Tên sách: Gió Lẻ và 9 câu chuyện khác
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
NXB Trẻ - Tái bản lần thứ 12
Thể loại: tuyển tập truyện ngắn
Đánh giá cá nhân: 4/5
-------------------------------------------------------------------
Tuyển tập có 10 truyện, tính luôn cả Gió Lẻ, truyện dài nhất trong mớ này, nhưng nó không để lại ấn tượng cho mình bao nhiêu. Mình để tâm đến Của Ngày Đã Mất và Tình Thầm hơn.
Truyện làm mình day dứt nhất là Của Ngày Đã Mất.
Trong thời kì khái niệm “sugar daddy” ngày càng phổ biến, tình yêu với khoảng cách tuổi quá lớn trở thành chuyện khó tin nhất trên đời. Vấn đề vốn đã nhạy cảm, Nguyễn Ngọc Tư lại cho nhân vật của mình một cái nghề nghiệp còn nhạy cảm hơn nữa, giảng viên của một viện âm nhạc. Thế nhưng chị Tư đã xử lý hết sức khéo léo, khiến người đọc day dứt tột cùng vì sự bế tắc (cũng tột cùng) của các nhân vật.
Câu chuyện được kể theo góc nhìn của một ông già 69 tuổi đang vật vã giữ từng chút lý trí còn sót lại để không xuôi theo trái tim tuy già cỗi nhưng vẫn rộn ràng yêu thương của mình. Còn cô học trò của ông, một cô gái được 22 cái xuân xanh, luôn sống và hành động bốc đồng đúng với tuổi của mình, làm ông vừa hạnh phúc lại vừa đau khổ, vừa muốn níu giữ lại vừa muốn đẩy ra xa. Cái định kiến nặng nề của xã hội luôn lởn vởn bao quanh hai người, tồn tại như một lẽ hiển nhiên, làm ông căng người lên chống đỡ cho con tim của mình, và trấn áp bất cứ ý nghĩ thương mến nào trỗi dậy bất chợt trong lòng.
Chị Tư cho câu chuyện một kết thúc buồn, nhưng mình không muốn nghĩ rằng nó buồn. Đối với mình, nó là kết thúc mở, vì chúng ta làm sao biết chắc cô học trò đã thay đổi? Liệu ông thầy có phải dằn vặt ôm mối tình tuổi xế chiều của mình xuống mồ, hay còn một tia sáng nào khác cho cuộc đời ông? Còn sống có bao nhiêu lâu nữa đâu mà phải nghiệt ngã đến vậy?!
Còn Tình Thầm lại làm mình ấn tượng vì cái kết bất ngờ quá sức.
Đa số nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư, ngay từ đầu truyện, đều rất chân thật và gai góc sau khi trải qua nhiều biến cố lớn nhỏ, nhưng lại yếu lòng. Nhân vật San của Tình Thầm cũng vậy. San bất đắc dĩ trở thành tài xế lái xe thay cha mình, một cái nghề không phổ biến với phụ nữ. Cái nghề tài xế riêng đòi hỏi người ta phải lặng lẽ và kín miệng. Vậy nên sự tồn tại của San cũng thầm lặng như mối tình cô ôm ấp trong lòng.
San khổ sở phủ nhận tình cảm của mình bằng cách đưa ra vô vàn lý do để thuyết phục bản thân. Đối tượng làm cô bận lòng, sếp của cô, là một “red flag” đúng nghĩa, hấp dẫn, khéo ăn nói, sành sỏi, trải đời, thiếu tin tưởng vào phụ nữ, trống rỗng, và cô độc (tất nhiên!). Con người như vậy lẽ ra phải khiến San khinh bỉ mới đúng, chứ sao lại đau lòng quặn thắt khi thấy người ta cố gắng bám víu vào một tia hi vọng của tình yêu không màng vật chất?! San biết là “không có hy vọng gì, vốn chẳng nên hy vọng gì”, vậy mà cái tên “red flag” ấy cứ vô tình (hoặc cố ý) gieo tí ti hy vọng, làm San cứ hụt chân suýt ngã chúi đầu không ngóc lên được.
Tình Thầm có cái kết buồn, cái này thì mình không bàn cãi gì được. Không buồn sao được khi ai cũng bế tắc với một mớ tổn thương nặng trĩu. Tình thầm, không chỉ có một.
Ngoài Gió Lẻ, bạn có thể tìm thấy những truyện này trong tuyển tập.
Ngoài Gió Lẻ, bạn có thể tìm thấy những truyện này trong tuyển tập.
Giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư trong tập truyện này đã không còn “miền Tây” như các quyển trước. Từ ngữ “phổ thông” hơn, mang tính “văn học” hơn. Nhưng cái buồn day dứt thì vẫn vẹn nguyên.
Có thể bạn sẽ tìm thấy những truyện khác trong quyển này ấn tượng hơn, có thể là Vết Chim Trời, Thổ Sầu, hay Một Chuyện Hẹn Hò. Nhưng lưu ý, đừng đọc khi bạn đang lặn ngụp trong bể khổ.
Hoặc cứ đọc đi, biết đâu bạn sẽ nhẹ nhõm hơn khi thấy đời còn nhiều người khổ hơn mình.