[REVIEW SÁCH] - TỪ THĂM THẲM LÃNG QUÊN
Từ thăm thẳm lãng quên là câu chuyện về những dòng hồi ức tưởng chừng nhẹ nhàng về cuộc gặp gỡ từ ba thập kỷ trước. Những nhân vật...
Từ thăm thẳm lãng quên là câu chuyện về những dòng hồi ức tưởng chừng nhẹ nhàng về cuộc gặp gỡ từ ba thập kỷ trước. Những nhân vật có người dễ dàng quên chuyện cũ, có người vĩnh viễn bị quá khứ ám ảnh.
Trong thiên truyện này, Patrick Modiano dẫn dắt người đọc tới với một Paris không hề tráng lệ, thơ mộng như lời đồn mà là một Paris bí bách, ngột ngạt kìm hãm những con người trẻ tuổi mong muốn được trốn chạy khỏi nơi đây. Xuyên suốt câu chuyện là hai chiều quá khứ - thực tại đan xen nhớ - nhớ, quên - quên cùng nỗi day dứt luôn thường trực. Ở hai chiều không gian đó, có người bỏ chạy để lãng quên cả một phần đời, có người lại mãi ám ảnh, vấn vương luyến tiếc về mảnh tình ngắn ngủi chông chênh!
167 trang sách trôi nhanh hệt như một thước phim, thước phim kéo dài từ quá khứ tới thực tại với những nỗi niềm còn bỏ ngỏ trong lòng bạn đọc.
Gương mặt khác của Paris hoa lệ giai đoạn sau hậu chiến
Câu chuyện khởi đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước, khi nhân vật tôi tình cờ quen Jacqueline và bạn trai cô ấy - Van Bever tại Paris. Dần dần sau những cuộc gặp gỡ, trò chuyện và dạo chơi, anh dường như nảy sinh một tình cảm mơ hồ với Jacqueline, và tình cảm ấy ngày càng trở nên lớn dần theo dòng chảy của năm tháng.
Trái ngược lại hình ảnh hoa lệ thường được thêu dệt, Paris trong câu chuyện kể của Modiano tái hiện trước mắt người đọc dưới ánh sáng bàng bạc, phần là do hậu quả chiến tranh để lại, phần vì những suy tưởng rối ren trong lòng mỗi người.
Những người trẻ tuổi tại thành phố tráng lệ này như Jacqquine, Van Bever hay nhân vật tôi - đều mang trong mình một nỗi chán chường và sầu thảm, họ muốn trốn chạy thực tại để hiện thực hóa những giấc mơ xa vời tại những chân trời mới, như cách Jacqueline ao ước được đặt chân tới vùng đất Mallorca của mình.
Jacqueline mang trong mình nét u uất và tương phản trắng - đen hỗn lộn, cô vừa trầm tư vừa sôi nổi, vừa táo báo nhưng cũng vừa dịu dàng. Có lẽ tất cả những người đàn ông đi qua cuộc đời cô, đều tự hiểu họ chỉ là một trạm dừng chân trên hành trình tiến tới Mallorca của nàng. Cả cuộc đời nàng đã chạy trốn khỏi thực tại, đồng thời mong muốn lãng quên cả quá khứ của mình.
Dẫu vậy, liệu Mallorca có thể đem lại cho nàng niềm thỏa mãn, hay nó cũng đơn giản là một đích đến vô định? Jacqueline điển hình cho những cái tôi ưa trốn chạy cùng bộ mặt hoang mang, luôn tự vấn về sự tồn tại của bản thân để hướng tới một ngày mai tươi sáng hơn, nhưng rồi lại rơi vào vòng lặp của sự bế tắc. Cuối cùng thì nàng vẫn đến được Mallorca, nhưng nàng có toại nguyện hay chăng, vẫn mãi là một dấu hỏi dịu nhẹ lướt qua tâm trí người đọc.
Sự lơ lửng của những mảnh vỡ ký ức
Nửa sau của cuốn sách đặt tại bối cảnh London, sau khi nhân vật tôi và Jacqueline cùng rời bỏ Paris. Còn Van Bever thì sao, chúng ta chẳng thể biết. Nhân vật tôi tự hiểu rằng, nàng ra đi chính là để đoạn tuyệt với một quãng đời nàng. Và cả anh ta nữa, anh ta ra đi cũng là để bỏ lại sau lưng quãng đời xám xít và vô định mà anh đã sống cho tới nay. Trên tất cả, có lẽ anh ta ra đi vì tình yêu với nàng Jacqueline của mình, vì chẳng cần biết đi đâu, chỉ cần có nàng bên đời, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy sẽ sưởi ấm trái tim anh.
Tại London, cuộc sống của hai con người vẫn chưa hẳn bước sang một trang mới. Họ làm quen với những người bạn mới, những cuộc vui chơi mới tại thành phố mới nhưng điều này cũng vô tình đẩy họ ra xa khỏi nhau. Một buổi sáng bình minh khi nắng chiếu dìu dịu, nhân vật tôi tỉnh giấc và mãi mãi chẳng thể nghe tiếng chân người mình yêu trên cầu thang nữa. Anh biết, mình cũng chẳng thể giữ nổi Jacqueline xa khỏi Mallorca mà nàng mong ước. Cuối cùng, anh ta cũng chỉ là một trạm dừng chân trên hành trình Mallorca của nàng. Quãng thời gian 4 tháng chìm dần vào quên lãng…
Họ tình cờ gặp lại nhau 30 năm sau đó, Jacqueline lúc này đã là một phụ nữ sang trọng, quý phái với cái tên mới Thérèse Caisley. Sau bữa tiệc, họ lẻn vào trong ô tô và tâm sự về những ngày xưa cũ. Ngày hôm sau, nhân vật tôi quay lại tìm Jacqueline, thì nàng đã cùng chồng rời Paris để sang Mallorca. Tất cả quá khứ, hiện tại, tương lai dần chìm vào trong quên lãng. Và Jacqueline cuối cùng cũng mãi chỉ hiện diện trong những giấc mơ, những dòng hồi ức nhàn nhạt của anh.
Tình yêu giữa anh và Jacqueline là hiện thân của những điều còn dang dở. Tất cả những câu thoại, gương mặt, tên đường phố bờ ke đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng anh, nhưng đối với Jacqueline, có lẽ cô chỉ coi nó như một quãng đời quên lãng trong hành trình lãng quên quá khứ của mình. Sự bất cân xứng giữa các nhân vật dệt lên sợi dây nối liền quá khứ - thực tại hỗn độn, nhớ nhớ quên quên, mỗi lần chạm tới là cơn đau và nỗi ám ảnh bao trùm.
Mạch truyện gãy gập, đan xen giữa hai chiều thời gian khiến tác phẩm trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết. Người ta mơ hồ vì chẳng thể biết kết cục là gì, từng nhân vật chỉ thoáng lướt qua như những hình bóng phai nhạt dần trong tâm trí người kể chuyện. Đốm sáng duy nhất trong khung cảnh nhạt nhòa ấy là quãng thời gian 4 tháng ngắn ngủi anh quen biết Jacqueline, tại sao lại là quãng thời gian ấy dù đã đằng đằng 15 năm dài trôi qua? Có lẽ vì nó vẫn còn lơ lửng..
Nhân vật tôi chấp nhận ngục tù vĩnh viễn của quá khứ. Sự hiện diện của anh ta chẳng nổi bật, đôi khi còn mờ nhạt tới mức anh chỉ như một người quan sát đứng ngoài và nhìn ngắm mọi chuyện. Nhìn ngắm Jacqueline và Van Bever ở góc quán cà phê cũ, nhìn ngắm cô từ Paris tới London, và nhìn ngắm Jacqueline bước ra xa cuộc đời mình một lần và mãi mãi.
Thước phim quá khứ - thực tại trắng đen mơ hồ
Nhân vật tôi sẽ chẳng nào nhớ bóng dáng một Thérèse Caisley mĩ miều mà tất cả những gì anh ta nhớ sẽ chỉ là một Jacqueline nhỏ bé, một Jacqueline với chiếc áo vest da quá đỗi mỏng so với thời tiết lạnh lẽo ngày đông Paris.
Anh ta cũng chẳng thể biết nổi trong cô có tồn tại một tình yêu nào với anh không, nhưng tình yêu anh cho cô vẫn sẽ luôn thuần khiết và sáng trong một màu đậm nét bật lên trong cuộc đời nhàn nhạt của mình.
“Và nếu hạnh phúc là cơn say thoáng qua mà tôi cảm nhận được vào tối hôm đó, thì tức là lần đầu tiên trong cuộc tồn tại của mình, tôi hạnh phúc.”
Từng dòng hồi ức, từng suy tưởng đan xen giữa hai chiều thực tại - quá khứ mơ hồ tạo nên dư cảm không phai mờ trong lòng mỗi chúng ta. Ở đó, người trẻ tìm thấy được sự đồng cảm trong tình yêu của Jacqueline, trong sự day dứt ngày tháng xưa cũ của nhân vật tôi; và người già thấy được sự hoài niệm và chênh vênh mỗi lần tự soi mình vào tấm gương quá khứ.
Không thiên về hành động, hay tình tiết, Patrick Modiano viết nên cuốn tiểu thuyết bằng một lối trần thuật đơn giản nhưng tinh tế. Theo dòng suy tưởng của người kể chuyện, những tên người, tên đường phố, mùi hương, khung cảnh tựa như những mảnh vỡ lần lượt được chắp nối. Cuốn sách này sẽ không chỉ đem đến cho bạn từng tầng bậc cảm xúc tuần hoàn, mà còn sự thấu hiểu cuộc đời thông qua chiều sâu của từng câu chữ mà Modiano viết lên.
Về tác giả của Patrick Modiano
Bước vào thế giới văn chương với cuốn tiểu thuyết đầu tay Quảng trường ngôi sao, nhà văn Patrick Modiano cùng lúc nhận hai giải thưởng văn học danh giá và được coi như một hiện tượng của văn học đương đại Pháp lúc bấy giờ. Năm 2014, ông trở thành nhà văn thứ 15 của Pháp giành giải Nobel Văn Chương với tác phẩm Từ thăm thẳm lãng quên.
Peter Englund - Bí thư thường trực của Viện Nobel - mệnh danh Patrick Modiano là Marcel Proust trong thời đại của chúng ta. Các tác phẩm của ông chưa bao giờ tới 300 trang nhưng có một sự ảnh hưởng lớn tới nền văn học thế giới. Chúng khẳng định một điều rằng: sức nặng của một cuốn sách không phụ thuộc vào độ dày của trang giấy mà nằm ở chiều sâu của câu chữ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất