Một cuốn sách với tựa đề khi nghe qua ta tưởng như là một cuốn sách giành cho trẻ con. Nhưng không,  Nguyễn Nhật Ánh viết cuốn sách này cho những ai đã từng là trẻ con. Vẫn với giọng văn chân thực, hóm hỉnh mà lôi cuốn, tác giả đã vẽ ra bức tranh tuổi thơ hết sức sống động. Người đọc sẽ không thể nào rời mắt mà ngay lúc lật từ trang sách đầu tiên, sẽ muốn đọc ngay hết nội dung từ đầu đến cuối. Bởi những câu chuyện rất giản dị và thậm chí là không có gì đáng nói, nhưng qua ngòi bút tài ba của Nguyễn Nhật Ánh, chúng trở nên thật đẹp, thật trong trẻo như vừa mới xảy ra ngay trước mắt độc giả vậy. Với những câu chuyện tuổi thơ mà chắc chắn chúng ta sẽ bắt gặp mình trong đó, sẽ cảm thấy nhà văn như đang kể chuyện của mình chứ không phải của ai khác.
Những câu chuyện trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” xoay quanh cuộc sống đời thường của bốn đứa trẻ 8 tuổi. Chúng cảm thấy cuộc đời thật đáng chán khi cứ phải quanh đi quẩn lại làm mấy việc chán ngắt là đi học, ăn cơm, chơi, rồi lại học bài, đi ngủ,…Bốn đứa trẻ luôn tìm cách để làm cho cuộc sống của chúng bớt đơn điệu, muốn chứng tỏ là mình đã lớn và bày ra rất nhiều trò hay ho bằng cách tưởng tượng  ra tất cả những thứ mà trẻ con có thể nghĩ ra. Trong thế giới quan của những đứa trẻ, người lớn thật khó hiểu và thật mâu thuẫn, luôn áp đặt những tiêu chuẩn cho một đứa trẻ như thế nào được coi là một đứa trẻ ngoan. Trong đầu những đứa trẻ thì luôn là câu hỏi tại sao người lớn lại đối xử với tụi nó như vậy. Và câu trả lời thì…mãi cho đến khi những đứa trẻ trở thành người lớn chúng mới giải thích được. Câu chuyện có sự đan xen giữa hai trạng thái xúc cảm ở hai thời điểm khi tác giả là đứa trẻ 8 tuổi và khi đã là người lớn. Với hai dòng cảm xúc cùng chạy song song để từ đó thể hiện được thông điệp của Nguyễn Nhật Ánh.
-----
Sách Chuyền Tay