Câu chuyện bắt nguồn từ cái chết của con gái cô giáo Moriguchi do chính hai học trò của cô giết. Mọi thứ đã được phơi bày ngay từ chương một, nhưng đừng vội thất vọng vì những gì của chương một mới chỉ là cái khung của vụ án. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng cuốn sách giống như việc các nhân vật đang đứng xung quanh một vật thể, và từng chương sẽ là góc nhìn của nhân vật về vật thể đó. Và chính các bạn đọc sẽ là người được đứng mọi vị trí để nhìn tườm tận, chứng kiến mọi sự diễn biến tâm lý của từng nhân vật.
Rốt cuộc thì động cơ gì đã khiến cho nhân vật hành động như vậy?Hoàn cảnh? Tình yêu? Giáo dục hay Xã hội? Hay nó là tổng thể của mọi thứ?
"Kẻ yếu thường làm tổn thương kẻ yếu hơn mình"
"Kẻ yếu thường làm tổn thương kẻ yếu hơn mình"
Độ tuổi vị thành niên là một độ tuổi mà vấn đề tâm lý của con người diễn biến vô cùng phức tạp. Cái độ tuổi mà đạo đức không phải thứ để được ưu tiên và hưởng ứng, vì chúng được pháp luật bảo vệ. Cái độ tuổi mà chúng vẫn chưa đủ dũng cảm để hiểu bản thân, chính vì thế mà chỉ cần những tác động, dù lớn hay nhỏ cũng có thể khiến cho nhân cách con người trở nên méo mó.
"Mày chỉ là sự thất bại của loài người!" "Cậu chỉ là một kẻ bám váy mẹ" Câu nói thực sự đã chạm vào bóng đen, là nguồn cơn của tội ác. Xã hội là chuỗi những mắt xích mà nơi đó, người ta đã dùng những tổn thương của chính mình để ném sang người khác, với mong muốn trong mình sẽ vơi đi. Kẻ yếu thường làm tổn thương kẻ yếu hơn mình. Nhưng làm sao mà một đứa trẻ có thể nhìn thấu được vấn đề của chính nó đây?
"Giá trị quan và hệ tiêu chuẩn được quyết định bởi môi trường sinh ra, lớn lên. Và giá trị tiêu chuẩn để đánh giá một người được xác lập bởi người mà mình tiếp xúc nhiều nhất, và đó hầu như là người mẹ". Nhưng buồn thay, dù sự nuôi dạy khác nhau nhưng mẹ chúng đều là những kẻ ích kỷ! ích kỷ vô cùng. Sinh đứa con ra nhưng lại chẳng hiểu gì về nó, họ đều bận theo đuổi cái lý tưởng và mong muốn của chính mình. Đáng sợ là chính những mong muốn ấy đã dày vò và xé nát tâm hồn của những đứa con non thơ, khiến chúng lớn lên trong sự tổn thương sâu sắc, khao khát sự yêu thương và công nhận từ người mẹ.
Thật vậy, chúng thèm muốn được quan tâm, thèm muốn được chú ý. Nhưng tội nghiệp thay, những người mẹ ấy lại chẳng thể đáp ứng được nhu cầu và mong muốn đó từ đứa trẻ. Chúng vật lộn tìm kiếm thiếu hụt ấy từ bên ngoài, nhưng chúng càng thất vọng hơn khi cô giáo chủ nhiệm cũng không thèm đếm xỉa đến nó, ngay cả xã hội cũng chỉ chú ý đến những vụ án giết người, thay vì một giải thưởng phát minh có ích cho Xã Hội...
Hai học sinh ấy khác nhau hoàn toàn về tính cách, gia cảnh, mục đích tiếp cận cô bé Manami, nhưng đều có mẫu số chung là sự đổ vỡ trong ý thức về đúng-sai và các nền tảng giá trị đạo đức làm người, tất cả đều đến từ hoàn cảnh hoàn cảnh mà hai cậu học sinh ấy lớn lên.
Những điều người lớn tưởng chừng như vặt vãnh, nhưng lại là những vấn đề vô cùng lớn lao của những đứa trẻ!
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những tội ác đó?
Pháp luật ư? Độ tuổi vị thành niên, chúng được chính xã hội bảo vệ. Trẻ con ngây thơ là chuyện của thời nào cơ chứ. Những năm 90, lợi dụng luật vị thành niên, đã có hàng loạt vụ án tàn bạo do trẻ con gây ra. Cuộc sống luôn tồn tại những bất cập và luật pháp đôi khi xuất hiện những khe hở nhất định. Chúng ta thấy, chúng ta biết, nhưng chúng ta không thể can thiệp trực tiếp. Những đứa trẻ thật tổn thương, nhưng vì sao những người khác phải gánh chịu từ những tổn thương do kẻ ấy gây ra!
Bố mẹ chúng ư? Chắc chắn là không rồi! Trước khi cô quyết định công khai vụ việc trước lớp, cô đã tìm gặp riêng chúng. Có thể một phần ít ỏi nào đó trong mong muốn của cô được nhìn thấy chúng ăn năn hối lỗi, dù điều đó cũng chẳng thay đổi được sự việc. Nhưng trước nỗi đau tột cùng của việc mất con, phải chứng kiến sự nhởn nhơ của những kẻ gây ra tội ác và của bố mẹ chúng khi không những không nhận được sự xót thương, mà đưa ra một khoản bồi thường và mong muốn cô để yên cho gia đình họ. Vì sao đứa con bé bỏng của cô lại phải chết mà không một ai là người chịu trách nhiệm cho việc đó,.
Vậy chúng cần trả giá như nào?
Nơi từ những nỗi đau quá lớn chuyển hóa thành thù hận,...
Cô giáo Moriguchi lấy danh nghĩa để dạy cho những đứa trẻ giết người ấy một bài học mà luật pháp Nhật Bản từ chối dạy cho chúng, bắt chúng chịu trách nhiệm và hậu quả của những gì chúng đã gây ra cho con gái của cô, để từ đó châm ngòi cho toàn bộ một chuỗi “thú tội” của câu chuyện
Là một cô giáo thì đạo đức luôn là điều kiện cần. Còn là một người mẹ thì sẽ tìm lại công bằng cho con. Giữa việc lựa chọn trách nhiệm là một cô giáo, và một người mẹ. Cô đã chọn người mẹ. Chính vì thế cô đã quyết định nghỉ dạy sau khi sự việc xảy ra 1 tháng.
Nỗi đau tinh thần thì sẽ phải trả giá bằng tinh thần.
Cô thừa cơ hội và sẵn sàng để giết chúng, nhưng cái chết thì lại dễ dàng quá, đó không phải là điều cô muốn. Cô muốn nhìn chúng phải đau đớn như cô đang phải trải qua.
Xung quanh những u ám, những hành động điên rồ, những sự méo mó của nhân cách ấy, cô tin rằng trong chúng đâu đó sẽ luôn tồn tại nỗi sợ, nơi khởi nguồn của mọi tội ác.
Và nỗi đau tinh thần bắt đầu từ đó...
Những đứa trẻ không xấu xa, cô giáo không xấu xa! Không ai xấu xa hết. Tất cả chỉ là sản phẩm của những nỗi sợ hãi, những tổn thương mà không ai bù đắp!
Mình không dám spoil nhiều, vì như vậy chắc các bạn cũng chẳng đọc truyện nữa làm gì :')
Nói chung là đây là một tiểu thuyết mà mình nghĩ rất nặng đô về tâm lý. Bạn nào đam mê tâm lý đọc thử coi nhé ^^