Tôi nghĩ nhiều về cái chết. Đã từng.
Tự sát, tai nạn, bị giết hay những thứ tương tự dẫn đến cái chết.
Có lần tôi đã cho nhân vật của tôi chết bằng việc tự sát, để đổi lại những giọt nước mắt từ người đọc. Mà hồi đó cách đây khoảng 9 năm, không nhớ hồi đó nghĩ gì nhưng đại loại là một kết cục bi thảm sẽ lưu lại trong lòng người đọc nhiều hơn là một câu chuyện cười vui để giải trí. Đổi lại bây giờ, tuyệt nhiên tôi sẽ không để xảy ra bất kì cái chết nào nếu lí do chưa thỏa đáng, sẽ sống bằng bất cứ giá nào, như cỏ dại, như thinh không.
Tựa như C – kẻ ngụy quân tử trong vỏ bọc đạo mạo, K – kẻ trốn chạy khỏi cái bóng của anh trai và một cô gái Hong Kong luôn nôn mỗi khi uống nước lọc.Họ hết thảy đều ngộp trong đống bế tắc của cuộc sống trao cho. Nhưng bằng cách nào đó, họ tìm thấy cách thỏa hiệp với chúng dù cuộc sống với họ đã thật kinh tởm muốn chết hay bốc mùi hèn nhát phát buồn nôn lên rồi. 

Câu chuyện bắt đầu bằng những lời tự giới thiệu của một nhân vật dẫn chuyện không tên chuyên làm nghề hướng dẫn những tâm hồn tổn thương, cô lẻ trong cuộc sống đô thị thiết kế những bối cảnh tự sát hoàn hảo nhằm tìm đến sự an yên của thế giới bên kia. Một vài tâm hồn cô độc trôi dạt trong thành phố có quá nửa sự sống, số khác thì không. Như 2 cái chết mà Kim Young Ha “vẽ” ra. Cái chết thứ nhất của một cô gái bán dâm SeYeon – người lạnh nhạt với mọi thứ và cái thứ 2 của một cô gái nghệ sĩ đang trên đỉnh cao của sự nghiệp – MiMi. Phải, dùng từ “vẽ” không sai, vì chúng ta sẽ “thưởng” nó bằng con mắt của một người xem tranh. Không gian nghệ thuật mở ra: âm nhạc, hội họa, cả cổ điển lẫn đương đại. Cảm hứng được lấy từ các bức tranh: “Cái chết của Marat”, “JUDITH” và kết chuyện là “Cái chết của Sardanapaplus” khiến cho câu chuyện mang một vẻ đẹp sâu lắng về nỗi buồn. Hãy đọc nó bằng con mắt của người xem tranh.
 

“Tôi có quyền hủy hoại bản thân”, tiểu thuyết gắn với cái tên gây sốc này hóa ra lại có một giọng văn khá là bình thản. Kiểu bình thản khiến người ta bất an, luôn dè chừng, ngộp thở, có thể đến hồi kết mà người đọc vẫn luôn hồ nghi về cuộc sống của các nhân vật còn lại liệu có tìm đến cái chết? Khi họ như là tiếng vọng của nhau vậy!
Cuốn sách chứa đầy sự tiêu cực, không khuyến khích đọc. Nhưng nó lại làm cho người đọc không hề bị cuốn vào những cảm giác tiêu cực đó. Khá là tài tình. Mạch văn thiên về kể lại hành động của các nhân vật nhiều hơn, rất ít mô tả tâm lí nhân vật. Dường như, Kim Young Ha đang nhường quyền phán xét và bình phẩm mọi chuyện cho độc giả. “Ở thời đại ngày nay, chỉ có hai con đường trở thành thần thánh: thông qua sáng tạo hoặc là sát nhân”. Chỉ cần bỏ đi chữ “hoặc là”. Và chúng ta sẽ có “kẻ sáng tạo” ra 2 cái chết. 
Sự quyến rũ của cái chết.
Người ta thường nghĩ những người đi đến quyết định tự tử ắt phải có lí do to tát nào đấy, nhưng thật ra không phải.
Còn tôi luôn nghĩ, để đi đến quyết định đó chắc hẳn nó phải xuất hiện hàng nghìn lần trong tâm trí, hẳn là một quá trình, như một kế hoạch có timeline và deadline rõ ràng. Mấy hôm nay người ta truyền tay nhau một đoạn video với hình ảnh đứa trẻ lao ra khỏi chiếc xe, băng qua dòng xe, gieo mình xuống thành cầu, bỏ mặc sự kéo theo của người mẹ. Một câu chuyện tương tự xảy ra ở ngay chính quê nhà của tôi, một đôi vợ chồng trẻ cãi nhau và có lẽ là không giải quyết xung đột được nữa, người vợ chọn cách nhảy xuống dòng nước siết, bỏ lại người chồng bế đứa con hơn một tuổi kêu gào sự trợ giúp từ mọi người xung quanh nhưng bất lực, vì nước chảy quá siết. Điểm chung của họ là đang tuổi mười bảy đôi mươi, còn rất trẻ. Đám đông thì bàn tán xem lỗi của ai, trách nhiệm thuộc về ai và cả bàn luận về vấn đề giới trẻ hiện nay là gì. Những chuyện như thế này tôi khá là bàng quan, chúng ta không có quyền bảo bố mẹ đừng sinh chúng ta ra cái cuộc đời chó đẻ này, nhưng quyền quyết định sống tiếp hay không thể chịu được nữa thì giải thoát bản thân ắt là kết quả, giữa “tệ” và “tệ hơn” thì vẫn nên chọn “tệ” nhỉ, có điều với họ thì sống là “tệ hơn”. Tôi tôn trọng quyết định của họ.
Sự nguy hiểm không nằm ở việc tự sát, nó nằm ở việc suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận làm quá lên vấn đề mình gặp phải, dù có thể tìm ra giải pháp nhưng lại cứ chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực, trầm mặc.
Trầm cảm không phải trend nhưng đó thực sự đang lây lan như một trend của thập kỉ này vậy. “Trầm cảm” có 2 từ nhưng mỗi từ lại là một gánh nặng đè lên 2 vai khi bản thân cứ thừa nhận rằng mình bị-trầm-cảm là phải thế này phải thế kia.
Trước tiên tôi xin lỗi những người đang cảm thấy mình bị trầm cảm, vì có thể những lời lẽ tôi đưa ra đang trái với tư duy sống của bạn. Trầm cảm là thứ mà tôi không dám nhắc, không dám đụng đến nhất, vì chưa đủ tầm. Để có thể tác động khiến người trầm cảm thay đổi, cần phải là chính người trầm cảm, trong từng hoàn cảnh nhất định, và buộc phải có kiến thức và tư duy về lĩnh vực đó mới có thể viết và triển khai. Nhưng tôi muốn chia sẻ một điều, trong những lúc cùng cực, bất lực với cuộc sống, tôi luôn tìm cách giản lược suy nghĩ nhất có thể, thờ ơ với các vấn đề mình gặp phải chứ không phải cố gắng tìm ra giải pháp, tìm giải pháp chỉ khi chúng ta đã đủ bình tĩnh và bản lĩnh để vượt qua chuỗi cảm xúc tiêu cực nối dài đó thôi.
Tôi thức rất khuya. Khả năng tự sát là 65%. Mạng sống của tôi rất rẻ mạt, với tôi nó chỉ có 30% sự sống. Cuộc sống của tôi đang chỉ chứa 30% sự sống. Nó thiếu mất vài thứ như chân tay, dây nhợ, vài cái cúc áo. 5% được dành tặng cho trạng thái đờ đẫn bán tỉnh táo luôn đi kèm với tiếng lách tách của bệnh thiếu máu. 5% này được gọi là DADA. Tóm lại sự sống rất rẻ mạt. Cái chết thì đắt giá hơn một chút. Nhưng sự sống vẫn có mê lực và cái chết cũng có sức hút tương đương.
– Tristan Tzara – Một đoạn trích trong cuốn sách
Tôi cũng hay thức rất khuya, nhiều hôm đến 3-4h sáng cũng có thể là không ngủ. Nhưng tôi có phần nhiều sự sống, chắc chắn quá bán. Tôi không dành những đêm mất ngủ để chìm trong suy nghĩ tiêu cực, tôi đang tận hưởng vẻ đẹp của sự sống.
Tôi có quyền và chắc chắn sẽ không hủy hoại bản thân.
From Haru
Instagram: harustories98