Trầm  hương, kỳ nam là loại gỗ hương xuất xứ từ vùng Đông Nam Á, nhất là Việt  Nam, được biết đến với giá trị kinh tế cao. Bởi trầm hương rất khó tìm  nên trong tiếng Việt mới có thành ngữ "ngậm ngãi tìm trầm". Tuy nhiên ít  người Việt biết rằng trầm hương rất được trọng dụng trong văn hóa Nhật  Bản từ hàng ngàn năm trước. Trầm hương được dùng chủ yếu trong Hương  đạo, môn nghệ đạo độc đáo chỉ có ở Nhật Bản, lấy việc thưởng thức mùi  hương làm thú vui và được nâng tầm lên hàng "đạo". Trong số các loại gỗ  hương thì Ranjatai (蘭奢待 - Lan Xa Đãi) được biết đến nhiều nhất, được xem  như một huyền thoại và biểu tượng của kẻ thống trị. Vậy Ranjatai là gì?

[​IMG]

Hình ảnh Ranjatai

Ranjatai,  hay "Lan Xa Đãi" là tên khúc gỗ hương huyền thoại được bảo quản ở Chính  Thương viện (Shōsō-in), nhà kho của Đông Đại tự (Tōdai-ji), ngôi chùa  phái Hoa Nghiêm gắn liền với lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Nhà kho này là  nơi cất giữ những món bảo vật của Thiên Hoàng Shōmu (Thánh Vũ) và Hoàng  Hậu Kōmyō (Quang Minh), trong đó có Ranjatai. Khúc gỗ hương này được cho  là "thiên hạ đệ nhất danh hương" ở Nhật. Theo mục lục trong Chính  Thương viện thì mẫu gỗ hương này có tên chính thức là "Hoàng thục hương"  (黄熟香 - Ōjuku-kō), còn Lan Xa Đãi (Ranjatai) là nhã hiệu của nó. Trong  chữ "lan" có chữ "đông", trong chữ "xa" có chữ "đại" và trong chữ "đãi"  có chữ "tự". Như vậy, Lan Xa Đãi (Ranjatai) còn là danh tự ẩn của Đông  Đại tự (Tōdai-ji).
[​IMG]



Mùi hương của Ranjatai được cho là "không bao giờ phai" và cùng với Hồng trầm hương, nó được những bậc quyền uy rất quý trọng.
Ranjatai  đôi khi còn được viết là "Lan Xạ Đãi" (蘭麝待), trong đó "lan" là hoa lan,  loài hoa có mùi thơm và "xạ" là túi xạ của con hươu xạ.
Trọng  lượng của khối Ranjatai là 11.6 kg, nhưng theo suy đoán thì lúc đầu  được bảo quản ở Đông Đại tự, nó nặng 13 kg. Từ thành phần hóa học, người  ta xếp nó vào hàng Gia La (Kyara), tên gọi khác của Trầm hương trong  thế giới Hương đạo Nhật Bản.
Nguồn gốc của Ranjatai được cho là  do Hoàng Hậu Kōmyō (Quang Minh) dâng tặng cho Đông Đại tự sau khi Thiên  Hoàng Shōmu (Thánh Vũ) qua đời. Vị Thiên Hoàng này là người tạo dựng nên  văn hóa Phật giáo ở kinh đô Heijō (Bình Thành). Theo truyền thuyết thì  Ranjatai được nhà Ngô bên Trung Hoa tặng cho Thiên Hoàng, nhưng cũng có  thuyết nói là do Hoằng Pháp đại sư Kūkai (Không Hải) mang về Nhật sau  chuyến du học Trung Hoa.
Ban đầu khúc gỗ hương này được cất giữ  trong Chính Thương viện thì không mấy người biết tới, nhưng câu chuyện  trong Chính Thương viện luôn tràn ngập mùi hương sực nức dần dần lan  truyền khắp nơi. Vì vậy mà các vị Thiên Hoàng, các vị Tướng Quân thường  cắt một mẫu nhỏ trong khúc gỗ hương này để ban tặng cho quần thần có  công. Dần dà, Ranjatai trở thành biểu tượng của quyền lực, khai sinh ra  truyền thuyết "người nào nắm được Ranjatai, người đó có cả thiên hạ".
Thực  tế là các bậc nắm quyền khi xưa như Tướng Quân Ashikaga Yoshimasa, Oda  Nobunaga, Thiên Hoàng Meiji đều có cắt một phần của khúc gỗ hương này.  Tháng 1 năm 2006, giáo sư Yoneda Kaisuke của Đại học Ōsaka tiến hành  phân tích và biết được rằng trên Ranjatai có tất cả 38 vết cắt. Từ màu  đậm nhạt quanh vết cắt mà biết được thời kỳ của những vết cắt này chênh  nhau khá nhiều, từ xa xưa như thời Ashikaga hay đến gần đây như thời  Meiji. Có những chỗ bị cắt nhiều lần trên cùng một vị trí được người ta  suy đoán là Ranjatai bị cắt không dưới 50 lần. Ngoài những bậc nắm quyền  thì cũng có thể trước khi vận chuyển đến Nhật, Ranjatai đã bị cắt vài  phần, và cũng có thể những người liên quan đến Đông Đại tự đã cắt bớt.
Truyền  thuyết "người nào nắm được Ranjatai, người đó có cả thiên hạ" được Oda  Nobunaga lợi dụng triệt để. Nobunaga cắt một miếng bằng với kích thước  và cùng hình dáng với miếng cắt của Ashikaga Yoshimasa rồi đem đốt, nói  với thế gian rằng thiên hạ của họ Ashikaga đã mất, nay Nobunaga đã lấy  được thiên hạ.
Năm Meiji thứ 10 (1877), Thiên Hoàng Meiji đến  thăm Đông Đại tự và tỏ hứng thú với Ranjatai đang được trưng bày. Sau  khi trở về điểm nghỉ chân ở Nara thì được viên quản lý cắt một mẫu dài 2  thốn (chừng 6cm) dâng lên. Thiên Hoàng chia mẫu này thành 2 nửa, một  nửa đem đốt còn một nửa mang về Tōkyō. Bấy giờ có ghi chép rằng "mùi  hương ngập tràn khắp nơi nghỉ chân của Thiên Hoàng".


Ranjatai  được xem là có giá trị còn hơn cả một xứ một thành, nên các võ tướng  lập công lớn cũng được ban thưởng bằng những mẫu cắt từ khúc gỗ hương  này. Thực tế là có rất ít Võ tướng được ban thưởng cho một xứ một thành,  nhưng Nobunaga đã lợi dụng Ranjatai để tạo ra suy nghĩ nó đáng giá hơn  cả một xứ một thành. Do sự tuyên truyền, quảng cáo xảo diệu của Nobunaga  mà tên tuổi Ranjatai được cả thế gian biết tới, trở thành một huyền  thoại và còn xuất hiện trong văn thơ, kịch nghệ sân khấu.

Một hộp trầm hương thương phẩm có xuất xứ Việt Nam.
------------------------------------------
Trong "Nhật Bản thư kỷ" (Nihon shoki /日本書紀), cuốn sách lịch sử thời Nara có viết: tháng 4 năm trị vì thứ 3 của Thiên Hoàng Suiko (595 Tây lịch), có khúc trầm hương trôi dạt đến đảo Awaji. Khi đem đốt một mảnh gỗ đó thì thấy có mùi thơm nên người nhặt đã đem hiến tặng cho Triều đình.