Bộ phim mình được xem đầu tiên của điện ảnh Việt có lẽ là Bụi Đời Chợ Lớn (2013 và phim bị cấm chiếu). Từ đó, mình có tìm hiểu nhiều hơn về điện ảnh nói chung, điện ảnh Việt Nam nói riêng. Và theo mình nghĩ thì cũng từ "cột mốc" Bụi Đời Chợ Lớn thì VIệt Nam đã phát triển và có thêm rất nhiều tác phẩm từ tốt đến xuất sắc với nhiều thể loại khác nhau như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Mắt Biếc, Người Vợ Ba,... Để hồi sau rất nhiều khó khăn của ngành điện ảnh trong năm 2020 và cả nhóm thực hiện Ròm thì mình tin đây cũng sẽ là một cột mốc mới cho điện ảnh Việt Nam. Đến đây thì mình cũng phải nói trước là Ròm không hẳn là một tác phẩm quá xuất sắc nhưng nó đã làm được nhiều thứ mà trước giờ chưa từng được thấy ở phim Việt Nam.

Câu chuyện và nội dung: Câu chuyện của Ròm là một câu chuyện về cậu bé trên Ròm (không biết được tên thật) khoảng 15-16 tuổi bán vé dò ở một khu dân cư của dân lao động, sập sệ, ẩm thấ và thậm chí chuẩn bị giải tỏa. Cậu bé bị bố mẹ bỏ rơi khi còn rất nhỏ để rồi phải lang thang trên đường phố, sống trên nóc nhà và tự mình kiếm sống. Ở nơi đó, cậu gặp rất nhiều người ở thế giới lao động ấy từ người bán số đề, cho vay nặng lãi tới những thằng giang hồ đòi nợ thuê. Câu chuyện của phim xây dựng theo cách kể Slice of life (lát cắt cuộc sống) khi đi từ những hoạt động hàng ngày của Ròm khi nhận ghi đề hộ những người trong xóm, bán vé dò sau 16:30h chiều rồi va chạm bởi những thằng bán vé dò khác trong địa bàn như Phúc hay được những lúc được tung hô khi cho đúng số đề trúng, lúc bị ghét bỏ khi cho sai số đề.... Và cùng vì lựa chọn cách kể chuyện như vậy nên bố cục của câu chuyện sẽ dẫn người xem cùng như Ròm "chạy" qua những sự kiện trong phim một cách trực diện, thẳng thắn. Thế nhưng, nó cũng lại là điểm mà làm cho Ròm trở lên lòng vòng, tù túng khi chỉ quanh khu chung cư đó, quanh những tờ vé dò, quanh những cuộc rượt đuổi mà dễ làm cho người xem không còn tò mò gì thêm nữa ở nửa sau của phim. Nhưng cũng hiểu rằng ở thế giới thực, Ròm, Phúc hay những đứa trẻ lang thang bán vé dò như vậy cũng sẽ phải ngày này qua tháng nọ để mưu sinh. Những thằng nhóc đó liệu có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh như vậy?
Mình đánh giá rất cao tham vọng của một đạo diễn rất trẻ như anh Trần Thanh Huy khi lựa chọn chủ đề khó và khác trong nền điện ảnh Việt Nam. Câu chuyện về tầng lớp lao động nghèo khó, và chắc chắc nó sẽ cùng không thể có màu sắc tươi vui, "sạch sẽ" để thực sự thu hút nhóm khán giá đại chúng. Nhưng mình hiểu rằng cái niềm đam mê với nghề và tin vào tư duy làm phim của nhà làm phim độc lập thì anh Huy đã dám liều mình để thực hiện bộ phim của riêng mình, một bộ phim của tuổi trẻ.
Hình ảnh và âm thanh: Bối cảnh trong phim là ở một khu chung cư cũ có cái chất của Sài Gòn. Mình đã từng ở một chung cư rất cũ (xây đâu đó vào 1960) ở giữa quận 5 và mình cũng có thể hiểu được đâu đó cách sống và sinh hoạt của người dân Sài Gòn gốc. Nên khi lên phim là mình hoàn toàn thích thú cách lựa chọn bối cảnh và xây dựng không gian của phim.
Điểm nổi bật có lẽ là những góc máy độc đáo của phim. Với việc sử dụng 70-80% là góc quay động, và sử dụng góc quay nghiêng trong cả bộ phim. Điều này có thể làm khó chịu với những người xem phim đại chúng khi các cảnh như những đoạn phim bị lỗi. Thế nhưng mình nghĩ đây cách set up rất có dụng ý của đạo diễn Trần Thanh Huy khi sử dụng góc quay này để thể hiện về chủ đề của sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội và sự bấp bênh của người dân lao động. Âm thanh của phim làm rất tốt, đủ phức tạp để tạo được không gian rất đường phố như câu chuyện của phim. Và đẩy được tâm lý của người xem trong các tình huống then chốt của bộ phim. Sau khi đọc credit thì mình biết được Nhà soạn nhạc là anh Tôn Thất An, người làm nhạc cho cả Người Vợ Ba và Thưa mẹ Con đi. Mình cũng rất thích khi nghe lời bình luận của chị Thùy Minh dành cho bộ phim này đó là: Bây giờ phim Việt Nam đã đến được thời của đạo diễn, thời của nhà làm phim, người soạn nhạc mới ngôi sao của bộ phim.
Diễn viên và nhân vật: Các nhân vật trong phim đều được xây dựng khá chỉnh chu, không xuất hiện mà không có mục đích gì. Ròm và Phúc là hai nhân vật chính của phim. Và đây cũng bộ phim đầu tay của hai bạn này khi mới 16-17 tuổi. Nhưng hai diễn viên trẻ đã thể hiện rất tốt trong bộ phim với nét diễn rất đời, và phải làm mình rất nể về sự chịu khó, cố gắng rất nhiều để hoàn thành những cảnh phim rất khó, rất phức tạp của phim. Nhất là cạnh đánh nhau trong trời mưa trên con đường ngập nước đầy bùn đất. Làm cho mình cực kỳ xúc động khi nhớ lại thời con nít cũng đã từng như vậy và không thể ngờ rằng có thể thấy được trên phim điện ảnh mà thật đến như vậy. Nói đi thì phải nói lại, câu chuyện của các nhân vật quẩn quanh như chính cuộc sống của họ nên dường như không có được sự phát triển cẩn thiết  của một nhân vật thú vị. Sau 1/3 của phim, khi chúng ta đã hiểu được cuộc sống của nhân vật chính thì các nhân vật không tạo nên được thêm sự tò mò, muốn tìm hiểu thêm họ. Đây có lẽ là do đạo diễn tập trung vào việc kể câu chuyện một cách chân thực hơn là tạo những thay đổi, biến cố lớn (như cách người ta thường dùng để làm phim) để drama câu chuyện đã rất đời này. 
Chốt, đây là bộ phim đáng xem trong thời kỳ rất khan hiếm phim ngoài rạp như bây giờ. Và nếu bạn có thời gian để tìm hiểu quá trình để được ra rạp của bộ phim thì chắc chắn bạn sẽ thêm trân trọng bộ phim này. Nhưng cũng phải nhắc lại là đây là một bộ phim mang tính cá nhân của người tạo ra nó và đừng kỳ vọng là nó sẽ làm hài lòng tất cả mọi người xem đâu nhé!
Câu chuyện & nội dung: 7/10
Hình ảnh & âm thanh: 7.5/10
Nhân vật và diễn viên: 7/10
Tổng điểm: 7/10