Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Vừa rồi mình có phải ra tận biên giới mảng Sci Fi để review thanh niên Never Let Me Go. Vì chẳng mấy khi ra tít ngoại ô thế này, tranh thủ phá luật tí 🐧.
Sau đây mình sẽ thò chân ra khỏi SFF để review về một thằng nằm hẳn bên ngoài nó, nhưng lại có dây mơ rễ má đến với một tác phẩm Sci Fi cực khủng. Nó là:

--={[ REVIEW ALAMUT ]}=--

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕 🌕 🌗🌑
8.5/10

TL;DR

Cái nôi của Assassin’s Creed, hoặc Dune bản đời thực.
***

GIỚI THIỆU CHUNG

Alamut là một cuốn tiểu thuyết lịch sử do nhà văn người Slovenia tên là Vladimir Bartol sáng tác. Truyện lấy bối cảnh Ba Tư giai đoạn thế kỷ 11, với trọng tâm chính là pháo đài Alamut, nơi một trong những “nhà tiên tri” khét tiếng nhất lịch sử Trung Đông Hassan-i Sabbah lập căn cứ. Truyện theo sát quá trình Hassan tận dụng lòng sùng đạo và cả tin cũng như đam mê khoái lạc của con người để lập ra tổ chức sát thủ Hashshashin huyền thoại của mình, và từ đó thâu tóm quyền lực để dần trở thành một nhà thống trị đáng gờm với một đội quân cảm tử cấu thành từ những “lưỡi dao sống.”
Tính đến thời điểm hiện tại, Alamut là tác phẩm nổi tiếng nhất của Bartol, đồng thời cũng là thành phẩm trứ danh nhất nền văn học Slovenia từng cho xuất xưởng.
***

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Trước tiên thì cũng như The Prestige, có một điểm về Alamut cần phải đem lên bàn ngay từ đầu, bởi lẽ nó khổng lồ quá rồi, thế nên nói càng sớm càng tốt. Cái điểm đó là như sau:
Assassin’s Creed đạo thằng này kinh vkl 🐧.
Nhưng mà may cho Alamut một cái là Assassin’s Creed chỉ lấy cảm hứng từ nó thôi chứ không phải chuyển thể trực tiếp, thế nên nó không bị cái franchise này bóp dái như bản chuyển thể Nolan thực hiện đã làm với The Prestige. Gần như tất cả những thứ nó lấy từ Alamut chỉ là các tiểu tiết vặt, các theme và các nét liên quan đến triết lý và thế giới, vậy nên trải nghiệm đọc của mọi người sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Trên thực tế, nếu đã chơi Assassin’s Creed, đặc biệt cái game đầu tiên trong franchise, mọi người sẽ còn cảm thấy tác phẩm trở nên thú vị hơn hẳn. Có rất nhiều chỗ khi đọc đến, mình gần như không kìm nổi nụ cười, bởi vì mình nhìn thấy trong đó cái nền tảng để Ubishit biến nó thành một gameplay mechanic, hoặc thành một cái mô típ và theme xuyên suốt cả franchise. Nhưng vì hầu hết những cái đấy đều đã trải qua một số biến tấu nho nhỏ, chúng nó sẽ không át đi giá trị gốc của tình tiết truyện, và chỉ đóng vai trò như những cái Easter Egg cho ai quen thuộc với game rồi càng cảm thấy thích thú như thể vừa khai quật được một cái gì đó mới mẻ về cả hai tác phẩm này.
Nói chung là Alamut tách biệt với thằng Assassin’s Creed lắm, không bị nó “đá” vị tí nào đâu, anh em cứ yên tâm nhé.
Giờ vào bàn cái cốt chính.
Truyện nhìn chung chỉ có một mạch chính duy nhất, ấy là quá trình Hassan-i Sabbah hiện thực hóa mưu đồ của mình. Tuy nhiên, cái mạch ấy lại được thuật từ khá nhiều góc độ, chạy từ các cô cung nữ, các chiến binh fedayeen (lực lượng tinh nhuệ trong hàng ngũ quân đội Alamut), cho đến những tướng lĩnh cấp cao và đồng minh, cận thần của Hassan, thế nên nhìn chung nó cũng có thể được gọi là có khá nhiều mạch nhánh với các style kể khác nhau.
Lúc ban đầu, tác phẩm gần như giấu biệt cái mạch chính kia đi, không tiết lộ gì về mục đích chính của cái tác phẩm cả. Nó thậm chí còn chẳng buồn cho Hassan xuất hiện, mà chỉ tả theo kiểu gián tiếp về các hành động và ý đồ của lão này. Điều này có thể sẽ khiến mọi người cảm thấy truyện ban đầu có vẻ hơi lan man, hay thậm chí là có gì đó hơi giống một tác phẩm YA (tớ nói rất nghiêm túc, mấy cái đoạn tả cuộc sống của đám cung nữ với mấy thằng fedayeen trẻ trâu nghe giống truyện teen cực kỳ 🐧 ), đặc biệt nếu mọi người không biết nhiều về các giai thoại xoay quanh Hassan. Tuy nhiên, nó vẫn duy trì được một sự nhất quán nhất định, khiến mọi người vẫn có thể cảm thấy tất cả các cái mạch này đang ngấm ngầm xây về phía một mục tiêu mờ ám nào đó, và ít nhiều thấy háo hức muốn tìm hiểu thêm về nó.
Đến lúc Hassan chường mặt ra thì câu chuyện dần chuyển dịch hẳn sang hướng triết lý hơn, và cái sắc YA của nó gần như chìm biến hẳn. Truyện động cực kỳ nhiều đến các yếu tố về bản chất của tôn giáo, tri thức, quyền lực, cũng như cách ta hiểu về thực tại, và cách những thứ này có thể được lợi dụng để phục vụ những mục đích lớn lao. Nó không “màu mè” như cái phần trước, nhưng mà lại lôi cuốn hơn gấp bội phần, đến mức có khi lúc những cảnh chiến trận và hành động xuất hiện, mọi người sẽ chỉ muốn nó hết thật nhanh để còn quay lại nghe Hassan bàn triết.
Bên cạnh đó, các mạch truyện còn được sắp xếp rất khéo, cứ dần tăng tiến lên, khiến mọi người càng lúc càng lạnh gáy trước cái tiềm năng tăm tối mà nó khơi gợi ra. Thậm chí, sau khi đi được một đoạn, anh em sẽ không khỏi nhìn ngược lại những phần trước (hoặc nhìn vào phần tiếp nối của các mạch mở ra ở phần trước trong phần ấy) với một cảm giác pha lẫn giữa thương xót và khiếp hãi, bởi vì mọi người đã bắt đầu nhận ra điều gì đang chờ đón các nhân vật. Quyển truyện sẽ làm với mọi người đúng cái điều mà Hassan đã làm với các fedayeen: thao túng tâm lý của mọi người để khi thời khắc định mệnh đến (ở đây là khi kế hoạch bắt đầu được triển khai thực), mọi người sẽ chẳng còn thiết tha cái gì nữa ngoài làm điều mà kẻ thao túng muốn (ở đây là tiếp tục đọc không dứt ra được).
Nhưng cái cốt không phải là không có sạn. Nó hơi bị lên xuống thất thường một tí, với phần đầu thì có điều rề rà, xong đến khoảng phần cuối tự nhiên lại cứ có cảm giác vội vội, với nhiều thứ như kiểu đến đấy mới nhớ ra là chưa set up từ đầu nên phải nhồi thêm vào ấy. Bên cạnh đó, có một điều cần phải thừa nhận là thế này: anh em nào biết về đồng chí này rồi sẽ nhận ra từ rất sớm nó đang hướng đến đâu, và có thể sẽ cảm thấy hơi mất kiên nhẫn trước cái kiểu nhẩn nha của nó. Đặc biệt, mấy đoạn của các cô cung nữ khả năng cao sẽ khiến mọi người cảm thấy khá ngán, bởi nó có nhiều chỗ là mấy cái drama linh tinh. Tuy nhiên, đây cũng là những đoạn giúp mọi người trở nên gắn kết với các nhân vật hơn, đồng thời còn giúp xây dựng thế giới nữa, thế nên nó cũng không đến nỗi không chấp nhận được. Mấy đoạn này nếu thấy ngán quá thì có thể tua nhanh đi tí, mặc dù mình khuyến cáo là làm thế sẽ khiến một vài cái twist ở khoảng 1/3, 1/4 cuối giảm bớt sức “tạ.”
***

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Alamut là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, thế nên nó chẳng có bất kỳ một cái gì là hoang đường trong này hết. Nhưng mà với cách Bartol khắc họa vùng Trung Đông trong truyện thì anh em sẽ rất lắm khi cảm thấy không thể tin nổi rằng thứ mình đang đọc không phải là một thế giới Fantasy hết sức ấn tượng. Cực kỳ nhiều thông tin về phong tục, lối sống, tư tưởng, chính trị của những vùng miền và quốc gia trong khu vực này được khám phá thông qua cách nói năng, hành xử, và cả các giai thoại cuộc đời các nhân vật tự kể về bản thân mình.
Cơ mà khoản thế giới này không phải lúc nào cũng được ông anh làm đều tay, đặc biệt là đến chỗ gần cuối. Không phải nó có gì phi lôgic hay khó tin quá đâu, vì xét cho cùng đây vẫn cứ là thêm mắm thêm muối và diễn xuôi lịch sử chứ chẳng phải là bịa ra những hệ sinh thái mới hay cái gì viển vông hết, mà vấn đề là Bartol để nó bị hơi rời rạc.
Như mình đã nói ở trên phần cốt, có mấy chỗ tự nhiên tác giả hình như nhận ra để câu chuyện tiếp diễn được thì người đọc cần biết một số thông tin lịch sử nền mà mình quên khuấy mất không tích hợp vào từ trước, thế nên phải thả nguyên một cục thông tin nghe kiểu rất từ trên trời rơi xuống vào. Trên lý thuyết thì nó vẫn là một sự tiếp nối tự nhiên của mạch cốt, nhưng mà cái cách ông anh viết nó cứ kiểu gì ấy, lệch tông hẳn với những gì đang xảy ra trước đây. Ngay cả sau khi nó đã chuyển dịch về lại giọng văn như thường rồi, ta sẽ vẫn cứ thấy lấn cấn, như kiểu vừa bị mất mạch tư duy ấy.
***

NHÂN VẬT

Alamut làm khá ổn mảng này. Gần như mọi nhân vật, cả chính lẫn phụ đều có một cá tính rất riêng biệt và một câu chuyện nền hấp dẫn, giúp ta có một bức tranh rất đầy đủ về việc tại sao họ lại đến đây, tại sao lại hành xử theo một số cách nhất định khi một số cái twist xảy ra, và rất dễ đồng cảm hoặc ít nhất là thấu hiểu với những gì họ làm, kể cả khi điều họ làm rùng rợn và/hoặc khó tin đến ngoài sức tưởng tượng.
Ấn tượng nhất chính là cái nhân vật phản/chính diện trọng tâm của tác phẩm: Hassan. Truyện khắc họa lão này một cách đa chiều kinh khủng, làm cảm xúc của chúng ta đối với lão quay tít thò lò như chong chóng. Có những đoạn ta sẽ quả thực không khỏi hâm mộ cái ý chí bền bỉ đến phi thường của đồng chí này, sẵn sàng hy sinh hàng bao thứ cũng như liều chết theo đuổi lý tưởng và kế hoạch của mình đến tận cùng; có những đoạn ta sẽ lại thấy phát tởm hay thậm chí là khiếp sợ cái sự vô nhân đạo và tàn khốc của lão vì được chứng kiến những chiêu trò lão sử dụng nhằm thao túng người khác, cũng như những cái việc lão ép con người ta phải thực hiện; nhưng rồi ta lại được đi sâu vào trong đầu lão và thấy được sự “người” của lão, khi lão bày tỏ những cảm xúc như ghen tị hoặc xót ruột với gia đình, hoặc nghi ngờ bản thân và run cầm cập vì không biết kế hoạch của mình liệu có thực sự sẽ diễn ra như ý định hay không, hay thậm chí còn là cảm thấy hối hận và đau lòng trước những gì mình phải thực hiện, dù rốt cuộc vẫn quyết tâm bám đúng kế hoạch;…
Chỉ tiếc có một điều là cái cách thanh niên này xây dựng nhân vật cũng phạm phải cái lỗi tương tự như xây thế giới, đó là đôi khi xây một cách hơi bị rời rạc. Có một số nhân vật đã được giới thiệu từ sớm, và cũng đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều rồi, cho tác giả rất nhiều cơ hội để xây dựng sâu thêm về họ một cách tự nhiên, nhưng ông anh lại cứ ngó lơ chúng nó. Phải đến tận khi cần nhân vật đã được nhắc đến kia làm gì đó quan trọng với cốt, Bartol mới bắt đầu cuống quýt nhồi thông tin, để sau đó cái cốt có thể diễn ra một cách hợp lý. Tệ nhất là có một số nhân vật bị nhồi thông tin một cách đầy thừa thãi, bởi vì vai trò của họ đối với tác phẩm rất là nhỏ, và những thông tin cơ bản giới thiệu lúc ban đầu đã quá đủ để giúp nhân vật trở nên ok rồi. Nhưng vì lý do gì đó, Bartol lại cứ sa đà tả đủ thứ về cái đội ấy, bất kể làm vậy gần như không mang lại lợi ích gì cho tác phẩm.
***

TỔNG KẾT

Anh em hẳn phần đông cũng như mình, quan tâm đến Alamut vì nó có liên quan đến Assassin’s Creed. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm hoàn toàn có thể đứng độc lập, không cần mượn cái danh của franchise kia để công kênh bản thân lên làm gì. Nó chứa đựng rất nhiều thông điệp và triết lý đáng suy ngẫm, gói bên trong một câu chuyện đầy lôi cuốn với một dàn nhân vật thú vị. Bất chấp một số hạt sạn mang tính nước đến chân mới nhảy nằm rải rác đó đây, Alamut vẫn là một tác phẩm rất đáng đọc.
-----
Xem bài viết gốc tại: