Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.

--={[ REVIEW CHÓ SĂN MIỀN BOM ĐẠN ]}=--

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑 8.75/10

TL;DR

Blood Diamond + Hòn đảo của Bác sĩ Moreau + Tôi là B̵ê̵t̵ô̵ Charlie Gordon.

GIỚI THIỆU CHUNG

Chó Săn Miền Bom Đạn là một cuốn tiểu thuyết Military Sci Fi do Adrian Tchaikovsky sáng tác. Trong thế giới của truyện, con người đã phát triển công nghệ sinh học đủ tân tiến để tạo ra những sinh vật lai tạp gọi là Sinh Dạng, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, công việc phổ biến nhất của đám Sinh Dạng là làm lính đánh thuê, và Đại Ca chính là một Sinh Dạng như thế.
Cụ thể, Đại Ca có nền tảng là một con pitbull, nhưng đã được tái cơ cấu đến mức gần như không còn nhận ra được nữa. Những khả năng ưu việt của loài chó của nó được giữ lại và nâng cấp, đồng thời bổ sung một phần trí thông minh con người, và tích hợp các thiết bị liên lạc kiêm truy cập và tra cứu dữ liệu để tăng cường khả năng chiến đấu, biến nó thành một người lính lý tưởng và trung thành tuyệt đối.
Với sự hỗ trợ của biệt đội Bầy Đột kích Đa mẫu dạng, bao gồm 3 thành viên khác là Rồng (Sinh Dạng gốc thằn lằn), Mật (Sinh Dạng gốc gấu) và Ong (chắc không cần giải thích đâu nhỉ 🐧?), Đại Ca là một hung thần ngoài chiến trường, chuyên reo rắc nỗi kinh hoàng cho những phần tử vô chính phủ ở vùng Campeche, Đông Nam Mexico. Tất cả để phục vụ Ông Chủ. Vì Ông Chủ là Ông Chủ. Và vì Ông Chủ khen nó là Chó Ngoan. Và Ông Chủ khen vì nó giết địch. Và nó giết địch vì Chó Ngoan biết nghe lời Ông Chủ. Và…
Và chuyện gì xảy ra khi giết địch làm nó cảm thấy như Chó Hư, nhưng Ông Chủ gọi nó là Chó Ngoan?
Chuyện gì xảy ra khi không còn Ông Chủ để cho nó biết ai là địch nữa?
Chuyện gì xảy ra khi để làm Chó Ngoan, nó sẽ phải làm Chó Hư?
Chuyện gì xảy ra khi Ông Chủ của nó bị gọi là Người Hư?
Ai sẽ gọi nó là Chó Ngoan đây?

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Trong phần giới thiệu sơ lược, mình có gọi quyển này là Military Sci Fi, tức truyện Sci Fi xoay quanh những thứ liên quan đến quân sự, chiến tranh, lính tráng,… Xét trên một số khía cạnh thì gọi như thế cũng đúng, bởi vì những theme liên quan đến các đề tài này đeo bám gần như mọi câu chữ trong câu chuyện, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng đồng thời, gọi đây là Military Sci Fi thì thực sự coi khinh thằng này quá, bởi vì Chó Săn Miền Bom Đạn hơn thế rất, rất nhiều.
Tầm khoảng 1/4, 1/3 đầu của truyện thì đây gần như là Military Sci Fi thuần túy, chỉ khác mỗi cái thì thay vì là người thì nó là chó (cùng vài con khác, nhưng chó là chính). Thường thì các tác phẩm Sci Fi hay để phần mở của mình diễn ra với nhịp độ hơi chậm, bởi vì nó phải set setup mọi thứ cho thế giới của câu chuyện, nhưng Chó Săn Miền Bom Đạn thì lại không thế. Tchaikovsky đan xen công việc dàn dựng bối cảnh nền vào với những phân cảnh hành động một cách rất mượt mà, giúp tác phẩm hiếm có khoảng thời gian “chết” nào xuất hiện. Luôn luôn có một thứ kịch tính gì đó diễn ra, làm mọi người phải hồi hộp lật giở, song vẫn đảm bảo những thông tin cốt lõi được truyền tải đến cho mọi người để không bị quá ngợp trước lượng thông tin lạ, đồng thời nhanh chóng hiểu được hòm hòm thế giới lúc bấy giờ đang ra sao.
Đặc biệt, nếu anh em thích những thứ bắn nổ hành động kịch tính như kiểu The Expendable hay The A Team thì đoạn này quả thực sẽ là siêu phẩm. Tác giả đi sâu vào mô tả chi tiết những nhiệm vụ mà cái nhóm Bầy Đột kích Đa mẫu dạng kia thực hiện đến rùng rợn, vừa cho thấy cách mỗi con được tinh chỉnh cho phù hợp với một mục đích rất đặc thù như thế nào và phối hợp với nhau nhuần nhuyễn ra sao, vừa tô vẽ sinh động đến phát mửa những gì chúng nó bỏ lại đằng sau, cũng như sự bất lực của bất cứ thứ gì ngáng đường bọn Sinh Dạng ấy. Trong cái phần này, tác giả sẽ làm anh em vừa tròn mắt ấn tượng, vừa sởn cả tóc gáy trước những cái sự tởm lợm và tàn khốc của chiến tranh.
Nhưng không chỉ mỗi chém giết kiểu xôi thịt khơi khơi, Tchaikovsky còn lồng ghép rất nhiều theme ẩn dụ về đạo đức và chiến tranh vào trong này nữa. Cái này đã bắt đầu xuất hiện ngay từ cái đoạn đầu tiên rồi, hòa lẫn vào trong cách các nhân vật được khắc họa (lát đến phần nhân vật sẽ bàn kỹ hơn). Phần đầu thì gần như không có câu hỏi nào trực tiếp được đưa ra hết, nhưng qua những lời văn bóng gió và ám chỉ (thực ra cũng không hẳn là bóng gió lắm, nhưng trên lý thuyết vẫn là không nói lộ hẳn ra 🐧 ), Tchaikovsky sẽ “lừa” cho anh em tự mình phải đặt ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh những gì mình đang nhìn thấy, và không khỏi liên hệ chúng nó đến với thực tế ngoài đời. Tận mấy cái thực tế liền chứ chẳng phải đùa, bởi vì có rất nhiều đề tài và vấn đề được tích hợp điêu luyện vào trong những gì khắc họa trong này, và anh em có thể quyết định coi tất cả chỉ là nhiều khía cạnh của một thực tế chung, hay là nhiều thực tế khác nhau cùng chập chung vào.
