Do bài viết hơi dài nên mình chỉ rút gọn mấy phần chính cần nói, với lại bài này hơi hơi spoiler một chút nên những ai không muốn biết nội dung thì tốt nhất là không nên đọc ạ! 
Bài đầy đủ bên blog Thị Trấn Buồn Tênh
Văn phong
Vấn đề trọng tâm của câu chuyện Hồ chỉ kể về mặt nước giữa hai tâm hồn là Nakajima và Chihiro, giữa hai cá thể chưa bao giờ kể ra nỗi đau cho nhau đến khi thật sự đúng vào thời điểm. Có thể chúng ta khó có thể chấp nhận văn phòng nhẹ nhàng về nỗi đau của tác giả Banana Yoshimoto nhưng có lẽ đó là đặc trưng  của cô, có thể cô là người duy nhất nói về nỗi đau theo cách thức rất nhẹ nhàng mà lôi cuốn theo từng con chữ, tuy nhiên không hẳn ai cũng có thể cảm thụ được cái lối viết ấy.
Bản thân mình phải bỏ dở rất nhiều lần cho đến khi đọc hết tác phẩm, bởi bản thân mình không thể tiếp thu được cái sự nhẹ nhàng đang diễn tả về nỗi đau, có thể nỗi đau của mình đang gào thét và không thể chấp nhận nó đến một cách tự nhiên, nhẹ nhàng hầu trong lối bút pháp của Banana Yoshimoto.
Review
Thật sự mình cũng không thể nói ra về việc gì để có thể diễn tả lại cảm xúc khi đã nhiều lần bỏ dở quyển sách Hồ, không phải mình chê Hồ là một câu chuyện dở tệ, mà bởi bản thân mình khó tiếp thu nổi cái văn phòng nhẹ nhàng như ở trên mình đã nói, nó đến quá nhẹ nhàng và đi cũng nhẹ nhàng nốt.
Ở cuối truyện, Nakajima và Chihiro nói với nhau về việc chuyến đi Paris, và Chihiro nói Nakajima hãy đi trước còn Chihiro ở lại để giải quyết một số chuyện, đó là một thứ dở dang mà tác giả Banana đã làm hầu hết các câu chuyện của cô. 
Dở dang một cách chủ ý, hay nói cách khác là cô muốn người đọc quyết định cho cả nhân vật mình đã theo dõi, bởi nếu như, tác giả Banana quyết định cái kết cục của nhân vật đó, như hai con người có nỗi đau có kết thúc bi thảm thì chẳng khác nào cái văn phong của Banana đã đi vào ngõ cục của văn học.
Mino và Nakajima nói chuyện với nhau ở bậc thềm, về Hồ, nói về hồ cũng có nghĩa là nói về cuộc sống của hai anh em họ, bản thân họ giống như nước, không ồn ào, chậm rãi, nhẹ nhàng và nỗi đau chìm trong tâm hồn chưa bao giờ nói ra hết. Họ chỉ cần một khoảng tiền tối thiểu để trang trải thức ăn, còn lại họ chỉ cần ngưng đọng hoặc chậm rãi như bờ Hồ là được, chẳng cần gì cả,
Tính cách nhân vật
Với Chihiro là một người con ngoài dã thú nên cái cảm giác không danh chính ngôn thuận rất khác so với đứa trẻ khác, đặc biệt lại là con của một người mẹ làm tú bà và một gia đình danh giá của vùng quê tạo ra sự mâu thuẫn trong chính tâm hồn của cô cũng như nỗi đau mất mẹ. Chihiro đã nói, không muốn quay về vùng quê ấy, vốn không bao giờ nhận diện đứa con dã thú như cô, và cô muốn cắt đứt với bố sau khi mẹ mất hoặc từ nhỏ cô đã nhận thức sự hiện diện ngoài dã thú ấy. Chihiro có thể may mắn hơn những người khác về tiền bạc và có sự hạnh phúc của bố lẫn mẹ nhưng cái sự hạnh phúc ấy không được mọi người công nhận và xã hội chấp nhận, Chihiro lớn lên và muốn chạy thoát khỏi cái nơi chốn không hề chấp nhận cô nhưng cũng là lúc mẹ cô mất thì cô nhận ra chính kỷ niệm ở quê là ngày hạnh phúc nhất, nhưng liệu cái hạnh phúc ngoài luồng định kiến xã hội có kết thúc tốt đẹp hay không?
Chính bố cô đã nói bố cô cũng sợ cô cắt đứt hết mọi liên lạc và thay đổi họ tên để không còn dính dáng gì tới ông, ông làm mọi cách để níu kéo mối quan hệ của đứa con chỉ để nó không từ mặt hoặc bỏ rơi ông kể từ khi vợ ông mất. Ông đã gửi số tiền trong tài khoản của con gái, gửi các món hàng qua bưu điện, chỉ mong muốn cuối cùng là đứa con gái dã thú ấy nhớ ông và không bỏ rơi ông. Hoặc người yêu của đứa con gái phải do ông đánh giá mới có thể làm chính người yêu của Chihiro. Ông là sự đại diện cho những con người thế hệ cũ bị các luật lệ và tư duy kiềm hãm nên không thể đến với hạnh phúc của mình
Nakajima là nhân vật đại diện cho quá khứ tăm tối mà người ta đã muốn che giấu, hoặc sợ hãi trước những lòng dạ của người khác có chấp nhận anh như vậy hay không? Khi hai người lo dọn dẹp mà không nói gì sau khi Chihiro biết được quá khứ, rồi Nakajima hỏi Chihiro là chúng ta kết thúc rồi phải không? Câu hỏi ấy ám ảnh mình, bởi bản thân mình cũng chính là phần nào đó giống như anh ta, muốn che giấu, sợ hãi đối phương – người yêu – biết được quá khứ ấy mà che giấu ngày nào hay ngày đó, đê rồi một ngày kia người ta biết được và hỏi câu chúng ta chấm dứt rồi hả thì quả thực rất xót xa.
Mino là biểu tượng tính cách của Hồ, sống như trẻ con, nhưng trong thâm chưa bao giờ muốn thổ lộ tâm tư trước người đời. Mino thổ lộ ít nhiều với Chihiro chỉ là Chihiro thân thiết với Nakajima. Mino như một con người ẩn dật của các vị tu sĩ, lánh đời, chẳng còn thú vui gì khi ở một mình là đã hạnh phúc.
Chii là nhân vật của một con người phi phàm nhưng không may số phận đã làm cô phải liệt, sống trong giấc mơ, nhưng ít ra cô cũng có người anh để chăm sóc, nhưng nhờ vả người khác quả thực cũng không phải là loại hạnh phúc.
Mẹ của Chihiro là một người đối với người đời là mạnh mẽ, nhưng trong giấc mơ của Chihiro lại là một con người yếu đuối chỉ cần gió thổi là bay. Không ít những người mẹ của chúng ta giống như mẹ của Chihiro, luôn tỏ ra mạnh mẽ dù có đức ông chồng giàu có nhưng đó chỉ là cái cớ để có sự quan tâm của người chồng và con cái cũng như không muốn người ta nhìn thấy bản chất yếu đuổi.
Tóm lại
Câu chuyện Hồ không hẳn là vĩ đại, cũng không hẳn lại quá hay với đại trà, tác giả Banana Yoshimoto đánh vào một nhóm người có sự tổn thương nhất định và một loại văn học nào đó, với văn phong và tạo hình nhân vật hoàn toàn khác. 
Vô hình chung, cuộc đời các nhân vật chỉ toàn chứa đựng cảm xúc buồn không được vừa lòng với đa số độc giả, vì vậy sẽ làm khó với các bạn muốn độc trong sáng – thực ra là văn phong của Banana Yoshimoto không đến nỗi u ám mà u ám theo kiểu trong sáng và không nặng nề.
Nói chung, mình viết dài dòng cũng chỉ là phân tích ít nhiều về nội dung để chúng ta hiểu rõ nhưng có thể cũng chẳng tới đâu khi chúng ta chính là nhân vật trong câu chuyện mới là người có thể phân tích rõ nét nhất.