"In a mad world, only the mad are sane."
Akira Kurosawa
Đây là một trong những trích dẫn đắt giá nhất từ bộ phim Ran (Loạn) ra đời năm 1985 bởi "hoàng đế" của điện ảnh Nhật bản - Akira Kurosawa. Kyoami - gã hề của lãnh chúa Hidetora Ichimonji đã nói câu này khi chủ nhân của mình rơi vào cơn điên loạn bởi dằn vặt bản thân, thực tế phũ phàng và dục vọng tầm thường của con người và thời thế. “Kurutta kono you-de kuruu nara ki-wa tashika-da”, nếu ông như vậy (điên) thì cũng chẳng sao đâu (trong thế giới điện loạn này). Trong mắt gã hề, sự điên loạn của Ichimonji dường như là chuyện bình thường và thật đáng mừng vì thế giới này vốn đã hỗn loạn, chỉ những kẻ điên như ông mới là người tỉnh táo trong cái thế giới ấy.
Ran là câu chuyện về lãnh chúa Ichimonji Hidetora, người dành cả cuộc đời để chinh chiến với chiến công là ba tòa thành trì và trở thành đại lãnh chúa của cả một vùng rộng lớn. Một ngày nọ, nhân buổi đi săn, Hidetora biết bản thân không còn nhiều thời gian nên đã thông cáo cho các quan khách rằng mình sẽ nhường lại ngôi vị cho con trưởng Taro, còn bản thân thì về ẩn cư. Hidetora lấy ba mũi tên, bảo với ba đứa con rằng, một mũi tên thì dễ bẻ nhưng gộp cả ba lại thì không thể bẻ được. Chứng kiến hai người anh giả vờ bất lực trước ba mũi tên kia, người con trai út là Saburo đã dùng chân làm điểm tựa và bẻ gãy cả ba một cách dễ dàng. Đứa con trai đã mắng cha là kẻ lẩm cẩm và điên rồ vì suy nghĩ đó... "Trong cái thời buổi chúng ta đang sống, để tồn tại, người ta phải rũ bỏ lòng trung thành và tình cảm. Cha cũng nên biết rõ hơn mới phải, vì cha đã khiến cho máu chảy thành sông. Thứ đã giúp cha sống được đến giờ là không xót thương, không khoan nhượng. Nhưng hãy nhớ, thưa cha, chúng con cũng là sản phẩm của thời đại này, lớn lên trong hỗn loạn và xung đột. Song, bởi vì chúng con là máu mủ của cha, nên cha tin vào lòng trung thành vĩnh cửu cũng như giấc mơ quy ẩn thanh bình. Với con, đó không gì khác ngoài lẩm cẩm hoặc là điên rồ."
Cảm thấy mất mặt trước quan khách, Hidetora nổi giận ra lệnh trục xuất con trai út rồi về làm phận khách tại Đại Thành của con trưởng. Và từ đây, sự thật về lòng hiếu thảo của từng người con mới được bộc lộ...
Sau khi con trai cả lên nắm quyền, vợ của anh ta, Kaede, vẫn luôn oán hận về việc Hidetora đã chiếm đất đai và tàn sát gia đình cô, Kaede đã xúi giục chồng mình chiếm đoạt quyền kiểm soát toàn bộ gia tộc Ichimonji và đuổi người cha ra khỏi Đại Thành. Hidetora tức giận rời đến Nhị Thành của người con thứ Jiro, để rồi bàng hoàng nhận ra mình cũng chỉ là con tốt để lật đổ Taro. Cuối cùng ở Tam Thành, khi không còn đứa con út nữa, Hidetora đã bị cận thần và hai đứa con trai mình tin tưởng giao hết binh quyền dẫn quân đến để trừ khử mầm mống đe dọa đến quyền lực của mình. Trong tòa thành ấy, vị lãnh chúa kiêu ngạo một thời đã sợ hãi chứng kiến đội quân của hai đứa con giết từng người lính của ông, thê thiếp phải tự sát để giữ gìn khí tiết, đứa con thứ giết chết người anh trai để lên nắm quyền. Ngọn lửa điên cuồng của tham vọng ích kỷ nuốt chửng lâu đài trong cơn điên loạn của Hidetora, đến cả chết ông trời cũng không cho ông già khốn khổ ấy được toại nguyện...
Ran kết thúc với cái chết của đứa con út bởi người anh Jiro khi trên đường đi cứu cha mình, còn lãnh chúa "tối cao" Hidetora thì ôm xác đứa con trai mình đã vứt bỏ mà uất hận ra đi. Ở phân đoạn cuối cùng, ta thấy bức ảnh Đức Phật rơi xuống nơi vách thành đổ nát, vẫn tỏa sáng nhưng thật lẻ loi và yếu ớt giữa bóng tối bủa vây xung quanh.
Cái chết của Saburo và lãnh chúa Hidetora
Cái chết của Saburo và lãnh chúa Hidetora
Trong câu chuyện của Ran, ta thấy sự đối lập giữa hai nhân vật là phu nhân Sue và phu nhân Kaede, cả hai người đều có quá khứ đau thương được gây ra bởi lãnh chúa Hidetora. Mảnh đất của họ bị chà đạp, gia đình họ bị thảm sát rồi lại bị gả cho con gái của kẻ thù. Đứng ở hoàn cảnh ấy, Kaede đã để nỗi hận thù lấp đầy tâm hồn mình, rồi hy sinh cả danh dự và tính mạng chỉ để trả thù gia tộc Ichimonji và đẩy họ đến diệt vong. Còn với Sue, ở hoàn cảnh tương tự Kaede nhưng cô lại chọn con đường của sự tha thứ, bình yên hơn, thiện lương hơn.
"Ta thiêu rụi tòa thành của cha cháu. Cha mẹ và gia đình cháu tất cả đều thiệt mạng. Cháu lại cười với ta thế sao? Cháu phải nhìn ta với ánh mắt hận thù, như thế ta còn dễ chịu hơn. Nào, hãy cho ta thấy lòng căm thù!" ... "Cháu không căm thù bác. Tất cả mọi thứ đều đã định bởi nghiệp chướng từ kiếp trước. Tất cả mọi chuyện đều được an ủi bằng trái tim của Đức Phật."
Sue
Sue
Hình tượng phu nhân Sue luôn gắn liền với Đức Phật, người đã bỏ lại ân oán để sống cho hiện tại tốt đẹp hơn. Một điều kỳ lạ là nhân vật này chưa bao giờ để lộ khuôn mặt một cách rõ ràng, mặc dù luôn được miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp. Vẻ đẹp của Sue không chỉ từ bên ngoài, thứ mà Kaede cũng có dù không bằng, đó là nét đẹp thuần túy, tinh khiết trong tâm hồn, một cảm giác yên bình lạ thường. Còn với cái ác của dục vọng trả thù đã chiếm giữ tâm hồn Kaede thì luôn bùng cháy, lấn át cả chút tính "người" còn lại.
Kaede
Kaede
Nhưng rồi sao, những tưởng những người tốt như Saburo và Sue sẽ có cái kết viên mãn thì định mệnh nghiệt ngã không cho họ cái cơ hội ấy. Dù là thiện hay ác, tất cả đều chung một kết cục. Ran giống như một tấn bi kịch nhưng lại không có chút phẫn uất nào mà chỉ toàn những xót xa. Vì thời cuộc, vì tham vọng, vì ích kỷ cá nhân mà Hidetora vấy bẩn mình với máu của những người vô tội, mà anh em nhà Ichimonji phải tương tàn, mà những người phụ nữ phải chịu uất ức không biết nên chọn con đường nào mới là đúng.
Sau cùng, "'loạn' lạc sinh ra ở nhân tâm, mà lòng người thì biến hóa không ngừng".
Ran không chỉ phản ánh những xấu xa vốn có trong con người mà còn là sự xấu xa của thời đại, nơi cái thiện dù có tỏa sáng đến đâu rồi cuối cùng vẫn bị bóp nghẹt.
Cái chết của Sue, cũng như bức ảnh Đức Phật rơi xuống nơi vách thành đổ nát, trong cái thế giới ấy, chẳng có con người nào, chẳng có thần thánh nào có thể tồn tại mà lớn hơn dục vọng và ích kỷ cá nhân. Bạo lực, hỗn loạn đến vô vọng, nơi mọi giá trị nhân văn về tình yêu và sự tôn trọng (giữa anh chị em, vợ chồng, cha con) đều nhường chỗ cho sự trả thù, tàn ác, chiến tranh, khát vọng quyền lực và tự hủy hoại. Đó là sự vô vọng của cái thiện trong một thế giới bị cái ác thống trị hoàn toàn. Nhưng cái ác ấy từ đâu mà ra, từ bản chất thế giới này hay từ chính những kẻ đang sống trên nó? Ai mới là người sai? Ai mới là kẻ đúng?
Có lẽ đây là những câu hỏi khó để trả lời. Đặt mình trong hoàn cảnh của nhân vật, liệu ta sẽ tốt đẹp hơn những "cái ác" kia không? Hay sẽ để những dục vọng, ích kỷ tầm thường nuốt chửng "cái thiện" mỏng manh, trơ trọi ấy?
Mình thì vẫn chưa biết câu trả lời, vậy còn bạn?