Sang đến phần giữa thì những câu hỏi tiềm ẩn vốn luôn đi kèm với đám Sinh Dạng này được đem ra bàn một cách trực diện hẳn, với cả thế giới (theo đúng nghĩa đen) cùng nhảy vào xâu xé và mổ xẻ những mặt tối của biệt đội nhà Đại Ca nói riêng và toàn bộ các dạng thức sống mang tên Sinh Dạng nói chung. Bên cạnh đó, còn có thêm một số câu hỏi nữa được đưa ra bàn, những câu hỏi có thể anh em đã lờ mờ nhận ra từ trước rồi hoặc chưa hề nghĩ tới. Nó không chỉ có những thứ mang tính mù mờ như đạo đức với lương tâm hay tình người abcxyz, mà còn những thứ thực tiễn như là các hệ lụy về mặt pháp lý và các vấn đề liên quan đến xã hội và kinh tế nảy sinh từ sự tồn tại và/hoặc tiếp tục tồn tại của đám Sinh Dạng. Đây là lúc phần hành động bắt đầu lắng hẳn xuống, nhường chỗ cho một thứ bớt máu me hơn, nhưng cũng chẳng kém phần khốc liệt: cuộc chiến của những ý tưởng và truyền thông. Và bất chấp sự “lành” của mình, anh em cũng sẽ không thể dứt ra khỏi đoạn này được, một phần bởi cái sức hấp dẫn của riêng nó, một phần bởi mọi người muốn biết cái ngày mai chờ đợi Đại Ca và đồng loại của nó sẽ trông như thế nào.
Cơ mà anh em khoái hành động cũng không việc gì phải lo lắng nhé. Hành động lắng xuống không có nghĩa là nó biến mất, mà nó chỉ chuyển sang một dạng khác. Các trận chiến vẫn ác liệt và kịch tính chẳng kém gì những màn rình địch trong rừng hay luồn lách giữa các lằn đạn súng máy ở phần đầu, chỉ có điều mang quy mô nhỏ hẹp hơn và có tính chất khác đi một chút thôi. Trên thực tế, anh em có khi sẽ còn thấy các màn hành động ở trong phần này đau lòng/hồi hộp hơn hẳn, bởi vì chúng nó thậm chí còn vô nghĩa hơn hẳn những gì xảy ra ở đoạn đầu (“vô nghĩa” theo kiểu lý do tàn nhẫn nhưng đầy lôgic, chứ không phải là tác giả bịa lý do nhảm đâu nhé 🐧 ), hoặc chỉ đơn thuần là vì vạch đích đã đến quá gần rồi, và mọi thứ có thể sẽ sụp đổ ngay khi chót mũi chỉ còn vài phân nữa là qua vạch.
Nhưng hỡi ôi, đến cuối truyện, bro Tchaikovsky tự nhiên lại thò tay bóp ấy.
Phần cuối của cái truyện này trên lý thuyết chứa đựng tất cả những gì làm nên sự thành công của các phần trước. Nó có cái hành động đẫm máu và nghẹt thở, có cái triết lý nhân sinh quan và một số khái niệm với ý tưởng sáng tạo được đưa ra bàn luận, nhưng mọi thứ cứ rời rạc và vô định như thế nào ấy. Nó có mọi lý do để giúp tác phẩm trở nên thú vị hơn, với một số ý tưởng trong phần này quả là đáng nể, nhưng thực tế lại là nó chỉ tổ khiến tác phẩm trở nên lê tha lê thê, thậm chí còn làm hỏng cả một thứ đáng lẽ đã có thể là một cái kết rất ngọt rồi. Nó như một nồi canh chua với đủ mọi nguyên liệu và gia vị cần thiết để trở nên ngon miệng, nhưng chẳng hiểu vì cái lý do gì ăn cứ lợ lợ, bảo chán cũng không phải mà bảo ngon thì cũng tầm bậy nốt. Cứ dở dở ương ương đến phát bực.
Nếu không vì vướng phải cái “nồi canh” của nợ này, thứ mình tin chỉ tồn tại bởi vì tác giả tiếc rẻ vài cái ý tưởng và muốn đem ra bàn nốt (và quả đúng là ý tưởng nó hay thật, nhưng không hay đến nỗi đáng để phá hỏng cả đại cục như thế), Chó Săn Miền Bom Đạn bét nhất cũng phải ăn từ 9.5 trở lên chứ chẳng đùa.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Chó Săn Miền Bom Đạn không phải là một tác phẩm Hard Sci Fi, và phần khoa học với thế giới của nó rất dễ tiếp cận. Tuy nhiên, điều này không hề đồng nghĩa với việc nó thiếu chiều sâu hay nhạt gì cả. Ngược lại là đằng khác, thế giới của Chó Săn Miền Bom Đạn được khắc họa một cách hết sức tường tận và chi tiết, giữ được một cái sự mới lạ phi thường để khơi gợi sự tò mò, nhưng vẫn đảm bảo giải quyết mọi nghi vấn cũng như lỗ hổng tiềm tàng để mọi người có thể thấy nó như một tương lai khả dĩ.
