Bài viết phản biện, bổ sung nội dung cho bài viết của Mayanvie, Hội chứng "People Pleaser" - Người tốt hay nô lệ của hình ảnh tử tế ?
Disclaimer 1:
Dưới đây là góc nhìn đúc kết từ trải nghiệm của người viết, tôi không áp đặt suy nghĩ và dẫn chứng nhằm thuyết phục, thay đổi suy nghĩ của người đọc.
Xin hãy tham khảo bài viết một cách cởi mở và góp ý văn minh.

====== Lời mở ======

Gần đây tôi vô tình đọc được khá nhiều article về people pleaser và có cả những quyển sách phê phán cách làm người tốt trong xã hội, cách xã hội nhìn nhận cái tốt nó bớt cởi mở, nghi hoặc, phán xét và hạ thấp giá trị của những hành động tốt đẹp, tử tế.
Tôi nhận ra chúng càng rõ ràng hơn trong 4, 5 năm trở lại đây, khi lòng tốt sa ngã và nhiều người sử dụng hình ảnh người tốt với ý đồ xấu đã khiến hình ảnh của một người đàng hoàng tử tế nó trượt dốc nhanh như một câu nói đùa.
"Mấy đứa nói đạo lý sống như ..."
Tôi cũng không cho bản thân là một người tốt hay tử tế gì, tôi cũng tự đánh giá bản thân bình thường và cũng chỉ hướng đến trở thành một người đàng hoàng, bớt những tật xấu, thêm những suy nghĩ tích cực hơn cho cuộc sống vốn là bể khổ như hiện nay. Thứ này giờ xa xỉ.
Vì làm người tốt phải trải một cái giá đắt. Đồ giả tạo, đạo lý, nói hay chứ sống như ...
Các bạn trẻ nào mà có một tâm lý chưa vững, dễ bị những câu nói bông đùa trên làm chệch đi thật giá trị cuộc sống của bản thân.
Cuộc sống vô thường, không ai giống ai cả, hạnh phúc mỗi người mỗi khác,
"Nice Guy Syndrome" có thật là hội chứng xã hội ? hay là những người đưa ra những nhận định trên có trust issue?
Cũng cần cởi mở hơn để có thể đón nhận những ý kiến trái chiều để chúng ta hoàn thiện bản thân hơn, hiểu bản thân hơn mới có thể đồng cảm, tin tưởng được người khác.
Lúc trước tôi có viết một Series về Anti Self-help, thời điểm đó tôi cũng cực ghét làn sóng Self-help, ích kỷ, chiều chuộng bản thân mà gạt bỏ mọi thứ xung quanh.
Dần dần, tôi cũng đã phải thay đổi bản thân, nhận ra điều đó cũng không hoàn toàn sai, lý tưởng của tôi vẫn chưa hoàn thiện, kể cả self-help cũng chưa hoàn thiện, nếu cứ anti nhau thì không kiếm được tiếng nói chung.
Tôi sẽ đặt tên bài viết này là Reinforce Self-help.

====== Story ======

Tôi trải qua nhiều biến cố cuộc đời, trong cả gia đình, công việc lẫn tình cảm.
Đa phần với những trải nghiệm của tôi, tôi luôn phải rút ra cho mình một bài học, để mình tránh lặp lại những sai lầm đã làm, để cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, đa phần những kinh nghiệm khi tôi rút ra, nó hay là: bớt tin người hơn, gặp những người toxic thì nên bỏ đi, không tranh cãi, góp ý với người không muốn thay đổi, đặt bản thân lên trên mọi khía cạnh cuộc sống.
Vì xã hội hiện tại đang phát triển nhanh hơn mức một con người bình thường có thể dễ dàng thích nghi, để tìm cách thích nghi nhanh thì nên bỏ bớt những trải nghiệm không cần thiết, không nên học lại hoài một bài học.

