'Này Ratatouille chắc anh trở thành Linguini’
Gần đây, mọi mạng xã hội bị bủa vây bởi câu hát này, tôi phải nghe đến mòn tai mới nhận ra mình nghe và hát theo nhưng không hiểu gì về ý nghĩa của lời nhạc. Tò mò chơi chơi, tôi lên google tìm thử xem từ Ratatouille có nghĩa là gì. À thì hóa ra là một món rau hầm của Pháp, nhưng cách chế biến món rau hầm này lại không xuất hiện trong những tìm kiếm hàng đầu của Google. Những đề cử tôi thấy xuất hiện nhiều nhất trên trang tìm kiếm là về bộ phim Ratatouille (tên tiếng Việt là Chuột Đầu Bếp). Được một ngày chủ nhật rảnh rỗi, và vì lâu cũng không xem phim hoạt hình, tôi tìm một link phim HD của Ratatouille, ngả mình trên giường, và xem phim.
Bộ phim kéo dài gần 2 tiếng, nhưng tôi thấy thời gian dành ra để xem phim này không hề lãng phí dù chỉ một phút. Những điểm chạm của mạch truyện, âm nhạc, và màu sắc trong Ratatouille đến trái tim và tâm trí tôi khiến tôi tự mình đặt ra câu hỏi:
Chỉ là một bộ phim về đồ ăn và một con chuột, có gì mà đặc biệt đến thế? 
Có lẽ là vì tôi thấy mình trong chú chuột Remy- một kẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn, phá vỡ định kiến để theo đuổi ước mơ. Có lẽ là vì tôi thấy một phần của nhân vật Ego trong những gì mà tôi vẫn thích đọc và hay viết. Có lẽ, có lẽ, và vẫn có lẽ là còn nhiều điều nhỏ nhắn khác khiến tôi không thể ngừng nghĩ về bộ phim này.
Nhưng những điều tôi sắp viết dưới đây, sẽ không phải là một cái ‘có lẽ’ nào nữa; vì tôi biết chắc về điểm chạm quan trọng nhất giữa Ratatouille và dòng xúc cảm của tôi là gì. Một từ thôi: Giác quan.
Đúng vậy, Ratatouille đã đẩy thuyền đưa nghệ thuật của ẩm thực Pháp đến sát gần với hiện thực của người xem bằng việc tác động trực tiếp và trực diện tới ngũ quan của họ. Khi theo dõi Ratatouille, tôi ngắm, tôi nghe, tôi nếm, tôi hít và tôi cảm nhận. Câu chuyện về theo đuổi đam mê, vượt qua định kiến, tình cảm gia đình, hay tình yêu trong Ratatouille đều đã được bàn tới và được phân tích bởi nhiều tác giả khác. Vậy nên, trong bài viết này, tôi sẽ chỉ chia sẻ với các bạn về trải nghiệm 5D của mình khi xem Ratatouille tại nhà, qua một chiếc màn hình vỏn vẹn 13 inch.

Tôi ngắm:

Tôi nghĩ thị giác chính là điểm chạm đầu tiên giữa Ratatouille và toàn bộ khán giả khi theo dõi bộ phim này. Tôi không hiểu biết nhiều về các nguyên tắc phối màu trong điện ảnh, tôi chỉ đơn giản là một người thích ăn, cảm nhận hương vị thông qua màu sắc và sự hài hòa trong cách bày biện. Nguyên liệu và các món ăn trong phim được hiện thực hóa thông qua những gam màu tươn tắn, ngon mắt, với ví dụ điển hình là món Ratatouille. Tôi xem phim này vào lúc 4h chiều, đúng cái tầm bụng dạ bắt đầu rục rịch, khổ nỗi cảnh phim cứ bày ra trước mặt người xem cả một bàn tiệc chuẩn Pháp với những món dân giã nhất từ trứng omelette vàng ngậy mùi bơ, súp kem khoai tây sánh mịn, bánh crepe mềm mỏng, bánh mì baguette nóng giòn cho đến Ratatouille phiên bản cắt lát sang trọng. 

Suốt 1 tiếng 50 phút, tôi ăn no mắt hết thảy từng món ăn được khắc họa trên chiếc màn hình nhỏ. Cũng may là tìm được link phim HD nên tôi mới có được trải nghiệm mãn nhãn như thế. Không biết là do xem phim vào đúng giờ không phải giờ hoàng đạo hay do đồ họa của Pixar quá đỉnh mà ngay cả đến cái món ‘Linghtning-y’ (Nấm bị nướng xém do sét đánh) cũng khiến tôi liên tưởng tới mấy que xiên nướng Sapa thơm phức. Vậy nên, đây là lời khuyên của tôi dành cho những ai chưa xem Ratatouille: Nếu bạn định xem phim này thì nhớ ăn kèm một chút gì đó, ăn trước khi xem cũng được, không là bị tức cái dạ giống tôi đó nghen.