Lẽ đương nhiên, điểm mấu chót của cái thế giới này xoay quanh cái công nghệ chỉnh sửa sinh học sặc mùi Bác sĩ Moreau đã làm sản sinh ra một lũ nửa người nửa ngợm theo đúng nghĩa đen, ấy chính là Đại Ca và đồng bọn. Khi cái công nghệ này mới xuất hiện thì khả năng cao anh em sẽ cảm thấy nó có vẻ hơi sơ sịa một tí, kiểu như mấy con rôbốt khổng lồ trong anime ấy: ờ thì chấp nhận là có cái công nghệ như thế đi để còn vào câu chuyện mà xem chúng nó nện nhau, đừng nghĩ ngợi hay đặt quá nhiều câu hỏi làm gì. Nguyên nhân là bởi lúc đó, Tchaikovsky chủ yếu đi mô tả những thứ mang tính “nước sơn” của cái công nghệ này, gần như tung hết tất cả các ý tưởng mang tính bóng bẩy lòe loẹt ra để anh em thấy lác mắt, chứ không đi sâu vào nó lắm.
Và nếu làm lác mắt người đọc là chủ đích của tác giả thì ông anh thành công vang dội luôn. Nghe cách tác giả điểm qua những thứ cấu thành đám Sinh Dạng mà ta quả thực không khỏi rùng mình trước cách chúng nó được nâng cấp, cả qua biến đổi xác thịt lẫn tích hợp các thứ công nghệ cao như súng ống tự động, nọc độc giết người, chip liên lạc với căn cứ và với nhau (đồng thời cũng là thiết bị giúp kích thích các nơron thần kinh để tạo cảm giác hưng phấn khi chúng nó nghe lệnh chủ và dằn vặt khi cãi lệnh, nhằm siết chặt khả năng kiểm soát của con người đối với lũ Sinh Dạng), vẩy giáp tàng hình, da chống đạn (ở một cự ly nhất định),… Đọc những đoạn như thế này, đặc biệt lúc chúng nó lâm trận, anh em sẽ chẳng khác nào như được kéo ngược về cái thời ngồi cầm mấy cục đồ chơi và tưởng tượng cho chúng nó pew pew lẫn nhau, hoành tráng lắm.
Cơ mà chỉ cần đi được tầm 1, 2 chương thôi là ngay lập tức anh em sẽ bắt đầu nhận thấy ấn tượng ban đầu của mình phần nào sai lệch. Thế giới và công nghệ trong này không chỉ tốt nước sơn đâu, mà nó còn tốt hẳn cả gỗ nữa. Tốt đến từng thớ một luôn. Không hề có chuyện đồng chí Tchaikovsky bịa công nghệ mì ăn liền cho vui và hy vọng mấy màn pháo hoa lòe loẹt sẽ che mắt được độc giả, khiến họ khỏi nghĩ ngợi quá nhiều, mà ông anh chỉ đơn thuần muốn đánh sâu vào phần công nghệ sau khi nhãn cầu chúng ta đã lăn về vị trí cũ và bớt sốc nhiệt đi tí.
Vì đây không phải Hard Sci Fi, ông anh không đả động đến thuyết khoa học hay thông số kỹ thuật công nghệ nền để tạo ra Sinh Dạng hay bất cứ thứ gì mang tính toán lý hóa khô khan cả. Thay vào đó, Tchaikovsky lôi từng cái hệ lụy, điểm yếu điểm mạnh tiềm tàng cũng như các ứng dụng bên ngoài chiến tranh ra mổ xẻ và phân tích rất cụ thể. Mọi câu hỏi mọi người có thể có, chẳng hạn tại sao có công nghệ để làm được A mà không áp dụng A vào cái B, hay tạo một cái nhánh A’, đều được động đến. Hoặc là Tchaikovsky khẳng định luôn là vâng, A đã được áp dụng vào B rồi, và trong thế giới của Chó Săn Miền Bom Đạn, sự kết hợp AB đó đã mang lại những kết quả ra sao, và thái độ của thiên hạ đối với nó như thế nào. Thậm chí, Tchaikovsky còn lôi ra cả những thứ C, D, E mà ta chưa tính đến, và cũng phân tích chúng nó một cách cẩn thận và hấp dẫn chẳng kém gì đã làm với B cả. Mắt anh em sẽ lại một lần nữa chạy lệch, nhưng lần này không phải vì bị pháo hoa bắn lóa quá, mà là bởi vì thấy quá khâm phục cái đầu của ông tác giả khi đã lường trước tính sau một cách cẩn thận đến vậy.

NHÂN VẬT

Đây có lẽ sẽ là phần đặc biệt nhất của toàn bộ tác phẩm, bởi vì nó hoặc sẽ là phần hấp dẫn nhất trong này, hoặc sẽ là phần làm mọi người ghét cái quyển này một cách thậm tệ.
Mình nói cực kỳ nghiêm túc.
Truyện đảo điểm nhìn qua khá nhiều nhân vật, cả con người lẫn Sinh Dạng, cả địch lẫn ta (mặc dù tất cả mọi thứ “địch” với “ta” đều chỉ mang tính tương đối thôi, và đảo chiều còn nhanh hơn cổ phiếu GameStop ấy 🐧 ), nhưng cái trọng tâm vẫn là đám Sinh Dạng, cụ thể là con Đại Ca.
Phải đến 2/3 cái quyển này là ta chui vào đầu con Đại Ca ngồi, cùng nó đi làm các nhiệm vụ và suy nghĩ về số phận, cuộc đời. Anh em chắc đã thấy hơi chán cái cảnh mình cứ cách một câu là lại BJ cho ngòi bút Tchaikovsky, nhưng thực sự là ông anh viết khéo lắm ấy. Cái phần của con Đại Ca đặc sệt cái giọng của một con chó, với các câu văn cụt ngủn, lặp đi lặp lại, thể hiện cái sự hiểu biết hạn hữu của nó về thế giới xung quanh, bất chấp đã được điều chỉnh cho khôn lên một tí rồi. Ta sẽ thấy cái cách nó liên tục hướng về chủ của mình, luôn muốn tìm cách làm ông chủ vui lòng, và phấn khích đến một cách thảm thương mỗi khi nhận được lệnh từ ông chủ, với nhiều đoạn nghe nó thể hiện xúc cảm một cách đầy hồn nhiên mà não lòng vô cùng.
Anh em sẽ cực khó kiềm chế được sự thương xót đối với con chó đấy, bởi vì chúng ta có thể nhìn ra rất rõ bản chất những cái việc nó đang làm là gì, biết hạng người nào nắm xích của nó, biết nó đang bị nô lệ và ngược đãi và đày đọa, nhưng hoàn toàn bất lực không thể cho nó biết cái gì đang xảy ra. Thậm chí đến cái lúc con Đại Ca bị sổng đi rồi, anh em sẽ thấy tội cho cái kiểu hoang mang và bơ vơ của nó đến nỗi có khi còn vô tình muốn nó về lại với chủ, bất chấp việc mọi người biết chủ nó là cái thể loại gì và điều gì sẽ chờ đón nó nếu nó quay trở về. Nhưng ít nhất nếu quay về, nó sẽ đỡ phải trải nghiệm những cái nỗi thống khổ xé lòng như bấy giờ.
Mọi thứ về thằng Đại Ca này, từ cái số phận của nó cho đến cách nó được khắc họa, đều giống Charlie Gordon trong Hoa trên mộ Algernon đến lạ thường, và đây chính là lý do mình nói nó có thể sẽ làm anh em ghét thậm tệ cái quyển này. Trừ khi tên mọi người là Neil Druckmann, có ai lại thấy vui vẻ khi phải chứng kiến cảnh một con chó bị mang ra đày đọa như thế không?
Ngoài Đại Ca ra thì cũng có mấy nhân vật khác khá được đầu tư, với tiêu biểu là thằng chủ của nó, nhân vật phản diện chính của truyện. Thằng cha này bị tô vẽ theo kiểu hơi giống mấy tay ác ôn trong hoạt hình tí, hơi bị sặc sụa mùi mấy mô típ lính đánh thuê vô nhân tính, và anh em sẽ không khỏi đảo mắt trước một số cảnh mà hắn xuất hiện bởi vì đồng chí này lắm khi diễn quá lố vl. Tuy nhiên, thanh niên được cái làm việc một cách rất chuyên nghiệp, hiệu quả, và hắn đáng sợ thật chứ không phải kiểu, “Êu, thằng này là phản diện nhé, sợ đi” đâu. Lúc hắn chường mặt ra ở trận gần cuối, anh em có khi sẽ lạnh cả sống lưng vì thằng cha quả thực nắm giữ khả năng đạp đổ tất cả mọi thứ theo một cách hết sức hợp lý và khả dĩ, không quá vặt vãnh mà cũng chẳng lố lăng gì cả, kể cả khi hắn làm một thứ hơi sặc mùi phản diện Bond tí (đã bảo là hơi bị mô típ rồi mà 🐧 ).
Nhưng cũng có một số nhân vật không hẳn chính mà cũng không phải phụ làm mình thấy thất vọng. Một là có một nhân vật cực kỳ tiềm năng trong đội Bầy Đột kích Đa mẫu dạng, đóng vai trò tương phản rất thú vị với Đại Ca, hứa hẹn sẽ dẫn đến những xung đột hấp dẫn. Nhưng bro Chai-cốp-sờ-ti nhà ta rất lười sờ vào cái mỏ vàng ấy, và tống cổ cái nhân vật đó khỏi sân khấu một cách rất sớm, khiến mình cứ tiếc hùi hụi, đặc biệt là khi đến một mạch sau này, có một chỗ có thể nhét cái nhân vật đó vào một cách vừa như in, nhưng rốt cuộc lại bị thay bởi một nhân vật mới toanh và không thú vị bằng. Ngoài thanh niên đấy ra thì còn một số thanh niên khác có ý tưởng nền tảng lôi cuốn vô cùng, mở ra cửa ngõ cho chúng ta đi khám phá những cái concept Sci Fi đầy sáng tạo và hay ho. Nhưng vấn đề là mấy nhân vật này chỉ đến thế thôi: là cái cửa ngõ. Cảm giác cứ như họ xuất hiện vì tác giả cần cái cớ để động đến mấy cái ý tưởng kia, chứ không phải vì họ là, ờm, nhân vật. Thế là rốt cuộc mặc dù rất thích cái đóng góp của họ cho tác phẩm, mình vẫn thấy họ thừa thừa thế nào ấy.

TỔNG KẾT

Chó Săn Miền Bom Đạn là một cuốn Sci Fi với vô số điểm hấp dẫn, có thể làm hài lòng cả những người muốn được cảm thấy adrenaline chảy rần rật trong mạch máu lẫn những ai muốn khám phá và bàn luận về các ý tưởng mới mẻ cũng những phạm trù đạo đức và nhân sinh quan sâu xa. Truyện vẫn có một chút sạn, đặc biệt là ở cái phần cuối của tác phẩm, nhưng nó hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trong những tác phẩm kinh điển thời hiện đại của dòng.
Xem bài viết gốc tại: