Review Địa Đạo: Mặt Trời trong bóng tối: Một thông điệp của quá khứ được gửi đến hiện tại và tương lai
Đây là review về phim Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối
*CẢNH BÁO: bài rất DÀI, cân nhắc trước khi đọc.
Chiến tranh, một chủ đề dường như chưa bao giờ mất đi sức hút trong thế giới điện ảnh. Đề tài này luôn là nguồn cảm hứng bất tận, để các nhà làm phim từ những quốc gia khác nhau khắc họa theo những góc nhìn độc đáo, phản ánh bản sắc văn hóa và lịch sử của họ. Nếu như ở Hollywood, chiến tranh thường được tôn vinh như một bản anh hùng ca, nơi những người lính bước vào trận đánh như những anh hùng, trải qua những thử thách vĩ đại để rồi trở thành huyền thoại, mang về vinh quang cho đất nước và chính bản thân mình, thì với người Việt Nam, chiến tranh lại mang một sắc thái hoàn toàn khác. Đối với chúng ta, chiến tranh không chỉ là những cuộc giao tranh khốc liệt, mà còn là sự chia cắt gia đình, những mất mát không gì bù đắp được, và cái chết luôn chực chờ ở mỗi góc khuất. Trong mắt người Việt, chiến tranh là một nỗi đau tàn khốc, bi thương, để lại những vết thương lòng mà có lẽ không thời gian nào có thể xóa nhòa.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – một cột mốc lịch sử thiêng liêng của dân tộc, bộ phim Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã ra đời như một lời tri ân và nhắc nhở. Tác phẩm này không chỉ tái hiện một lát cắt chân thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng mà còn khắc họa sinh động những hy sinh thầm lặng, những nỗi đau không lời và tinh thần bất khuất của quân đội nhân dân Việt Nam thời bấy giờ. Qua đó, bộ phim gửi gắm một thông điệp sâu sắc đến thế hệ hôm nay: hòa bình mà chúng ta đang tận hưởng không phải là điều hiển nhiên, mà là kết quả của biết bao máu xương và nước mắt mà các thế hệ đi trước đã đánh đổi. Và đây là một review của mình về bộ phim Địa Đạo Mặt Trời Trong Bóng Tối.
GIỚI THIỆU PHIM
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (tiếng Anh: Tunnel: Sun in the Dark) là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại lịch sử – chiến tranh – chính kịch ra mắt vào năm 2025 do Bùi Thạc Chuyên làm đạo diễn kiêm viết kịch bản, và đồng thời còn là bộ phim đầu tay của ông dưới vai trò là nhà sản xuất. Với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên gồm Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Diễm Hằng Lamoon, Hoàng Minh Triết, Anh Tú Wilson, Nhật Ý, Khánh Ly, A Tới, Cao Sang Lê và Cao Minh, tác phẩm theo chân một đội du kích cách mạng do Bảy Theo chỉ huy phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược, cũng như phải chiến đấu bảo vệ địa đạo của họ trước sự xâm nhập của quân đội Mỹ.

NỘI DUNG
Cách kể chuyện khác lạ
Khi nói về một bộ phim, nội dung luôn là điều đầu tiên mình quan tâm, và với Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, trải nghiệm của mình thực sự khác lạ so với hầu hết các bộ phim Việt Nam khác. Phim không đi theo cấu trúc kể chuyện truyền thống, với một cốt truyện rõ ràng, tuyến tính từ đầu đến cuối, mà thay vào đó, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chọn một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ: sử dụng phong cách câu chuyện đan xen (interwoven narratives). Đây là kiểu kể chuyện mà mình thấy khá hiếm trong điện ảnh Việt Nam, khi các tình tiết và nhân vật được trình bày không theo một trật tự cố định, mà nhảy cóc, đan xen, tạo nên những lát cắt rời rạc nhưng lại dần dần kết nối để hình thành một bức tranh tổng thể đầy ý nghĩa.
Để nói thêm về cách kể chuyện đan xen này, nó mang đến nhiều tuyến truyện và nhân vật khác nhau, được trình bày song song, sau đó giao thoa, ảnh hưởng, hoặc kết nối với nhau một cách tinh tế. Thay vì tập trung vào một nhân vật chính duy nhất hoặc một mạch truyện liền mạch, phong cách này sử dụng nhiều góc nhìn, sự kiện, và bối cảnh khác nhau để làm nổi bật chủ đề chung hoặc tạo ra sự bất ngờ cho khán giả. Trong Địa Đạo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã áp dụng điều này một cách cực kỳ tốt. Ông từng chia sẻ rằng nhân vật chính thực sự của bộ phim không phải là một cá nhân cụ thể, mà chính là "Địa Đạo" – hệ thống hầm bí mật, căn cứ chiến lược của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thông qua những câu chuyện của đội du kích 21 người, do Bảy Theo chỉ huy, tại căn cứ Bình An Đông, người xem được nhìn nhận Địa Đạo không chỉ như một địa điểm, mà như một biểu tượng sống động của sự kiên cường, hy sinh, và chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nếu như mình chưa từng xem phim với phong cách kể chuyện đan xen trước đây như là “Ngày Xửa Ngày Xưa Ở Hollywood” hay “Pulp Fiction” của đạo diễn Quentin Tarantino, chắc chắn mình sẽ cảm thấy khá bối rối, thậm chí nghĩ rằng kịch bản của Địa Đạo có phần lộn xộn hoặc thiếu logic. Các cảnh quay trong phim nhảy liên tục giữa những thời điểm khác nhau: có lúc là những khoảnh khắc căng thẳng khi đội du kích đối mặt với quân địch, có lúc lại là những chi tiết đời thường như họ trò chuyện, chuẩn bị lương thực, hoặc những lúc ăn cơm cùng nhau, ca hát dưới ánh trăng. Ban đầu, mình thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra, và nếu không tập trung, mình dễ dàng bỏ lỡ những manh mối quan trọng liên kết các sự kiện. Tuy nhiên, khi đã thực sự chú ý và bắt đầu "ghép nối" các mảnh ghép, mình nhận ra đây chính là điểm hay và độc đáo của bộ phim. Cách kể chuyện này không chỉ giữ cho mình luôn tò mò, mà còn buộc mình phải tham gia tích cực vào việc hiểu câu chuyện, như thể mình cũng là một phần của cuộc chiến ấy.

Đặc biệt, mình cảm thấy cách kể chuyện đan xen này rất phù hợp với đề tài chiến tranh mà đạo diễn muốn truyền tải. Trước hết, nó tạo ra sự kịch tính và bất ngờ, khiến khán giả không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, giống như chính những người lính trong chiến tranh, họ cũng không biết ngày mai sẽ ra sao. Tiếp theo, và điều mình cho là quan trọng nhất, phong cách này phản ánh một cách chân thực bản chất của chiến tranh và cuộc sống: không gì là tuyến tính hay có trật tự. Chiến tranh là sự hỗn loạn, là những mảnh ghép rời rạc của hy sinh, mất mát, và hy vọng, và cách kể chuyện này đã bắt chước chính sự phức tạp, ngẫu nhiên ấy một cách tài tình. Chẳng hạn, trong phim, có những cảnh đội du kích phải đối mặt với nguy hiểm tức thì, xen kẽ với những khoảnh khắc yên tĩnh đến kỳ lạ giữa Hai Thưng và Bảy Theo bàn luận về chiến lược, tạo cảm giác như cuộc sống của họ bị xé thành nhiều mảnh, nhưng tất cả đều dẫn đến một mục tiêu chung bảo vệ Địa Đạo và giành lại hòa bình.
Chiến tranh không bao giờ thay đổi
“Chiến tranh, chiến tranh không bao giờ thay đổi” – đó là câu nói nổi tiếng trong tựa game Fallout, như một lời cảnh tỉnh về bản chất bất biến của chiến tranh. Dù nhân loại có tiến bộ, có thay đổi đến đâu, chiến tranh vẫn luôn bắt nguồn từ những thứ nguyên thủy nhất của con người: lòng tham, sự xung đột về quyền lực, tài nguyên, hoặc ý thức hệ. Hậu quả của nó, như một quy luật, luôn là đau khổ, hủy diệt và mất mát. Nhưng theo thời gian, chiến tranh không còn chỉ là nỗi sợ hãi mà còn trở thành một phần của văn hóa đại chúng, xuất hiện trong phim tài liệu, sách báo, truyện tranh, và cả trò chơi điện tử. Điều đáng lo ngại là, qua lăng kính của những video YouTube ca ngợi chiến tranh hào hùng, những tựa game biến mình thành siêu chiến binh giải cứu thế giới, hay các bộ phim Hollywood biến chiến tranh thành cuộc hành trình vĩ đại của những anh hùng, nhiều người giờ đây đã nhìn chiến tranh theo một cách khác. Thậm chí, một số còn sẵn sàng nói: “Ta chờ ngày này lâu lắm rồi” nếu chiến tranh thực sự xảy ra. Nhưng họ quên mất rằng chiến tranh thực sự là gì? Chẳng phải tự nhiên mà trong Kinh Thánh, một trong bốn tứ kỵ sĩ đại diện cho tận thế lại là Chiến tranh sao? Hay như một câu trong bộ phim Shogun mà nhân vật Lãnh Chúa Yoshi Toranaga từng nói “tại sao chỉ những kẻ chưa bao giờ ra trận, mới nóng lòng ra trận nhất ?”

Mình chưa bao giờ muốn bước đi trên con đường quen thuộc đến công sở mà giờ đây lại phủ đầy bom đạn, chưa bao giờ muốn bản thân chỉ còn lựa chọn duy nhất là phải giết người, chưa bao giờ muốn mất tay, mất chân vì pháo kích, nghe tiếng xương gãy nát, ngửi mùi thịt thối rữa, hay chứng kiến cha mẹ, anh em bị nghiền nát dưới căn nhà sụp đổ, những mảnh thịt của người yêu thương dính đầy trên tường. Mình chưa bao giờ muốn sống trong sự đói khát ngày qua ngày, đến mức phải ngấu nghiến cả vỏ cây, hay đối mặt với việc coi kẻ địch không còn là con người, rồi tiếp tục nổ súng, dù sau khi giải ngũ, trái tim vẫn bị tổn thương, hối tiếc, hổ thẹn đến mức khóc lóc, nôn mửa, và cuối cùng, kết thúc sinh mạng mình vì những ám ảnh tâm lý không bao giờ dứt. Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối đã khắc họa cực kỳ chân thực sự tàn khốc, bi thương của chiến tranh, dù chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong cuộc chiến 21 năm của quân và dân ta. Không có chủ nghĩa anh hùng ở đây, không có Captain America hay Rambo, mà chỉ có sự thật phũ phàng: một viên đạn có thể khiến mình tạm biệt thế giới này, và kể cả không chết vì đạn, mình vẫn có thể ra đi vì bệnh tật hay bất kỳ lý do nào khác. Sự sống trên chiến trường trở nên mong manh đến mức dù mình được đào tạo, huấn luyện tốt đến đâu, con người vẫn quá nhỏ bé trước sức mạnh của bom đạn. Chiến trường là nơi những lý tưởng cao đẹp, những hoài bão, ước mơ của con người bị vùi lấp, xé nát trong thực tại đầy ác liệt. Và để hiểu rằng, những chiến sĩ còn được nhìn thấy lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay ở Dinh Độc Lập năm 1975 đã là một may mắn lớn lao, bởi cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người, và không phép màu nào có thể đưa họ trở lại. Bộ phim không chỉ là một lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, mà còn là một lời cảnh báo: chiến tranh không bao giờ là vinh quang, mà là nỗi đau không lời, để lại những vết thương không thể xóa nhòa. Qua Địa Đạo, mình nhận ra rằng những gì chúng ta thấy trên màn ảnh rộng hay trong game chỉ là ảo ảnh, và thực tế của chiến tranh là mãi mãi không thay đổi: nó là sự hủy diệt, là mất mát, và là bài học mà nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng cần ghi nhớ.

