ROBERTO BAGGIO: CÓ MỘT KHUNG THÀNH TRÊN BẦU TRỜI
Khi những sải chân của Baggio đang tiến đến khung thành nơi thủ môn Cláudio Taffarel đã chờ sẵn. Định mệnh cũng trôi qua trong đầu...
Khi những sải chân của Baggio đang tiến đến khung thành nơi thủ môn Cláudio Taffarel đã chờ sẵn. Định mệnh cũng trôi qua trong đầu anh, nếu anh đá hỏng, đó là dấu chấm hết. Nhưng nếu thành công, thì người Ý có quyền để tiếp tục hy vọng.
Tất nhiên, Baggio chẳng có chút nào sợ sệt, trong đầu anh là một phép toán logic đã định sắn.
“Tôi đi đến chấm sút phạt trong tình trạng khá minh mẫn. Tôi biết rõ Taffarel. Anh ta luôn chụp bóng bằng việc lao người xuống. Vì vậy tôi quyết định đá trái bóng cao khoảng nửa mét tính từ điểm giữa của cầu môn đến xà ngang để anh ta không thể với tới bóng .”
Baggio đặt quả bóng xuống xuống vạch vôi và thở một hơi thật nhẹ. Điều này rồi sẽ giống mọi lần anh đã làm lần trước: Khi những quả bóng sẽ ở gọn gàng trong lưới dù thủ môn có đổ người thế nào. Suốt sự nghiệp của mình cho tới khoảnh khắc đó, chưa lần nào Baggio thất bại ở vị trí này, trừ một bàn bị cản phá hồi anh còn chơi ở giải trẻ. Phải hiểu rằng đó không phải là sự tự tin thừa thải, và đối với một nghệ nhân thành thạo như Đuôi ngựa thần thánh, càng không có chỗ cho sự sợ hãi xuất hiện trong tâm trí.
Khi những bước chân của Baggio lùi dần phía sau và dần xa khung thành. Cũng là lúc mà một phần di sản của cầu thủ sinh ra tại Caldogno trôi qua trong tích tắc.
Trước khi vòng chung kết World Cup 94 diễn ra, một vị sư thầy từng nói với Baggio rằng anh sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Và tất cả sẽ được quyết định vào giây cuối cùng. Có lẽ bạn biết rồi, hoặc chưa biết: Baggio theo đạo phật. Sinh ra ở một đất nước sở hữu hàng ngàn thánh đường và tác phẩm nghệ thuật liên quan đến Chúa Trời. Nhưng Baggio chọn tôn giáo này vì nó nhấn mạnh đến số phận và nghiệp chướng. Rằng con người phải chịu trách nhiệm về những gì xảy đến với bản thân họ. Cuộc đời từ khi sinh ra vốn luôn là thách thức, và như những gì Baggio chia sẻ, chính Phật giáo dạy anh biết cách phải đối mặt với những điều đó.
Người Ý đã có một sự khởi đầu đáng thất vọng tại World Cup 94 ở Mỹ. Trong trận đầu tiên gặp Ireland, họ đã để thua bởi cái nóng và áp lực. Thất bại muối mặt 0-1 trước đối thủ được đánh giá yếu nhất bảng khiến tất cả đều thất vọng tột cùng. Họ không được để sai lầm ấy lặp lại. Không một lần nào nữa.
Baggio đã chơi không tốt như các anh tỏa sáng ở vòng loại. Nhưng ở đó, anh luôn chơi phía sau những tiền đạo. Còn vào đây, Sacchi để anh chơi hoàn toàn phía trên. Tất nhiên, điều đó làm Baggio không được thoải mái. Danh hiệu Quả bóng Vàng Châu Âu năm 1993 vừa là niềm tự hào nhưng cũng là sức ép cực kỳ lớn, khi anh phải gánh vác trách nhiệm nặng nề trên đôi vai của mình.
"Roby, hãy thư giãn đi. Đừng quá lo lắng về vị trí của cậu bởi vì cậu rất quan trọng đối với đội Ý, giống như Maradona với Argentina vậy".
Nhưng lời an ủi của Sacchi lại trở nên khó hiểu với Baggio, sau khoảnh khắc ông quyết định thay anh vì thủ thành Pagliuca bị nhận thẻ đỏ trong trận đấu thứ hai gặp Na Uy. Maradona của Italia đã không được giữ lại trên sân. Trận đó, đội bóng áo thiên thanh thắng 1-0 và có quyền tự quyết về cơ hội đi tiếp.
Theo điều lệ VCK World Cup 1994, hai đội dẫn đầu sáu bảng đấu sẽ lọt vào vòng knock-out, bốn đội đứng thứ ba có thành tích xuất sắc nhất sẽ giành vé vớt. Và người Ý lách qua khe cửa hẹp để vào vòng 16 đội với tư cách là đội đứng thứ ba có thành tích xuất sắc sau khi hòa Mexico 1-1 ở loạt trận cuối. Điều đáng nói, trong sáu đội đứng thứ ba của sáu bảng, so về chỉ số thì Ý đứng thứ 4, nghĩa là Ý là đội có thành tích kém nhất trong số 16 đội vào vòng knock-out đầu tiên.
Trải qua một vòng bảng với phong độ chẳng như kỳ vọng. Baggio đã quyết định nhốt mình trong phòng, đọc kinh Phật để tìm lại sức mạnh thật sự của mình. Số 10 cảm giác như đây là kỳ World Cup của riêng anh. Và khi càng gặp nhiều khó khăn, Baggio càng chỉ giữ trong lòng và cố gắng đi tìm sức mạnh nội tâm.
Để rồi mọi thứ thực sự đã thay đổi sau khoảnh khắc anh gỡ hòa ở phút cuối cùng trận gặp Nigeria. Anh có bóng, sút bóng đi qua hai chân của hậu vệ, bay vào góc phải khung thành. Đó là cú sút không thể cản phá.
Nhiều người gọi đó là may mắn. Khi ai đó ghi bàn ở những phút cuối cùng thì luôn có một chút may mắn. Nhưng điều đó lại xảy ra một lần nữa trong trận đấu với TBN. Nhắc về khoảnh khắc ấy, Baggio luôn nói rằng chính sư thầy và niềm tin vào bản thân đã giúp Đuôi ngựa thần thánh kéo đoàn tàu Azzurri tiến sâu ở giải đấu.
Hai bàn thắng tiếp theo của Baggio giúp đội tuyển Ý đánh bại Bulgaria và tiến vào chung kết. Chỉ có điều, ngày hôm đó, trời nóng như đổ lửa. Còn Baggio sau khi phải chiến đấu đến những phút cuối cùng đã dính một chấn thương. Dù đó không phải vấn đề nghiêm trọng, chỉ là tình trạng cơ bắp mệt mỏi, nhưng lại ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho một trận đấu căng thẳng. Sacchi để anh tự quyết định có chơi trận chung kết hay không. Trong buổi sáng trước trận chung kết, Baggio xỏ giày vào và đá một cú thật mạnh vào bức tường ở hành lang khách sạn.
Cơ không còn cảm giác đau. Anh nói với Sacchi và ông điền tên anh vào danh sách 11 cái tên chính thức. Cho đến ngày nay, kể cả nhiều người vẫn nghi ngờ về cảm giác mà Baggio đã tường thuật lại, thì anh vẫn quả quyết rằng mình cảm thấy cực kỳ ổn, và khẳng định đanh thép:
“Tôi khao khát được chơi ngay cả khi họ muốn cắt đứt chân của mình.”
Khi trận chung kết trải qua suốt 90 phút thi đấu chính thức và thêm 30 phút hiệp phụ nhưng vẫn không có bàn thắng nào được ghi, và những quả luân lưu 11m là phương án cuối cùng để chọn ra những nhà vô địch.
Đến rồi, khoảnh khắc Baggio giương chân với cú sút định mệnh.
Đó những tưởng là một quyết định thông minh bởi Taffarel đã đổ người sang trái. Nhưng thật không may, trái bóng cuối cùng chẳng nằm ngay ở khung thành đối thủ, mà nó đi cao hơn tới 3 mét và vọt xà ngang. Những hy vọng của người Ý cũng vì thế mà vụt mất.
Vì Baggio, mà người ta hầu hết cũng quên đi điệu nhảy ăn mừng sau trận của những người Brazil. Vì Baggio, mà mỗi khi nhắc về trận đấu cuối cùng của kỳ World Cup trên đất Mỹ, người ta lập tức sẽ nghĩ ngay đến khoảnh khắc hai tay anh chống hông, cúi gằm mặt trong cái nắng chói chang của mùa hè xứ cờ hoa, còn phía sau khung hình là những cái bóng áo vàng ôm nhau như làm đậm thêm gam màu cho cái vẫn hay gọi là sự nghiệt ngã.
Baggio đã có một kỳ World Cup quá tuyệt vời… trước khi khoảnh khắc cuối cùng của trận chung kết diễn ra. Nếu không sút hỏng quả phạt đền đó, cho dù tuyển Ý có thua trận thì Baggio vẫn sẽ được cả nước Ý tung hô. Vậy nhưng bi kịch đã ập đến anh chỉ vì đúng một quả phạt đền đá hỏng.
Trước khi Đuôi ngựa thần thánh thực hiện cú sút ấy, Baresi và Massaro cũng đã đá hỏng 2 quả penalty. Nhưng Baggio lại là người phải gánh chịu hết mọi lỗi lầm. Người ta dường như quên rằng, thậm chí nếu anh đá thành công quả penalty đó thì Brazil vẫn còn một lượt đá nữa. Họ, trong khoảnh khắc đó, cũng quên luôn rằng, nếu không có anh, Italy không thể tiến sâu vào trận chung kết. Buổi chiều hôm đó, khi các đồng đội đi ăn tối, Baggio đã tự nhốt mình trong phòng và nhìn mãi chiếc đồng hồ đã điểm qua khoảnh khắc đáng quên ấy.
Đáng quên, nhưng thực khó để quên. Bởi cho đến nhiều năm sau, ám ảnh đó vẫn theo chân Baggio trong những giấc ngủ của anh.
“Tôi không bao giờ chối bỏ trách nhiệm của mình. Tôi đã thất bại và nó ảnh hưởng đến tôi trong nhiều năm qua. Đó là thời điểm tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi vẫn mơ về nó. Nếu có thể xóa một thời điểm trong sự nghiệp của mình, thì chính là cú sút penalty đó”
Ám ảnh ấy kéo dài đến vậy một phần cũng do truyền thông nước Ý nguyền rủa và đổ hết mọi tội lỗi cho Baggio sau thất bại của đội tuyển này trước Brazil. Điều này thực sự quá bất công với anh. Đến sau này Baggio chua chát thú nhận rằng:
“Họ cần một ai đó để trút giận và tôi là người được chọn".
Trong cuốn hồi ký của Sir Alex Ferguson, ông thừa nhận những cuộc đọ súng trên chấm pen là cuộc chơi tàn khốc nhất trong bóng đá. Nó bào mòn nơron thần kinh của HLV, tạo ra áp lực ghê gớm cho cầu thủ. Người có lợi nhất – theo Sir Alex – chỉ là các CĐV trung lập, vì họ muốn được chứng kiến niềm vui tột cùng của kẻ chiến thắng và bình luận về nỗi buồn của người bại trận.
“Chỉ cần các cầu thủ dám nhận nhiệm vụ đá pen, họ đã là người hùng rồi. Vì dù bạn ở sân chơi cấp độ nào đi chăng nữa, chuyện vượt qua áp lực khủng khiếp là không đơn giản. Tóm lại, vì họ là con người nên họ được phép sai lầm”.
Nhưng người hùng đâu thì chưa thấy, chứ với Baggio, cuộc đời anh sau đó vẫn gặp muôn vàn khó khăn trắc trở.
Sau WC tại Mỹ, anh chơi mùa bóng thứ 4 của mình tại Juventus. Nhưng Trapattoni sau đó đã ra đi và Lippi lên thay. Vị tân chiến lược gia nhấn mạnh tầm quan trọng của điều kiện thể lực của các cầu thủ, mang đến nhiều thiết bị mới và cả một HLV thể lực nữa. Ông nói rằng muốn Juve không cần dựa vào Baggio. Thực tế chính Baggio cũng muốn vậy. Những lời của Lippi như đã giảm một phần gánh nặng cho anh.
Chỉ không ngờ.
Sự kiện tồi tệ nhất xảy ra trong trận đấu với Pandova trên sân khách vào ngày 27/11/9. Sau khi ghi bàn thắng quyết định ở hiệp 1, Baggio đột nhiên cảm thấy đầu gối mình dường như vỡ đi khi chấn thương cũ lại tái phát.
Nhường lại vị trí cho Del Piero chẳng phải là điều gì quá tồi tệ. Nhưng rồi những mâu thuẫn được gây ra từ các tin đồn chẳng biết nguồn cơn tại đâu khiến anh buộc phải chuyển sang AC Milan. Khi đó, rất nhiều CLB lớn ở nước ngoài trải thảm đỏ mời Baggio về nhưng “đuôi ngựa” vẫn quyết tâm ở lại Ý nhằm chứng tỏ bản thân. Tại Milan, Baggio lập tức đoạt Scudetto. Nhưng số phận dường như quyết trêu ngươi Baggio. Anh luôn bị những HLV huyền thoại của nước Ý ghẻ lạnh.
May mắn là.
Bốn năm sau cú sút định mệnh ấy, Baggio đã xóa tan tất cả những ký ức u ám với một trong những quả penalty quan trọng nhất trong đời cầu thủ. Trong trận đấu đầu tiên tại VCK World Cup 1998 gặp Chile, Baggio một lần nữa dũng cảm bước lên chấm phạt 11m. Khi đó, Italia buộc phải ghi bàn gỡ hòa mà trận đấu chỉ còn đúng 5 phút.
Thế nhưng cũng năm đó, Italia bị loại ở vòng bán kết bởi đội chủ nhà Pháp. Đó cũng là VCK cuối cùng trong sự nghiệp của Đuôi ngựa thần thánh.
Ở tuổi 33, Baggio quyết định ra đi lần nữa để tìm bến đỗ cuối cùng, và lần này Brescia là điểm đến. Chỉ bốn năm cuối cùng trong sự nghiệp, Baggio đã giúp Brescia bám trụ tại giải đấu hàng đầu Italia với những vị trí ấn tượng so với một đội bóng là ứng cử viên xuống hạng. Chiếc áo số 10 mà Baggio mặc tại Brescia đã được treo vĩnh viễn như một động thái tri ân đến một trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Ý nói riêng và thế giới nói chung.
Johan Cruyff từng nói:
“Roberto Baggio là một pháp sư, một trong những thi sĩ cuối cùng còn lang thang trên sân cỏ. Cậu ấy là sự phản bác hay nhất cho những người nghĩ rằng bóng đá Italia chỉ là nơi sản sinh ra những hậu vệ vĩ đại. Roberto Baggio là cầu thủ phóng túng nhất thế giới”.
Nhớ về cái năm 1994 ấy, Baggio thực sự đã khiến trái tim của các tifosi mê đắm lẫn chết lặng cùng một lúc trong nghiệt ngã. Khi chứng kiến lại khoảnh khắc mái tóc đuôi ngựa thần thành vút bay trong gió để rồi vắt dọc sống lưng bởi cái cúi mặt lặng lẽ, là nốt buồn của vĩ khúc bóng đá lại cất lên một đoạn. Đến hồi, người ta phải nghĩ rằng, hẳn trên bầu trời ngày đó, có một khung thành khác, nơi đã đưa trái bóng đi thẳng vào tâm can của họ.
Bạn có thể nghe thêm bản audio tại đây: https://soundcloud.com/blvanhquan/story-football-roberto-baggio-co-mot-khung-thanh-tren-bau-troi
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất