Review Captain America Brave New World: Hành trình kế thừa di sản của Sam Wilson.
Đây là 1 review Captain America Brave New World
Đã 9 năm kể từ lần cuối một bộ phim Captain America ra rạp, đã có rất nhiều sự kiện đã xảy ra trong MCU từ nhỏ đến lớn. Sau các sự kiện của Avengers Endgame, giờ đây khi Captain America Steve Roger đã về hưu, anh quyết định truyền lại chiếc khiên, cùng danh hiệu của mình cho người cộng sự Sam Wilson, áp lực giờ đây được đặt nặng lên đôi vai của Sam, nhất là khi thế giới giờ đây đã rất khác sau những sự kiện hậu Endgame. Liệu Captain America Sam Wilson có thể kế thừa được di sản mà Steve Roger đã để lại không ? Câu trả lời sẽ nằm ở trong bài review Captain America Brave New World này của mình.

GIỚI THIỆU
Captain America Brave New World là phần thứ tư trong loạt phim Captain America , phần tiếp theo của TV Series The Falcon and the Winter Soldier , và là bộ phim thứ 35 trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Bộ phim do Julius Onah đạo diễn, từ kịch bản của Rob Edwards và nhóm biên kịch Malcolm Spellman, Dalan Musson, Onah & Peter Glanz. Bộ phim theo chân Sam Wilson, người lúc này đây đã trở thành Captain America mới của nước Mỹ. Sau khi gặp Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử là Thaddeus Ross, Sam thấy mình đang ở giữa một sự cố với quy mô toàn cầu. Anh giờ đây phải khám phá ra lý do đằng sau một âm mưu đen tối trước khi kẻ chủ mưu thực sự khiến cả thế giới phải chao đảo.

NỘI DUNG
Ngay từ khi được công bố, Captain America: Brave New World – hay còn được biết đến với cái tên ban đầu Captain America: New World Order – đã trải qua một quá trình phát triển vô cùng chông gai, với hàng loạt thay đổi lớn về nội dung, kịch bản, cũng như lịch phát hành. Đây là một bộ phim quan trọng của Marvel Studios, không chỉ vì nó là phần phim riêng đầu tiên của Sam Wilson trong vai trò Captain America, mà còn vì nó nằm trong một giai đoạn đầy sóng gió của MCU, khi vũ trụ này đang phải đối mặt với sự suy giảm niềm tin từ khán giả và những đánh giá tiêu cực về chất lượng nội dung.
Ban đầu, tựa đề New World Order được lựa chọn để làm tiêu đề chính thức của bộ phim. Đây là một thuật ngữ thường được sử dụng trong các thuyết âm mưu chính trị, ám chỉ đến một trật tự thế giới mới do một nhóm quyền lực ngầm kiểm soát. Điều này khiến Marvel Studios gặp phải một vấn đề lớn về mặt hình ảnh, khi tiêu đề này gợi lên những liên tưởng quá nặng nề về chính trị, thuyết âm mưu và những thế lực kiểm soát toàn cầu. Trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới vẫn còn chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề, việc sử dụng một tiêu đề mang tính chất như vậy có thể gây tranh cãi không cần thiết, ảnh hưởng đến sức hút thương mại của bộ phim. Vì vậy, Marvel đã quyết định đổi tên thành Brave New World, một cái tên mang tính biểu tượng hơn, đồng thời gợi nhắc đến tác phẩm văn học cùng tên của Aldous Huxley, vốn nói về một tương lai đầy biến động.

Tuy nhiên, việc thay đổi tiêu đề không phải là vấn đề duy nhất mà bộ phim phải đối mặt. Trong khoảng thời gian này, các phim của Marvel liên tục gặp thất bại về mặt thương mại và đánh giá, với những bộ phim như Ant-Man and the Wasp: Quantumania, Secret Invasion hay The Marvels đều nhận phản hồi tiêu cực từ giới phê bình và khán giả. MCU không còn là thương hiệu “bất khả chiến bại” như trước đây, và điều này khiến cho Captain America: Brave New World chịu áp lực rất lớn trong việc phải thành công để khôi phục lại niềm tin từ công chúng.

Lịch phát hành của bộ phim ban đầu được ấn định vào tháng 3 năm 2024, nhưng do những đánh giá kém về một số bộ phim gần đây của MCU, Marvel Studios đã quyết định đẩy lùi ngày ra mắt để có thêm thời gian chỉnh sửa. Nhưng ngay cả khi đã lùi lịch, tình hình vẫn không khả quan hơn. Khi phiên bản chiếu thử đầu tiên được trình chiếu cho một nhóm khán giả xem trước, bộ phim nhận về rất nhiều phản hồi tiêu cực. Đây là điều vô cùng đáng lo ngại, bởi lẽ những bộ phim của Marvel thường được đánh giá khá cao trong các buổi chiếu thử nội bộ, nhưng lần này, phản ứng của khán giả lại trái ngược hoàn toàn.

Những đánh giá tiêu cực từ các buổi chiếu thử khiến Marvel Studios rơi vào tình thế buộc phải thực hiện những thay đổi lớn đối với bộ phim. Điều này dẫn đến một quyết định chưa từng có trong lịch sử của Marvel: họ tiếp tục đẩy lùi ngày phát hành thêm một năm, từ 2024 sang 2025, bất chấp thực tế rằng chỉ còn vài tháng nữa là bộ phim sẽ ra mắt. Đây là một động thái cho thấy Marvel nhận thức rõ ràng về những vấn đề nghiêm trọng trong nội dung của bộ phim, đến mức họ sẵn sàng hy sinh cả lịch phát hành để chỉnh sửa lại. Để cứu vãn tình hình, Marvel Studios đã mời thêm biên kịch của Moon Knight vào để hỗ trợ phần viết kịch bản. Một số nhân vật đã bị viết lại tiểu sử, một số tuyến truyện bị cắt bỏ hoặc điều chỉnh, và đặc biệt là có nhiều phân cảnh mới được bổ sung. Không chỉ dừng lại ở đó, Marvel còn tiến hành quay lại rất nhiều cảnh trong phim, một động thái cho thấy mức độ bất ổn của dự án này. Việc phải quay lại nhiều cảnh, sát với ngày phát hành như vậy thường không phải là một dấu hiệu tốt, bởi nó cho thấy nội dung phim ban đầu có quá nhiều vấn đề, khiến cho tổng thể câu chuyện trở nên rời rạc và thiếu đi sự kết nối liền mạch, một ví dụ tiêu biểu nhất cho việc chỉnh sửa có thể kể đến Justice League của nhà DC khi đã thay đổi đạo diễn trong quá trình sản xuất dẫn đến bản phim của Joss Wheldon và Zack Snyder khác nhau hẳn 1 trời 1 vực. Chưa dừng lại ở việc quay lại các phân cảnh trong phim, Marvel còn đưa nam diễn viên Giancarlo Esposito – một cái tên quen thuộc với khán giả qua vai diễn Năm Đen Gus Fring trong Breaking Bad và Better Call Saul – vào dàn cast của bộ phim. Đây là một nước đi nhằm tạo thêm sức hút cho phim, bởi Giancarlo Esposito là một diễn viên có khả năng diễn xuất cực kỳ tốt, ông thường vào vai những nhân vật có chiều sâu và luôn tỏa ra một sự nguy hiểm không hề nhỏ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu sự bổ sung này có thực sự giúp ích cho bộ phim, hay chỉ là một nỗ lực muộn màng để tạo sự chú ý.

Rõ ràng, một bộ phim bị chỉnh sửa quá nhiều, từ thay đổi tiêu đề, lùi lịch phát hành nhiều lần, viết lại kịch bản, cắt ghép và quay lại hàng loạt phân cảnh, thì gần như chắc chắn nội dung sẽ không thể nào giữ được sự nhất quán và mạch lạc. Một sản phẩm điện ảnh cần có một tầm nhìn rõ ràng ngay từ đầu, nhưng với Captain America: Brave New World, việc phải chỉnh sửa quá nhiều trong thời gian quá ngắn có thể khiến bộ phim trở thành một sản phẩm chắp vá, thiếu đi sự liền mạch trong câu chuyện. Đây là một thực tế mà khán giả sẽ phải chấp nhận khi bước vào rạp để xem phần phim này.

Bên cạnh nội dung có phần quá nông, thì ngay từ phần mở đầu của phim, một điểm yếu khác của phim cũng đã lộ ra và thật mỉa mai thay, cái điểm yếu này lại chính là điểm mạnh mà các fan Marvel đã luôn vỗ ngực tự hào suốt bao nhiêu năm qua. Điểm yếu mình muốn nói đến ở đây chính là yếu tố “tính liền mạch” trong MCU. Đúng vậy, từ trước đến nay các fan Marvel luôn tự hào vì các bộ phim của Marvel Studio luôn có được sự liên kết nội dung giữa các phần phim vô cùng chặt chẽ từ đó mà chúng ta luôn muốn biết phim sau sẽ liên kết với phim sắp tới như thế nào. Thế nhưng với Cap 4, điều này lại vô tình khiến cho nội dung của phim trở nên cực kỳ khó khăn để triển khai sao cho thật tốt. Bởi với 1 thương hiệu phim giờ đây đã có hơn 40 bộ phim khác nhau từ phim chiếu rạp, cho đến phim truyền hình, nhiệm vụ liên kết các sự kiện lại với nhau làm sao cho hợp lý và hấp dẫn được khán giả, quả thực không phải là một thử thách dễ dàng, đặc biệt là liên kết các sự kiện giữa các TV Series và phim chiếu rạp, bởi không phải ai ra rạp xem cũng đã xem hết tất thảy các phim mà Marvel đã sản xuất, và thật đáng tiếc là Cap 4 đã không làm được thử thách này. Ngay từ phần mở đầu của phim, những bản tin và cảnh phim tư liệu xuất hiện như một phần tóm tắt gượng gạo, khiến bộ phim trông giống như đang cố lôi kéo sự hoài niệm thay vì xây dựng một câu chuyện độc lập. Việc sử dụng những mảnh ghép cũ để tạo nên một câu chuyện mới không phải điều xa lạ ở Hollywood, nhưng phim lại làm điều đó một cách vụng về, bám víu vào những sự kiện đã qua để tìm kiếm sự kết nối.

Đó là còn chưa kể, biện pháp show don’t tell đã không được sử dụng trong phim, mà thay vào đó là tell don’t show được sử dụng nhiều hơn, khi mà phần lớn những sự kiện đã và đang xảy ra trong phim đều chỉ thông qua các lời thoại của nhân vật, có những sự kiện nếu bạn đã xem các phim trước đây của Marvel, có thể là bạn sẽ nhớ chúng. Nhưng sẽ có những sự kiện bạn sẽ thắc mắc là : tại sao Marvel lại không show ra cho khán giả thấy chứ ? rõ ràng những sự kiện đó có ảnh hưởng không chỉ tới bộ phim, mà còn ảnh hưởng đến chính toàn bộ thế giới trong phim, vậy nhưng đạo diễn lại chọn cách diễn đạt thông qua những đoạn thoại rất ngắn gọn của các nhân vật, và điều này làm giảm đi hẳn sức nặng của câu chuyện, cũng như khiến khán giả khó mà hiểu được tình hình thế giới trong phim đang nguy hiểm như thế nào.
Và điều cuối cùng, mình muốn chê ở phần nội dung đó là Marvel đang cạn ý tưởng trong cách kể một câu chuyện, đúng hơn là thiếu sự sáng tạo trong những sản phẩm của mình. Ngay từ những buổi công chiếu thử đầu tiên, cho đến phiên bản sửa lại được công chiếu sớm, những phản hồi của khán giả đều nói về việc Cap 4 có phần khá giống với Captain America The Winter Soldier khi phim theo phong cách phim về đề tài điệp viên pha lẫn yếu tố chính trị - giật gân. Và sau khi xem xong, mình cũng phải thừa nhận đúng là phim có nhiều nét tương đồng với Winter Soldier, khi câu chuyện trong Brave New World xoay quanh những âm mưu chính trị, điệp viên hai mang, tẩy não, căn cứ quân sự bí mật dưới lòng đất, nơi kẻ phản diện ẩn náu, có chăng quy mô giờ đây là phạm vi cả nước Mỹ và thế giới chứ không còn trong tổ chức Shield nữa. Việc học hỏi từ 1 bộ phim thành công, đặc biệt là The Winter Soldier là không hề sai. Nhưng học hỏi rồi biến những cái hay của phim cũ thành của mình thì Cap 4 đã không làm được.

Câu chuyện của Brave New World giống như cố gắng copy theo The Winter Soldier nhưng lại dở hơn rất nhiều, những vấn đề chính trị, xung đột lợi ích giữa các quốc gia, chia rẽ trong nội bộ một quốc gia được làm một cách quá qua loa, lười biếng không đủ để làm câu chuyện có được sức nặng trong phim, thậm chí là phần hậu quả và cách để giải quyết cũng quá là “cổ tích” với một bộ phim đang đi theo hướng chính trị như vậy. Nếu như The Winter Soldier mang đến một câu chuyện chính trị căng thẳng với những tình tiết gay cấn, thì Brave New World lại biến mọi thứ trở thành một phiên bản nhạt nhẽo và rập khuôn, thiếu đi sự kịch tính và hấp dẫn cần thiết.
Tổng kết lại, nếu để nhận xét về nội dung của Captain America Brave New World, mình sẽ nói nó là một bộ phim có nội dung quá chắp vá, lười biếng và thiếu sáng tạo. Dường như Marvel giờ đây như thể là Apple với sản phẩm của họ là Iphone vậy. Họ đã có một công thức để thành công, nhưng chính vì cái thành công quá lớn với công thức đó, vậy nên giờ đây họ rất khó để có thể nghĩ ra được một ý tưởng mới hay một đột phá mới cho chính sản phẩm của mình. Marvel Studio dường như đang bị hết ý tưởng cho cách kể hay triển khai một bộ phim của mình. Cảm tưởng như Captain America The Winter Soldier như một mâm cỗ ngày Tết với đủ của ngon, vật lạ được bày lên bàn cho khán giả, thì Captain America Brave New World giống như cố lấy những nguyên liệu thừa để làm nên bàn tiệc này vậy, và chúng ta đều hiểu nguyên liệu bị thừa lại sẽ không giờ ra được món ngon giống như nguyên liệu tuyển chọn được. Có lẽ đạo diễn Denis Villeneuve, đạo diễn của những Dune, Blade Runner 2049 đã nói đúng về phim Marvel, đó là “có quá nhiều phim Marvel chỉ là sản phẩm được cắt ra và dán lại từ các phim khác.”

NHÂN VẬT
Chê bai nội dung nhiều là vậy, nhưng về nhân vật, phim lại khiến mình khá ngạc nhiên đặc biệt là màn trình diễn của Anthony Mackie trong vai Captain America.

Thú thực là ngay từ hồi được công bố là sẽ có phim riêng về Captain America Sam Wilson, bản thân của mình đã có rất nhiều sự hoài nghi, đặc biệt là với Anthony Mackie. Lý do là bởi nhân vật Falcon của anh không phải là 1 siêu anh hùng quá nổi bật trong MCU, bởi anh chỉ là 1 side-kick hay phụ tá cho Captain America Steve Roger, chứ không hẳn là 1 siêu anh hùng độc lập ở thời điểm đó. Tuy nhiên, sau khi xem xong phim, mình phải khẳng định là Anthony Mackie hay Sam Wilson hoàn toàn xứng đáng để trở thành Captain America mới của MCU. Đầu tiên, chúng ta phải nói đến Sam là kiểu nhân vật Legacy, vậy nhân vật Legacy là gì ? Nhân vật Legacy là một nhân vật nhận lại danh tính từ một nhân vật cũ hơn dưới dạng một danh hiệu, công việc hoặc hình tượng để tiếp nối. Có nhiều cách để điều này diễn ra, ví dụ như:
Một người thầy có thể truyền lại vai trò của mình cho trợ thủ của họ.
Một trợ thủ bị loại khỏi câu chuyện, và người thầy chọn một người mới để đảm nhận vị trí đó.
Một nhân vật biết về di sản của người tiền nhiệm và tự nguyện kế thừa vai trò đó.
Nhân vật là một "Người được chọn" trong một dòng dõi dài những người cũng được chọn như vậy.
Di sản là một danh hiệu hoặc mật danh được truyền lại cho mọi người nắm giữ vị trí đó, bất kể có quan hệ huyết thống hay không, và danh hiệu này trở thành danh tính chính của họ.

Một số nhân vật Legacy tiêu biểu có thể kể đến Son Gohan trong Dragon Ball, Robin trong series về Batman, Spider-man Miles Morales trong Ultimate Marvel, vân vân. Nhìn chung, nhân vật Legacy giống như 1 làn gió mới mà các tác giả, nhà làm phim muốn mang đến cho khán giả, thử thách của nhân vật này thường sẽ là làm sao để tiếp nối những thành công của nhân vật trước đó, và vẫn có cho mình 1 cái chất riêng biệt. Với Sam Wilson, đó chẳng phải là 1 thử thách dễ dàng bởi cái bóng mà Steve Roger để lại là quá lớn. Ngay từ khi công bố hình ảnh đầu tiên về Captain America Sam Wilson, đã có rất nhiều người nói Captain này mất chất, tại sao anh ta lại đi dùng đồ công nghệ để chiến đấu, tại sao Steve lại trao khiên và danh hiệu đó cho 1 gã người thường,... nếu như các bạn nghĩ lọ huyết thanh siêu chiến binh, sức mạnh siêu phàm dành cho Steve mới là thứ làm nên Captain America, thì với ý kiến có phần khách quan nhưng mang nặng tính chủ quan của mình đó là các bạn có vẻ như đã hiểu sai điều gì làm nên một Captain America rồi. Với điều thực sự làm nên 1 Captain America mà chúng ta yêu quý là câu chuyện, lý tưởng mà anh ấy mang đến cho chúng ta. Với Steve Roger, anh đại diện cho sự tự do, cho những gì mà người Mỹ đã luôn đặt lên hàng đầu kể từ khi quốc gia này được thành lập, Steve giống như một nhà lãnh đạo, một nhà quân sự kiểu mẫu, một người sống với hình tượng một anh hùng tươi sáng. Và lọ huyết thanh siêu chiến binh kia chỉ là thứ giúp Steve hiện thực hóa được những lý tưởng cao cả, phẩm chất tốt đẹp của anh. Đó là với Steve, còn với Sam, nếu như câu chuyện của Brave New World vẫn là việc Sam Wilson chiến đấu vì tự do thì mình đã không đánh giá cao màn thể hiện của Anthony Mackie đến vậy. Anh không phải là Steve Roger, đó là câu nói mà tổng thống Thaddeus Ross dành cho Sam khi anh muốn hành động giống như Steve. Và đúng như vậy, nếu như Sam cố gắng giống như Steve, anh sẽ mãi chỉ là 1 Steve Roger 2.0 và là một nhân vật đáng quên của Marvel. Sam không cần trở thành Steve Roger, anh cần là Sam Wilson, là phiên bản Captain America của chính mình, và Anthony Mackie đã làm điều này cực kỳ tốt. Xuyên suốt bộ phim, chúng ta sẽ thấy được những khó khăn, những trăn trở của chính Sam khi gánh vác trên vai danh hiệu cao quý này, để rồi cuối cùng chúng ta hiểu ra rằng Sam xứng đáng để trở thành Captain America.

Nếu như Steve Roger đại diện cho hình tượng nhà lãnh đạo, một người chiến đấu để bảo vệ tự do, Bucky trong comic khi làm Captain America thì đại diện cho siêu anh hùng kiểu tăm tối hơn, mang đến thông điệp lãnh đạo và sự cảm thông, thì Sam Wilson lại mang đến một thông điệp đó là sự bác ái, cơ hội và hy vọng, đồng thời Captain America Sam giống như 1 người truyền cảm hứng, người có khả năng gắn kết con người, giúp họ vượt qua khó khăn. Với mình, việc Sam được xây dựng như vậy là một điều tốt, vì ít nhất anh không cố gắng để trở thành Steve Rogers 2.0, anh đơn giản cố gắng để là Sam Wilson phiên bản tốt nhất của mình, anh có thể cứu được hết tất cả mọi người, nhưng không phải là vì anh không có siêu sức mạnh, mà bởi chúng ta con người, chúng ta phải chấp nhận cái thế giới này và những gì con có thể kiểm soát. Sam phải chấp nhận rằng sẽ có lúc anh không thể cứu được tất cả. Nhưng anh có thể cứu chính mình. Và rồi sau đó anh có thể bảo vệ vô số sinh mạng khác ở đất nước này. Anh có thể không phải là một người lính hoàn hảo, nhưng anh là một người tốt, và đó là di sản mà Sam đã kế thừa được từ chính Steve Roger.

Bên cạnh màn thể hiện xuất sắc của Anthony Mackie, thì còn có 3 nhân vật nữa mình ấn tượng trong phim đó là Joaquin Torres do Danny Ramirez thủ vai, Captain America bị lãng quên Isaiah Bradley do Carl Lumbly thủ vai và Tổng thống Thaddeus “Thunderbolt” Ross do huyền thoại Harrison Ford thủ vai.
Với Joaquin Torres hay còn được gọi là Falcon mới, cậu ta mang đến cho mình 1 nguồn năng lượng rất trẻ trung, vui tươi. Tương tác giữa Joaquin và Sam mang lại cảm giác cả 2 không chỉ là chiến hữu mà còn như anh em trong nhà rất tự nhiên, dù Falcon Joaquin chủ yếu đóng vai trò phụ trợ.

Đối với Isaiah Bradley do nam diễn viên Carl Lumbly, người luôn nhắc nhở Sam về quá khứ tàn khốc của mình và những nguy cơ khi đặt niềm tin vào Tổng thống Ross. Dù chỉ xuất hiện trong thời lượng ngắn, Lumbly vẫn khiến Bradley trở nên đáng nhớ với một sự pha trộn giữa niềm kiêu hãnh và tổn thương. Đặc biệt, trong một cảnh thăm tù, Bradley thậm chí không dám nhìn thẳng vào mắt Sam, làm nổi bật sự bất công chính trị mà nhân vật này phải gánh chịu. Tuy nhiên, đây cũng là điểm mà Brave New World vấp phải vấn đề quen thuộc: nếu bạn đã xem The Falcon and the Winter Soldier, cách bộ phim xử lý Bradley không mang lại điều gì mới; còn nếu chưa xem, bộ phim lại giới thiệu ông ta theo cách khá hời hợt, thậm chí biến khoảng thời gian ngồi tù hàng thập kỷ của ông thành một câu bông đùa. Dù vậy, Lumbly vẫn khiến mọi khoảnh khắc có sự xuất hiện của Bradley trở nên có sức nặng hơn rất nhiều.

Và nhân vật cuối cùng mình muốn khen, đồng thời là nhân vật bất ngờ nhất đó chính là tổng thống Thaddeus Ross hay Red Hulk do nam diễn viên Harrison Ford thủ vai. Nếu như trước đây hầu hết thời gian của Ross trong MCU do cố diễn viên William Hurt thủ vai, chỉ xoay quanh các sự kiện bên lề, thì với Ford, nam diễn viên năm nay đã 82 tuổi đã mang đến sức hút từ những vai kinh điển như Indiana Jones hay Han Solo cho nhân vật chính trị gia này. Nếu như bạn nghĩ Red Hulk là thứ ấn tượng nhất trong phim của tổng thống Ross thì bạn đã lầm. Điều thú vị hơn cả là việc theo dõi Ross cố gắng không hóa thành Hulk. Dù đã có danh tiếng là một người khá cộc cằn ngoài đời, Ford đã tận dụng điều đó để tạo nên một nhân vật đầy căng thẳng và bất ngờ, khiến khán giả luôn tự hỏi điều gì sẽ khiến ông ta "bùng nổ" và khi nào điều đó sẽ xảy ra. Đó là điều bất ngờ đầu tiên của tổng thống Ross. Bất ngờ lớn thứ hai có lẽ đây không phải là một vai khách mời thoáng qua, Harrison Ford xuất hiện rất nhiều trong bộ phim này. Ross đóng vai trò trung tâm ngay từ đầu phim, khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống với một chiến dịch kêu gọi đoàn kết, phần nào được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng địa chính trị do sự xuất hiện của Celestial Tiamut trên vùng biển quốc tế. Cái xác khổng lồ của Tiamut chứa đựng vô số tài nguyên quý giá, khiến các chính phủ trên thế giới thèm khát. Khi một số tài nguyên này bị nhắm đến bởi các nhóm lính đánh thuê, Ross có vẻ quyết tâm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao—điều đủ để Sam Wilson gạt bỏ quá khứ bất hòa của họ nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Mackie và Ford đã duy trì một sự căng thẳng ngầm trong từng tương tác giữa Sam và Ross, tận dụng được sức hút tự nhiên của cả hai diễn viên.

Khen nhiều là vậy, thế nhưng đây đáng tiếc lại là những điểm sáng hiếm hoi trong cả bộ phim nói chung và dàn nhân vật nói riêng, bởi những nhân vật khác trong phim đều không để lại ấn tượng quá nhiều với khán giả. Đầu tiên chúng ta Ruth Bat-Seraph 1 Cố vấn an ninh của Tổng thống Ross do nữ diễn viên Shira Haas thủ vai, ban đầu phim có vẻ muốn xây dựng cô giống như là 1 Natasha Romanoff của Cap 4, thế nhưng đáng tiếc cả bộ phim cô chỉ đóng vai trò là trung gian liên lạc giữa Ross và Captain America, ngoài ra thì cô không có nhiều đóng góp đáng kể cho bộ phim. Tiếp đó chúng ta có 2 phản diện và thật tệ là cả 2 đều không đạt được kỳ vọng với những tiềm năng mà họ có được. Phản diện đầu tiên là Sidewinder, do nam diễn viên Giancarlo Esposito thủ vai, nhân vật này thực sự gần như không để lại ấn tượng và mình THỰC SỰ, THỰC SỰ (đoạn này mình phải viết hoa đó) khó hiểu với cách mà Marvel đã làm với diễn viên Giancarlo Esposito, rõ ràng với khả năng diễn xuất của nam diễn viên Giancarlo, Marvel hoàn toàn đã có thể làm nhân vật này tốt hơn rất nhiều, chứ không phải xuất hiện một cách mờ nhạt mà chẳng để lại ấn tượng gì quá nhiều như trong phim. Nếu có khen thì có lẽ chúng ta chỉ thể khen là nam diễn viên này vẫn thể hiện được 1 thần thái cực kỳ nguy hiểm hệt như cách mà ông đã làm khi vào vai Gus Fring trong Breaking Bad hay Stan Edgar trong The Boys mà thôi.

hu hu bác Năm Đen mờ nhạt với tiềm năng của bác quá
Phản diện thứ 2 và đồng thời cũng là phản diện chính của phim, hắn ta thực sự có rất nhiều tiềm năng, rất nguy hiểm, đặc biệt khi hiểu về siêu năng lực của hắn, mình đã rất mong chờ xem Captain America sẽ đánh bại hắn bằng cách nào. Tuy nhiên, có vẻ mình đã đánh giá quá cao cách mà đội ngũ làm phim khai thác về hắn, cảm tưởng như các nhà làm phim lỡ tạo ra một siêu năng lực quá bá đạo, xong biết cách làm thế nào để khắc chế. Thế là họ quyết định cho nội dung đến đâu thì hắn sẽ xuất hiện ở đó và tuyên bố "tất cả đã trong kế hoạch của ta rồi." vậy.

HÌNH ẢNH VÀ ÂM NHẠC
Về phần hình ảnh của phim, các phân cảnh hành động, đánh đấm cháy nổ vẫn chỉ nằm ở mức ổn, nó vẫn quá an toàn, dập khuôn hệt như nội dung của bộ phim vậy. Nếu bảo cảnh nào đáng xem, có chăng là cảnh chiến đấu ở ngoài biển là khiến mình ấn tượng chút ít, còn với màn chiến đấu ở cuối phim, nó thực sự khiến mình cảm thấy chưa đủ thỏa mãn, nếu không muốn nói là khá hụt hẫng. À mà chưa kể là kỹ xảo ở trong phim, đặc biệt là cảnh chiến đấu cuối phim trông khá là giả trân, giống như thể một sản phẩm bị Deadline dí xong làm vội vậy.

Về phần âm nhạc, Brave New World không có bản nhạc nào thực sự tạo được ấn tượng cho mình, nó chỉ đơn giản là làm tốt nhiệm vụ là tạo không khí cho các cảnh trong phim mà thôi.
TỔNG KẾT
Tổng kết lại, Captain America Brave New World, không thực sự "brave" (dũng cảm) cũng chẳng quá "new" (mới mẻ) như tiêu đề của bộ phim. Việc tái chế cấu trúc phim điệp viên, pha lẫn chính trị giật gân của The Winter Soldier không phải là cách tốt nhất để giúp Sam Wilson tỏa sáng với tư cách Captain America trên màn ảnh rộng. Nhưng may mắn thay, dàn diễn viên đặc biệt là Anthony Mackie và Harrison Ford đã cứu vớt phần nào cho bộ phim lần này của nhà Marvel. Với những trải nghiệm mà mình có được sau khi xem xong, mình cho bộ phim được 6,5/10 và là một bộ phim nên cân nhắc trước khi xem.


Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này