Một câu chuyện nhân văn, trong một thực tại tàn khốc
Tuy nhiên, Địa đạo không chỉ là câu chuyện để nói về sự tàn khốc, ác liệt mà chiến tranh mang lại, đâu đó trong thực tại đầy khốc liệt này vẫn có ở đó những câu chuyện đầy nhân văn, gần gũi, thân thuộc với chúng ta. Đó là câu chuyện tình cảm giữa Tư Đạp và Ba Hương, là tình cảm cha con giữa Bảy Theo và con gái Cấm, là tình bạn, tình đồng chí của các thành viên tại căn cứ Bình An Đông ở địa đạo Củ Chi qua những bữa cơm, những lúc được lên mặt đất, được ca hát sau những ngày sống dưới địa đạo, những câu chuyện cười rất nhẹ nhàng như để xua tan đi không khí căng thẳng của cuộc chiến, và đó còn là tình yêu một cách đầy hoang dại giữa người với người. Có lẽ chi tiết quan hệ tình dục trong phim khiến cho nhiều người cảm thấy nó quá phản cảm, thậm chí một số còn cho rằng là mang tính bôi nhọ hình tượng người lính Việt Nam xưa. Tuy nhiên, với mình, trong cái khoảnh khắc mà chẳng biết ngày mai liệu còn có thể sống được nữa hay không, thì phân cảnh này thể hiện một khía cạnh rất thật và đầy nhân tính của con người trong hoàn cảnh chiến tranh. Với mình, phân cảnh này không chỉ đơn thuần là một chi tiết nhạy cảm, mà còn là cách đạo diễn Bùi Thạc Chuyên muốn khắc họa sự khát khao sống, khát khao yêu thương và kết nối giữa con người với nhau, ngay cả trong bối cảnh tàn khốc nhất. Chiến tranh không chỉ lấy đi sinh mạng và lý tưởng, mà còn đẩy con người đến những giới hạn cuối cùng của cảm xúc, nơi mà mọi ranh giới đạo đức, xã hội dường như mờ nhạt. Trong khoảnh khắc mà cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, những nhân vật như Tư Đạp và Ba Hương đã tìm thấy ở nhau một chút ánh sáng của sự sống, một sự khẳng định rằng họ vẫn là con người, vẫn có nhu cầu yêu thương, và vẫn khao khát những gì gần gũi, thân thuộc nhất.

Phân cảnh này, dù gây tranh cãi, lại là một phần không thể tách rời của bức tranh mà Địa Đạo muốn vẽ nên. Nó không bôi nhọ hình tượng người lính, mà trái lại, làm nổi bật sự phức tạp của họ những con người không chỉ chiến đấu vì lý tưởng lớn lao, mà còn mang trong mình những cảm xúc rất đời thường, rất con người. Tình yêu, dù hoang dại và đầy bản năng trong hoàn cảnh ấy, lại là minh chứng cho sự bền bỉ của tinh thần con người, cho dù họ đang sống trong bóng tối của địa đạo, giữa bom đạn và cái chết.
Hạn chế
Tuy khen nhiều là vậy, thế nhưng phim không phải là hoàn hảo 100%, nó vẫn có những khuyết điểm nhất định trong mặt nội dung, và với mình điểm hạn chế của phim lại khá đáng tiếc lại nằm ở nhịp phim, cũng như có khá nhiều đoạn hơi bị phi logic, cũng như phi thực tế. Về nhịp phim, mình có cảm giác nhịp phim có vấn đề khi các phân đoạn cao trào hay trùng xuống bị đan xen hơi nhiều và có cảm giác gì đó hơi cấn sau khi phim đã kết thúc và dòng credit hiện lên. Còn về logic hay thực tế, chính vì cái nhịp phim có phần hơi thất thường, nên sẽ có một số đoạn các bạn sẽ cảm thấy có phần khá là vô lý, với các chi tiết và hành động của nhân vật do đạo diễn không giải thích nó rõ ràng mà để khán giả tự suy luận, tự hiểu. Tuy nhiên, nếu để bảo những hạn chế này có làm chất lượng của bộ phim bị suy giảm nghiêm trọng không, câu trả lời của mình sẽ là không, trái lại mình tin rằng những hạn chế này sẽ là bài học, những khuyết điểm để đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sẽ cải thiện ngày một tốt hơn ở các tác phẩm sau này của mình.
NHÂN VẬT
Ngay từ phần triển khai câu chuyện cho phim, Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối đã có phần khá khác biệt so với những bộ phim khác ở Việt Nam, và điều này không chỉ nằm ở cách kể chuyện mà còn ở chính cách đạo diễn Bùi Thạc Chuyên định nghĩa nhân vật chính. Theo chia sẻ của đạo diễn, nhân vật chính của bộ phim không phải là bất kỳ cá nhân nào như Bảy Theo, Tư Đạp, hay Ba Hương, mà chính là "Địa Đạo" – một không gian, một thực thể, và một biểu tượng sống động, đầy phức tạp, vượt lên trên tất cả các nhân vật khác để trở thành linh hồn của câu chuyện.
Trong phim, có thể nói rằng Địa Đạo không chỉ đơn thuần là một địa điểm hay bối cảnh, mà là một thực thể có sức sống riêng, mang trong mình cả lịch sử, cảm xúc, và những vết thương của một thời chiến tranh khốc liệt. Bùi Thạc Chuyên không chỉ kể câu chuyện về những con người tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ vào năm 1967, mà còn khắc họa một bức tranh sống động về chính hệ thống địa đạo, nơi trở thành trung tâm của mọi xung đột, hy sinh, và biến chuyển. Địa đạo trong phim không chỉ là nơi các sự kiện diễn ra, mà còn là một nhân vật có cá tính riêng, mang trong mình cả sự kiên cường, sự tăm tối, và những nỗi đau không lời. Nó là nơi hội tụ của tinh thần dân tộc, là chứng nhân cho những gì đã xảy ra, và cũng là nguồn cảm hứng cho những hành động anh hùng.

Ngay từ những cảnh mở đầu, đạo diễn đã đưa người xem vào một thế giới đầy khốc liệt và tàn nhẫn của năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Những hình ảnh đầu tiên không thể nào quên: một khu rừng đã bị bom đạn phá hủy hoàn toàn, xác người nổi lềnh phềnh trên mặt nước, và không khí ngột ngạt của chiến tranh bao trùm. Khi câu chuyện chuyển xuống dưới lòng đất, vào sâu trong hệ thống địa đạo, Bùi Thạc Chuyên sử dụng những chi tiết tinh tế để làm nổi bật vai trò của căn cứ này. Đó là những cảnh quay chậm rãi, đầy ám ảnh qua các lối hẹp chật chội, những âm thanh rùng rợn của đất đá sụp xuống, tiếng thở gấp gáp của người lính trong bóng tối, và những tia sáng le lói hiếm hoi từ các khe hở như hy vọng mong manh giữa tuyệt vọng. Những chi tiết ấy không chỉ tạo nên không khí căng thẳng, kịch tính, mà còn biến địa đạo thành một nhân vật có sức sống riêng, vừa là người bạn đồng hành, vừa là thách thức lớn lao. Nó là nơi che chở cho những người lính và dân làng trong cuộc kháng chiến, nhưng đồng thời cũng là nơi thử thách lòng dũng cảm, sự khéo léo, và cả những giới hạn của con người. Đối với lính Mỹ, địa đạo còn là một kẻ thù đáng sợ, một mê cung bí ẩn mà họ không thể nào hiểu hết, khiến họ phải kinh hoàng trước sự thông minh và kiên cường của đối thủ.
Ngay cả khi các nhân vật như người lính trẻ, chỉ huy, quân tình báo, hay lính Mỹ xuất hiện, họ dường như chỉ là những mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn mà địa đạo vẽ ra. Địa đạo không chỉ là bối cảnh, mà còn là nhân tố quyết định, dẫn dắt câu chuyện, và mang trong mình sức nặng của lịch sử. Nó là nơi chứng kiến những khoảnh khắc sinh tử, những quyết định khó khăn, và cả những hy sinh thầm lặng. Chính vì vậy, địa đạo không chỉ là một không gian vật lý, mà còn là biểu tượng của tinh thần Việt Nam, sự kiên trì, đoàn kết, và bất khuất trước mọi khó khăn. Về các nhân vật khác trong phim, mình phải thừa nhận rằng tất cả đều thể hiện xuất sắc vai trò của mình, từ những diễn viên chính đến phụ, mang đến những màn trình diễn đầy cảm xúc và chân thực. Những người lính trong phim, phần lớn là nhân dân tham gia chiến đấu theo kiểu du kích, không có nhiều kinh nghiệm chiến trường, và đặc biệt, họ còn quá trẻ, những con người vừa bước qua tuổi thanh xuân, với cả một tương lai phía trước. Họ không phải là những anh hùng hoàn hảo, không phải những chiến binh bất bại như trong các câu chuyện thần thoại. Họ sợ hãi, họ lo lắng, và chắc chắn họ sợ chết, bởi ai mà không sợ khi đối mặt với bom đạn, với cái chết luôn rình rập? Họ còn trẻ, còn những giấc mơ, những hy vọng về một cuộc sống yên bình, nhưng chiến tranh đã đẩy họ vào tình thế mà họ không thể lùi bước. Thế nhưng, điều làm nên giá trị của những nhân vật như Bảy Theo, Tư Đạp, Ba Hương, Út Khờ, Cấm, Lục Tạc, Bảy Sắt, và nhiều người khác không phải là sự vô cảm trước nguy hiểm, mà chính là sự dũng cảm vượt lên trên nỗi sợ hãi đó. Họ không phải là những kẻ hèn nhát, bởi dũng cảm không phải là không biết sợ, mà là khi biết sợ nhưng vẫn dám đối mặt, vẫn dám chiến đấu, vẫn dám bảo vệ tổ quốc và những người thân yêu.

Về những nhân vật khác không thuộc đội du kích, mình đánh giá cao nhất nhân vật Hai Thưng do nam diễn viên Hoàng Minh Triết thủ vai, anh đội trưởng của đội thông tin tình báo chiến lược N38. Xuyên suốt cả phim, mỗi lần có sự xuất hiện của Hai Thưng, nó luôn cho mình và mình tin là nhiều khán giả khác có cảm giác rất lo sợ, bất an, bởi cái thái độ quá đỗi bình tĩnh trong mọi khoảnh khắc, khiến người ta luôn nghi rằng anh là gián điệp do Mỹ cài vào, tuy nhiên chính cái phong thái bình tĩnh đến đáng sợ đó, đã thể hiện phần nào đúng với lịch sử của những chiến sĩ tình báo của nước ta thời chiến. Đó là những con người luôn bí ẩn, không được phép để cho người khác nắm thóp được mình, thậm chí họ sẽ luôn bị đặt vào diện nghi ngờ với những hành động của mình, và chỉ khi đất nước được thống nhất, khi màn kịch đã hạ xuống, chúng ta mới biết được thực sự họ là người như thế nào.

ÂM THANH VÀ KỸ XẢO
Về phần âm thanh và kỹ xảo trong Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, mình thực sự phải ngả mũ thán phục trước tài năng và sự chuyên nghiệp của toàn bộ đội ngũ làm phim, bởi những gì họ đã đạt được không chỉ vượt xa kỳ vọng mà còn chứng minh rằng điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang với bất kỳ một tác phẩm nước ngoài nào, ngay cả những bộ phim Hollywood hay các sản phẩm điện ảnh châu Âu với ngân sách khổng lồ. Phần hình ảnh và âm thanh của bộ phim không chỉ là những yếu tố kỹ thuật phụ trợ, mà còn là những công cụ nghệ thuật mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc tái hiện chân thực không gian chiến tranh, xây dựng không khí căng thẳng, và truyền tải cảm xúc sâu sắc đến từng khán giả.
Trước hết, về phần hình ảnh, kỹ xảo trong phim thực sự là một điểm sáng đáng kinh ngạc. Những cảnh quay tái hiện cuộc chiến tranh khốc liệt năm 1967, với khu rừng bị bom đạn phá hủy hoàn toàn, và những khoảnh khắc bom nổ rung chuyển đất trời, đều được xử lý một cách tinh tế và chân thực đến kinh ngạc. Các hiệu ứng đặc biệt, từ khói bụi bốc lên sau mỗi vụ nổ, đến ánh sáng mờ ảo trong hệ thống địa đạo, đều được thiết kế để tạo ra cảm giác sống động, như thể khán giả đang trực tiếp chứng kiến những gì đã xảy ra. Những cảnh quay chậm rãi qua các lối hẹp trong địa đạo, với những tia sáng le lói xuyên qua khe hở, không chỉ đẹp mắt mà còn mang tính biểu tượng, làm nổi bật sự đối lập giữa bóng tối của chiến tranh và hy vọng mong manh của con người. Điều ấn tượng hơn nữa là kỹ xảo không hề bị lạm dụng một cách phô trương; thay vào đó, nó được sử dụng một cách tinh tế, phục vụ câu chuyện và làm tăng thêm chiều sâu cảm xúc, thay vì chỉ nhằm gây ấn tượng thị giác. Về phần âm thanh từ những âm thanh nhỏ nhất như tiếng đất đá sụp xuống, tiếng thở gấp gáp của người lính trong bóng tối, đến những tiếng nổ chát chúa của bom đạn và tiếng gào thét của chiến trường, mọi thứ đều được thu âm và phối âm một cách chi tiết, chính xác đến từng mili giây. Âm thanh không chỉ tái hiện chân thực không gian chiến tranh mà còn là một công cụ kể chuyện, giúp khán giả cảm nhận được sự ngột ngạt, căng thẳng trong cuộc chiến.
TỔNG KẾT
Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối, tuy vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng đây vẫn là một sản phẩm đáng xem trong tháng 4 này, nhất là khi chúng ta đang hướng tới ngày 30 tháng 4, kỷ niệm 50 năm Giải Phóng Miền Nam, thống nhất đất nước một cột mốc lịch sử thiêng liêng và đầy tự hào của dân tộc. Bộ phim không chỉ khắc họa một lát cắt chân thực và đầy cảm xúc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà còn gửi gắm thông điệp sâu sắc về sự hy sinh, đoàn kết, và giá trị của hòa bình những điều mà thế hệ hôm nay cần ghi nhớ và trân trọng. Với những trải nghiệm mà bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mang đến cho mình, 9,5/10 là số điểm mà mình dành cho bộ phim lần này, và mình hy vọng Địa Đạo sẽ thành công rực rỡ để từ đó tạo động lực cho các nhà làm phim tư nhân, có thể làm ra những sản phẩm phim chất lượng hơn nữa về đề tài lịch sử Việt Nam, đặc biệt là 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trong tương lai không xa.


Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này