Bối cảnh mở đầu của Hai Số Phận là những năm đầu tiên của thế kỷ 19, những năm tháng của khủng hoảng và chiến tranh. Cùng một ngày, hai con người, hai số phận được sinh ra. Một sinh mệnh ra đời trong sự chào đón của cả gia đình, là người thừa kế của cải của gia đình, là được định sẵn con đường phải đi trong tương lai. Một sinh mệnh ra đời bên bờ sông hoang vắng, bên cái chết của người mẹ, không người đón đợi và cũng mịt mù như màu của cái đêm bé được gã thợ săn nhặt về.
Có vẻ như số phận lúc nào cũng muốn chơi trò mèo vờn chuột nhưng cũng có vẻ như nó cũng không tuyệt luôn cả đường cùng nếu như người ta còn tiến lên và hy vọng.
Hai đứa trẻ được sinh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau. Mồ côi xấu số như Wladek hay trong con đường trải lụa như Kane thì cả hai đều được giáo dục tử tế. Hai đứa trẻ đều hiểu được tầm quan trọng của học tập và với nghị lực phi thường của mình, chẳng có khó khăn nào làm chúng lùi bước cả.
Có lẽ, đứng trước chiến tranh, không có đứa trẻ nào không phải buộc mình phải lớn lên. Cuộc chiến thảm khốc giữa quân Đồng Minh và Đức, khởi điểm chính là tại Ba Lan, đã khiến Wladek đã mất đi những ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi của mình trong tòa lâu đài lộng lẫy, tình bạn của Leon, tình thương của Nam tước. Cậu bé buộc phải nhận ra chiến tranh thảm khốc như thế nào, phải chứng kiến từng cái chết của những người mình thương yêu, phải sống trong những năm tù đày không biết đến ngày mai có còn thứ gọi là hy vọng. Bệnh tật, khổ sở và đau đớn nhưng Wladek vẫn tìm được con đường đến nước Mỹ.
Có lẽ, đứng trước sức mạnh của tiền bạc và quyền lực, không có đứa trẻ nào không phải buộc mình phải lớn lên. Một đứa trẻ phải gồng mình để noi theo tấm gương của bố, phải làm sao để xứng đáng với quyền thừa kế hàng triệu đô và lợi ích của cổ đông. Cậu phải làm quen dần với tiền bạc, con người và những mánh khóe, phải chứng kiến người thân đều lần lượt ra đi. Một cậu bé hơn mười tuổi lại có thể giải quyết chuyện của người lớn như một kẻ trưởng thành và khiến bất cứ kẻ nào dù cho có hơn tuổi cậu phải kính phục. Cậu đã lớn lên trên đất Mỹ như vậy.
Khó khăn không ngăn được hai số phận này đi tới thành công. Từng bước chân, từng thành tựu Kane và Abel đạt được đều hoàn toàn xứng đáng với công sức và trí tuệ họ bỏ ra, xứng đáng để bất cứ ai cũng phải ngước nhìn họ đầy kính trọng.
Hai số phận tưởng chừng không bao giờ có liên hệ với nhau lại trở thành mối liên quan thù hận nhầm lẫn cho đến những năm cuối cùng của của đời. Nhưng có lẽ khi Kane cứu lấy khách sạn của Abel mà chẳng để lại danh tính, khi Abel tình cờ cứu sống Kane trên chiến trường chính là cái cách mà tạo hóa trả lại công bằng cho hai con người này, để cuộc đời họ, chẳng ai nợ ai.
Trong câu chuyện này, nước Mỹ giống như một miền đất mới, một cái phao cứu sinh cho những người con Châu Âu đang phải đối mặt với chiến tranh và suy thoái, là cơ hội cho bất cứ kẻ nghèo hèn nào chỉ cần chăm chỉ và có lòng học hỏi có thể giàu lên nhanh chóng.
Nhưng câu chuyện cũng luôn nhắc về tuổi thơ của Abel qua lời kể về chiến tích của người Ba Lan dưới sự trị vì của Napoléon trong tòa lâu đài lộng lẫy, những yêu thương mà Kane gửi cho quê hương Anh dù anh chẳng được sinh ra trên mảnh đất này. Đó chính là lý do khiến hai con người giàu có, có tầm ảnh hưởng đáng ra chẳng cần phải lên chiến trường lại chẳng mảy may màng tới cái chết mà mà xung phong tới chiến trường Châu Âu.
Abel Rosnovski , cái tên gọi của một vị nam tước người Ba Lan được khắc trên chiếc vòng bạc định mệnh, là cái tên Wladek dùng để đổi lại sau này. Chiếc vòng bạc giống như một nhân danh cho Châu Âu huy hoàng thủa cũ, là điểm nhấn lúc hai số phận gặp nhau, cũng là hình ảnh lóe lên trong tâm trí William Lowell Kane trước đi chết đi.
Kết thúc chuyện, chiếc vòng được thừa kế lại cho người cháu mang trong mình giọt máu của cả hai người là Kane Abel. Và có lẽ đứa nhỏ và chiếc vòng chính là ẩn ý tượng trưng cho tình yêu thiêng liêng vĩnh cửu trong lòng mỗi đứa con Châu Âu tha hương trên đất Mỹ.

Image may contain: phone