Bức tranh chibi gói ghém bao nhiêu kỉ niệm MHX tại nơi mình đóng quân.
Số là mình đang nằm đọc sách- một cuốn hồi kí chiến tranh, thế mà cuốn sách đấy lại match cực kì với những kí ức Mùa Hè Xanh của mình, làm mình không thể không bật dậy, lọ lọ bật máy, gõ những dòng này đây.
Nhớ thật là nhớ Mùa Hè Xanh luôn í!
MÙA HÈ XANH 2017 – ĐH Kiến Trúc TP.HCM – Mặt trận tỉnh Tây Ninh – địa bàn: xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng – biệt danh: làng Maiko ( hoặc làng Phước Chỉ 2 – hoặc làng Cao Bội Ngọc) – thời gian đóng quân: 15/7/2017-20/8/2017.
Cảm ơn và rất cảm ơn khoảng thời gian ấy, những con người ấy. <3

Chuẩn bị

Để được tham dự Mùa Hè Xanh ( sau đây sẽ viết tắt là MHX) của trường ĐH Kiến trúc, mình phải điền đơn và vượt qua một buổi phỏng vấn trực tiếp. Sau phỏng vấn, bạn sẽ có ba ngã rẽ:
  1. Đậu tỉnh: tức bạn được đi tỉnh đóng quân, tùy năm mà địa điểm sẽ thay đổi, như Tây Ninh, Trà Vinh, Lâm Đồng,… bạn sẽ được ở nhà dân, trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt tổ dân phố… của nơi đóng quân.
  2. Đậu thành phố: tức bạn sẽ tham gia MHX đội hình thành phố: 1. ở huyện Nhà Bè: bạn sẽ được ở lại nơi đóng quân. 2. ở các quận trong thành phố: bạn vẫn làm các công tác MHX có điều, tối nhà ai nấy ngủ, ko ngủ chung tại một căn cứ địa nào đấy ( như mặt trận tỉnh, và huyện).
  3. Rớt!!! tức là chia buồn với bạn! hẹn gặp lại bạn vào năm sau!
Dám chắc chỉ cần bạn thật sự đam mê, muốn đi, và thể hiện được sự nhiệt huyết của bạn, cùng với.. một tí ti kiến thức nhất định về MHX, chắc chắn bạn sẽ đậu và bạn hãy tin vào điều đấy khi đi phỏng vấn. như mình vậy. hihi.
Sau khi chắc chắn có tên trong đội hình tỉnh, mình bắt đầu công cuộc dò hỏi chi tiết anh chị, bạn bè đã đi MHX xem mình phải chuẩn bị đồ đạc tư trang thế nào cho MHX:
  1. Tiền sinh hoạt trong 1 tháng: 500k – nộp cho trưởng làng của bạn.
  2. Trưởng làng, phó làng sẽ dùng tiền đấy, mua các vật dụng cần thiết và đồ ăn thiết yếu mang theo hành trình: tô, chén, đũa, thau, đồ ăn khô, mắm muối gia vị dầu ăn, xà bông dầu gội, kem đánh răng, quần áo giày dép làng ( đồng phục mặc nhà), đồng phục MHX… số tiền còn lại dùng để đi chợ hàng ngày- bật mí luôn, mỗi ngày đi chợ bọn mình có tiêu chuẩn 20k. tiền làng còn dùng cho chi tiêu làng trong suốt MHX. hết MHX, tiền làng vẫn còn thì được, xung quỹ đi du lịch, như làng mình, xách xe máy lên Đà Lạt phượt.
  3. Mang theo kim, chỉ, 2-3 bộ đồ mặc nhà, đồ lót, vật dụng cá nhân, đồ chơi ( đàn, uno..)…
  4. Đặc biệt, mỗi làng đều sở hữu một tay guitar, đáp ứng mọi nhu cầu đệm đàn hát ca văn nghệ.
  5. Một buổi training về MHX, để phòng tránh trường hợp ngu ngốc và lại còn hăng hái. bọn mình ở đây, ai cũng hăng hái cả rồi. :v Bị rắn cắn thì làm gì? Bị tai nạn thì làm gì đầu tiên? Bị kém hòa nhập thì làm sao? Gặp ma thì sao?…Sau đấy tất cả đều bị bắt ép phải thuộc liên khúc MHX. hát khi rảnh rỗi này, hát khi bị bắt hát mà ko biết hát gì này, hát khi đi xe không làm gì này, hát để nhận diện đội hình ĐH Kiến trúc này, riết rồi chả cần ai thúc ép gì cũng thuộc lòng và cứ nghêu ngao hoài.
Làng Maiko phượt Đà Lạt, tình cờ gặp lại làng Mots
Phụ lục:
  1. Làng là gì? làng là một mô hình tiểu đội- từ 10-12 chiến sĩ. năm mình đi, xã Phước Chỉ mình đóng quân có 2 làng, xã bên cạnh có 2 làng nữa. tổng cộng trường mình có cả thẩy 4 làng đóng quân tại tỉnh Tây Ninh; và 2-3 làng đóng quân ở tỉnh Trà Vinh.
  2. Những làng ở gần nhau sẽ có cơ hội chạm mặt nhau cao hơn, tuy nhiên đôi khi tụi mình được người dân cho đồ ăn mà ăn không hết, sẽ kiếm cớ đèo nhau qua làng bạn chia sẻ đồ ăn, tiện thể giao lưu, thăm thú hỏi han nhau.
  3. Có những hoạt động sẽ có mặt của cả 4 làng trường mình, và có buổi hội quân có mặt cả những chiến sĩ của tất cả các trường khác đóng quân tại Tây Ninh.
  4. Cách phân biệt các làng: dép và khăn làng: phân biệt bởi loại dép và hoạ tiết của khăn rằn, đặc biệt là màu sắc của chúng.
  5. Cơ cấu của một làng: trưởng làng – phụ trách đội ngoại của làng, kiêm thủ quỹ, phó làng – phụ trách đối nội, cả làng- đứa già nhất làng, hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, út gái, út đực. điều đặc biệt đó là chúng mình sẽ ko gọi tên thật của nhau nữa, mà xem nhau như một gia đình và gọi nhau bằng số thứ tự thân thương nhất. những hôm chưa quen, mình toàn phải nhìn áo nhìn giày của chúng nó để mà gọi.
  6. Đa số các chiến sĩ của một làng sẽ không quen nhau từ trước, nên sẽ phải làm quen nhau từ đầu. đồ chiến sĩ của tụi mình đều như nhau cả, vì thế bọn mình phải thêu số lên áo, quần, mũ, khăn để giặt khỏi lộn. giày cũng được đánh số như vậy.

Bắt đầu

Buổi đầu tiên tới Tây Ninh, bọn mình được chào đón bằng một bữa tiệc chanh sả. nó chanh sả hết sức, nào thịt thà rau củ quả đủ cả, bởi vì từ đấy về sau, bọn mình sẽ kiêng khem hơn, thứ nhất là phải tự nấu nè, đâu có nấu phức tạp gì được, và quan trọng hơn, bọn mình chỉ có 20k một ngày cho cả ba bữa ăn ( cho 12 đứa).
No nê, bọn mình được leo lên những chiếc xe ba gác, chở về địa điểm đóng quân. yayyyyyyyyy.
Làng mình được phân công đóng quân tại nhà dân- nhà chú Tư. Căn phòng khách nhà chú nay được bê bộ bàn ghế gỗ đi, đấy trở thành chỗ ngủ của bọn mình trong suốt chiến dịch. Các địa điểm khác trong nhà, cô chú cho phép bọn mình sử dụng thoải mái, không nề hà gì cả. Nhưng thường, bọn mình chỉ bám riết lấy bốn địa điểm:
  1. bếp: để nấu nướng
  2. phòng khách: ngủ trưa, và ngủ tối.
  3. hè nhà: ăn cơm trưa, bàn chuyện làng buổi tối
  4. và không thể không nhắc tới nhà vệ sinh, nhỉ.

Nhà chú Tư có 4 thành viên, là chú Tư, vợ chú- cô Tư, bé An con gái cô chú, và chị gái An đã đi lấy chồng. ngay sát nhà chú Tư là nhà nội của chú Tư, gồm có: Bà ( mẹ của chú Tư), chị Lan – cán bộ đoàn hội ( có lẽ bọn mình được ở nhà chú Tư cũng nhờ mối quan hệ của chị Lan và xã huyện), vợ chồng anh Phong, bé Hương, nhóc Quang Hà và Đức. ủa giờ mới thấy có gì đó sai sai trong xưng hô mọi người ạ. bọn mình gọi chú Tư là chú, trong khi đấy chị Lan là em gái chú Tư nhưng bọn mình lại gọi là chị Lan. à há. nhưng phải chốt lại thế này: thật hạnh phúc vì mình đã được gặp và tiếp xúc với những con người xa lạ cực kì dễ thương. sau chiến dịch, chúng mình đã thật sự có một gia đình, ở đây, Tây Ninh này. <3

( tính vẽ hẳn một cái sơ đồ mà lười quá T.T)
Cả buổi chiều đầu tiên ở nhà mới, đố bạn bọn mình làm gì?
Thêu thùa may vá như một cô Tấm thứ thiệt. thêu lên lên áo x2, quần x2, áo khoác x1, mũ x1, khăn x1, cũng khoai phết chứ ko đùa nha :))) nhưng vui, vì được làm những điều ít khi có dịp làm mà. hihi.
  • Này thì thêu thùa, may vá.
  • Không quên đánh số giày dép nữa.
Đến tà tà, bọn mình tỏa ra đi khắp làng xóm quanh nhà, để chào hỏi bà con lối xóm, tranh thủ làm quen, để sau này làm gì cũng dễ hơn. công tác dân vận sẽ suôn sẻ hơn, hehe.

Á quên, mình chưa giới thiệu làng Maiko của mình cho mng nhỉ.
Đầu tiên là tên làng. khi chưa đặt tên riêng, làng mình thường được gọi là làng Phước Chỉ 2, vì ở xã Phước Chỉ có 2 làng, và để phân biệt 2 làng với nhau cách đơn giản nhất là đánh số. cách gọi này thường được cán bộ xã đoàn sử dụng. làng mình ban đầu cũng thường được gọi là làng Cao Bội Ngọc, là cấu trúc làng + tên trưởng làng, cách gọi này phổ biến trong giới chỉ huy và truyền miệng nhanh. Sau khi cân nhắc qua lại nhiều lần, làng mình quyết định chọn tên MAIKO làm tên gọi chính thức, tên làng được ghi tên bảng tên làng đặt trước nhà này, được ghi be bé trên bức tường làng mình vẽ cho trường mẫu giáo Phước Chỉ này, cũng được ghi luôn trên bức tường bé xinh tại chính nhà cô chú Tư. giữa các làng với nhau, sau khi đã có tên chính thức, cũng sẽ biên thư cho nhau và gọi nhau bằng tên làng. chỉ cần nói Bốn làng Maiko thì biết đó là ai, hay chỉ cần nói cần tìm Bảy làng Ước thì ai cũng hình dung đấy là ai. Mật danh, mật danh hóa cả rồi. Suy ra, ngoài việc nhớ tên trong làng bạn, bạn cũng phải dóng tai lên trong các cuộc gặp mặt các làng với nhau để nắm được tên bạn làng khác, thế mới sành điệu, hihohe. Maiko là cách nói lái điệu nghệ của MÁY CƠ, do làng mình rất cay cú vụ con 2 có cái máy cơ nhưng ko mang theo chụp hình cho làng. ghimmmm. vì ko có máy thật, nên bọn mình quyết định đặt tên làng như vậy, coi như cũng có một sự hiện diện nào đấy của máy cơ vậy. cũng ko có cảm giác thiếu thốn lắm nhỉ. hahaha. mỗi làng đều kiếm ra một lý do xàm xí nào đấy để đặt tên cho làng mình thật kiêu, và nó càng khó hiểu độc đáo thì càng… được hỏi thăm nhiều hơn. hẳn rồi.
Làng Maiko tại sân trường mẫu giáo Phước Chỉ
Bây giờ mình sẽ giới thiệu các thành viên trong làng. ahihi.
Nhắc lại, không ai được gọi tên thật của nhau trong làng, gọi là bị phạt chứ chẳng chơi.
  • Cả: Ngô Thùy Nhật Hạ, đồ họa k14. có tuổi to nhất làng ( xếp theo năm sinh + ngày tháng sinh) , là mình T.T . lúc đầu đọc danh sách làng mình hơi sốc nhẹ, làng gì trẻ trâu thế này, mình trẻ trâu ít có nhiều lắm nhưng đã là Cả rồi á. =))
  • Hai: Cao Bội Ngọc, đồ họa k15. trưởng làng. dễ thương xinh xắn, đáng yêu.
  • Ba: Võ Minh Thái, kĩ thuật đô thị k15. dam dang. gì cũng biết. xông xáo. như một ông ba thứ thiệt.
  • Tư: Nguyễn Nhật Quang, tạo dáng k16. đàn hát các thứ thì phải gọi con Tư ra rồi.
  • Năm: Nguyễn Tấn Phát, đồ họa k16. nấu ăn ngon dữ thần, rất tích cực lao động.
  • Sáu: Huỳnh Lê Minh Trung, kiến trúc k16. thân nhất làng với Hạ. 1 + 6 + 7: tạo thành hội ko màng sự đời. bơ đi mà sống.
  • Bảy: Dương Minh Kỳ, kiến trúc k16. hát tình ca cảm xúc dữ thần. ngoài ra còn được cái mặt mày tri thức.
  • Tám: Phan Mai Hải Vân, kiến trúc cảnh quan k16. dễ thương. khéo ăn khéo nói. dân vận rất có tương lai.
  • Chín: Nguyễn Cao Hạnh Tiên, đồ họa k16. siêu cấp nấu ăn ngon. đầu bếp của làng là đây. rất chịu khó mày mò, nấu ăn phức tạp cho làng thưởng thức.
  • Mười: Nguyễn Nhật Quang, nội thất k16. lại là NNQ, ko sai đâu. tên đại trà đụng là đúng rồi. =)) thành viên team anti đậu, team bookworm.
  • Út Gái: Nguyễn Huỳnh Diễm Phúc, nội thất k16. tinh tế và trưởng thành.
  • Út Đực: Huỳnh Trung Hải, xây dựng k16. phó làng. cute hết phần thiên hạ. mặt ngáo ngơ.
  • Ngoài ra còn có 2 thành viên ko thường trực ( thuộc đội hình ban chỉ huy): Anh Mười Ba Anh Kha, Anh Mười Bốn Năng Năng.
Làm băng-rôn lớp sinh hoạt hè.

Một ngày ở MHX là như thế nào?

Có hai loại ngày và chỉ hai loại ngày ở MHX, một là ngày thường- chiếm đại đa số các ngày, hai là ngày hậu cần.
  1. Ngày thường: thức dậy, tầm 6 giờ sáng, vệ sinh cá nhân, rồi ăn sáng. sau đấy đi làm. trưa trở về nhà, ăn trưa, nghỉ trưa đến tầm 1h30-2h, đi làm. tối về tắm rửa, ăn cơm, sinh hoạt làng lành mạnh hoặc không lành mạnh. ngủ.
  2. Ngày hậu cần: thức dậy, tầm 5h30, vệ sinh cá nhân, nấu bữa sáng cho làng ( bao gồm 2 chiến sĩ/ ngày), rửa chén, tạm biệt làng đi làm, bạn ở lại nhà, trở thành một cô Tấm ko mong chàng hoàng tử xuất hiện vì bạn có rất nhiều việc phải làm: đi chợ, lên menu cho ngày chỉ với 20k, có thể mua ko được nhiều, nhưng ko sao, chỉ cần biết dân vận khéo, bạn sẽ được các cô trong chợ CHO biết bao nhiêu đồ ăn. đi chợ về, nhiệm vụ tiếp là giặt đồ cho cả làng, rồi phơi. lúc đấy cũng tầm 10h hơn rồi. tiếp tục vô bếp hì hục nấu cơm. trưa, ăn cơm với làng. nếu ko có anh 13 hay 14 xuất hiện, bạn rửa chén, nếu có, đùn đẩy cho ảnh rửa :))) với lý do lâu lâu anh mới qua làng em mà. :))) chiều, khi làng đi làm, thì bạn có thể chạy quanh nhà xem có thể giúp gì cho cô chú không, rồi chuẩn bị cơm tối. sắp xong nhiệm vụ của ngày rồi. trước bữa cơm, bạn đi kéo đồ đã khô, rồi xếp đồ phân loại theo từng người ( nhờ số đã thêu). ăn cơm. rửa chén. tắm rửa. sinh hoạt làng. ngủ.
riêng đồ lót thì ko ai đánh dấu. tự đoán vậy =)))

Thế đi làm, là làm gì?

Hoạt động gắn liền với thương hiệu sinh viên Kiến Trúc, vâng, là vẽ tường. Chúng mình sẽ di chuyển tới trường học trên địa bàn xã để vẽ. thường địa điểm vẽ sẽ ko xa địa điểm ở gì cho cam, có đôi khi chính là địa điểm đóng quân luôn, nên xe hăng cải sẽ được sử dụng. ví dụ như làng Ước cạnh làng mình, ở ngay tại địa chỉ trường mẫu giáo Phước Chỉ, địa điểm mà 2 làng mình vẽ tường. làng Ước vẽ lầu 1, làng mình vẽ lầu 2. từ nơi đóng quân của làng mình, di chuyển đến trường mất đâu 2-3 phút đi bộ.

một mảng tường Maiko vẽ.
Chúng mình còn tổ chức những lớp học, đa số là lớp vẽ ( tủ của dân Kiến mà lị), lớp kĩ năng sống, lớp giới tính… giành cho các bé, các em nhỏ sinh sống trên địa bàn huyện. các em nhỏ thật ra chỉ sống xung quanh chỗ bọn mình ở thôi, nên bọn mình sẽ có công tác dân vận một buổi, khi khắp xóm vận động và tuyên truyền về lớp học cho các em và phụ huynh của các em. Sau khi đứng lớp vẽ ở MHX, mình đã bén duyên với nghề cô giáo vẽ ở một trung tâm dạy vẽ, hehe. đi dạy một năm trời, mới sáng mắt ra nghề giáo ko chán như mình tưởng ấy. dù chỉ là một bài học, nhưng với những học sinh khác nhau, đã là một sự mới lạ và khác biệt vô cùng lớn.
Bọn mình cũng tham gia các hoạt động tình nguyện khác của xã, đoàn như: phát quang bụi rậm, góp phần khởi công xây nhà tình nghĩa, góp phần khởi công xây cầu qua suối,… những dịp ấy vui hơn, vì sẽ có cơ hội tiếp xúc với dân quân tự vệ của địa phương, cũng như được tụ họp với các làng bạn chung trường Kiến.
Và đặc biệt, siêu cấp đặc biệt, bọn mình còn tổ chức cho em các thiếu nhi địa phương

Đêm hội trăng rằm

Tự tổ chức tất cả nhưng một công ty event thứ thiệt. từ lên ý tưởng, dựng và trang trí bằng tay sân khấu ( lại trúng tủ của dân Kiến rồi), tổ chức các gian hàng, gian trò chơi, bán hàng gây quỹ, biểu diễn văn nghệ,… và đặc biệt nhất, Trung Thu mà thiếu rước đèn thì coi sao?
Lấy đâu ra đèn?
Tự-làm-hết.


  • Làm lồng đèn nào!
  • B1: dân vận xin tre, sau đấy trai tráng trong làng sẽ đi chặt tre, có thể gộp vài làng đi chặt chung.
  • B2: vác về nhà. chặt nhỏ. vót.
  • B3: cắt thép làmdây buộc lồng đèn, làm lò xo để nến.
  • B4: Làm xương lồng ông sao.
  • B5: Cắt và dán giấy kính màu lên đèn.
  • B6: hoàn thiện đèn: căng lồng, cột thêm tay cầm. gắn lò xo.
Các tiết mục văn nghệ trong chương trình cũng làm bọn mình lao lực ko kém. mỗi làng phải tự chuẩn bị 2 tiết mục, 1 kịch, 1 hát. vui nhất là hóa trang cho phần kịch, cũng là phần thỏa trí sáng tạo cho dân Kiến nhất. bọn em nhỏ xem mấy anh chị, chỉ cần thấy vui là cười, không bóc mẽ chi tiết như người lớn, con nít làm gì có nhu cầu đó chứ! :))

đây, hóa trang sương sương. Ảnh: Chinh chó làng Ước.
Tại sao một làng luôn có đủ dân mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch, xây dựng? là để cho những lúc này đây, cần phối hợp của tất cả các ngành nghề, dân mỹ thuật vẽ backdrop, thì cần có bọn xây dựng hay kiến trúc suy nghĩ cách treo lên sao cho nghệ, cho an toàn. cần có dân quy hoạch phân bố các gian hàng sao cho hợp lý. cần có nội thất sắp đặt bàn ghế, tủ giường thật nghệ. cần có thời trang mix đồ, tận dụng đồ đạc bình dị nhưng tạo ra bộ đồ độc lạ, lại còn đẹp. bravooooooo!

Các bữa ăn của MHX?

Không hiểu thế nào, nhưng rõ ràng vào thời điểm đi MHX, bọn mình không hề được ăn sung mặc sướng như hồi còn ở TP học ĐH. thế mà sau chiến dịch, đứa nào cũng tăng nhè nhẹ một hai cân. Út làng mình ốm o là thế, mà cũng tăng được hẳn hai cân nhé. mình cũng tăng hai cân. hic hic. rời xa đồ án là bão tố. =)))
Bọn mình đã ăn gì vậy?
Rõ ràng chỉ có 20k đi chợ cho cả ngày, nhưng nếu may mắn, ( hầu như ngày nào bọn mình cũng rất may mắn) bạn sẽ được người dân đến tận nhà cho đồ ăn bồi dưỡng, tí rau nhà, vài con cá họ mới bắt được; hoặc được các cô bán trong chợ bán như cho, chỉ với 5 nghìn được cả rổ trứng, một bịch mướp đắng siêu to khổng lồ, hay bịch những bịch xương đầu heo, hoặc gan heo… thật ra đó mới là những thứ bọn mình được ăn, ăn tình yêu thương của mọi người. bữa ăn được cải thiện đáng kể. Rất nhiều lần cô chú Tư đã bưng đồ ăn ra: cho bọn con ăn thử nè! chưa ăn món này phải hong! – đó là món rau hẹ nước chấm mắm kho. đó là những lần cô Tư thấy bọn mình ham mê món bánh tráng trộn Tây Ninh quá ( đúng xứ luôn này), cô đã tự tay trộn hẳn hai thau bánh tráng trộn cho bọn mình bớt thòm thèm. đó là những bịch xương đầu heo, nhiều khi được cho nhiều quá, ăn ko thể nào hết, bọn mình sẽ chia phần thức ăn đấy cho các làng khác cùng cải thiện bữa ăn; còn nhớ lúc con 7 phát biểu: răng chạm răng… thật là ghê haha; đầu heo mà, từ đấy con 9 rất tâm lý lọc thịt từ xương ra nấu canh khóm, ngon tuyệt cú mèo, và ko còn rợn nữa. đó là bữa tối tự dưng hong thấy 3 và Đức đâu, hóa ra hai người đã ra đồng bắt ếch, thế là trưa hôm sau bữa ăn làng được cải thiện với món ếch kho nghệ thơm phức. đó là bữa Đức đãi trúng tuyển đại học, bằng bữa tiệc thịnh soạn kèm mấy món ăn chơi chơi chất lừ hương Tây Ninh là chuột đồng nướng, thịt nướng, chẹp chẹp, nhắc lại thèm quá….
quang cảnh nướng thịt, chắc chắn ko phải bốn đứa trong hình chụp rồi!
Sáng, cả bọn hì hụp húp mì gói, lúc thì mì xào gan, khi lại đổi sang cơm chiên, khi cháo xương đầu heo, ôi lại là đầu heo và răng chạm răng :)))
Trưa, sau khi làng quá rõ con 9 và con 5 có niềm yêu thích nấu ăn và lại còn nấu ngon, đã yên tâm giao cho hai đứa trọng trách hậu cần vô thời hạn, chứ ko còn chia random như hồi đầu nữa. những bữa ăn cứ thế được cải thiện, và số cân nặng vì thế cứ tăng.
bữa cơm cải thiện: ếch kho nghệ, thịt heo rim tiêu, khổ qua xào trứng, canh cải nấu xương heo.
nhưng thật là ngon!!!!!!!!!!!
Hạ chỉ hậu cần đúng một hôm duy nhất. chẳng nhớ sáng đó cho làng ăn gì. nhưng trưa, Hạ và 8 cho làng ăn cơm với rau lang vườn nhà luộc này, rau lang xào tỏi này, trứng chiên made by anh 13 này, canh nước rau luộc vắt thêm tí chanh. đã ăn thì phải ăn cho hết, bọn nhỏ trong làng còn ngồi chơi xú xì húp nước. ôi tôi cạn lời. bữa tối chắc là y trưa.
đấy là nếu giao bếp cho Hạ và 8, còn giao cho 5 và 9 thì đồ ăn phong phú và ngon hết mực. ko lời khen nào có thể diễn tả nỗi!!!!




  • Một vài bữa ăn được chụp hình. :P

Các bữa nhậu

nhờ MHX, Hạ đã lên đô uống rượu đáng kể. tiền đâu mà uống bia, chỉ có tiền mua rượu nếp thôi. mua hẳn của nhà hàng xóm, nhà Đức. hahaha.
tối nào họp làng, làng Hạ cũng uống. có những hôm uống ” cưỡi rượu xem hoa”, còn có hôm lại “tàn sát dã man”. nhất là sau hôm được đoàn, xã, trường tới thăm, viện trợ mồi- chủ yếu là bánh kẹo, mì gói, đồ ăn khô. có là vui rồi, chúng tôi ko có đòi hỏi gì hơn. có mồi, dễ đưa rượu hơn. =))
hỏng nhớ tại sao có bữa tiệc nướng lẩu này nữa =))
Hôm uống đặc biệt nhất phải kể đến là hôm giao lưu C54 và hôm chia tay cô chú Tư- hôm kết thúc chiến dịch.
Về hôm giao lưu C54.
Hôm đấy cả 4 làng trường Kiến tề tựu đầy đủ tại doanh trại quân đội nhân dân VN, nơi C54 đóng quân. lần đầu tiên được bước vào doanh trại, Hạ và chắc chắn các bạn khác, đều có một sự oách xà lách nhẹ. há há. hóa ra cái cảm giác là thế này!
Sau phần văn nghệ, phát biểu, tia qua tia lại giữa sinh viên và người lính, phần được chờ đợi nhất đã đến. ăn ăn ăn ăn. ahihi.
thật sự là một bữa ăn cải thiện chanh sả mọi người ạ. bữa ăn đầy đủ núi, rừng, sông, biển. há. lại còn có rượu ngon. rượu màu nâu, uống thì ngọt đấy, nhưng cay cổ họng, và lâng lâng. mình và đồng bọn tập trung vào công tác phá mồi, vét sạch đĩa. thậm chí còn bỏ hết sĩ diện, đứng lên, di chuyển, ăn buffet…đã quá ba má eiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii.
vì không phải đang ở nhà, mình hong có nhu cầu xỉn, nên chỉ uống cho biết, rồi mấy đứa trong làng mạnh dạn xin vài chai về làng cải thiện bữa nhậu. haha. lại đến là cạn lời.
Trưa hôm sau, nhân lúc cả làng đang ở đâu đấy chẳng biết, mình, con 2, con 5, ngồi trước hè chờ cơm, đã bật nắp chai rượu hôm qua xin được ra uống thử. haha. thiếu vitamin cồn hay gì. ko sao giải thích nổi! =))
Về hôm chia tay cô chú Tư– kết thúc chiến dịch.
hôm đấy, cô chú luộc con gà thật bự, siêu cấp ngon, và nhiều đồ ăn ngon khác nữa cơ. hic hic. cả nhà cô chú, và bọn mình, ngồi quây quần bên nhau. chỉ có một tháng bên nhau, nhưng sao chia tay lại buồn đến thế chứ. sau khi ăn no nê, mình ngồi cạnh chú 4, hầu rượu chú. chú bày: rót rượu không được rót đầy ly, rót nửa ly thôi, uống sẽ lâu xỉn hơn. bữa đấy bọn mình phải uống đến 3-4 loại rượu ấy: nào là rượu thốt nốt, rượu thuốc, rượu cà cuống, rượu cà na… loại nào cũng ngon cả hihihihi. Hạ uống ko giữ lại chút dè chừng gì.
rồi Hạ xỉn. Hạ buồn ngủ. rất buồn ngủ. và thế là Hạ biết mình nên dừng uống. ấy thế là còn tỉnh nhỉ. nhưng. Hạ không thể nào ngồi nổi nữa, phải nằm, nằm cơ. chả hiểu thế nào Hạ lết được vô phòng bé Lan… nằm thì nằm vậy chú ko ngủ được, bụng cứ cồn cào í. khó chịu lắm. mắc ói. khi Hạ mò ra ngoài ói, tiệc cũng đã tàn, mng đã đi ngủ hết cả rồi. chỉ có mình Hạ thôi. Hạ ói xong, mò vô ngủ tiếp như đúng rồi.
lúc đó chẳng nghĩ tới việc dọn, hay xả nước, chỉ là ói và đi ngủ.
cô Tư dậy sớm, chẳng nói gì Hạ, cô còn dọn sạch trơn. chỉ là tự Hạ thấy áy náy vãi chưởng, thế là sáng sớm, một sức mạnh thần kì giúp Hạ dậy sớm, mò vô bếp giúp cô Tư nấu cháo gà cho mọi người.
Thật sự Hạ rất thắc mắc tại sao cô Tư, chú Tư, bé An, Đức, chị Lan, bà… lại tốt với bọn Hạ đến vậy. thời gian ngắn ngủi? rõ ràng. thức khuya thì rầm! rõ ràng. chiếm mất phòng khách nhà mình! rõ ràng. ấy thế mà họ, chẳng những không phiền bọn mình, mà luôn tươi cười với bọn mình, quý trọng bọn mình…
Hạ, không phải cái gì cũng cần lý do đâu em!

Các tin đồn thất thiệt về MHX?

  1. Đi mùa hè xanh xong sẽ có bồ! => vớ vấn. làng toy bị vong ế bám chặt lắm rồi!!!
  2. Có ma! => Nghe thôi, đừng tin quá. An nhiên mà sống.
  3. Ở nhà đã giúp đỡ được gì cho Ba Mẹ chưa mà đi MHX! => ở nhà chưa có cơ hội, thì phải tự tạo cơ hội cho mình đi chứ, bằng biết bắt đầu làm tình nguyện ngoài đường, xem sao.
  4. Đi MHX cực nhọc lắm! => tùy cảm nhận của mỗi người. nhưng rõ ràng những niềm vui mà MHX mang lại sẽ thổi bay những cực nhọc đôi khi đó.
  5. Nên hay ko nên đi MHX? nếu phân vân, thì đừng đi. hãy chắc chắn với quyết định của mình và hết mình với nó.
Tặng mng một clip tạm coi được về MHX 2017 trường Kiến. chưa đủ truyền tất cả cảm hứng, nhưng đầy đủ nội dung.
mời làng Maiko lên nhận bằng khen.

Kết thúc là một bắt đầu mới

Trở về, ngoài hai kí mỡ dắt hông, mình được gì?
  1. Sở hữu một góc nhìn mới về cuộc sống, những mảnh đời khó khăn hơn, và mình có thể làm gì để giúp đỡ họ. tham gia chiến dịch tình nguyện? tham gia tổ chức chiến dịch tình nguyện? tham gia vận động quyên góp cho chiến dịch tình nguyện? góp của hay góp sức, là sự lựa chọn của bạn. nhưng hãy nhớ, bạn có thể làm được gì đấy có ích thật đấy.
  2. Có những người bạn mới, những người anh em mới. những cô chú bác mới, dù đã hai mươi hai tuổi rồi, mẹ mình ko cần sinh em bé nhưng mình vẫn có thêm một đàn em nheo nhóc, haha.
  3. Du lịch và trải nghiệm Tây Ninh trong một tháng với mức giá quá rẻ 500k. được nếm mùi muỗi Tây Ninh danh bất hư truyền, cắn xuyên quần không ngại chất liệu vải dày là thế nào. Được ăn các món ăn siêu siêu mới mẻ và siêu ngon, của Tây Ninh, của các em các bạn đến từ nhiều vùng quê khác nhau.
  4. Được uống đủ thứ loại rượu, bổ béo. được lên đô uống rượu.
  5. Được làm chị cả, điều mà một đứa em-út-trong-nhà chưa bao giờ được trải nghiệm cả. khám phá ra dù mang lốt chị cả nhưng lại sở hữu tâm hồn trẻ thơ thì cũng ko có gì là sai. ko nhất thiết chị cả phải chín chắn, trưởng thành nhất. nhưng mình lớn, mình phải làm gương cho các em là thật.
  6. Được cho đi, được cười vui, được hạnh phúc, được buồn, được cô đơn. Sau tất cả, cảm thấy hạnh phúc.
  7. phải chăng kết thúc cái này, một cánh cửa mới sẽ mở ra? Hạ đã bước vào những cánh cửa nào rồi? ? ?
Cảm ơn, và cảm ơn vì tất cả. Vì chẳng lý do gì. Và muốn hét thật to:
Cảm ơn Mùa Hè Xanh!
“Nhớ những lúc gắn bó bên nhau hôm nào
nhớ ánh mắt lấp lánh trao nhau nụ cười,
nhớ tiếng nói tiếng hát thiết tha trong lòng
và những ngấn nước mắt của ngày chia tay ta xa nhau….
Hãy thắp sáng thắp sáng trong tim bạn bè
những ước muốn ước muốn với bao hy vọng ,
những sóng gió bão tố có nhau trong đời
và nhớ gắng sống xứng đáng cho nhau”
-Trích liên khúc MHX ĐH Kiến trúc TP.HCM.
---------
Các bài viết khác mình đã viết về MHX năm ấy:
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này, và ... chúc một ngày tốt lành!
SG. 5/2020. Halata!