Tôi nghe và nếm

Bên cạnh hình ảnh, âm thanh cũng chính là một điểm chạm kích thích cảm xúc của người xem. Là một bộ phim về ẩm thực nhưng lời thoại của Ratatouille rất ít khi sử dụng các tính từ để miêu tả các món ăn. Nếu có sử dụng đến các tính từ, thì đó cũng là các từ rất thông dụng, có tính biểu cảm ở mức trung bình như từ ngon, mặn, tươi, hay đậm vị. Để đem lại cho người xem một vị giác bùng nổ, thay vì sử dụng các tính từ có tính biểu cảm cao, chú chuột Remi đã phấn khích hét lên ‘Ba-boom, zap’ khi nếm thử món Lightning-y của mình. "Ba-boom, zap": đúng chuẩn vị ngon nói không nên lời. 
Bên cạnh đó, một trong những âm thanh tôi đặc biệt thích khi theo dõi Ratatouille chính là tiếng vỏ bánh mì baguette giòn rụm nứt ra khi Colette bóp nhẹ chiếc bánh. Nhiều người xem có lẽ không để ý đến chi tiết này, nhưng đối với tôi, âm thanh này đem lại cho tôi một cảm giác dễ chịu nhẹ nhàng. Trong tiếng Anh có từ ‘soothing’, đây chính là từ miêu tả chính xác tuyệt đối cảm giác của tôi khi xem đến phân cảnh chiếc bánh mì baguette. Colette thậm chí còn nâng tầm tiếng nứt vỏ của chiếc bánh mì lên thành một yếu tố nghệ thuật qua câu thoại:
Symphony of crackle. Only great bread sound this way

Người ta thường nói “trăm nghe không bằng một thấy”, nhưng đối với điện ảnh và ẩm thực, đôi khi nhắm mắt lại ta mới có thể cảm nhận trọn vẹn tinh thần của một kiệt tác. Khi xem Ratatouille, tôi không chỉ có thể ăn bằng mắt mà còn nếm được vị của đồ ăn qua đôi tai. Bằng cách nào ư? Bằng tiết tấu nhịp nhàng của bài nhạc La Festin; thanh âm của bài nhạc vang lên mỗi khi các nhân vật trong Ratatoiulle được thưởng thức một món ăn ngon. Đã bao giờ các bác có cảm giác muốn nhảy múa, xoay vòng và ngân nga một giai điệu vui vẻ khi nếm một món ăn chưa? Nếu bạn đã từng trải qua cảm giác như vậy thì ắt hẳn bạn đã được thưởng thức một món ăn ngon. Khi xem bộ phim này, tôi đã có được cảm giác muốn nhún nhảy đôi chân, gật gù cái đầu mỗi khi bài nhạc La Festin vang lên; điều này có nghĩa rằng tôi cũng đang vui niềm vui của những nhân vật hoạt hình đang thưởng thức một kiệt tác ẩm thực ngay trong khung hình laptop của tôi. 

Good food is like music you can taste, colors you can smell

Tôi hít

Như tôi đã viết bên trên, tôi có thể nếm các món ăn trong Ratatouille bằng tai qua tinh thần của một bài nhạc, và tôi cũng nếm qua trí nhớ của mình nữa. Không biết đây có phải là sự cài cắm tinh tế của Pixar không (hay đơn giản hơn thì chỉ là một thuyết âm mưu của tôi thôi nhé :))) nhưng để ý kỹ sẽ thấy, các nguyên liệu mà chú chuột Remi nhắc tới và thêm vào các món ăn chủ yếu là các loại gia vị, thảo mộc có hương vị rất đặc trưng như: rosemary (hương thảo), nghệ tây, cam thảo, dầu nấm truýp trắng,... Bất kỳ ai cũng có thể nhớ được hương vị của những loại gia vị này chỉ sau một hoặc dăm ba lần thử. Chính vậy, việc đưa hình ảnh của các loại gia vị này vào các cảnh phim có thể dễ dàng kích thích vị giác và đặc biệt là khứu giác của người xem.

Phải rất lâu rồi tôi mới có được trải nghiệm toàn vẹn đến thế khi xem một bộ phim về ẩm thực. Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có những trải nghiệm rất riêng biệt về mạch cảm xúc, và về những điểm chạm với nghệ thuật ẩm thực được khắc họa trong Ratatouille. Càng đọc thêm nhiều bài đánh giá và nhận xét về bộ phim, tôi càng thấy tiếc vì mình đã không xem bộ phim này sớm hơn. Tôi rất vui lòng khi được lắng nghe quan điểm của mọi người về bộ phim này, vậy nên, nếu các bạn có suy nghĩ gì về bộ phim thì hãy comment ở phía dưới nha.
Thân ái,
Aiyana