Bullet Train là tác phẩm hài - hành động đánh dấu sự trở lại của nam tài tử Brad Pitt sau 3 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng. Được kỳ vọng là một trong những dự án đáng mong đợi của năm, tuy nhiên, khi công chiếu phim lại mang những đánh giá trái chiều từ giới phê bình điện ảnh lẫn khán giả theo dõi.

Nội dung mới lạ hay vô nghĩa vớ vẩn?

Bullet Train là bộ phim được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết Nhật Bản Maria Beetle của Kōtarō Isaka. Phim xoay quanh câu chuyện của sát thủ lỗi thời mang biệt danh là Ladybug. Trong chuyến đi tới Nhật Bản, anh được giao nhiệm vụ đánh cắp chiếc vali trên một chuyến tàu siêu tốc. Tại đây, Ladybug chạm trán với hàng loạt sát thủ tên tuổi và ông trùm được coi là đáng sợ nhất.
Brad Pitt vào vai Ladybug.
Brad Pitt vào vai Ladybug.
Được biết, tác phẩm ban đầu của nhà văn Kōtarō Isaka đi theo hướng hành động bạo lực và đen tối. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, bộ phim đã được thay đổi theo hướng hành động, vui nhộn để thu hút khán giả đúng với phong cách Deadpool 2 của vị đạo diễn David Leitch.
Hầu hết câu chuyện của Bullet Train được gói gọn trong bối cảnh của một chuyến tàu siêu tốc Nhật Bản - nơi tất cả nhân vật đều xuất hiện trên đó, điều này đã mang đến góc nhìn dễ dàng hơn cho người xem. Ngoài ra, khi đặt bối cảnh như vậy, đạo diễn David Leitch cũng sử dụng nhịp phim nhanh, gấp gáp để “thổi phồng” sự hối hả, vội vã nhưng cũng đầy nguy hiểm của chuyến tàu đi tới Kyoto.
Trong thời lượng 126 phút, dàn nhân vật của phim lần lượt được giới thiệu và lộ diện, câu chuyện nền của mỗi người cũng đồng thời được lật mở. Tuy nhiên, cái hay của đạo diễn David Leitch là ông đã sử dụng chính phần này để đánh lạc hướng khán giả khiến họ mất tập trung với cốt truyện chính, để khi kết thúc, lồng ghép các câu chuyện vào với nhau, người xem sẽ bất ngờ thấy được sự logic hoàn hảo đến từng chi tiết.
Dù được khán giả ngoài rạp đánh giá cao khi luôn nằm trong top đầu những phim công chiếu tại rạp, song, Bullet Train lại không nhận được sự đón chào của các nhà phê bình. Bằng chứng là phim hiện chỉ đạt 49/100 điểm trên Metacritic, đồng thời xếp hạng “thối” trên Rotten Tomatoes với 54% bình chọn. 
Hầu hết các cây viết đều cho rằng, phim có lối kể không mới, đôi khi gợi nhắc người xem  nhớ đến những tác phẩm của các quái kiệt như Quentin Tarantino hay Guy Ritchie thậm chí còn không bằng. Nhiều tình tiết trong phim trở nên thừa thãi có thể cắt bỏ mà không làm ảnh hưởng đến mạch chuyện chính hay nội dung phim vớ vẩn, vô nghĩ và không có thông điệp.
Tuy nhiên, một tác phẩm hay không hẳn cần phải nghe theo sự phán xét của các nhà phê bình danh giá. Bullet Train vẫn được đón nhận bởi khán giả đại chúng một cách nồng nhiệt bởi sự hài hước, vui nhộn cùng những pha hành động đẹp mắt mà nó mang đến.

Dàn diễn viên chất lượng.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Bullet Train nhận được sự đón nhận của khán giả chắc chắn không thể không kể đến dàn diễn viên với toàn sao hạng A nổi tiếng. Vào vai nhân vật chính Ladybug, nam tài tử Brad Pitt đã có màn trở lại đầy ấn tượng. Từ những pha hành động nguy hiểm nhưng đẹp mắt mà nam tài tử tự mình thực hiện đến 95% cho đến những mém hài qua mỗi cử chỉ hành động, Pitt đã chứng tỏ diễn xuất tự nhiên nhưng cũng đầy chuyên nghiệp của mình. Cũng chẳng ngoa khi nói, anh chính là “bảo chứng" đưa tác phẩm “chào mắt” thành công đến công chúng.
Sự trở lại của Brad Pitt trên màn ảnh rộng.
Sự trở lại của Brad Pitt trên màn ảnh rộng.
Bên cạnh Brad Pitt, bộ đôi sát thủ Tangerine - Lemon được thủ vai bởi Brian Tyree Henry và Aaron Taylor-Johnson cũng nhận nhiều sự đánh giá cao từ phía khán giả. Không giống với những tên sát thủ máu lạnh gặp đâu là chém như nhiều tác phẩm khác, bộ đôi Chanh - Quýt hiện lên là những quý ông trong các bộ vest lịch lãm với những pha đánh đấm đầy nguy hiểm nhưng cũng hài hước không kém. Với tần suất xuất hiện chỉ sau Brad Pitt, Brian Tyree Henry và Aaron Taylor-Johnson đã thực sự thành công trong việc truyền tải nhân vật của mình lên màn ảnh.
Ngoài ra, Bullet Train còn có sự tham gia của những gương mặt tiềm năng khác như: Joey King trong vai The Prince - một nữ sinh với vẻ ngoài yếu đuối nhưng vô cùng nham hiểm và mưu mô để thực hiện âm mưu riêng của mình, chàng rapper Bad Bunny trong vai The Wolf - một tay xã hội đen tìm cách trả thù kẻ đã sát hại vị hôn thê của hắn hay Zazie Beetz trong vai The Hornet - cô ả chuyên sử dụng độc dược giết người, Michael Shannon trong vai White Death - tên trùm nguy hiểm đầy thù hận…. Bên cạnh đó, phim còn có những gương mặt cameo siêu chất lượng như: Sanada Hiroyuki (người từng thủ vai Scorpion trong Mortal Kombat), chàng Deadpool Ryan Reynold hay Sandra Bullock và Channing Tatum - hai nhân vật chính trong The Lost City - đây cũng được xem là tác phẩm hợp tác giữa hai người và Brad Pitt …
Brad từng xuất hiện trong The Lost City cùng Sandra Bullock và Channing Tatum.
Brad từng xuất hiện trong The Lost City cùng Sandra Bullock và Channing Tatum.
Có thể thấy, biên kịch Zak Olkewicz đã “thay máu” các nhân vật bản địa người Nhật, biến họ trở thành người đa quốc tịch đúng theo công thức quen thuộc của Hollywood, điều này cũng đem đến những trải nghiệm mới lạ cho khán giả. Và quả thật, cũng chính nhờ diễn xuất của dàn diễn viên này mà Bullet Train mới thực sự “thỏa mãn" được khán giả.

Kỹ xảo hình ảnh đẹp cùng âm nhạc bắt tai.

Bối cảnh của Bullet Train được thiết kế trong một chiếc tàu điện nên đã hạn chế khoảng không gian cho những cảnh hành động. Tuy nhiên đây cũng là một trong những điểm nhấn của phim. Tính chất tàu cao tốc di chuyển liên tục, có sự xuất hiện của hành khách và những hàng ghế,... điều này gây cản trở cho các sát thủ nhiều hơn, yêu cầu họ phải hành động một cách quyết đoán và cẩn thận. 
Các cảnh hành động được quay vô cùng đẹp mắt.
Các cảnh hành động được quay vô cùng đẹp mắt.
Các cảnh hành động được quay vô cùng đẹp mắt.
Các cảnh hành động được quay vô cùng đẹp mắt.
Những góc máy trong phim cũng được lựa chọn tỉ mỉ và đa dạng. Cảnh cận chiến hay cảnh toàn và cảnh trung trong từng ngóc ngách của toa tàu được sắp xếp vô cùng khéo léo. Hiệu ứng chuyển cảnh mượt giúp người xem dễ dàng hình dung ra các tuyến câu chuyện. Đặc biệt, phần hiệu ứng đồ hoạ được xử lý khá chuyên nghiệp và bắt mắt, nhất là những khung hình giới thiệu nhân vật với dòng phụ chú song ngữ Anh - Nhật được thiết kế giống những trò chơi điện tử xứ hoa anh đào.
Phần soundtrack có thể được coi là một điểm cộng vô cùng lớn của Bullet Train. Song song với các ca khúc đặc trưng của xứ sở hoa anh đào như: Toki Niwa Haha No Nai Ko No Youni, Sukiyaki… thì những ca khúc như I Just Want To Celebrate, Five Hundred Miles, Couple of fruits… được lồng vào từng cảnh phim vô cùng kỹ lưỡng đã tạo nên những cảm nhận vô cùng tuyệt vời ở nơi khán giả khi theo dõi.
Dù sở hữu phần nghe, nhìn được đánh giá tốt, song, Bullet Train vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đầu tiên là về phần lời thoại. Ở những cảnh đầu, phim sử dụng khá nhiều lời thoại của các nhân vật để dẫn khán giả vào câu chuyện gây nên sự nhàm chán và khiến người xem không thực sự tập trung hứng thú. Bên cạnh đó, các cảnh đánh đấm hành động không được phân chia đều khiến cho phần đầu và cuối phim có sự chênh lệch. Đặc biệt những pha hành động kịch tính nhất được dồn vào phân cảnh cuối khiến phim kết thúc hơi vội và không để lại dấu ấn nhiều đối với khán giả theo dõi. Cuối cùng, điểm trừ lớn nhất có lẽ chính là về phe phản diện của phim, khi nhân vật The White Death qua lời thoại của nhiều nhân vật được xem là đối thủ vô cùng đáng gờm nhưng lại xuất hiện chớp nhoáng, ít cảnh thể hiện khiến cho hắn trở thành kẻ mờ nhạt và làm cho hành trình của các nhân vật cuối cùng trở nên hụt hẫng và bớt ý nghĩa hơn.
Có thể thấy, nếu bỏ qua hoặc làm tốt hơn những hạn chế trên, Bullet Train sẽ là một trong những tác phẩm tốt về mọi mặt và ghi lại dấu ấn mạnh hơn nữa trong lòng khán giả. Nhìn chung, đây vẫn là một tác phẩm giải trí có những cảnh hành động, đánh đấm đẹp mắt. Nếu đang tìm một bộ phim để thưởng thức cùng bạn bè, người thân dịp cuối tuần để xả stress và cười vui thì Bullet Train vẫn sẽ là sự lựa chọn không tồi cho bạn.