Cho nên thay vì tìm ra ngọn ngành, gốc rễ để thay đổi tích cực hơn, chúng ta thường "nghiện" với cách xử lý dễ dàng hơn, "từ bỏ".

Vì cuộc sống là có giới hạn, không ai nói ai nhưng cũng ngầm hiểu đây là một cuộc đua, đi chậm, chạy chậm là kẻ thua cuộc, thấp hèn nên cứ cắm đầu mà chạy, kể cả cái mục tiêu khác nhau, đích đến khác nhau nhưng chúng ta vẫn luôn so bì với nhau, hơn thua nhau trong cuộc sống.
Kết quả của những cuộc so sánh này, chúng ta luôn luôn cảm thấy mình tổn thương, mình không bằng ai, mình bị thiệt hơn cả.
Chúng ta không sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh mình vì xã hội hiện đại đang đặt một quy chuẩn mới lên trên cả. Hãy tập trung vào bản thân, độc lập cảm xúc, có trí tuệ và giàu có.
Điều này cực kỳ đúng nhưng chúng ta đã gạt bỏ đi một yếu tố khác ra khỏi công thức. Lòng vị tha (Selfless Action), món hàng xa xỉ của thời đại đổi mới 4.0.

====== Sơ đồ đánh giá Giá trị của lòng tự trọng ======

Tôi có phác thảo sơ một sơ đồ dựa trên cảm quan của tôi về giá trị của một con người như sau.
Disclaimer 2:
Tôi thấy tháp maslow khá là trừu tượng và không kết nối được với hiện thực nên vẽ ra sơ đồ về cảm quan cá nhân nhằm mục đích minh họa ý của bài viết, nó sẽ không theo một công thức hay một lý thuyết vật lý, tâm lý học đã được chứng minh.
Xin hãy góp ý, tôi sẽ cải thiện.
Tôi muốn sử dụng tiếng Anh cho bảng trên vì những từ tiếng Anh sẽ mang lại một biểu cảm đúng và trung lập nhất. Dưới đây sẽ là phiên dịch lại tiếng Việt cho các bạn cần tham khảo:
Effort / Energy: Công sức / Năng lượng
High-valued person: Người có giá trị cao
Inspirational, respectful person: Người truyền cảm hứng, được mọi người tôn trọng.
Self Esteem Equilibrium: Cân bằng lòng tự trọng.
Confident Person: Người tự tin
Kind Person: Người tốt, tử tế.
Self-aware Person: Người có nhận thức rõ ràng về bản thân.
Decent Person: Người đàng hoàng.
Selfish Person: Người ích kỷ, vị kỷ.
People Pleaser: Người đạo đức giả, nô lệ của sự tử tế.

===== Giải thích sơ đồ =====

Chúng ta có thể đầu tư năng lượng, công sức vào hai nhóm hành động để làm tăng giá trị bản thân:
- Nhóm hành động lợi ích cá nhân (Mang đến giá trị cho bản thân):
+ Chăm chút ngoại hình.
+ Cải thiện thu nhập.
+ Học hỏi, tiếp thu thêm kiến thức, kinh nghiệm.
+ Mua sắm những món đồ cho sở thích, đam mê.
+ Ăn uống những món ăn ngon.
+ Tâm sự với bản thân, chữa lành, hiểu rõ bản thân hơn.
+ Thỏa mãn các nhu cầu sinh lý.
...
- Nhóm hành động lợi ích phi cá nhân (Mang đến giá trị cho người khác):
+ Hoạt động xã hội.
+ Dạy học, chia sẻ kinh nghiệm không điều kiện.
+ Giúp đỡ người khác một công việc, một vấn đề mà bản thân có khả năng giải quyết.
+ Tặng những món quà để trân trọng người khác.
+ Lắng nghe người khác tâm sự.
+ Hoạt động từ thiện.
...
Tuy nhiên, cả hai nhóm hành động này nên cân bằng để thật sự mang lại cho người thực hiện giá trị đúng của họ, nếu mất cân bằng, giá trị thật của họ chỉ đạt được tầng thấp hơn trong bản giá trị tương đối tôi phác thảo trên.
Khi đạt được trạng thái Self Esteem Equilibrium (cân bằng về tự trọng bản thân), rất khó để bạn có thể tăng được giá trị bản thân, thỏa mãn hạnh phúc bản thân hơn được nữa nếu chỉ chăm chút vào bản thân.
Giới hạn này khác nhau với mỗi con người, có người sẽ rất hạnh phúc nếu bản thân giàu có, ăn ngon, mặc đẹp, thỏa mãn nhu cầu sinh lý,... nhưng tôi tin sẽ đến giai đoạn họ thấy không bao giờ đủ, luôn luôn thấy thiếu thốn một điều gì đó.
Ngược lại, những người chưa lấp đầy được những hành động yêu thương bản thân, mang bản thân đến mức độ hài lòng được, thì dù cho ra bất cứ điều gì cũng sẽ giết đi bên trong họ một ít. Luôn luôn cảm thấy sự thiệt thòi, đau đớn và lại càng ghét chính mình hơn nữa.
- Nhóm hành động lợi ích cá nhân: Bản thân sẽ nhận thức, phán xét. (Bản thân cảm thấy hài lòng là được, không cần ai đánh giá hay phán xét. Hạnh phúc của mình, mình nên biết và làm chủ. Tâm trạng của mình mình có thể chủ động điều chỉnh, thay đổi để bản thân hạnh phúc hơn. Self-help needed here.)
- Nhóm hành động lợi ích phi cá nhân: Xã hội, cộng đồng, những người xung quanh sẽ nhận thức, phán xét. (Bản thân nghĩ mình tốt cũng không nói được gì nếu không ai công nhận điều đó, đừng tự huyễn bản thân không cần sự công nhận. Điều này quan trọng.)

Tầng 1: Thiếu tự tin, giả tạo, ích kỷ

Ở tầng này, khi một trong 2 hoặc cả 2 hành động đều không đủ tiêu chuẩn.
Người ở tầng này dễ suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, luôn nghi ngờ bản thân lẫn những người xung quanh.
Lòng tốt thật sự không có, lợi ích là tối thượng. Họ có thể giàu có, thông minh, nhưng không bao giờ cảm thấy yên tâm với bản thân, không thể vượt qua được ám ảnh là mình phải độc tôn mới được sự tôn trọng.
Họ có bồi đắp cho bản thân bao nhiêu cũng sẽ chạm tới giới hạn hạnh phúc, họ tiêu tiền, họ giàu có, đẳng cấp lắm, nhưng không bao giờ là đủ. Họ chọn mục tiêu không song hành được với cái hạnh phúc thật sự họ cần.
Họ sợ nếu họ tốt, họ sẽ trở thành "People Pleaser".
Ngược lại, với những người chưa đủ tự tin về giá trị bản thân, luôn cảm thấy bản thân thiếu thốn nhưng cắn răng bỏ ra nhiều hơn khả năng của họ cho người xung quanh.
Họ nhạy cảm, chỉ vài câu nói đùa, vài lời trách móc, vài vấp ngã, tổn thương dễ xoay chuyển tư duy của họ, khiến họ tin mình là nạn nhân của xã hội.

Tầng 2: Biết mình, biết người, làm một người đàng hoàng, không hơn, không kém.

Ở tầng này, chúng ta bắt đầu nhận ra được sự tương đối trong các hành động, trở nên bình tĩnh và bớt phán xét hơn, chúng ta nhận thức mọi thứ đều có hai mặt.
Người ở tầng này sẽ bắt đầu tin tưởng việc cho đi sẽ không làm mất đi những giá trị cốt lõi của bản thân nhưng đồng thời cũng xem mọi sự bỏ ra là một chuyến đầu tư.
Chúng ta mong muốn điều tốt sẽ xảy ra, nhưng luôn sẵn sàng cho những điều xấu, rủi ro mang đến. Kỳ vọng chúng ta vẫn khá cao cho mỗi hành động của bản thân phải được công nhận, đền đáp hoặc chí ít không bị xem thường, hắt hủi.
Tác giả cũng đang ở tầng này và cũng trên hành trình bồi đắp bản thân để có thể cho đi nhiều hơn mà không cảm thấy thiệt thòi. Hạ thấp kỳ vọng của bản thân cho mỗi hành động cho đi của mình.
Tập trung vào những điều mình thay đổi, kiểm soát hơn là những điều mình không thể thay đổi, kiểm soát (như cảm xúc và hành động của bản thân hơn là cảm xúc và hành động của người khác)

Tầng 3: Tự tin về khả năng bản thân, là một người tốt, uy tín, tử tế.

Từ tầng này, tôi chỉ đưa ra sự tưởng tượng và kỳ vọng chứ chưa thật sự đạt đến, mong có được sự góp ý của quý anh chị có nhiều kinh nghiệm hơn.
Ở tầng này, chúng ta đã bỏ bớt kỳ vọng về những hành động tốt của chúng ta được đón nhận như thế nào. Chúng ta đã có đủ tự tin để đối mặt với bất kỳ sự đánh giá, so sánh, miệt thị tiêu cực từ đám đông và cho qua chúng.
Vì những điều chúng ta cho đi ra, nó là kết quả của sự tích lũy, dư dả, và chúng ta dễ dàng hào phóng cho đi mà không kỳ vọng sự nhớ ơn, đền đáp.
Nếu điều đó bị đánh giá một cách tiêu cực, chúng ta chỉ cần rút kinh nghiệm và không làm lại điều đó với đối tượng không trân trọng giá trị mình mang lại.
Họ tin rằng sẽ có người khác cần đến giá trị đó hơn họ, người ở tầng này chỉ cần thay đổi đối tượng cần giúp đỡ là được, họ không thù hận, cũng không suy nghĩ nhiều về việc cũ lắm.
Vì trong mắt họ, họ cảm thấy bản thân rất tự tin và đối những người xung quanh, họ là một người tốt, một người tử tế, đáng để trân trọng.

Tầng 4: Những con người có "giá trị cao", truyền cảm hứng, được mọi người tôn trọng.

Ở tầng này, họ bắt đầu vượt qua cái "tôi" giới hạn, họ đã vượt qua mốc cân bằng tự trọng, mọi giá trị cá nhân có tăng thêm bao nhiêu nữa cũng không mang lại được hạnh phúc bằng việc giá trị của họ mang đến cho xã hội.
Hạnh phúc của những người ở tầng này sẽ đổ ngược từ những giá trị họ đem lại cho xã hội để tăng giá trị bản thân.
Chính vì vậy, họ rất kỹ càng và chọn lọc giá trị nào xứng đáng để họ cho đi, đối tượng được nhận cũng rất kỳ vọng và tôn trọng những người này.
Họ không quan tâm những người không tôn trọng họ, hoặc giá trị họ mang lại đơn thuần vì số lượng những người đó như hạt cát trong sa mạc, và họ quá giá trị để quan tâm đến những tiểu tiết, những nhận thức sai lệch tấn công đến họ.
Họ đã ở ngưỡng hầu như không thể tổn thương, lay động bằng những điều phù phiếm bởi thực lực, khả năng, con người của họ đã được chứng minh và đánh giá tích cực một thời gian rất dài, từ rất nhiều người, cả xã hội lẫn những người quan trọng đối với họ.
Họ vượt qua mức cân bằng và hạnh phúc chỉ tăng, hoặc không tăng chứ không thể giảm nhiều như những tầng khác.
Dù họ có suy sụp hoặc có biến cố gì xảy ra, rất dễ dàng để họ lấy lại được tự tin nhờ cả năng lực, lẫn sự động viên, giúp sức từ những người mà họ đã giúp đỡ, đem đến giá trị.

===== Kết =====

Sau khi đọc bài viết về People Pleaser của Mayanvie ở Spiderum, nó khá kích động tôi ở ngay thời điểm đọc.
Liệu mình có phải dạng People Pleaser? Liệu mình có cảm thấy tồi tệ khi giúp đỡ người khác khi không được lợi ích gì?
Liệu mình làm một điều tốt gì đó để lấy thiện cảm với người xung quanh, tạo một mối quan hệ dựa trên lợi ích?
Tình yêu là gì? Phải chăng cần cho và nhận đồng đều để cảm thấy bản thân không bị lợi dụng?
Không phải tôi chưa từng nghĩ về những điều này nhưng thực tế là bài viết trên đánh thẳng vào conscious (ý thức) của tôi một cách mạnh mẽ hơn.
Tôi nhận ra là điều tôi đã được nói từ cách đây không lâu từ một người chị đồng nghiệp rằng: "Em có biết là có những người họ nghĩ em những việc em làm đang rất là giả tạo lắm không?"
Sau những lời nói của người chị đó, tôi thật sự hoang mang và rối ren cảm xúc. Tôi phải tự hỏi rằng chính bản thân tôi có ổn với những điều tốt tôi làm, những thứ tôi cho đi mà không đòi hỏi lại lợi ích là gì?
Điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tại sao xã hội ngày nay, chúng ta dễ đặt nặng những suy nghĩ phức tạp và tiêu cực đến những điều tốt được đem đến cho mình.
Tôi nhớ lại câu chuyện cá nhân trước đây của gia đình trước đây. Lúc gia đình tôi kinh tế kiệt quệ, có những người bạn của ba mẹ sẵn sàng cho gia đình mượn một số tiền lớn mà không màn lợi nhuận, lợi ích gì cả, họ giúp đỡ gia đình tôi còn tốt hơn cả anh chị em ruột thịt, họ hàng.
Gia đình tôi luôn không thể quen những món nợ ân tình ấy, khá là nặng nề nhưng không hề tiêu cực, nhà tôi đã có những người bạn thâm giao, tin tưởng nhau hết mực.
Điều ấy ở hiện tại như một mission impossible, khi xã hội cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, chúng ta không có đủ cái xa xỉ để giúp đỡ những gia đình, những người bạn khi bản thân thật sự chưa dư dả, nhưng tôi nghĩ thật sự ngoài lý do đó ra, tôi nghĩ khúc mắc hơn vẫn ở chỗ: "Bản thân không muốn bị thiệt/ lợi dụng".
Tôi cũng không quá suy sụp khi suy nghĩ về những chuyện đó vì tôi đã có câu trả lời: "Tôi giúp đỡ người khác do tôi muốn thế, điều đó mang lại cảm xúc tích cực cho bản thân, điều đó là đủ."
Nhưng tôi cũng phải nhận thức ra được là mình tốt với người khác cũng nên cần có "kỹ năng" và "tinh tế" hơn, không phải ai mình cũng nên tốt, và không nên tốt nếu điều đó gây hại cho bản thân.
Mình không thể cho người khác hạnh phúc nếu bản thân mình không có điều đó. Đó cũng là thứ tôi nên học từ self-help để bản thân trở nên cân bằng hơn.
Bài viết này tôi viết ra để hệ thống hóa lại những suy nghĩ của bản thân, đồng thời hy vọng là một hạt cát góp phần lan tỏa sự tích cực, động lực để làm "điều tốt" cho những người vẫn còn đang hoang mang, nghi vấn liệu ràng điều đó có khiến bản thân "xấu đi", hay "thiệt thòi hơn" trong mắt của xã hội hiện tại không.
Chắc chắn là không, trừ khi bạn chưa thật sự ổn với bản thân.
Hãy cân bằng giá trị bản thân vã hãy cho đi những điều tốt đẹp khi bạn có thể afford (đủ khả năng bỏ ra) được.

===========

Mong rằng bài viết sẽ đến với những người cần nhất.