Nghe từ radio có lẽ xa lạ với người Việt hơn từ "đài". Đài là ông vua của phương tiện truyền thông ở Việt Nam từ rất nhiều năm về trước. Thời ấy, phương tiện nghe nhìn chưa nhiều nên chiếc đài như là người bạn tâm giao, là món ăn tinh thần của các ông, các bác. Trong chương trình " Quán thanh xuân" số ngày 10/2/2019 phát sóng trên VTV1 với chủ đề "Tết của thanh xuân" có đề cập đến những năm tháng của các cô, các chú, các bác nghe radio.  Thời đó, nghe các cô, các chú kể lại rằng, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhà nào có một chiếc đài là đã khá giả lắm rồi. Và nghiễm nhiên, chiếc đài không chỉ là vật dùng để nghe, nó giống như là một vật dùng để trang trí nữa. Chiếc đài đã gắn liền với cả một thời tuổi thơ của biết bao con người. Có một câu chuyện đùa rằng, khi người con đến gần mở khăn lên để mở đài thì người bố bảo rằng:" Thở xa xa lên không là nó mốc đài đấy".
Trong chương trình, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh đã nói một câu rất hay:" Dù là đài to hay đài nhỏ thì đều không quan trọng, quan trọng là chúng ta nghe được những âm thanh gì. Và cái âm thanh mà chúng ta nghe thấy mới thực sự là kỉ niệm lôi tất cả chúng ta về với quá khứ." Cho đến bây giờ, dù cho đã trải qua hàng chục năm, nhưng vẫn còn rất nhiều người nhớ nhạc hiệu của chương trình "Đọc truyện đêm khuya" trên VOV2, hay "Câu chuyện cảnh giác", "kịch truyền thanh".... Những con người ấy đã lưu âm thanh của chiếc đài radio vào trong trái tim mình; và có lẽ đối với họ, đó là thứ âm thanh hay nhất, đong đầy cảm xúc nhất mà không một thiết bị truyền thông hiện đại nào sánh bằng. Những con người ấy sẽ không thể nào quên được âm thanh chào ngày mới của chiếc đài radio ngày xưa  " Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam". ..