Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
--={[ REVIEW BLINDSIGHT ]}=--
🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑
9.0/10
TL;DR
Arrival x (Event Horizon + 2001: A Space Odyssey)ᴬⁿⁿᶦʰᶦˡᵃᵗᶦᵒⁿ.
GIỚI THIỆU CHUNG
Blindsight là một cuốn tiểu thuyết Hard Sci Fi của Peter Watts, xuất bản hồi năm 2006. Truyện trở thành hiện tượng của làng Sci Fi gần như ngay khi xuất bản, và đã được đề cử lẫn giành được hàng loạt giải thưởng danh giá như Hugo, John W. Campbell Memorial, Locus,… Nó là cuốn đầu của series Firefall, bao gồm mấy truyện sau:
1) Blindsight
2) The Colonel
3) Echopraxia
Trong số này thì 2 cuốn sau (thực ra là một mẩu và một cuốn) được viết gần chục năm sau khi cuốn thứ nhất ra mắt, và chỉ mang tính ngoại truyện chứ không phải là sequel gì. Blindsight là một truyện độc lập, và mọi người không cần phải sờ đến 2 quyển đấy để biết tiếp câu chuyện đầy đủ là gì. Truyện đã được tác giả đăng miễn phí trên trang web chính thức theo giấy phép Creative Commons (đọc với share thì được, sửa/dịch với thương mại hóa thì cấm). Anh em có thể đọc ở đây: https://rifters.com/real/Blindsight.htm
Về bản thân nội dung tác phẩm thì như sau:
Bấy giờ là 10:35 ngày 13 tháng 2 năm 2082, Giờ chuẩn Greenwich, và cả thiên hà cùng bổ nhào về phía Trái Đất.
Trên nền trời khắp mọi nơi, một loạt các đốm sáng bùng lên, sáng rỡ như những ngôi sao, song lại xếp hàng đều tăm tắp. Một tấm lưới rực lửa, đầy lộng lẫy, đầy kinh hoàng đã bao trọn hành tinh, như thể điềm báo cho ngày tàn của nhân loại.
Nhưng chỉ vài phút sau, chúng dần lụi tàn và biến mất.
Phân tính sau này cho thấy tấm “lưới lửa” kia được hình thành bởi 65.536 vật thể không rõ nguồn gốc (khả năng cao xuất xứ từ ngoài Trái Đất). Chúng va vào bầu khí quyển Trái Đất cùng một lúc, chuẩn đến từng giây, và tụ tập thành một mạng lưới với các vĩ độ và kinh độ đều nhau, phủ kín hành tinh. Tất cả đều cháy rụi trong vòng 45 - 72 giây sau khi tiếp xúc với tầng khí quyển, tạo thành các vệt lửa như đã mô tả, không để lại bất kỳ mảnh vỡ hay mẫu vật nào để nghiên cứu.
Tuy nhiên, trước khi chúng bốc cháy, một số thiết bị quan sát đã phát hiện được các vật thể chuyển đi những tín hiệu vô tuyến đa hướng cực mạnh. Xét lẻ, chúng giống với các tín hiệu tự nhiên phát ra từ các hành tinh khí khổng lồ sở hữu từ trường mạnh. Nhưng một phân tích sâu hơn đã phát hiện ra rằng có một tín hiệu tổng hợp phát sinh từ giao điểm của tất cả các tín hiệu lẻ ấy, nội dung không rõ là gì. Căn cứ vào các đặc tính dò được, tín hiệu đó có tiềm năng chứa đựng hình ảnh của toàn bộ Trái Đất, với độ phân giải cao khoảng 1,3 mét vuông.
Nói cách khác, rất có thể hiện tượng ta quan sát được là ánh đèn flash lóe lên từ một chiếc máy ảnh, và bức ảnh thu được hiện đang được gửi đi đâu thì có trời mới biết.
Vụ việc này được gọi là Firefall, và nó làm thiên hạ nhao nhao hết lên. Hàng đống giả thuyết được đưa ra, với độ thuyết phục chạy từ chém tung nóc nhà cho đến chém cũng tung nóc nhưng nghe xuôi xuôi một tí. Nhưng rốt cuộc, vì chẳng có đủ dữ liệu bổ trợ, mọi thứ dần lắng xuống.
Thế rồi bẵng đi mấy tháng, tàu thăm dò một tàu thăm dò vũ trụ vô chủ chợt nghe thấy một lời thì thầm. Đó là một tín hiệu radio lạ, bắt nguồn từ một tảng thiên thạch xa. Có thứ gì đó đang nói chuyện, chỉ có điều nó không trò chuyện với con người.
Ngay lập tức, một phi hành đoàn đã được tập hợp và gửi về phía tảng thiên thạch ấy, với hy vọng sẽ khám phá được bản chất của bên phát tín hiệu cũng như ý đồ của họ. Và ai là những sứ giả được loài người chọn ra để thực hiện nhiệm vụ vô tiền khoáng hậu này?
Họ là Siri Keeton, một kẻ rối loạn tâm thần đã bị khoét mất phân nửa não bộ, chịu trách nhiệm quan sát và tóm lược các kết quả thu được về cho Trái Đất; Susan James, Michelle, Sascha, và Cruncher (tức “The Gang”), bốn nhân cách tồn tại trong cơ thể một nhà ngôn ngữ học; Isaac Szpindel, một nhà sinh vật học đã tích hợp xác thịt vào với máy móc để có thể cảm nhận trực tiếp mọi dữ liệu, song hầu như chẳng còn cảm nhận nổi da thịt của chính mình nữa; Amanda Bates, một đại tá quân đội có thể trực tiếp kiểm soát một bầy rôbốt chiến đấu bằng trí óc; và Jukka Sarasti, thành viên một chủng thú ăn thịt từng khơi gợi ra huyền thoại về ma cà rồng, vốn là một chi tiến hóa đã tuyệt chủng của loài người, được “hồi sinh” từ cõi chết nhờ công nghệ gen để lãnh đạo cả đoàn.
Một bè lũ quái thai, con mồi và thú săn mồi, bị nhồi nhét vào trong một con tàu bản thân họ còn chẳng có quyền lèo lái, phóng đi gõ cửa một gã láng giềng bí hiểm, không chút hay biết thứ gì đón đợi mình đằng sau cánh cửa đó…
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
“Abandon all hope, ye who enter here.”
Đây là câu được khắc trên lối vào n̵h̵e̵n̵t̵a̵i̵ địa ngục trong Thần khúc, nhằm cảnh báo cho những ai sắp sửa bước qua cánh cổng về những gì họ sẽ tìm thấy ở bên kia. Câu này về sau đã được của một bài review về Blindsight mình từng mò được trích lại ngay trên đầu, nhằm cảnh báo cho người đọc về trải nghiệm bản thân sẽ nhận được từ tác phẩm này. Nay mình mượn lại câu ấy, bởi lẽ nó là khớp với Blindsight ngoài sức tưởng tượng.
Đầu tiên, nếu tính đọc Blindsight lấy cốt, mọi người có lẽ nên từ bỏ ý định đấy. Cái truyện này đúng là có một cái mạch tương đối truyền thống thật (dù hơi nhảy qua nhảy lại giữa các tuyến thời gian quá khứ với hiện tại tí), xoay quanh nỗ lực tìm hiểu về đám người ngoài hành tinh của phi hành đoàn kia, nhưng nó được viết theo kiểu rất dị. Thông tin được quẳng ra theo kiểu kết luận đi trước, sau đó ta được để mặc kệ cho tự chắp vá lấy các manh mối tác giả nhả dần từng tí một đằng sau để tự hình dung ra cơ sự. Nếu may mắn, đi được một thời gian thì ta sẽ bới ra được một số đoạn như thể “đáp án,” xâu chuỗi lại và mở rộng thêm những thứ bản thân đã tự chắt lọc từ trước.
Tuy nhiên, mấy đoạn đấy không nhiều, và chủ yếu toàn xuất hiện để giải thích những gì mang tính kỹ thuật khoa học (đến phần thế giới sẽ nói thêm), còn những thứ mang tính cốt và bí ẩn của mạch truyện thì chủ yếu toàn được nói theo kiểu chéo xiên, mang tính khơi gợi là chính. Một số khía cạnh sẽ được hé lộ, nhưng nó chỉ là những giả thuyết tạm bợ, nghe có vẻ hơi xuôi xuôi chứ không phải câu trả lời thực sự. Thêm vào đó, nó lại còn là bàn đạp để tác giả vẽ ra thêm những bí ẩn mới, lồng ngược vào với bí ẩn cũ, để rồi rốt cuộc trong tay ta chỉ có một mớ giả thuyết với dữ kiện rối như một mớ bòng bong. Sau một hồi đi từ đầu truyện đến cuối truyện, những thứ vốn dĩ bí ẩn ban đầu sẽ tiếp tục còn là bí ẩn, và khả năng cao là mọi người sẽ bị bỏ chỏng chơ đấy với nhiều câu hỏi hơn cả lúc mới vào đọc. Và khốn nạn là vì truyện hết bố nó rồi, ta thậm chí còn chẳng có hy vọng sẽ nhận được câu trả lời nữa.
Dẫu vậy, cái kiểu mập mờ khó hiểu của Blindsight lại chính là thứ làm nên nét hấp dẫn cực kỳ khó tả của cái quyển này. Mọi người sẽ luôn luôn bị đeo bám bởi một cảm giác bất an rờn rợn, một sự mò mẫm lần dò chẳng khác gì những nhân vật trong truyện cả. Với những câu văn ma mị, chao đảo, đầy hoang mang, chập chằng hư ảo, Peter Watts như thể đã kéo tuột mọi người vào trong chính con tàu Theseus, cho mọi người trải nghiệm cảm giác đi khám phá một thực thể dị biệt theo đúng nghĩa. Cũng như chính cái vật thể cả đoàn phải khám phá, cốt truyện của Blindsight như nhổ toẹt vào mặt các lôgic, chẳng khác nào một đầm lầy, càng đi càng lún sâu, nơi mọi tảng đá ngỡ tưởng là chỗ đặt chân chắc chắn thì hóa ra lại sụt tòm xuống một cái hố ngập ngụa, và mọi khúc gỗ ta bấu vào hòng ngoi đầu lên thở thì lại chợt cựa mình và xẻ toác thành một cái mõm lởm chởm nanh vàng ởn. Đừng kỳ vọng sẽ hiểu hết về cái đầm lầy đó, mà hãy chỉ trông mong nó đủ nhân từ để ta lê được cái xác tàn tạ ra ngoài với dăm ba ý niệm chắp vá về sự vô tường của nó thôi.
Bản thân các ý tưởng của Blindsight cũng bòn rút hy vọng của chúng ta rất tởm. Truyện cũng có một số phân cảnh hành động kịch tính và những chỗ rùng rợn theo kiểu nhát ma giật đùng đùng, nhưng không thứ gì khiến ta ngộp thở và run rẩy bằng những lúc các nhân vật ngồi nói chuyện với nhau, bởi lẽ khi ấy thì mớ triết lý và ý tưởng nó mang ra bàn trồi lên chiếm trung tâm sân khấu, và cái sự khủng hoảng hiện sinh sởn gai ốc nó gợi lên ăn đứt tất cả mọi thứ khác. Trí thông minh, ý thức, tiềm thức, tâm thần, quy chuẩn tiến hóa, ý chí tự do được đem ra bàn rất sâu, từ đấy làm nảy sinh những giả thuyết và ám chỉ lạnh gáy. Ta thực sự thấm thía sự mong manh của trí óc con người cũng như cách thực tại kỳ thực chỉ là một lời dối trá do các giác quan nhất trí dâng lên cho ý thức, và tất cả đều có thể bị thao túng cũng như tái định nghĩa một cách dễ dàng phi thường, miễn là sở hữu đúng công cụ và thọc ngoáy vào đúng những quy trình quan trọng. Peter Watts bủa vây ta trong một ma trận các nghi vấn, khiến ta đặt dấu chấm hỏi cho cả sự tồn tại của bản thân, và ngay cả sau khi gấp truyện lại rồi thì những ý tưởng của truyện vẫn như một mớ xúc tu tàng hình, cứ thò ra quắp rịt lấy não ta, không để cảm giác lành lạnh ghê rợn của nó rời bỏ ta.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Như đã nói ở phần giới thiệu chung, Blindsight là một cuốn Hard Sci Fi, thế nên nó nhồi cực kỳ nhiều khoa học vào trong này. Nhưng cũng như với phần cái cốt, nếu anh em nghĩ mình sẽ được trải nghiệm khoa học theo kiểu của những tác phẩm Hard Sci Fi truyền thống, thế thì mọi người nhầm to rồi.
Để hiểu được về cái kiểu của Blindsight, trước tiên mình sẽ nói qua về hai thằng rất hay được lôi ra để làm đại diện cho các tác phẩm Sci Fi thuộc thể lại trâu bò: Người về từ Sao Hỏa và Tam Thể. Hai đồng chí này nhiều khoa học thật, nhưng chúng nó đi theo một kiểu thẳng đuồn đuột và giải thích rất cặn kẽ. Trong hai cuốn đấy, cứ khi nào một cái thuyết hay khái niệm khoa học được nêu ra, đi liền sau đó sẽ là một loạt giải thích rất gãy gọn, tường tận, kèm các ví dụ sinh động để người đọc nắm được thật rõ cái đấy là gì. Mấy phần đấy xuất hiện dưới dạng những cục thông tin dày cồm cộp, và trong trường hợp của Tam Thể thì còn khô như cát nữa, dễ gây oải cho người đọc, nhưng nhìn chung không khó theo dõi. Cái nó đòi hỏi chỉ là sự kiên nhẫn thôi.
Blindsight thì khác.
Nếu xét về “khối lượng tịnh” thuần túy, khoa học của Blindsight sẽ chỉ ngồn ngộn với phức tạp ngang ngửa những gì trình bày trong hai thằng vừa nói trên thôi. Tuy nhiên, sức ngợp của nó lại cao vượt trội. Cũng như với cái cốt, Blindsight không chơi kiểu cầm tay chỉ việc, bảo là đầu tiên có A, sau đó lên B, và cuối cùng lên C. Blindsight lôi cái C ra nói trước tiên, và nó lại còn không bảo đấy là chữ C, mà chỉ miêu tả mọi thứ bằng một ngôn ngữ “văn” cực kỳ, ta những cung cong mềm mại cùng hai đầu móc sắc lẻm và thả ra hàng lô hàng lốc ẩn dụ về móng ngựa với nụ cười, và ta phải tự hình dung đấy là chữ C. Nó sau đấy phóng ngược về A và lộn nhào ra B theo một cách cũng bóng gió và văn hoa không kém, để cho ta một loạt những mẩu bánh mì đủ kích cỡ và kiểu dáng, xong cho ta tự loay hoay ráp ra một cái bánh mì hoàn chỉnh. Chỉ khi ta đã hộc máu mồm và ráp lại một thứ na ná cái bánh mì rồi, Blindsight mới bắt đầu đưa ra đáp án, củng cố lại những chỗ ta đã tự ráp và trét thêm pa tê với thịt thà cá mú vào giữa để cho ra một cái bánh hoàn chỉnh.
Và đừng nghĩ Peter Watts chơi kiểu hoa lá cành như vậy là vì ông anh không đủ khả năng chém khoa học như Andy Weir và Lưu Từ Hân nhé. Thanh niên chỉ muốn để ta có cơ hội được đắm chìm trong sự ma mị pha lẫn diệu kỳ của những thế giới mình vẽ ra, bất kể nó có là thế giới thực, thế giới điện tử, thế giới ảo giác quái dị, hay thế giới tiềm thức, cũng như cho ta cơ hội chủ động suy nghĩ và phỏng đoán về cơ cấu vận hành của chúng nó trước đã thôi. Một khi đến những đoạn xổ khoa học nghiêm chỉnh, Watts chứng minh cực rõ cái bằng tiến sĩ sinh vật học và hơn một thập kỷ kinh nghiệm cả trong giảng dạy lẫn nghiên cứu của mình không phải chỉ để làm màu. Những yếu tố khoa học nền và công nghệ được trình bày hết sức lôgic, quy củ, chân thực, các giả thuyết đưa ra nghe rất có cơ sở và không bẻ vào đâu được. Thậm chí ở cuối truyện, ông anh còn có nguyên một phần mở rộng bàn thêm, nói rất sâu về các thuyết và các yếu tố khoa học thực tiễn mình sử dụng để xây dựng ra Blindsight, kèm trích dẫn một lô một lốc tài liệu theo đúng chuẩn Harvard (hoặc Chicago, quên sạch cái nào là cái nào rồi 🐧 ) để tiếp tục tìm hiểu thêm nếu có nhu cầu.
Đặc biệt ở chỗ là dù không cợt nhả hô hố như trong truyện của Andy Weir, Watts vẫn làm mọi phần công nghệ khô cứng chảy trôi cực kỳ mượt mà, và rất hiếm khi tạo thành các tảng Infodump khó nuốt như kiểu của Lưu Từ Hân. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, và hay ở chỗ mấy phần khoa học nặng đó nối liền khít vào với những đoạn mô tả hoa hòe hoa sói đến mức có khi còn chẳng lạc quẻ nếu thả vào một tác phẩm Fantasy ở đằng trước. Nếu bốc một câu từ đoạn khoa học và một câu từ đoạn hoa mỹ ra đặt cạnh nhau, mọi người sẽ khó lòng tin nổi hai thằng này lại đến từ cùng một quyển truyện, nhưng nếu đọc theo đúng trình tự của tác phẩm, mọi người sẽ chẳng hề để ý thấy một đoạn chuyển mạch nào giữa chúng nó hết, bởi vì mọi thứ được bôi trát khéo quá.
Thêm một cái nữa là tác động của các thứ khoa học công nghệ này cũng được đầu tư mô tả rất mạnh. Gần như không mặt nào của xã hội loài người chưa bị thay đổi cả, và chúng hiện lên chi li và sống động vô cùng. Ta có việc công nghệ trở nên tân tiến đến mức con người không ngừng phải đối mặt với việc để mất công việc vào tay rôbốt, và hoặc phải liều chết thay đổi bản thân theo những cách chúng ta ngày nay sẽ thấy sởn gai ốc để bắt kịp, hoặc dần trở thành một dạng ký sinh của xã hội; công nghệ thực tế ảo cũng đã dần trở nên tuyệt vời đến mức ngày một đông người chọn kiếp sống như chết, trốn vào thế giới ảo nơi mình kiểm soát tất cả thay vì đối mặt với thực tế; việc khai thác được nguồn tài nguyên dồi dào ở các tiểu hành tinh cũng biến xã hội thành một dạng thế giới hậu tư bản, và làm con người trở nên ì trệ, không còn có động lực để phát triển tiếp nữa;… Hàng bao khía cạnh cứ thế được xoáy vào, và tổng hợp lại tạo thành một thế giới cực tréo ngoe, bảo là tốt đẹp thì rất ngượng mồm, nhưng kêu là xấu thì cũng ngứa đít chẳng kém. Khi kết hợp tất cả những điều này với các ý tưởng triết lý đã nhắc đến ở phần cốt, thế giới của Blindsight tạo ra một sức quyến rũ ngọt ngào đến bệnh hoạn, đã sa chân vào là chẳng còn muốn rời đi nữa.
NHÂN VẬT
Dàn nhân vật của Blindsight không đến mức phẳng lét đâu, nhưng họ không thực sự được đầu tư lắm. Chỉ có nhân vật dẫn truyện, Siri Keeton, là có quá khứ các kiểu được đào sâu mô tả thôi, vì thanh niên là người dẫn truyện mà. Phần đấy làm nhìn chung cũng khá ổn, và mọi người có thể thấy Keeton hiện lên dưới dạng một con người rất phức tạp và đa chiều. Nếu đây mà là một cuốn truyện khác, Keeton sẽ là một điểm nhấn rất hấp dẫn.
Nhưng khốn nạn cho thanh niên, đây là Blindsight.
Cái hút của Blindsight là phần các ý tưởng với thế giới của nó, cũng như cái trải nghiệm ma quái mà nó mang lại. Chính thế nên đến những đoạn xây dựng nhân vật, dù ý thức được rằng Watts viết khá ổn, mình vẫn cực kỳ sốt ruột muốn nó phóng qua thật nhanh để quay lại với mấy cái triết lý và khoa học. Nhưng Watts xem chừng biết rất rõ điểm hút của truyện nằm ở đâu, thế nên ông anh rất khôn khéo luôn lồng ngược những khía cạnh mới của thế giới vào trong các đoạn xây dựng nhân vật này, từ đấy níu chân người đọc muốn tìm hiểu thêm về cơ cấu cái xã hội của Blindsight.
Cái hướng xây dựng nhân vật lồng thế giới đấy cũng được áp dụng với các nhân vật khác trong tác phẩm nữa, và chính thế nên dù không thể bảo rằng họ là các nhân vật thú vị theo nghĩa truyền thống được, đây vẫn là những con người để lại các ấn tượng rất khó phai. Hấp dẫn với mình nhất là Jukka Sarasti, cái con ma cà rồng lãnh đạo cả đội. Sự hiện diện của Sarasti luôn đi kèm những câu hỏi triết lý về quá trình tiến hóa rất thú vị, đồng thời còn có những diễn giải khá lôgic về nguồn gốc các huyền thoại loài người đặt ra cho chủng tộc của nó nảy sinh, chưa kể về sau còn trói ngược mấy thứ đấy vào với cái theme chính của tác phẩm và đưa ra một pha bẻ lái rất chất lượng nữa.
Đặc biệt, dẫu rằng giải thích tất tần tật mọi thứ ra theo một kiểu quy củ, Watts vẫn thể hiện một cách cực xuất sắc là nỗi kinh hoàng mà cái con ma cà rồng này mang lại. Không bao giờ con Sarasti này làm trò gì mang tính thô bạo, mà nó chỉ có ngồi một chỗ để chỉ tay năm ngón, nhưng từng câu từng chữ dính dáng đến nó đều rùng hết cả mình mẩy. Chỉ có đúng một lần trong truyện Sarasti động tay động chân, chứ còn đâu chủ yếu toàn thể hiện chất thú săn mồi qua cái kiểu thông minh bí hiểm, chẳng khác nào một con Velociraptor mang hình người cả. Con này dù không được toàn năng như Dracula, nhưng chắc đến Dracula cũng phải kiểm tra xem có Sarasti trốn dưới gầm quan tài không rồi mới dám chui vào đấy ngủ.
TỔNG KẾT
Blindsight là một cuốn truyện rất ấn tượng, nhưng đồng thời cũng rất dễ gây ngứa thịt. Nếu muốn tìm kiếm sự rạch ròi, muốn một cái kết thỏa mãn và gọn ghẽ, tốt nhất hãy tránh xa quyển này ra. Tuy nhiên, nếu muốn tìm đến với một tuyển tập các ý tưởng hấp dẫn, muốn đắm chìm trong cảm giác lạc lõng và hoang mang, đừng ngần ngại tìm đến với Blindsight nhé.
Chỉ cần nhớ kỹ câu này trước khi dấn bước vào thế giới của nó: “Abandon all hope, ye who enter here.”
Xem bài viết gốc tại:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất