Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.

--{[ REVIEW 2001: A SPACE ODYSSEY ]}--

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑
8.0/10

TL;DR

2001: A Space O̵d̵y̵s̵s̵e̵y̵ Documentary. Hoặc Tam Thể nhưng mở và tươi sáng hơn.
***

GIỚI THIỆU CHUNG

2001: A Space Odyssey là một cuốn tiểu thuyết Hard Sci Fi năm 1968, kể về cội nguồn sự tiến hóa của nhân loại, cũng như bước tiến tiếp theo của giống loài chúng ta. Đây là đứa con tinh thần của hai huyền thoại khổng lồ trong làng Sci Fi: nhà văn Arthur C. Clarke và đạo diễn Stanley Kubrick, và bản thân nó cũng có một sự tiến hóa rất thú vị.
Số là sau khi làm xong Dr. Strangelove, Kubrick trở nên rất quan tâm đến đề tài người ngoài hành tinh. Không như những người đương thời, Kubrick không muốn làm một cái phim phiêu lưu xàm xì chỉ có pew pew với gái gú, mà ấp ủ hy vọng sẽ làm được một “bộ phim Sci Fi tử tế,” với những miêu tả chân thực và chính xác về du hành vũ trụ. Ông đánh tiếng đi khắp nơi, và đã được người quen giới thiệu đến với Arthur C. Clarke, ông hoàng Hard Sci Fi thời bấy giờ.
Lúc gặp nhau, Kubrick tả qua về dự định của bản thân cho Clarke nghe, và Clarke đã mang sáu truyện ngắn mình từng viết ra cho Kubrick đọc thử. Một thời gian sau, Kubrick chốt sẽ lấy mẩu truyện The Sentinel (con người phát hiện ra một di vật do nền văn minh lạ để lại trên Mặt Trăng) làm ý tưởng nền cho phim. Sau đó, cặp đôi ấy cắm đầu vào đọc sách khoa học về vũ trụ, kỹ thuật và nhân chủng học để kiếm thêm tài liệu nguồn mở rộng cốt truyện, đồng thời cũng nhặt thêm ý tưởng cốt từ một số mẩu truyện ngắn Clarke từng viết để kết hợp lại thành tác phẩm hoàn chỉnh.
Ban đầu, Kubrick và Clarke tính sẽ để Clarke viết hẳn một cuốn tiểu thuyết trước, sau đó Kubrick sẽ nhìn ngược vào quyển truyện hoàn chỉnh để làm kịch bản. Họ thậm chí còn tính để credit biên kịch trong phim là “Kịch bản viết bởi Stanley Kubrick và Arthur C. Clarke, dựa trên tiểu thuyết viết bởi Arthur C. Clarke và Stanley Kubrick” để phản ánh quá trình phát triển câu chuyện.
Tuy nhiên, vì bản chất của dự án cũng như việc Kubrick và Clarke có một số bất đồng về cách tiếp cận câu chuyện, đôi bên rốt cuộc lại phát triển song song cả kịch bản phim lẫn tiểu thuyết, với phần kịch bản còn xong trước cả truyện. Thậm chí, tận sau khi phim công chiếu thì Clarke mới xong nổi và cho truyện được xuất bản, với tên tác giả cuối cùng chỉ còn là Arthur C. Clarke thôi chứ không còn là Clarke và Kubrick như dự định ban đầu nữa.
***

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Để bàn về quyển này thì chắc chắn một điều là thứ đầu tiên cần nhắc đến lại không phải là bản thân nó, mà là cái thằng anh em song sinh trứ danh của nó.
Và nếu anh em nào đã ở lâu trong group, hoặc ít nhất đã đọc cái bài review The Prestige của mình hồi trước, hẳn mọi người cũng đã đoán được mình sắp nói gì.
Stanley Kubrick bóp dái thằng này ghê quá 🐧.
Mặc dù cuốn tiểu thuyết 2001: A Space Odyssey của Clarke được phát triển dựa theo một bản nháp giai đoạn đầu, còn cái phim của Kubrick thì đã đi chệch theo một phiên bản khác của câu chuyện, nội dung cốt đôi bên giống nhau gần như y hệt, không sai tí nào. Ừ thì cũng có một số sự thay đổi đấy, nhưng chủ yếu chúng nó khác nhau ở cái giọng văn (nếu từ “giọng văn” có thể được áp dụng cho một bộ phim 🐧 ), còn các mạch quan trọng và diễn biến đều chẳng lệch đi đâu. Thế nên nếu đã xem phim hay thậm chí chỉ cần quen thuộc với các tình tiết của bộ phim, bất kể là qua meme hay qua cái gì, anh em sẽ bị spoil toàn bộ truyện.
Nhưng mà cũng như với The Prestige, anh em chỉ cần nhìn lên cái điểm mà mình đã chấm cho cái quyển này là sẽ hiểu nó thừa đủ sức hấp dẫn để gánh lại sự spoil kia.
Như đã nói ở trên, cốt của 2001: A Space Odyssey được cấu thành từ một số truyện ngắn chập chung vào với nhau. Thế nên khi đọc tác phẩm, anh em có thể thấy nó về cơ bản gồm ba phần với ranh giới khá rành mạch. Phần đầu sẽ liên quan đến lịch sử cổ đại của loài người, còn hai phần sau thì lấy bối cảnh thời hiện đại với cốt chính là khám phá bí ẩn đằng sau một di vật ngoài hành tinh.
Cả ba thằng này có kiểu diễn tiến khá chậm, với rất nhiều đoạn nó gần như dừng hẳn lại để tác giả đưa thông tin nền và các kiến thức khoa học có liên quan vào (đến phần thế giới sẽ nói thêm sau). Nếu anh em muốn một câu chuyện với mạch cốt ly kỳ, kịch tính, nhiều pha phiêu lưu thám hiểm, khả năng cao mọi người sẽ thấy thất vọng với quyển này. Kể cả nếu đã xem phim và biết trước truyện nội dung ra sao, anh em đôi lúc cũng không khỏi ngỡ ngàng là trên đời lại tồn tại một thứ rề rà đến thế.
Nhưng kỳ dị làm sao, bất chấp cái tốc độ rùa bò, bất chấp cái sự “nhạt” của nó, và thậm chí còn bất chấp cả việc bản thân biết hết câu chuyện sẽ đi đến đâu rồi, anh em sẽ vẫn bị cái quyển này hút đến không buông tay ra nổi.
Để mô tả về cái sự thiên tài của 2001: A Space Odyssey thì hợp nhất sẽ là mượn lại đúng những gì Kubrick từng yêu cầu ở Clarke khi viết lên câu chuyện này: “một tác phẩm nghệ thuật có thể khơi dậy sự trầm trồ, choáng váng… thậm chí, nếu thích hợp, hãi hùng.” Và lạy Chúa, Clarke đã hoàn thành sứ mệnh ấy một cách xuất sắc phi thường. Mọi mạch của tác phẩm đều được xây dựng như một bộ phim tài liệu chỉn chu ngoài sức tưởng tượng, vẽ lên những cảnh tượng khi thì kỳ vĩ đến ngợp óc, khi thì ảo diệu đến mức có thể nói là ma mị, khi lại như bóp nghẹt tim ta vào với một bầu không khí đầy căng thẳng. Clarke hết lùi hẳn ra xa để bàn về những triết lý và giả thuyết vĩ mô rồi lại dồn sát vào gần để tập trung thật sâu vào một tiểu tiết lặt vặt nhưng ẩn chứa những ý nghĩa động trời. Tác giả cứ thế dắt ta đi dần từng nhịp một, chỉ vào tất thảy mọi thứ xung quanh và giải thích cặn kẽ mọi điều, cho ta thấy cách ngay cả một viên gạch cũng có thể thú vị ra sao, và sự đóng góp dẫu rằng nhỏ mọn của nó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với bức tranh toàn cảnh.
Nếu nhìn nhận từ một góc độ nhất đinh, đây sẽ là một trong những điểm chủ chốt giúp bản truyện trở nên ưu việt hơn hẳn bản phim. Truyện giải thích mọi thứ một cách rõ ràng gấp bội phim, từ đấy giúp cho mạch cốt có một sự tiếp nối và chảy trôi mượt mà hơn hẳn. Nó vẫn bỏ ngỏ và giữ cho mập mờ nhiều đoạn chủ chốt (bỏ luôn hy vọng anh em sẽ có một câu trả lời rõ ràng cho cái kết đi nhé 🐧 ), nhưng tạo ra cảm giác các bí ẩn đó là một vấn đề ta thực sự có thể khám phá và lãnh hội, với các manh mối và nền tảng cần thiết đều được rải sẵn trong tác phẩm rồi, và chỉ cần đọc lại một cách kỹ lưỡng hơn là sẽ có thể hòm hòm định hình một giả thuyết có cơ sở. Cái phim của anh Cu Gạch thì lắm lúc tạo cảm giác như tác giả đang tìm cách tái tạo lại một pha… phê cần, với lôgic và mọi thứ khác chỉ là phụ.
Bên cạnh đó, một khi đã đọc truyện rồi, anh em sẽ cảm thấy phim như bị rút ruột công trình rất nghiêm trọng, với nhiều ý tưởng và kiến thức hấp dẫn bị gạt bỏ hết. Nó khiến cái phim trở nên như một cái trống dát vàng và nạm ngọc, nhìn thì rất sang và kêu to lắm, nhưng thực ra bên trong rỗng tuếch; riêng quyển truyện thì như một cái rương cũ kỹ và thô thiển, kéo đến lòi phở mới lôi được từ dưới gầm giường ra, nhưng bên trong đầy nhóc cổ vật, bản thân cũng mốc meo như cái rương nhưng mỗi thằng đều đáng giá cả gia tài.
Nhưng buồn cười một cái là đây cũng là một trong những điểm chính khiến 2001: A Space Odyssey bản truyện bị lép vế với bản phim nếu nhìn nhận từ một góc độ khác. Cái truyện nó khô kinh khủng khiếp, và dù rằng rất thích cách tác giả bàn sâu vào tất tần tật mọi thứ trên đời, lắm lúc cái lối hành văn ấy gây ra cảm giác như đang nhai cơm đúc từ xi măng ấy. Kubrick đã mài nhẵn được rất nhiều đoạn thô ráp như thế, nhưng vẫn đảm bảo giữ được một độ chân thực đáng nể về cách các sự thật khoa học được thể hiện trong phim.
Và lẽ đương nhiên, riêng khoản hình ảnh thì Clarke không đủ tuổi đú với Kubrick, và không chỉ đơn thuần vì một ông làm phim một ông viết truyện đâu nhé. Kể cả nếu trong một thế giới song song, ta có Clarke là nhà làm phim và Kubrick là nhà văn, ta hẳn cũng sẽ thấy cái hình ảnh mà Kubrick vẽ ra bằng ngòi bút thừa sức đánh phù mỏ mọi thứ Clarke có thể trưng ra được với một cái máy quay. Sự khác biệt giữa cái style của hai người này thể hiện rất rõ quá cách họ tạo dựng cảnh, chọn góc khắc họa, những thứ họ chọn để nhấn nhá,… Ta sẽ có thể thấy ngay dù Clarke có những cảnh tượng hấp dẫn thật đấy, chúng nó vẫn “lên phim” vụng hơn hẳn Kubrick.
***

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Arthur C. Clarke từng được rất nhiều người coi là ông hoàng của Hard Sci Fi, được mệnh danh là “Nhà tiên tri của Kỷ nguyên Vũ trụ,” và thậm chí còn được UNESCO trao giải vì đã có công truyền bá khoa học. Chính thế nên anh em cứ xác định luôn là mảng khoa học trong này sẽ hết sức bài bản và quy củ. Gần như không một thứ gì không bị ông lôi ra mổ xẻ phân tích, chạy từ cái toa lét ngoài không gian cho đến cái dép dùng để đi trên trạm vũ trụ, diễn giải nguyên lý hoạt động đằng sau, những vấn đề với nó trong thế giới thực và cách chúng được khắc chế, và suy ngẫm về tương lai chờ đợi bọn chúng. Điều này giúp cho cái thế giới của 2001: A Space Odyssey, ngay cả trong những khoảnh khắc hoang đường nhất (đặc biệt là ở phần đầu và phần đít), vẫn hiện lên một cách chân thực đến không thể bẻ vào đâu được, và anh em nào thích khoa học thì đọc vào sẽ thấy sướng chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo.
Nhưng dù có mê khoa học đến đâu thì anh em cũng sẽ không khỏi công nhận rằng lắm lúc Clarke chơi quá tay vl. Phần kiến thức khoa học ngồn ngộn đến mức chúng nó lắm khi hình thành những cái “tảng” to mấy trang giấy, kẹp bẹp dí chỉ đôi ba câu cốt nằm giữa. Khổ thêm một cái nữa là nhiều đoạn chúng nó nghe hơi lan man, không cống hiến nhiều cho việc thúc đẩy câu chuyện, mà chỉ đơn thuần nằm đấy bởi vì Clarke thấy những đoạn đó… hay quá, và muốn thiên hạ cùng được tận hưởng cái hay đấy cùng với mình. Nó na ná kiểu một ông hàng xóm thừa tự tin vào gu âm nhạc của bản thân, và bật loa thùng to hết cỡ để bà con láng giềng được cùng chung vui, bất kể anh em có muốn hay không 🐧. Nếu bỏ bớt phần khoa học thừa ra, chỉ giữ lại vừa đủ những thứ tối cần thiết để đưa đẩy câu chuyện, có khi tận phân nửa quyển này sẽ bốc hơi ngay tắp lự chứ chẳng đùa đâu 🐧.
Ngoài đấy ra thì còn một điểm nữa tùy cảm quan mà anh em sẽ thấy là tiêu cực hoặc tích cực, ấy là công nghệ của thế giới này đôi khi nghe hơi cổ. Ví dụ như có đoạn thanh niên đi sâu vào một thứ gọi là cái “newspad,” về cơ bản là iPad nhưng cồng kềnh hơn. Nghe cách thanh niên trầm trồ về nó và tung hê nó như đỉnh cao công nghệ của tương lai mà mình không nhịn được cười, bởi vì nó nghe cứ như một ông bác già ngồi giải thích cho ông bạn mù công nghệ của mình hiểu Internet là cái gì. Những đoạn như thế vô tình làm lộ cái “tuổi” của cuốn truyện này, nhưng ít nhất đối với mình thì nó mang lại một nét hấp dẫn riêng chứ không đến nỗi làm hỏng trải nghiệm.
Còn mấy cái khoa học thật khác thì chắc cũng có đôi chỗ lạc hậu đấy, nhưng nhân danh con 3.45 lý hồi cấp ba, mình xin được tự hào khai rằng bản thân chẳng nhìn ra được chỗ nào cả 🐧. Mọi thứ nhìn chung đủ lôgic, không có gì để chê hết, và phần đông anh em chắc cũng sẽ cảm thấy tương tự như vậy.
Tuy nhiên, Clarke không chỉ biết mỗi copy mấy cái nghiên cứu khoa học ra thôi đâu. Một khi ông đã xắn tay áo lên tưởng tượng mới thì anh em chỉ biết há hốc mồm ra thôi. Mấy cái này mang tính spoiler cực kỳ cao, thế nên mình không thể bàn quá sâu vào được, nhưng đại khái cái nền văn minh ngoài hành tinh trong này chúng nó thực sự dị ra dị. Cái cách đám đấy hoạt động cũng như công nghệ của đám đó vận hành tuân thủ theo những nguyên lý quái chiêu tột độ, nhưng dị hợm một điều là lại bám theo một cái lôgic đầy nghiêm chỉnh, khiến cái sự chém của chúng nó nghe thật vô cùng. Bên cạnh đó, vì bọn này không trực tiếp xuất đầu lộ diện, khá nhiều phần liên quan đến chúng nó được để mở cho chúng ta tự tưởng tượng, nhưng Clarke vẫn rất khôn khéo đưa ra một loạt các giả thuyết và cách lý giải tiềm tàng để ta vẫn ít nhiều có một cái lan can ngay sát, nơi mình có thể bám vào mỗi khi xây xẩm mặt mày trước cái sự xa lạ của nền văn minh kia.
Và riêng cái phần gần kết thì cực khó chê được một điểm nào cả. Anh em nào xem phim rồi nhớ cái đoạn màu mè lòe loẹt đấy không? 2001: A Space Odyssey bản truyện làm nó ấn tượng hơn hẳn, vừa áp dụng lôgic để giúp ta định hình được một phần cái gì đang diễn ra, vừa thả hàng loạt hình ảnh rất ảo diệu với quy mô to đến mụ não để tấn công mọi cảm quan của người đọc. Cái đoạn ấy vừa choáng óc vừa đờ đẫn, nhưng mà nghiện lắm.
***

NHÂN VẬT

Hồi trước, mình từng đọc một cái review chê Tam Thể, trong đấy có nói Lưu Từ Hân là bản nhái hàng Tàu của Clarke. Mặc dù không đồng tình với cái review kia, mình vẫn muốn đề cập đến nó vì cái nhận xét về sự tương đồng giữa Clarke và Lưu Từ Hân khá chuẩn, đặc biệt trong mảng tạo dựng nhân vật.
Hay nói chuẩn hơn là nặn bù nhìn 🐧.
Bất chấp việc cả quyển truyện đâu chưa đầy 300 trang, dàn nhân vật của 2001: A Space Odyssey cứ bị thay xoành xoạch. Ấy vậy mà chẳng một lần nào mình thực sự để ý đến màn thay máu ấy hết, bởi vì ông nào ông nấy đều giống y hệt như nhau. Tất cả đều chẳng có một tí tính cách nào, phẳng lét như một bức tường, và chỉ xuất hiện trong tác phẩm dưới vai trò cái loa để Clarke giải thích khoa học và nêu giả thuyết các kiểu. Trên thực tế, có nguyên một đoạn ông anh còn thể hiện bản chất loa phường kia thô đến mức cho một nhân vật nói thẳng thừng với một nhân vật khác là thế này, “Bro, cái này tôi với ông biết cả rồi, nhưng cứ nói lại đi cho khán giả người ta nghe.”
Câu đấy có thật. Câu đấy nằm trong truyện. Có một ông chỉ thẳng mặt người đọc bảo giải thích cho thằng kia nghe đi kìa 🐧.
Nói tóm lại là nhân vật nhạt lắm, chẳng có gì đáng bàn đâu.
***

TỔNG KẾT

Bất chấp bị cái bộ phim do Kubrick tạo dựng bóp ấy, 2001: A Space Odyssey bản tiểu thuyết của Arthur C. Clarke vẫn sẽ mang lại một trải nghiệm rất hấp dẫn. Cả bản phim lẫn bản truyện đều kẻ tám lạng người nửa cân, và sẽ khó có thể nói được đâu mới là phiên bản ưu việt hơn. Và nếu cân nhắc đến việc 2001: A Space Odyssey được coi là một trong những bộ phim có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, anh em hẳn sẽ chẳng khó gì để nhận ra cái quyển tiểu thuyết nó nằm ở tầm nào.
Nếu đã xem phim mà chưa đọc truyện, anh em rất nên tìm đọc thằng này, bởi vì nó giải thích vô số điều bị Kubrick bỏ lửng quá mức. Nếu chưa từng thò chân vào thế giới của 2001: A Space Odyssey bao giờ, bất kể dưới dạng phim hay truyện, anh em hãy đọc truyện trước để hiểu được hòm hòm cái cốt nó như thế nào, sau đó xem phim sau để cảm nhận được đầy đủ cái hình ảnh và vẻ đẹp của cái thế giới câu chuyện nhé.
-----
Xem bài viết gốc tại: