#Agencylife - một hashtag chẳng hề xa lạ với những người làm trong ngành quảng cáo, thậm chí cả những người không làm trong lĩnh vực sáng tạo này. Nó phổ biến như vậy vì xung quanh cuộc sống và công việc của một người làm trong lĩnh vực quảng cáo sáng tạo có quá nhiều điều thú vị.

Nghề copywriter - nghề được coi là thời thượng trong mắt nhiều bạn trẻ liệu có thực sự giống như những gì chúng ta nghĩ. Chuyện đời thế nào? Chuyện nghề ra sao? Trong cuốn sách Ý tưởng này là của chúng mình, tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn sẽ vén bức màn cho người đọc thấy được những niềm vui sáng tạo đi liền với bạo tàn tăm tối trong cuộc sống của dân sáng tạo mà chúng ta chưa hề được nghe.
review-sach-y-tuong-nay-la-cua-chung-minh-huynh-vinh-son-3

Giống như chính tác giả giới thiệu “Tôi nhận được nhiều câu hỏi về việc làm cách nào để tham gia ngành quảng cáo từ các sinh viên và những người sướng quá nên muốn đổi nghề. Họ trẻ, khoẻ, rẻ nhưng thông tin về ngành bị che khuất bởi một lớp sương mờ mà Google không vén nổi.”

Tác giả sách Ý tưởng này là của chúng mình

Huỳnh Vĩnh Sơn (nickname Sói Ăn Chay) là một copywriter với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo sáng tạo. Anh đã đạt rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi marketing lớn nhỏ như huy chương vàng “Hội khỏe phù não 2013” hay áo vàng chung cuộc Cúp Agency TP. HCM 2011,...

Những tác phẩm của Huỳnh Vĩnh Sơn luôn đa dạng sắc màu, chen lẫn trong những câu văn sáng tạo, hài hước vẫn là những chuyện đời có trầm có bổng cuốn hút người xem. “Nhiều người nói là mình thích đàn guitar, thật sự họ chỉ thích cái hình ảnh cầm đàn chơi một cách phong trần, khiến cái em gái đổ ầm ầm như trên phim ảnh mà thôi chứ không thật sự thích quá trình rèn luyện gian khó tốn thời gian, công sức, để chơi guitar thật hay…”

Nội dung cuốn Ý tưởng này là của chúng mình

Cuốn Ý tưởng này là của chúng mình sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về thế giới của các công ty quảng cáo sáng tạo, hay còn gọi là Creative Agency. Nghề copywriter được nhiều người coi là thời thượng đấy, nhưng thực sự họ có hiểu hết nỗi lòng của một người trong nghề hay không.

Sách gồm 3 phần A, B, C tương ứng với Mầm non ý tưởng, Vựa ý tưởng và Hậu trường ý tưởng.

Mầm non ý tưởng

Trong phần đầu Mầm non ý tưởng, Huỳnh Vĩnh Sơn giải đáp cho chúng ta những thắc mắc về ngành quảng cáo. Những mẫu chuyện hài hước về cuộc sống của con dân ngành quảng cáo sẽ  cho ta thấy quảng cáo chẳng giống như những gì ông bà bố mẹ chú bác hay thậm chí là chính chúng ta lầm tưởng. Dí dỏm nhưng không kém phần chân thành, sách sẽ cho bạn một cái nhìn chân thực về nghề làm quảng cáo.

Vựa ý tưởng

Phần tiếp theo Vựa ý tưởng, bạn sẽ được biết quá trình mà các copywriter nảy số ra những ý tưởng, những câu slogan vui vui,.. Làm thế nào để các thợ viết góp nhặt và xây dựng rồi tạo hình nên những ý tưởng thú vị như vậy. Chẳng phải một việc quá hàn lâm, ý tưởng đôi khi thành hình nhờ việc ngồi quán cà phê nghe lén hay là những câu chuyện dân gian ngày xửa ngày xưa.

Hậu trường ý tưởng

Phần cuối cùng Hậu trường ý tưởng chính là chuyện đời của anh em quảng cáo. Nghề nào cũng vậy, cũng sẽ có những thị phi, rắc rối. Copywriter chẳng phải là nghề ngồi mát ăn bát vàng, chỉ việc múa bút là có tiền. Cũng có những lúc tâm tư rối bời, gian truân vất vả. Quảng cáo sáng tạo nói riêng, marketing nói chung hay bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, đâu chỉ toàn vui vẻ hay dễ dàng là xong.

Nội dung sách Ý tưởng này là của chúng mình

Sách Ý tưởng này là của chúng mình giúp người đọc mở mang rất nhiều về ngành quảng cáo sáng tạo. Cùng là ngành quảng cáo, nhưng nếu là một cuốn sách đầy lý thuyết thì chúng ta sẽ đặt xuống ngay từ những trang đầu tiên. Ý tưởng này là của chúng mình thì khác, với lối viết dí dỏm, linh hoạt, chơi chữ đúng chất copywriter, Huỳnh Vĩnh Sơn sẽ khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi những con chữ trong sách.

Quan điểm về sáng tạo trong Ý tưởng này là của chúng mình

Đọc sách Ý tưởng này là của chúng mình mới biết, sáng tạo chẳng phải là thứ trời cho. Copywriter đôi khi cũng giống người thu mua ve chai, họ phải nhặt nhạnh, thu lượm những thứ trên đường đời để tích góp thành kinh nghiệm sáng tạo. Phải liên tục làm giàu vốn từ để có thể “tinh hoa phát tiết” những lúc cần.

Sáng tạo chẳng phải là thứ từ trên trời rơi xuống. Phải sống hết mình, ưa trải nghiệm thì mới có thể nhào nặn và rèn luyện tính sáng tạo. Chỉ bằng cách hấp thụ tất cả những hương sắc khác nhau của cuộc đời thì người làm trong ngành sáng tạo mới có đủ chất liệu để sáng tạo.

Người làm quảng cáo có thể gọi là “nông dân canh tác trên lãnh thổ ngôn ngữ”. Nông dân muốn có mùa bội thu thì chắc chắn phải chăm chỉ chứ không thể chỉ có sáng tạo là xong.

Tên sách Ý tưởng này là của chúng mình cũng một phần cho thấy tính chất của công việc quảng cáo sáng tạo. Ý tưởng thì chẳng phải của riêng ai, nó là đứa con tinh thần của Copy và Art. Một ý tưởng quảng cáo tuyệt vời phải là sự kết hợp, song hành giữa phần chữ và phần hình. Đọc sách, ta sẽ bắt gặp những cuộc hội thoại thú vị, đôi khi là dở khóc dở cười giữa Copywriter với Art Director, với khách hàng rồi lại với Creative Director. Mọi người đã phải cùng nhau căng não thế nào trong mỗi cuộc pitching để có được ý tưởng tuyệt vời nhất.

Những điều học được từ Ý tưởng này là của chúng mình

Học làm nghề đôi khi cũng đề làm người. Có một câu nói trong sách Ý tưởng này là của chúng mình khiến tôi rất tâm đắc. “Mình thích điều gì không có nghĩa là điều đó đúng. Thích thì chỉ là thích thôi. Đừng đánh giá quá vội. Đừng khen chế lối sống của một ai hết, mỗi người có câu chuyện của riêng mình, ta không cách nào cảm hết. Đừng vội ban phát lời khuyên, đừng vội can ngăn, đừng vội phán như sành sỏi”

Điều này bắt nguồn từ việc nhiều ý tưởng được chúng ta đánh giá là rất hay, rất sáng tạo, rất tuyệt vời nhưng nếu khách hàng không thích, chúng ta bắt buộc phải viết lại từ đầu. Vì chẳng có thước đo nào cho sự “tuyệt vời” mà chúng ta nghĩ, nó thuộc vào cảm quan và góc nhìn của mỗi người.

Làm quảng cáo sáng tạo, chúng ta cũng phải học cách để dung hòa các quan điểm. Đó chính là triết lý bên lề mà Sói Ăn Chay học được từ ngành quảng cáo. Nghề là để kiếm sống nhưng cũng là người thầy dạy chúng ta những bài học sâu sắc trong cuộc đời.

Lời kết

Sách Ý tưởng này là của chúng mình làm tôi thêm ngưỡng mộ tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn. Khi cuốn sách này ra đời, anh đã có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo sáng tạo. Đó không phải là một quãng thời gian quá dài nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được cái tâm của người làm nghề, luôn nhiệt huyết, luôn sục sôi dù chuyện nghề còn nhiều vất vả.

Không gì bằng niềm vui sáng tạo, vui vầy với ý tưởng mà còn được trả tiền! Đôi khi cũng có chút lăn tăn, vài bi kịch tối tạo khiến ta ngập ngừng chân bước. Không sao, dân sáng tạo chỉ thiếu tình, thiếu tiền, ý tưởng không bao giờ thiếu!