Remake Game có nên được đề cử trong The Game Award?
“nếu trao giải thì sẽ không công bằng với những tựa Game khác”. Vậy tại sao những tựa Game Remake cạnh tranh không công bằng ở đâu?
Vậy là sự kiện giải thưởng thường niên lớn nhất trong ngành công nghiệp Game - The Game Award đã diễn ra. Năm nay, giải thưởng Game of the Year đã thuộc về Baldur’s Gate 3. Thế nhưng không có nghĩa là những cái tên còn lại không phải là những sản phẩm xuất sắc. Alan Wake 2, Marvel’s Spider-Man 2, The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom đều là những tựa Game top đầu của năm. “Còn lại là Mario”. Nhưng có một cái tên gây ra tương đối những tranh cãi cho giải thưởng này, đó là Resident Evil 4, chính xác là phiên bản Remake được ra mắt trong năm vừa rồi.
Với nhiều người, quan điểm “hàng Remake” chẳng bao giờ có thể chòi nổi một ngón tay vào giải thưởng cao quý như “Game of the Year” của The Game Awards. Thất bại của Resident Evil 2 Remake năm 2019 và Final Fantasy 7 Remake năm 2020 lại càng củng cố nhận định này. Lý do được đưa ra là: “nếu trao giải thì sẽ không công bằng với những tựa Game khác”. Vậy tại sao những tựa Game Remake cạnh tranh không công bằng ở đâu? Và liệu chất lượng của chúng có phải nguyên do chính ảnh hưởng tới những thất bại trong các giải thưởng Game lớn?
Định rõ khái niệm “Remake”
Trong khoảng thời gian gần đây, các đơn vị truyền thông và các trang báo chuyên về mảng Game đã sử dụng từ ngữ một cách tràn lan và bừa bãi. Giữa hàng ngàn các khái niệm khác nhau như là “Remake”, “Remastered”, “Re-release”, “Reboot”, thậm chí là “De-make”, chúng ta cần phải định rõ lại các khái niệm để không bị nhầm lẫn.
Cụ thể, "Remastered" ám chỉ các phiên bản trò chơi đã được phát hành trước đây nhưng sau đó được cập nhật để phù hợp với nền tảng công nghệ mới. Thay đổi trong các phiên bản "Remastered" thường không quá lớn, chỉ tập trung vào việc cải thiện đồ họa, sửa lỗi và bổ sung tính năng mới, nhưng không thay đổi cơ bản lối chơi hay nội dung trò chơi. Ví dụ điển hình bao gồm "The Last of Us" từ PS3 sang PS4, "Resident Evil HD Remastered", và thậm chí "Persona 4 Golden" hay "Persona 5 Royal" cũng được coi là dạng Remastered.
Mặt khác, "Remake" lại can thiệp sâu rộng hơn vào bản gốc của trò chơi, thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận và trải nghiệm của người chơi. Có thể hình dung "Remake" như việc phá bỏ một ngôi nhà cũ, giữ lại nền móng và xây dựng một ngôi nhà hoàn toàn mới. Trong quá trình này, nhà phát triển có cơ hội thực hiện những ý tưởng không thể áp dụng trong bản gốc, từ việc thêm các nhiệm vụ bị cắt bỏ như trong "Dead Space Remake 2023", đến việc vá các lỗ hổng cốt truyện như trong "RE4 Remake", hoặc thậm chí là thay đổi toàn bộ cốt truyện như trong "Final Fantasy 7 Remake".
Các phiên bản Remake thường là cơ hội để nhà phát triển thực thi các ý tưởng mà họ đã không thể làm được đối với phiên bản gốc. Chẳng hạn như thêm trở lại các nhiệm vụ đã bị hủy bỏ và không được góp mặt giống trường hợp của Dead Space Remake 2023, hay là vá lại các plot hole đã tồn tại trong bản gốc như RE4 Remake, thậm chí là thay đổi hoàn toàn cốt truyện như Final Fantasy 7 Remake.
Những sự khác biệt này chứng tỏ rằng các thuật ngữ "Remake" và "Remastered" không chỉ đơn giản là những cách gọi khác nhau mà còn đại diện cho hai phương thức cải tiến và tái tạo trò chơi hoàn toàn khác biệt. Sự phân biệt rõ ràng giữa chúng không chỉ giúp người chơi hiểu rõ hơn về sản phẩm mà họ đang trải nghiệm mà còn giúp ngành công nghiệp trò chơi điện tử trở nên minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Tiêu chuẩn đề cử và phản ứng của cộng đồng
The Game Awards, một trong những sự kiện thưởng thức danh giá nhất trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, không hề đặt ra bất kỳ rào cản nào chống lại sự tham gia của các tựa game được Remake hoặc được Remaster. Theo quy định, bất kỳ tựa game nào ra mắt trước ngày 17 tháng 11 hàng năm đều có cơ hội được xét duyệt cho các giải thưởng. Trong trường hợp game ra mắt sau thời hạn này, nó sẽ phải đợi cho đến kỳ The Game Awards tiếp theo để có cơ hội tham dự.
Quá trình lựa chọn các tựa game đề cử tại The Game Awards được thực hiện bởi một hội đồng giám khảo, bao gồm hơn 100 chuyên gia đến từ nhiều đơn vị truyền thông và tổ chức uy tín trên khắp thế giới. Điều này đảm bảo rằng mọi game, bất kể là phiên bản gốc, Remake hay Remaster, đều được đánh giá một cách công bằng và minh bạch dựa trên chất lượng và sự sáng tạo của chúng. Điều này không chỉ áp dụng cho hạng mục "Game of the Year" mà còn cho tất cả các hạng mục khác mà game đó có thể đạt được.
Chẳng hạn, các tựa game như "Dead Space Remake" và "Resident Evil 4 Remake" nhận được sự đề cử ở hạng mục “Best Audio Design” nhờ vào chất lượng âm thanh xuất sắc của chúng. Điều này cho thấy rằng, một tựa game Remake với sự cải thiện đáng kể về mặt đồ họa, âm thanh, gameplay và các yếu tố khác so với bản gốc, hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với các tựa game mới phát triển, thậm chí còn có thể vượt trội.
Mặc dù vậy, trong cộng đồng game thủ, vẫn còn tồn tại quan điểm cho rằng các phiên bản Remake chỉ là "trò chơi bẩn" và không xứng đáng với sự công nhận so với các tựa game mới. Quan điểm này có thể phản ánh một sự thiên vị hoặc hiểu lầm về giá trị thực sự của việc tái tạo một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, với sự ghi nhận từ các giám khảo của The Game Awards, rõ ràng các phiên bản Remake đang chứng minh được rằng chúng cũng là những tác phẩm chất lượng, xứng đáng nhận được sự đánh giá cao và công nhận từ cộng đồng.
Tại sao Remake vẫn nên được xếp chung mâm với các tựa Game mới
Chúng ta cùng quay trở lại với trường hợp của Resident Evil 4 Remake. Phiên bản gốc của trò chơi này được ra mắt vào năm 2005 và trở thành một tượng đài của làng Game nói chung và thể loại kinh dị sinh tồn nói riêng. Tới nay, 18 năm đã trôi qua, và lượng Fan cũng như độ nổi tiếng của RE4 cũng đã được khẳng định. Khi quyết định Remake lại tựa Game đã thành công, gần như 99% phiên bản Remake của nó cũng sẽ đạt được thành công tương tự, thậm chí còn vượt xa người tiền nhiệm. Nay, những tựa Game “tượng đài” được Remake lại được đặt lên bàn cân cùng với những kẻ tân binh mới nhú, ví dụ như Starfield chẳng hạn, thì rõ ràng đây là một cuộc chiến không hề cân sức.
Xét về chất lượng, về mặt gameplay, "Resident Evil 4 Remake" gần như đã làm lại hoàn toàn hệ thống điều khiển và chiến đấu, làm cho nó trở nên mượt mà và hiện đại hơn. Hệ thống ngắm và bắn được tinh chỉnh để tạo cảm giác phản hồi tốt hơn, đồng thời cải thiện khả năng tương tác với môi trường xung quanh. Điều này không chỉ làm tăng tính chiến đấu mà còn làm cho việc khám phá môi trường trở nên thú vị. Cốt truyện và nhân vật cũng được làm mới mà vẫn giữ được tinh thần của bản gốc. Một số tình tiết và nhân vật phụ được mở rộng và phát triển sâu hơn, ví dụ như Luis hay Ada, thậm chí cả Ashley, tạo thêm chiều sâu và liên kết với loạt game. Đồng thời, các phần cắt cảnh và diễn xuất giọng nói được cải thiện, làm tăng thêm tính nhập vai và kịch tính cho trò chơi.
