Johnny Marr và Dorothy là cặp đôi thanh mai trúc mã, ríu rít như đôi chim câu, mỗi ngày đều hẹn nhau lúc tám giờ tối tại cùng một địa điểm, phía bên ngoài một cửa hiệu thuốc. Họ hạnh phúc và chìm đắm trong tình yêu, chỉ chờ đợi đến tháng sáu, và họ sẽ về chung một nhà. Vào cái ngày 31/5 định mệnh ấy, Johnny đến trễ chỉ vài phút, và khi đến nơi, anh chẳng thấy Dorothy bé bỏng của mình đâu. Đối với anh, cái xác với khuôn mặt nát bét ấy, dứt khoát không phải là cô. Giai đoạn đầu tiên khi đối diện với nỗi đau quá lớn, ấy là sự chối bỏ. Anh không tin rằng cô đã chết, anh vẫn đến điểm hẹn mỗi đêm, trên cổ tay là cái đồng hồ chết máy, chờ đợi một người sẽ chẳng bao giờ đến. Giai đoạn thứ hai là sự chấp nhận, lúc này anh chấp nhận rằng cô đã chết, và quyết tâm bắt những kẻ gây ra cái chết của cô phải trả giá. Cái chết là một cái giá quá rẻ mà anh không chấp nhận, bọn chúng sẽ phải trả mức giá cao hơn, sẽ phải trải qua nỗi đau mà anh đã, đang và sẽ mãi mãi trải qua, nỗi đau mất đi người phụ nữ mình yêu nhất trên đời này. Năm cái tên, năm cô gái, sẽ lần lượt phải chết dưới bàn tay anh, trước mặt người yêu của họ, là năm kẻ mà anh đã có danh sách…
Độc giả đừng kỳ vọng đây là một tiểu thuyết giật gân với nhiều plot twist như các quyển trinh thám hiện đại. Đây là một tiểu thuyết trinh thám với văn phong mượt mà và đẹp đẽ như thơ, như tiểu thuyết tình yêu, như một thứ gì đó tôi không thể diễn tả thành lời mà dứt khoát không phải là trinh thám. Năm vụ án mạng, được gọi là năm “điểm hẹn”, mỗi điểm hẹn lại có sức cuốn hút riêng của nó. Vụ đầu tiên khá nhẹ nhàng, một người vợ chết vì uốn ván do tai nạn. Vụ thứ hai được mô tả kỹ lưỡng hơn, một cô nhân tình bị giết và anh chồng trở thành kẻ tình nghi. Mức độ thảm khốc của các bi kịch tăng dần về phía cuối, và tôi cảm nhận càng ngày Johnny càng tàn nhẫn hơn. Anh không còn là Johnny Marr, nhưng luôn là J.M. Ở vụ án thứ ba, tôi thương cảm và những mong anh sẽ buông tha cho cô gái ấy. Trong hai vụ đầu, hình tượng cô gái không được mô tả rõ nét lắm, nhưng ở vụ án thứ ba, tác giả quả là tàn nhẫn với người đọc, khi khiến cho tôi cảm thấy thương xót cho cô gái có chồng đi lính ấy. Tôi thương cảm nhất là cô và cô gái ở điểm hẹn cuối cùng. Cô phản bội chồng mình, nhưng chính là do vào lúc cô yếu đuối và cô đơn nhất đã bị Johnny đánh vào tử huyệt, chứ không phải phản bội người yêu khi đang trong lúc yên vui như cô gái ở điểm hẹn thứ tư. Và ở điểm hẹn cuối cùng, tôi cũng lại thầm cầu xin Johnny tha cho cô gái mù ấy, vì cô ấy chưa thực sự được hưởng hạnh phúc trọn vẹn cho đến trước cái ngày hôm ấy…
Có lẽ vì muốn Johnny trả thù một cách hoàn hảo, tác giả xây dựng hình tượng cảnh sát, ở đây là thanh tra Cameron, quá sức tệ. Đã biết trước nguy hiểm sẽ xảy ra, lực lượng cảnh sát vẫn không thể làm một việc đơn giản đó là ngăn cản hai cô gái chân yếu tay mềm bỏ trốn khỏi sự bảo vệ của họ. Mặc dù đuổi theo một bóng ma, không nhân dạng, không tên tuổi, nhưng cảnh sát luôn biết hắn sẽ ra tay vào thời điểm nào và với ai kia mà? Mà thôi, với một tiểu thuyết trinh thám mà không hẳn là trinh thám thế này, mọi tiểu tiết này tôi bỏ qua hết. Tôi không theo dõi Điểm hẹn đen để chờ đợi cảnh sát phá án, mà tôi theo dõi hành trình trả thù của Johnny, từ một chàng trai mộng mơ trở thành một con quỷ trả thù khát máu, ấy vậy mà lời văn của Woolrich đẹp đẽ như kể chuyện tình. Ông mô tả nhân vật quá tuyệt vời, xây dựng câu chuyện quá xuất sắc, khiến tôi không dứt ra được. Tôi thích nhất là câu chuyện thứ ba và thứ năm, đồng thời cũng là hai câu chuyện khiến tôi xót xa nhất, cũng là hai câu chuyện mà vào thời điểm đọc, tôi thầm mong biết đâu vì chút lòng nhân từ mà Johnny chịu dừng lại. Và đến phút cuối, khi Johnny đoàn tụ với Dorothy của mình, tôi tin rằng anh không còn là kẻ sát nhân J.M nữa, mà anh chính là anh chàng Johnny Marr đắm chìm trong tình yêu, mỗi ngày đều chờ đợi cô gái bé nhỏ của mình, và chẳng mong cầu gì hơn là đợi đến tháng sáu.
P/S: Các bạn xem thêm các bài review khác tại page Gặm Sách nhé