũng như phân tích được từng khung hình và ngụ ý của tác giả. 
Phần review in ở bìa cuốn sách có một dòng ghi thế này:
 Đọc Lựa chọn cũng giống như một trò Sudoku với những ô trống mà người xem phải tự điền vào. Có một trăm cách điền nhưng chỉ có một cách hợp lý." 
Một trang sách có khoảng tầm 6 - 10 khung hình. Cả cuốn sách chắc tầm 30 trang. Nhưng những khung hình đó lại có thể được giải nghĩa bằng rất, rất nhiều cách khác nhau, mỗi cách một khác. Đó chính là điều khiến mình phải dừng lại sau mỗi trang sách, đọc lại từ đầu sau mỗi lần đọc hết. Có lẽ vì nỗi đau của cô bé quá lạ lẫm với mình chăng? Vì thế, mình ngồi xuống, và đọc lại, thử đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật, vào hoàn cảnh của người bạn tưởng tượng, vào hoàn cảnh của vài nhân vật khác và hoàn thành câu chuyện. 
Có chữ thì lại khác, có chữ thì rất dễ để đọc giả hình dung và bám vào mạch truyện. Nhưng sau cùng, mình cho rằng câu chuyện này không nên thể hiện bằng lời, vì như mình nói đấy, nỗi đau này không diễn tả được.
Và rồi mình từ từ cũng ngấm, một cách trọn vẹn nhất.

Sau cơn mưa, trời lại sáng. 

Phải nói thật, mình rất sợ mỗi lần đọc đến gần những trang cuối. Không hẳn là run bần bật trốn trong chăn, nhưng cũng ít nhất là nổi cả da gà :)) Mình sợ tác giả sẽ đem thêm một bi kịch nào đó nữa đến cho mảnh đời đã tối lắm rồi đó, mình sợ cô bé không chọn tiếp tục. Nhưng rất may mắn là chị Hoàng Giang đã không để chuyện đó xảy ra. Cái kết của nó cũng không hẳn là kẻ xấu bị bắt và người tốt sống hạnh phúc đến mãi về sau, nhưng ít ra nó đã cho toàn bộ câu chuyện này một tia hy vọng, rằng sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. 

Vậy thì có nên đọc hay không? 

Nên - Câu trả lời của mình là nên. Vì mình từng nói rồi, một con người không bao giờ có thể tự vỗ ngực bảo rằng bản thân đã trải qua hết tất cả mọi thứ, vì thế, chúng ta luôn cần phải đọc, phải nghe để biết thêm. 
Và Lựa chọn của chị Hoàng Giang là một ví dụ chuẩn chỉ của câu nói đó. 
Cảm ơn các bạn vì đã đọc, chúc các bạn một ngày tốt lành!