Mặt khác, The Game Award là giải thưởng dành để tri ân những người đứng sau các sản phẩm tuyệt vời, mang lại trải nghiệm tuyệt hảo tới cho người chơi. Và đội ngũ thực hiện RE4 Remake là đội ngũ hoàn toàn mới, phải mang trong mình sứ mệnh phải sản xuất được một sản phẩm xứng tầm với tựa Game gốc. Và họ đã làm được điều đó.
Đối với Final Fantasy 7 Remake cũng tương tự. Gameplay cũng được cải tiến đáng kể. Hệ thống chiến đấu kết hợp giữa chiến đấu theo lượt truyền thống và hành động thời gian thực mang đến sự linh hoạt đáng kể mà vẫn không mất đi tính chiến thuật truyền thống. Người chơi có thể chuyển đổi giữa các nhân vật và sử dụng đa dạng các kỹ năng và chiêu thức trong trận đấu, tạo cảm giác chiến đấu mới mẻ và thú vị. Ngoài ra, câu chuyện trong "Final Fantasy 7 Remake" cũng được mở rộng và sâu sắc hơn. Game không chỉ đơn giản là tái hiện lại cốt truyện bản gốc mà còn phát triển thêm các tuyến nhân vật phụ, cung cấp nhiều chi tiết mới mẻ, giúp người chơi hiểu rõ hơn về thế giới và các nhân vật trong game. Điều này giúp tăng cường mức độ nhập vai và gắn kết người chơi với câu chuyện.
Thông qua 2 ví dụ này, rõ ràng là Game Remake hoàn toàn xứng đáng nhận được đề cử để ngồi chung mâm với tất cả những tựa Game khác một cách công bằng. Tuy vậy, những cuộc tranh cãi trong cộng đồng vẫn không hề vơi đi. Tôi nảy ra câu hỏi “Tại sao không có hẳn một hạng mục chỉ dành cho các tựa Game Remake nhỉ? Khá hợp lý đó chứ”. Vì vậy, tôi đã có một chút tìm tòi nhỏ.
Đã từng có hạng mục “Game Remake xuất sắc”
Trong một buổi phỏng vấn Q&A ở trên nền tảng Streaming Twitch, nhà sản xuất của The Game Award, Geoff Keighley đã có một chút chia sẻ cá nhân.
“Mọi người cứ luôn hỏi rằng tại sao chúng tôi không dành riêng một hạng mục để tôn vinh các tựa Game Remake hay Remaster xuất sắc. Chúng tôi đã thảo luận về điều đó. Nhưng lại nảy ra thêm một vấn đề nữa là liệu chúng ta có luôn có đủ 5 tựa Game Remake xuất sắc mỗi năm hay không. Có lúc có, có lúc thì không. Như năm nay chẳng hạn. Chúng ta có Resident Evil 4 Remake dành được 1 suất đề cử Game hay nhất của năm, và Dead Space nữa. Ngoài ra, nếu có hạng mục riêng, liệu những tựa Game Remake đó có còn đủ điều kiện để tham gia các hạng mục khác như Game xuất sắc nhất của năm hay không. “
Rõ ràng những rắc rối mà Geoff gặp phải cũng không có hướng giải quyết triệt để. Vì các tựa Game Remake và Remasters vẫn được sản xuất đều đều, nhưng xuất sắc vượt bậc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu vẫn là rác phẩm. Ví dụ như năm 2020 có Mafia 2 Definitive Edition và Warcraft 3: Reforged; 2021 có GTA Trilogy,... Thật khó để tìm ra được 5 cái tên đủ tiêu chuẩn về chất lượng để lập thành một hạng mục. Thực ra nếu để hạng mục định kỳ 2-3 năm 1 lần thì sẽ đủ thôi, nhưng nó hoàn toàn không phải giải pháp tối ưu nhất.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất