Cách đây hai năm, tôi từng tổ chức Talkshow với lịch cố định 1 lần/tháng để có thể lắng nghe và chia sẻ với các bạn sinh viên. Có lần tôi cùng các bạn trao đổi về phỏng vấn - một chủ đề quen thuộc và nhận được sự quan tâm của nhiều bạn gen Z. Trong buổi đó, tôi đã đề cập đến ưu điểm và khuyết điểm, đặc biệt là cách chúng ta trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng rằng ưu điểm và khuyết điểm của mình là gì/như thế nào để được đánh giá cao. Dĩ nhiên, những gì mà tôi chia sẻ chỉ là góc nhìn của tôi - được xây dựng từ trải nghiệm, quan niệm sống của riêng tôi. Chính vì thế, với nhà tuyển dụng A - người có trải nghiệm giống tôi họ đồng ý, nhưng với nhà tuyển dụng B - thì chưa chắc.
Tôi vẫn còn nhớ mình đã từng tự đặt câu hỏi và cũng đã hỏi các bạn tham gia Talkshow, rằng: Đâu là ranh giới giữa ưu điểm/điểm mạnh và khuyết điểm/điểm yếu? Liệu có một đường kẻ phân chia rạch ròi giữa ưu và khuyết điểm của một người? Nếu có thì ai là người kẻ nó? Có phải trong chúng ta - ai cũng có thể nhận thức rất rõ ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình và cả của người khác?
Các bạn đưa ra khá nhiều câu trả lời, riêng tôi - một đứa từng bị phán xét, nhận chỉ trích và dĩ nhiên cũng nhận không thiếu những lời khen, lời tán dương, cho rằng:
bản chất của ưu điểm/điểm mạnh hay khuyết điểm/điểm yếu không đơn thuần là thứ mà chúng ta có, thay vào đó, ưu hay khuyết điểm của một người đều có sự tác động đến từ ĐÁNH GIÁ CỦA MỘT CÁ NHÂN lên người đó và - cá nhân này bao gồm cả chính bản thân người đánh giá.
Nói ngắn gọn hơn, ranh giới của ưu điểm/điểm mạnh và khuyết điểm/điểm yếu là:
ĐƯỜNG KẺ DO MỖI NGƯỜI TỰ VẠCH RA
Nghe có vẻ hơi khó hiểu và trừu tượng, giờ tôi sẽ lấy ví dụ về việc đánh giá nhân vật A để các bạn dễ hình dung như sau:
A tự đánh giá mình có ưu điểm B, C và có khuyết điểm D, E, F
A’ đánh giá A có ưu điểm B, H và có khuyết điểm D, E
A’’ đánh giá A có ưu điểm B, D và khuyết điểm C, F
Ở đây, có thể thấy, A trong mắt A’ hay A’’ có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Thật tình cờ, ưu điểm trong mắt A lại là khuyết điểm trong mắt A’’ và ngược lại: khuyết điểm trong mắt A lại là ưu điểm trong mắt A’’.
(chẳng hạn như việc bạn "hoạt bát" nè - có người coi đó là ưu điểm của bạn nhưng có người thì không, đôi khi họ còn cho rằng đó là khuyết điểm chứ chẳng phải ưu điểm)
Tôi cũng từng trải qua một trường hợp oái oăm như thế, đó là vào năm nhất đại học, sau khi apply thành công học bổng VietSeeds, tôi quyết định apply thêm một học bổng ngắn hạn khác (khá nổi tiếng nên xin phép giấu tên). Tôi vẫn giữ một phong độ mà tôi tự cho là ổn khi apply vào VietSeeds, tôi đem cái mood đấy - con người đấy để apply học bổng kia. Trong suy nghĩ của mình, tôi tự đánh giá khả năng đỗ của mình không thấp. Và kết quả, tôi rớt cách bịch.
Tôi bàng hoàng vô cùng và dĩ nhiên không kém phần thất vọng cũng như khó chịu. Khó chịu không phải vì tôi rớt học bổng, mà tôi khó chịu vì tôi nhận ra bài học về SỰ THỂ HIỆN ƯU/KHUYẾT ĐIỂM quá trễ.
Tôi còn nhớ mãi câu trả lời của một cô thuộc quỹ học bổng khi cô ấy gọi điện thông báo kết quả cho tôi. Đó là vào một buổi chiều thơm mùi hoa sữa ở trước phòng 2XX tại Ký túc xá Mễ Trì, một đứa trẻ đang cố gượng cười khi bên tai nghe những lời nói vừa đấm vừa xoa:
Cô thật sự bất ngờ vì lúc đầu khi đọc đơn, giọng điệu, cách viết cô cứ tưởng phải là một bạn con trai. Vì nó… cá tính và mạnh mẽ quá. Khi trò chuyện thì cô mới biết là con gái và càng ngạc nhiên hơn. Thì… hôm nay cô muốn gọi điện cho em để chia sẻ điều này. Cô thấy em dám quyết định cuộc đời mình, từ việc chọn học tại Hà Nội, đến việc tự thân ra Hà Nội học. Rồi dám chọn thi lại nữa… Qua những điều đó cô thấy là, em là kiểu người đặt ở đâu cũng sống được, dù có khó khăn thế nào cũng vượt qua được. Nhưng mà á… cũng có rất nhiều bạn khó khăn tuy nhiên cô không nghĩ ai cũng có thể làm được như em. Cho nên cô nghĩ rằng em có thể nhường suất học bổng này cho một bạn khác, được không? Để các bạn cũng có thể đến trường và học tập.
Có bạn hỏi tôi lúc đó đã trả lời thế nào? Còn như thế nào nữa, rào chắn đã dựng sẵn rồi, tôi còn lựa chọn nào khác? Dĩ nhiên tôi không quá hậm hực khi trả lời rằng “Em đồng ý”, vì tôi nghĩ đến việc mình có thể nhường suất học bổng này cho bạn khác cũng là một niềm vui.
Nhưng, qua lời chia sẻ của cô, không khó để tôi nhận ra cái gọi là SỰ CỐ GẮNG - DÁM NGHĨ DÁM LÀM của một người - vốn được xem là ĐIỂM MẠNH nay lại có thể trở thành ĐIỂM YẾU, khiến tôi vừa ngỡ ngàng vừa hoang mang. Tôi tự hỏi: “Nếu như tôi thể hiện theo một cách khác - ngoan hiền hơn, chịu đựng hơn, có chăng tôi sẽ đạt được suất học bổng đó?
Nhưng, không sao. Cũng nhờ thế mà tôi mới biết RANH GIỚI CỦA ƯU VÀ KHUYẾT ĐIỂM nằm ở đâu và lý do tại sao chúng ta lại ĐẬU cái này, RỚT cái khác. Không phải tôi hay bạn có giỏi hay không, có làm tốt mọi thứ hay không, mà chỉ đơn giản nơi mà chúng ta tìm đến có NHẬN ĐỊNH chúng ta là những MẢNH GHÉP phù hợp - tại thời điểm đó hay không.
Bàn về tính PHÙ HỢP tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài viết của mình. Cốt chỉ để những người đọc không quá TỰ TI và cũng không quá TỰ TIN như tôi đã từng.
Vậy thì, nếu như nói RANH GIỚI CỦA ƯU ĐIỂM/ĐIỂM MẠNH VÀ KHUYẾT ĐIỂM/ĐIỂM YẾU là thứ thuộc về góc nhìn của mỗi người, tại sao chúng ta phải biết Ưu/Khuyết điểm của mình để làm gì? Chẳng phải nó sẽ thay đổi hay sao và thế thì tại sao ta phải quan tâm đến nó?
Rất đơn giản, vì chúng ta SỐNG CUỘC ĐỜI CỦA CHÚNG TA, LÀM ĐIỀU CHÚNG TA MUỐN, TÌM ĐẾN ĐÚNG NƠI CHÚNG TA NÊN THUỘC VỀ. Nếu chỉ dựa vào sự đánh giá ưu/khuyết của người khác, rồi ta sẽ là ai? Cái cuối cùng của việc hiểu được ƯU/KHUYẾT ĐIỂM của bản thân là để ta tìm những người, những nơi có GÓC NHÌN như cách ta nhìn nhận chính mình thay vì chỗ nào cũng đâm đầu, rồi tự trách, rồi đau khổ, rồi nghĩ rằng mình CHẢ RA GÌ, CHẢ GIỎI BẰNG AI.
Biết ưu, khuyết điểm là để tìm đến NƠI CHẤP NHẬN BẢN THỂ HIỆN TẠI.
Nếu chúng ta không biết ƯU/KHUYẾT ĐIỂM của mình thì khả năng rất cao (nếu không muốn nói là tuyệt đối) chúng ta sẽ bị NGƯỜI KHÁC xoay như chong chóng. Xoay đến mức ta chẳng còn biết mình là ai, đâu mới là điều thật sự tốt với mình, hợp với mình, đâu mới là con người mình thích và muốn thể hiện, đâu là lúc nên ở lại và đâu là thời điểm nên rời đi hoặc chuẩn bị rời đi.
Nếu ta biết ƯU/KHUYẾT ĐIỂM thì người khác, dù họ có nói có phán gì, chúng ta cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, không quá thất vọng hay đau khổ rồi ÉP MÌNH VÀO KHUÔN đúng như cách nhìn của một ai đó áp đặt lên ta. Việc lắng nghe đánh giá của người xung quanh là để CẢI THIỆN chứ không phải để TIÊU DIỆT CÁI BẢN THỂ mà ta đã tuyên thệ: mình sẽ là người như thế ở kiếp này.
Tỉnh táo xem xét ƯU/KHUYẾT ĐIỂM CỦA MÌNH Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI trong mọi việc, đặc biệt nhất là trong quá trình xin học bổng hay tìm việc làm, để:
“Đậu đúng chỗ, Thuộc về đúng nơi, Không tin lầm, Không đi lạc”
26.04.2024