Nó đưa tôi tới một trạng thái mà tôi có thể thoát ra khỏi thân xác mình, lùi lại một khoảng cách đủ xa để mà nghe tiếng đàn của mình như một vị khán giả. Tôi đã không còn nhận ra cây guitar như một thứ tôi vẫn hay cầm trên tay mà bắt đầu coi nó như một vật thể thiêng liêng đến từ vũ trụ hư không” – John Frusciante.

Và cũng chính "nó" đã từng hai lần quật ngã Red Hot Chili Peppers (RHCP).
***
Nó lần đầu làm quen với Hillel Slovak khi Hillel mới 22 tuổi. Lúc đầu nó khiến anh nôn mửa, thế nhưng vì lẽ nào đó, nó vẫn thôi thúc được anh thử lại và thử lại cho đến khi Hillel sử dụng thuần thục như ngón đàn "cay xè" của anh trong RHCP vậy.
Thời điểm đó, album thứ hai của band là Freakey Styley (1985) dù không hẳn thành công ầm ĩ về mặt thương mại hay trong giới phê bình, nhưng lại là sản phẩm mà ca sĩ chính Anthony Kiedis và tay bass Flea thấy hài lòng nhất, và quan trọng là âm thanh khác xa với âm thanh gọn sạch mà nhà sản xuất Andy Gill đã từng áp đặt cho sản phẩm đầu tay của nhóm. Giang hồ đồn đại rằng, căm ghét đĩa đầu tiên cùng tên đó, Flea còn gửi hẳn cho Andy một cái pizza được ship đến tận nhà, trong đó topping là sản phẩm mà anh mới nặn còn nóng hổi từ trong người đùn ra.
Với album thứ hai kể trên, RHCP có được hai nhân tố họ thực sự hài lòng: đó là sự trở lại của Hillel (người vốn là thành viên đồng sáng lập nhóm nhưng không thể tham gia vì mâu thuẫn về lịch thu âm cho một dự án khác mà Hillel trót theo lúc đó), và nhà sản xuất nhạc Funk thiên tài - bố già George Clinton

Sự pha trộn giữa nhạc Punk và nhạc Funk bấy giờ giúp RHCP trở thành cái tên hút khán giả ở các quán chơi nhạc cả Rock lẫn show diễn Hip Hop. Ý tưởng của hai dòng nhạc đó đã được bộ ba Flea, Anthony và Hillel nhen nhóm từ ngày đầu. Flea vốn thổi thành thục chiếc kèn trumpet do tình yêu với Jazz từ thuở bé và sau này theo đuổi âm nhạc Punk, còn Anthony thì chắc ai cũng biết vốn ưa thích thể hiện phần lyrics (hay đúng hơn như lời anh nói là kể chuyện theo lối có nhịp điệu) dưới ảnh hưởng của một fan ruột của Funk và Rap. Do vậy, gần như không thể có một lựa chọn sáng suốt hơn bố già George Clinton, người đã từng tạo ra những Parliament và Funkadelic huyền thoại với dòng P-Funk để hoàn thiện đúng âm thanh từ bộ khung mà RHCP đã xây dựng từ những ngày đầu.
Thế nhưng công lớn kiến tạo phần nhạc của cả band lại đến từ chính Hillel Slovak. Ngoài kỹ năng điêu luyện trên phím đàn guitar, anh có một kiến thức bao la về âm nhạc. Đồng thời chính anh là người đã dạy Flea chơi bass, biến Flea sớm trở thành một quái kiệt trên cây đàn bốn dây và là cộng sự hàng ngày jam nhạc cùng nhau. Sự ngẫu hứng nhưng hiểu nhau từng đường đi nước bước trên các phím đàn giữa Hillel và Flea từ những hợp âm đầu tiên chỉ khiến Anthony Kiedis phải há hốc mồm. Bộ đôi này nhào nặn ra âm thanh Funk Rock đặc trưng của RHCP, là nguồn cảm hứng để Anthony biến tấu phần vocal trên đó.
Mỗi tội sự đồng điệu giữa anh và Flea đã phải chờ đến album thứ hai của RHCP sau khi Hillel quay lại thay thế cho Jack Sherman, nhân vật đóng thế cho chính anh trong album đầu không thể tham gia, và gần như không thế được cái hồn mà Hillel đã từng thổi vào nhạc RHCP. Chính Hillel là người khai sáng ra lối chơi guitar “less is more” gần như đi ngược với trào lưu chơi guitar ở thập niên 80s, nơi mà có lẽ ngoài The Edge (U2), nhạc Rock cũng đồng nghĩa với những màn trình diễn thừa mứa của cây guitar.
Quả vậy, RHCP có 4 thành viên: một trống, một bass, một guitar và một cái miệng chỉ rap mà hầu như không "hát" giai điệu. Vậy mà Hillel không đặt nặng vấn đề làm đầy tiếng nhạc bằng nhiều track đàn hay chơi những câu riff dày đặc. Tiếng đàn của anh phải nghe thật kỹ mới nắm bắt được, điểm xuyết với nhiều khúc nghỉ, giật cục theo nhịp funky, tạo khoảng trống cho Flea thỉnh thoảng chơi câu bass ở dải cao. Nhưng đến khi Hillel tung đòn ở phần solo như “Jungle Man”, “Hollywood (Africa)” hay đặc biệt “Blackeyed Blonde” thì anh tỉa tót đầy ngẫu hứng đâu ra đó. Đặc điểm của anh khi đánh là cảm xúc dồn vào bàn tay mà anh sẵn sàng bấm đến rã các đầu ngón, thậm chí rỉ máu. Một buổi jam thành công với Hillel là cây đàn guitar của anh phải dính bết các vệt máu trên chiếc cần đàn.
Nghe ghê rợn là thế, nhưng đó cũng là cách Flea học được từ Hillel: chơi hết mình! Các ngón cái của Flea lằn lên những dây đàn bass dày cộp còn ngón cái ở bàn tay phải của anh lõm hẳn một cái hố vì vảy dây lâu ngày. Khi da non chưa kịp lên thì đầu ngón tay đã tiếp tục bị bào mòn. Không chỉ tạo nhịp điệu, cách chơi bass của Flea không bị giới hạn ở nốt trầm, anh vuốt từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp tạo hai lớp âm thanh dải trầm và cao chỉ bằng đàn bass, giúp cho Hillel thoả sức chấm phá chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Trong “Blackeyed Blonde”, các nốt Flea chơi ở nhịp nhanh đến độ nó thay luôn câu riff của guitar. Những câu đàn nhanh, đanh, sắc gọn của Hillel và Flea vì thế như đan xen nhau, khiến nhiều lúc không phân biệt được tiếng đàn nào đang làm chủ đạo. Khả năng bắn tỉa bằng tiếng bass của Flea cũng là lối chơi học từ chính Hillel, và chắc khối người cũng tự hỏi, phải chăng Flea mới là người chơi riff trong RHCP? Tôi thì thấy đơn giản thế này, Hillel "truyền nghề" cho Flea để đỡ phải cáng đáng nhiều mà thôi.

Đến đĩa thứ ba sau đó, The Uplift Mofo Party Plan (1987), sự trở lại của tay trống đã chơi cùng RHCP ngày đầu, Jack Irons, đã hoàn thiện mảnh ghép, đưa họ lên tiếp tầm cao mới của bộ tứ siêu đẳng. Hoặc đó chỉ là sự kỳ vọng?
"Nó" lúc này đã dấn sâu vào thói quen hàng ngày của Hillel như cách nó đã từng tìm đến với Anthony và Flea từ trước đó. Người ta trách Anthony chính là kẻ đưa Hillel vào con đường nghiện ngập, mà không ai trách "nó" khi đã hợp với ai thì khó dứt lắm.
Hillel dần một xa cách với ban nhạc. Anh chơi đàn cũng lộn xộn và sai lệch tông nhạc nốt nhạc nhiều hơn. Trong chuyền lưu diễn tại Châu Âu năm 1988, anh bỏ ngay khỏi sân khấu chỉ vì cảm thấy không có hứng chơi nhạc. Khi cả ban nhạc đã tính chuyện đuổi Hillel khỏi nhóm, đã có lúc anh tự chấn chỉnh lại bản thân.
Thế rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Một tối tháng 6 năm 1988, "nó" quyết định giành giật lại Hillel về phía mình mãi mãi. Nó mạnh mẽ hơn bình thường, và như quả lựu đạn được rút chốt, khi nó xâm nhập vào mạch máu của Hillel, mọi thứ như vỡ tung ra.
Hillel lúc đó 26 tuổi. Cái chết của anh là cú giáng cực mạnh tới 3 thành viên còn lại, đến mức tay trống mới quay lại Jack Irons quyết định từ bỏ vì quá trầm cảm.
Kỷ nguyên đầu của RHCP chấm dứt!
***
"Nó" bắt đầu lân la làm quen với John Frusciante khi anh mới 17 tuổi. Khi sự nghiệp âm nhạc của John bứt phá cùng RHCP, khoản tiền rủng rỉnh cộng sự chán nản của anh với danh tiếng là chất xúc tác khiến "nó" và anh lại càng quấn quýt với nhau.
John tâm sự với Anthony rằng anh chỉ yêu quãng thời gian còn đi đánh quán, rằng nhạc của RHCP chỉ hợp với nhóm nhỏ khán giả. Cái không gian chật chội nhưng dữ dội mới là thứ làm John yêu nhạc RHCP như ngày đầu anh đến xem và đem lòng hâm mộ ban nhạc cũng như thần tượng tay guitar quá cố Hillel Slovak.
Năm John 18 tuổi, anh được tuyển vào vị trí guitar của RHCP. John dễ dàng trở thành một thành viên thích hợp vì những yếu tố: có ngón đàn guitar điêu luyện, là fan cứng của RHCP đến mức thuộc làu các câu guitar lẫn bass trong 3 album đầu tay của nhóm. Do đó không khó cho John ngay lập tức bắt quen với nhịp điệu của nhóm.
Ở thời điểm đó, tay trống siêu đẳng, Chad Smith, ứng viên cuối cùng trong đợt tuyển thành viên của RHCP lại là người khớp được với thứ nhạc khó chơi của nhóm nhất. 
Có lại được bộ sậu cứng sau quãng thời gian đen tối, Anthony và Flea đều không ngờ họ may mắn có lại được bộ tứ siêu hạng một lần nữa. Thậm chí, với Chad Smith trên giàn trống, RHCP nay còn mạnh mẽ hơn với khả năng khám phá những thể loại nhịp khó nhằn và khó đoán hơn, Flea nay có thể tiếp tục bay cao với những sáng tạoquái chiêu của anh trong thể loại Funk.
Nhưng "nhân tố bí ẩn" lúc này của nhóm lại nằm ở John Frusciante. Là một fan "cuồng" của Hillel Slovak, John nằm lòng các tinh hoa trong lối chơi “less is more” của Hillel và nâng nó lên một tầm cao mới bằng những câu riff giai điệu. Tiếng guitar của anh dày và tràn ngập khuông nhạc ở những đoạn vào nhạc, nhưng vẫn kịp để lại các khoảng trống ngay khi Anthony cất giọng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa John và Anthony cũng cho phép tay guitar trẻ tuổi này sáng tác các câu đàn từ phần lời và hợp âm ý tưởng của Anthony, và rồi trên tiếng đàn đó, Anthony lại tiếp tục hoàn thiện cả bài một cách dễ dàng.
 
Có lẽ thế nên từ thời có John và Chad gia nhập nhóm, nhạc của RHCP được sáng tác đầy cảm hứng và xuất hiện với tần suất nhiều hơn hẳn. Kể từ đĩa Mother’s Milk (1989) trở đi, giới phê bình càng đánh giá cao và số người hâm mộ RHCP ngày một nhân rộng lên. Sự hợp rơ của nhóm tạo ra những bản phối cực chặt chẽ của bốn thành viên trên nền funky đảo nhịp liên tục của bài “Magic Johnson”, cực khó chơi, những bản tempo nhanh nhảu của “Johnny, Kick A Hole In The Sky” đến bản instrumental chậm rãi có câu đàn lung linh ở “Pretty Little Ditty”. Lối đánh guitar của Fruciante chịu ảnh hưởng rõ từ Hillel Slovak qua cách đánh những câu lick bằng cách vảy toàn bộ dây đàn nhưng chặn tiếng các dây không cần thiết để vừa có câu nhạc giai điệu, vừa có âm xoẹt va chạm giữa miếng pick và dây đàn tạo nhịp điệu funky cho bài, một lối chơi vô cùng khó.
Nhưng có gì khó bằng vượt qua sự ồn ào của danh vọng? Với John, đó mới là thứ thử thách sức chịu đựng của anh. Và rồi anh cũng lại tìm đến "nó". Anh bắt đầu chuyển sang thứ nặng đô hơn, theo đúng con đường mà thần tượng của anh, Hillel đã từng chọn.
Về phía Anthony và Flea, cả hai học bài học xương máu từ cái chết của Hillel nên họ sợ John cũng có kết cục tương tự. Còn John thì không. Sau đỉnh cao của Blood Sugar Sex Magik, anh càng trầm cảm hơn.
Nó không còn giúp anh có thêm đôi tai thứ hai để nghe của nhạc chính mình nữa, nó giờ khiến anh rời rạc với nhóm hơn.
Buổi diễn của RHCP ở chương trình SNL 1992 là sự nỗ lực hết sức của John. Vậy mà anh vẫn đánh những nốt lệch tông trong bài “Under The Bridge” khiến Anthony chỉ biết ném cái nhìn nén sự tức giận. Không khí tẻ nhạt của buổi diễn khác xa những lần khác mà ban nhạc thể hiện ca khúc kinh điển này của họ. 

Không dừng ở đó, trong show diễn ở Nhật Bản, John còn định bỏ dở chương trình cũng vì không có hứng. May thay cả nhóm phải thuyết phục anh ở lại hoàn thành nốt đến cùng, dù kết quả của buổi diễn cũng tệ không kém lần SNL ngày nào.
Và chuyện gì đến cũng phải đến, RHCP kết thúc kỷ nguyên lần thứ hai của họ khi John Frusciante bỏ đi.
***
Câu chuyện của John Frusciante có lẽ đã suýt giống hệt với Hillel Slovak. Cả khi Flea – người bạn thân của anh trong RHCP cũng phải lánh dần ông bạn nghiện ngập, và sau khi một người bạn khác của John là River Phoenix (diễn viên và anh trai của Joaquin Phoenix) chết vì ngộ độc thuốc, John cũng không hề thức tỉnh. Sau khi dời RHCP, John suýt chết vì sốc thuốc phải đến 5 lần liền. Bộ răng của anh bị tàn phá.
Đã có những lúc John không thèm động chạm gì tới cây đàn guitar, mà chỉ đắm chìm phê pha, vẽ tranh và viết những dòng note điên loạn. Có những lúc anh cảm thấy có con mèo đang nằm nguyên trong hộp sọ của mình, rồi có lúc anh ngồi trên nóc nhà chiến đấu với những hồn ma tưởng tượng. Sau khi dời nhóm RHCP, John theo đuổi sự nghiệp solo của mình, chủ yếu trên các bản ghi âm anh đã tự thu từ thời còn trong ban nhạc nhưng được giấu trong két sắt. Chứ cơn nghiện của anh đã đẩy anh tới bờ vực khó có thể sáng tạo nghệ thuật được nữa.
Năm 1998, sáu năm sau khi John rời nhóm, Flea ghé thăm người bạn cũ, giờ đây đã tìm về được trạng thái cân bằng. John khóc tu tu khi được Flea rủ lại về RHCP, ở thời điểm ban nhạc cũng gần như tan rã do sự thiếu hòa hợp với tay guitar lúc đó là Dave Navarro.
Công bằng mà nói, album One Hot Minute vẫn là album hay với tài năng không thể phủ nhận của Dave Navarro, nhưng nó chìm nghỉm giữa hai thời kỳ của RHCP và John Frusciante. Nhất là khi độ nảy tưng thường thấy không còn đó.
Điều đáng nể của RHCP là sự trở lại của John không chỉ nhanh chóng hâm nóng lại sự hợp rơ của cả bốn vị, mà đánh dấu một bước đổi mới trong âm nhạc của nhóm bắt đầu với album thành công nhất Californication (1999). Có lẽ sau một loạt xáo trộn trong nhóm, họ trưởng thành hơn, trầm lắng hơn trong Californication.
Album này giảm hẳn thời lượng rap của Anthony, thay vào là giọng hát những câu nhạc đầy giai điệu của tay ca sĩ mới luyện tập khoản xướng âm. Giống như lúc rap, Anthony vẫn mang lời ca đầy âm vần khi hát, khiến cho các bài hát của RHCP nghe rất bắt tai. Sự kỳ diệu còn ở chỗ, nhạc của RHCP lúc này được níu chậm lại hơn, nhưng không vì thế John đánh nhiều câu đàn hơn. Có cảm giác như quãng thời gian tìm lại chính mình sau đợt cai nghiện, John Frusciante sống chậm lại hơn nhiều. Có cảm giác sức ảnh hưởng của Hillel Slovak với John trong album này còn nhiều hơn trước dù thể loại nhạc đã đi xa khỏi thời kỳ đầu nhiều. Tự dưng Californication nghe âm thanh càng mỏng hơn vì tiếng đàn của John chỉ điểm xuyết, để lại những câu bass nhẹ nhàng đầy giai điệu của Flea làm đầy. 
Có điều, ý đồ cố tình không phô trương kỹ thuật của John, thay vào bằng cảm xúc trong từng nốt đàn là thứ khiến cho đoạn solo của anh ở những bài như “Scar Tissue” hay ca khúc cùng tên album “Californication” đầy tinh tế. Không mấy khi người ta nghe đoạn solo guitar mà đánh chậm như vậy, từng nốt nhẹ nhàng vang lên như tiếng hát, có lúc cảm giác như tiếng hát đó bị nghẹn lại. Đó là nhờ những âm sắc của nó được John tạo ra hết sức tỉ mỉ ở độ ngân, rung và âm lượng.
Từ Californication, RHCP tiếp tục thời kỳ đỉnh cao ở kỷ nguyên lần thứ ba bằng By The Way (2002) Stadium Arcadium (2006) với cùng phong cách mới này. Và rồi sau đó, dù John lại tiếp tục nghỉ đánh ở RHCP một khoảng thời gian hơn 10 năm, không phải vì cơn nghiện lấn át như trước đây, mà để tìm đến những dự án riêng của anh, mọi người trong ban nhạc vẫn kiên nhẫn tiếp tục vận hành cùng tay guitar Josh Klinghoffer, cho đến tận cuối năm 2019. 

Bởi vì, cũng khó có nơi nào sẵn sàng giang tay đón nhận và để John Frusciante tỏa sáng với thứ âm nhạc của mình như trong RHCP.
How long, how long will I slide? / Separate my side, I don't / I don't believe it's bad / Slit my throat it's all I ever….
RHCP – “Otherside” 
Hẹn gặp lại!
Đọc các bài viết khác của Emoodzik tại website: www.emoodzik.com