"Khi bạn hỗ trợ gen với chế độ ăn, tập thể dục, ngủ nghỉ hợp lý, bảo vệ cơ thể khỏi hóa chất và giảm căng thẳng, các gen bẩn của bạn sẽ dễ kiểm soát hơn nhiều.”
Đó là một trong những thông điệp cốt lõi mà Bác sỹ Ben Lynch - Tiến sỹ Y học Tự nhiên từ Đại học Bastyr - đã truyền tải thông qua cuốn sách GIẢI MÃ GEN BẨN của mình.
-------
Là một người cũng khá quan tâm đến những phương pháp duy trì và cải thiện sức khỏe, cũng là một người học và từng làm trong lĩnh vực y sinh, trí tò mò của mình bị kích thích bởi cụm từ “gen bẩn” của cuốn sách này. Như thế nào là gen "bẩn" hay sạch? Tác giả thực sự muốn nói đến điều gì khi nói một gen bị "bẩn"?
Nghe đến gen chắc hẳn sẽ có nhiều người ngần ngại vì sợ sẽ là một cuốn sách dày cộp đầy tính học thuật. Nhưng đây lại không phải một cuốn sách như vậy.
Qua quá trình tìm hiểu về Di truyền học biểu sinh (Epigenetics) cũng như làm việc cùng hàng trăm bác sĩ và khách hàng, tác giả đã ghi chép và tổng hợp về các “gen bẩn”. Từ đó, đưa ra các hướng dẫn về phương pháp “làm sạch gen trong 4 tuần” giúp cải thiện sức khỏe.
Trong cuốn sách này, tác giả giới thiệu cho người đọc về bảy nhóm gen “bẩn” chính góp phần gây nên các vấn đề về sức khỏe như các bệnh mạn tính, bệnh tự miễn, bệnh tim mạch, béo phì, v...v.... Đó là:
- MTHFR: Kích hoạt khả năng Methyl hóa
- COMT: Xác định trạng thái tập trung và phấn chấn, hay thoải mái và bình tĩnh
- DAO: Có thể khiến bạn nhạy cảm với một số thực phẩm và hóa chất
- MAOA: Ảnh hưởng đến thay đổi tâm trạng và cảm giác thèm đồ ăn
- GST/GPX: Ảnh hưởng đến việc giải độc
- NOS3: Gây ra các vấn đề về tim mạch
- PEMT: Hỗ trợ màng tế bào và gan
Qua từng chương của cuốn sách, tác giả cũng đi vào chi tiết về từng nhóm gen: Đưa ra các thông tin cơ bản về nhóm gen, tình trạng sức khỏe liên quan đến từng nhóm gen "bẩn" và phương thức làm sạch từng gen.
Sau khi đọc hết cuốn sách, điều mình rút ra được chính là việc "Làm sạch tất cả các gen, ở mọi thời điểm" đồng nghĩa với việc ăn uống với một chế độ cân bằng, kết hợp với chế độ tập luyện phù hợp và chế độ ngủ nghỉ hợp lý.
Điểm cộng:
Điều mình thích ở cuốn sách này, đó chính là xuyên suốt cuốn sách, tác giả luôn nhấn mạnh rằng không nên lạm dụng các loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bổ sung hoặc sử dụng mà không tham khảo ý kiến từ chuyên gia, cũng như việc ăn uống theo các chế độ cực đoan. Đây là một điều mà theo ý kiến chủ quan của mình là vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe của bản thân. Hơn nữa, việc “làm sạch” gen nên “bắt đầu với các giải pháp về chế độ ăn và lối sống.”
Điểm trừ:
Tuy nhiên, cuốn sách này cũng có điểm trừ với mình. Theo mình, việc thực hiện một lối sống lành mạnh cùng một chế độ ăn uống, tập luyện cân bằng là nền tảng của một cơ thể khỏe mạnh. Tuy tác giả cũng đã nhấn mạnh điều đó. Nhưng mình chưa bị thuyết phục khi tác giả xác định những gen “bẩn” chỉ với những biểu hiện bên ngoài. Và việc xét nghiệm gen để kiểm chứng là một điều rất tốn kém, không phải ai cũng có điều kiện, và nơi nào cũng có cơ sở vật chất để thực hiện những xét nghiệm này. Di truyền và ngoại di truyền là các lĩnh vực rất rộng và phức tạp. Trong cơ thể có đến hàng chục nghìn gen khác nhau với hàng triệu biến thể các nhau (hay Đa hình đơn nucleotit – SNP, tác giả cũng có nhắc đến trong cuốn sách.) Việc các gen được biểu hiện như thế nào cũng được cơ thể kiểm soát và điều khiển bằng những quy trình chặt chẽ.
Kết luận:
Khi đọc cuốn sách này, mình tiếp thu được khá nhiều thông tin thú vị và bổ ích về khía cạnh dinh dưỡng và việc cải thiện sức khỏe từ một chế độ ăn cân bằng. Nhưng, dưới góc nhìn cá nhân của mình về khía cạnh di truyền thì mình thấy chưa được thuyết phục. Dù vậy, mình vẫn thấy đây là một cuốn sách đáng tham khảo với mọi đối tượng người đọc quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe bằng một chế độ ăn uống cân bằng và một lối sống lành mạnh.