Bỏ qua yếu tố tôn giáo, cuốn sách Triết học và học triết của tác giả Bùi Tuần thực sự hữu ích cho những ai bước đầu muốn tìm hiểu và dấn thân vào lĩnh vực triết học. Nếu phải đưa ra lời nhận định về cuốn sách này, tôi sẽ nói cuốn sách này rất “đẹp”.
“Đẹp” bởi vì nó được xuất bản trước khi tôi chào đời. “Đẹp” do bởi chất lượng giấy và font chữ được sử dụng thuộc về kỹ thuật của thời đại trước (tôi vốn luôn trân trọng và dành tình cảm đặc biệt cho những giá trị truyền thống). “ Đẹp” bởi nội dung và tư tưởng chứa đựng trong cuốn sách. Và “đẹp bởi” chính con người tác giả - người mà tôi hết mực mộ mến không phải bởi tài năng, danh tiếng nhưng bởi nhân cách cao đẹp.
Chương 1: Triết học là gì?
Có những người chủ trương bỏ hẳn việc định nghĩa triết học. Tác giả lí giải điều này là do những người đó cho rằng không cần định nghĩa. Mặt khác, cũng có thể là do họ không muốn định nghĩa, mặc dầu thấy cần thiết. Lí do thứ ba là bởi vì họ không dám định nghĩa, mặc dù muốn định nghĩa và thấy việc định nghĩa là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề đặt ra không phải là dám hay không dám nhưng là có cần hay không cần. Nếu cảm thấy thật sự cần thiết thì khó mấy cũng phải cố gắng mà làm. Và quả thật, sự cần thiết của triết học thì không ai có thể phủ nhận được. Socrates được gọi là “thợ săn định nghĩa” bởi vì ông hiểu tầm quan trọng của việc định nghĩa mọi thứ. Công việc hàng đầu ông tập cho học trò của ông chính là việc tìm định nghĩa.
Bên cạnh đó, có những người đưa ra những định nghĩa mơ hồ về triết học. Tác giả phê phán hạng người này rất gay gắt:
“Khi nói hay viết về triết học, họ ưa dùng kiểu rất tăm tối và mơ hồ. Văn đầy những tiếng trừu tượng và kỳ dị, tư tưởng thì hàm hồ, suy diễn thì trục trặc với những trích dẫn loạn xạ, những lập luận  ngụy biện với những nhận xét hàm hồ. Cả đến định nghĩa triết học cũng thế. Nghe xong người ta nhức đầu mà không thể hiểu gì.”
Tác giả lí giải là do những người đó nghèo nàn hoặc về nội dung tư tưởng, hoặc về hình thức trình bày. Cũng có thể họ muốn làm bộ sâu xa để tùy tiện cắt nghĩa một vấn đề theo ý mình muốn. Mặt khác là do khuynh hướng nghệ sĩ, họ cho rằng như vậy để kích thích sự suy nghĩ và sáng tạo của thính giả, độc giả. Tuy nhiên, dù dưới bất kỳ hình thức nào chăng nữa, không ai có thể biện minh được cho những lối định nghĩa mơ hồ.
Cuối cùng, có những người đã đưa ra những định nghĩa rõ rệt về triết học. Chính Descartes cho rằng các tư tưởng phải rõ rệt và tách biệt. Nếu điều đó cần cho mọi tư tưởng thì càng phải cần hơn cho định nghĩa. Dựa theo Georges Bonnet trong “Introduction à tous les cours de Philosophie", tác giả đưa ra một vài định nghĩa về triết học bao gồm:
+ Triết học là một thái độ sống cao thượng
+ Triết học là sự hiểu biết khoa học phổ thông
+ Triết học là phản tỉnh phê bình
+ Triết học là phê bình nhận thức
+ Triết học là phê bình những phán đoán về giá trị
+ Triết học là nhận thức tổng quát ở mức độ cao nhất
+ Triết học là một tổng hợp hệ thống về toàn thể
+ Triết học là môn khoa học nguyên lý
+ Triết học là khoa học về tinh thần con người
+ Triết học là suy tư toàn diện về đời người
+ Triết học là thế giới quan của một giai cấp
Theo đúng tinh thần của người làm triết học, tác giả cho rằng những định nghĩa trên không đối nghịch hay loại trừ nhau nhưng chỉ là những phương diện khác nhau được nhấn mạnh hơn tùy tác giả. Ngoài những định nghĩa trên, còn vô số những định nghĩa khác do vô số những tác giả khác. Do vậy:
“Nếu cần chọn một định nghĩa thì mỗi người phải tự chọn lấy. Không phải chọn cho triết học nhưng là chọn cho chính mình. Bởi lẽ suy tư chỉ có tính cách thực sự triết học khi nó soi sáng và biện minh cho cuộc sống của chính người suy tư.”
Chương 2: Ý hướng triết học
Triết học theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan”. Chính vì thế, người học triết phải có ý hướng đó trong tâm hồn.
“Có yêu mến người ta mới hứng thú đi tìm. Có thiết tha người ta mới dễ vượt qua những trở ngại, khó khăn trên đường dẫn tới khôn ngoan.”
Tác giả phân biệt giữa khôn ngoan thực tiễn và khôn ngoan tri thức. Khôn ngoan thực tiễn chỉ thái độ vượt trên vật chất, trên dư luận, trên đam mê dục vọng. Những người sở đắc khôn ngoan thực tiễn biết sống xa cuộc đời. Nếu đưa mắt sát tờ giấy, chúng ta sẽ không trông thấy gì. Nếu muốn xem cái gì, thì giữa mắt và cái đó phải có một khoảng trống. Sự vật càng to lớn, càng phải để mắt xa mới trông thấy hết. Giả như muốn thưởng ngoạn toàn vộ vẻ hùng vĩ của một ngọn núi, phải nhìn nó từ đằng xa.
Xa đời ở đây không phải là khoảng cách thuộc không gian mà là khoảng cách của tâm hồn, đó là thái độ dè dặt và sáng suốt, thận trọng và bình thản. Tuy vậy, vượt trên cuộc đời và xa đời không có nghĩa là ở ngoài cuộc đời. Người khôn cũng là người biết sống với đời. Họ chấp nhận thân phận và sứ mạng làm người của mình một cách bình thản, thực hiện mọi nghĩa vụ và quyền lợi đối vời đời trong địa vị và hoàn cảnh sống của mình.
Khôn ngoan tri thức cũng gọi là một sự vượt qua.
“Vượt qua các hiện tượng để đi sâu vào bản tính sự vật, vượt qua các sự kiện để tìm đến chính các căn nguyên, vượt qua con người trình diễn để tìm hiểu con người chính tông, vượt qua thực tại hữu hình tìm vào thế giới vô hình, vượt qua chính cả đời sống để khám phá ý nghĩa và cứu cánh cuộc đời. Vượt qua mọi sự giả dối và phức tạp để truy tìm chân lý.”
Sự khôn ngoan này mặc dầu ở trong phạm vi lý thuyết nhưng không kém  sự khôn ngoan thực tiễn. Xét về vài phương diện, thậm chí nó còn vượt trên sự khôn ngoan thực tiễn. Bởi vì lý thuyết soi sáng cho thực hành và thực hành bao giờ cũng nâng cao và hoàn bị cho lý trí.
Biết mình
Biết mình là khởi điểm và là căn bản của sự khôn ngoan. Mỗi người thường có nhiều thứ “mình” khác nhau. Cái “mình” đó có thể:
+ Do dư luận tạo nên
+ Do mình tưởng là của dư luận, chứ thực sự dư luận không đúng thế
+ Do mặc cảm tạo thành
+ Do những ước muốn và ảo ảnh gây nên
+ Do sự dốt nát và tính xấu của mình làm nên
+ Thực sự về tâm lý, luân lý và siêu hình, đúng như thực tại cỉa mình trước ánh sáng chân lý.
Rất ít người biết rõ mình thực sự, hầu hết chỉ biết. Nhiều người thậm chí còn tránh biết mình. Không biết mình là nguồn sinh ra nhiều lầm lỗi. Sự thực không lừa dối, chỉ có sai lầm mới lừa dối. Nếu để cho sự sai lầm lừa dối mình, thì không thể được gọi là khôn. Không phải ngẫu nhiên Socrates lấy khẩu hiệu:
“Ngươi hãy tự biết mình”
Khổng Tử dạy:
“Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”
Còn Victor Hugo nói:
“Chỉ có bậc thông thái mới biết rõ mình là người dốt mà thôi”
Chân thành và can đảm
Trên hành trình dẫn đến sự khôn ngoan, rất cần thái độ chân thành và can đảm. Thái độ chân thành đòi buộc phải loại trừ những thói xấu như mê giải trí, ham bận rộn, thích giả tạo và cả những định kiến. Can đảm để thắng vượt những trở ngại, để tránh xa sự quyến rũ của danh lợi thú. Nếu có can đảm và chân thành, người đi tìm sự khôn ngoan sẽ trở thành người triết với tất cả ý nghĩa cao đẹp. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tìm thấy niềm vui cao thượng trong đời sống triết học của mình.
“Thinh lặng là thành trì bảo vệ suy tư, là bầu trời của thế giới tư tưởng, là sự canh thức chăm chú của tâm hồn khắc khoải, là thái độ khiêm tốn của kẻ tha thiết đi tìm sự thực.”
Chương 3: Suy tư triết học
Suy tư là một cách nhìn, không phải nhìn bằng mắt nhưng bằng tinh thần. Đối tượng nào dù nhỏ bé đến đâu cũng nằm trong những tương quan dọc ngang trập trùng. Khi suy tư  được phát xuất do ý hướng triết học và thực hiện theo phương pháp triết học thì gọi là suy tư triết học. Một trong những phương pháp triết học hữu dụng nhất đó chính là biện chứng pháp.
Quy luật đầu tiên là không nhận một điều gì là thực, nếu tôi không thấy một cách hiển nhiên là thực.
Quy luật thứ hai khi gặp những vấn đề khó khăn thì phải phân chia ra nhiều phần nhỏ hết sức để giải quyết cho dễ dàng hơn.
Quy luật thứ ba là phân chia đối tượng theo thứ tự, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu giữa những đối tượng tự nhiên không có cái gì trước, cái gì sau thì cũng phải giả thiết có thứ tự.
Quy luật thứ tư là luôn kiểm số một cách đầy đủ, duyệt lại một cách tổng quát để tin chắc là không bỏ sót một đối tượng nào.
(Biện chứng pháp của Descartes)
Khởi điểm của suy tư triết học là những điều đơn giản nhất, dễ nhận thấy nhất. Tiếp đến là phân tích, phân tích chiều rộng và chiều sâu của vấn đề. Chiều rộng là những phạm vi nó có thể lan tới. Chiều sâu là những lớp lí lẽ nâng đỡ và lôi kéo nhau từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Khi phân tích chiều rộng, người ta để ý tới những vấn đề khác có thể liên quan. Khi phân tích chiều sâu, người ta sẽ quan tâm đến các khía cạnh của vấn đề.
“Ánh sáng của lí trí như ngọn đèn pha của chiếc xe trên đường tối. Nó không đủ sức chiếu sáng cả con đường dài cùng một lúc. Nhưng tiến tới đâu nó chiếu sáng tới đó. Chiếu từng quãng, nhưng quãng này liên tục với quãng kia.”
Thành thử phân tích mà vẫn liên kết là một thứ phân tích tiến bộ. Sự tiến bộ này được thực hiện bằng cách rút ra trong giải đáp một câu hỏi mới. Bởi vì nếu coi giải đáp là xong thì vấn đề chấm dứt, thế là hết tiến bộ.
“Trong triết học, những câu hỏi lại căn bản hơn những câu trả lời” (Karl Jaspers)
Trực giác
Khi suy tư, càng đẩy sâu phân tích và lý luận thì ý thức càng tiến tới trực giác. Đây là một thứ trực giác của lý trí, một trực giác đầy tính cách phản tỉnh. Càng phân tích và lý luận, càng làm sáng tỏ trực giác. Trực giác càng sáng thì lí luận càng sắc bén. Tuy vậy, muốn suy tư tiến bộ, càng bám chặt vào từng điểm rõ rệt càng tốt. Suy tư mông lung, mơ hồ sẽ không đi đến đâu.
Diễn tả
Muốn cho suy tư tiến bộ phải minh bạch hóa tư tưởng, bằng cách diễn tả thành lời nói hay chữ viết. Ngôn ngữ không chỉ giúp bảo tồn tư tưởng mà còn khơi gợi lên những tư tưởng mới. Phương pháp rất hay của suy tư là cố gắng nói ra và nhất là viết ra những gì mình suy tư.
Hoàn cảnh
Suy tư triết học cần được nâng đỡ bởi những hoàn cảnh thích hợp: tâm hồn tĩnh lặng, ngũ quan tự chế, nơi ở vắng vẻ… và nhất là thời giờ. Để có thời giờ, cần phải biết từ chối mình và với người khác. Điều này cần một sự can đảm lớn.
“Thà can đảm để sống hữu ích còn hơn nhu nhược để sống tầm thường.”
Chương 4: Tài liệu triết học
Tài liệu triết học được hiểu theo 2 nghĩa: Một là những đề tài cần tìm hiểu, hai là những chất liệu để giúp tìm hiểu. Dù hiểu theo nghĩa nào thì tài liệu triết học cũng rất cần thiết.
Tìm đề tài
Có nhiều vấn đề được đặt ra. Có nhiều vấn đề được đặt ra những chưa có ai giải quyết. Có nhiều vấn đề được bàn luận, nhưng chưa ai dám cho là nói sau cùng. Cũng có nhiều vấn đề được đặt ra nhưng cũng có thể đem đặt lại để tìm cách giải quyết cách khác.
“Đặc điểm để đo mức độ ấu trĩ của một người là sự vô tư, ít nhìn thấy vấn đề gì trong cuộc sống cũng như tính cách tầm thường nhỏ hẹp của những vấn đề họ quan tâm.”
Trái lại, người khôn thì bất cứ việc gì cũng trở thành đề tài. Đời người hữu hạn nên phải biết lựa chọn đề tài, đặc biệt là những đề tài thuộc chuyên môn của mình. Kiến thức nào của người khác có lợi cho phạm vi chuyên môn đó là những tài liệu được chú ý đặc biệt. Để tiết kiệm thời giờ, cần đọc những tác giả lớn đã được giới nhìn nhận bởi giới chuyên môn. Bên cạnh đó, cũng phải đọc của những tác giả bất đồng ý kiến với mình. Bởi vì những ý kiến đó đôi khi có những điểm rất đúng, nó sẽ đánh bại những định kiến mà bấy lâu nay ta vẫn đinh ninh tôn thờ.
Quan sát
Đối tượng quan sát có nhiều, nhưng hay hơn cả là quan sát con người và cuộc đời. Quan sát một người để hiểu nhiều người. Sự so sánh đối chiếu những quan sát khác nhau sẽ dần dà đúc kết nên những nhận định tương đối vững chắc về một cá nhân nói riêng, về một lớp người hay con người nói chung. Quan sát con người kéo theo quan sát cuộc đời, tức là những thăng trầm biến đổi của thảm kịch nhân loại.
Quan sát một phạm vi rộng lớn sẽ khó thành công. Phải biết thu hẹp đối tượng và phạm vi quan sát rồi tập trung tâm, trí, lực vào đối tượng, phạm vi đó. Quan sát để tìm hiểu nên vấn đề đúng sai không thể coi thường, tránh việc quan sát vội vàng, hấp tấp. Không thể vội rút ra một kết luận và quả quyết nó là đúng. Nhưng  phải dè dặt cắt nghĩa bằng nhiều giả thuyết khác nhau. Phải chứng nghiệm các giả thuyết nhiều lần cho tới khi không một giả thuyết nào bị phản đối lại thì mới kể được là cắt nghĩa được sự thật từ những hiện tượng đã quan sát.
Tất cả những gì được thu nhập vào trong tâm hồn từ việc đọc sách, quan sát, học hỏi, kinh nghiệm… làm thành tư tưởng của ta.
“Tư tưởng bao gồm những gì đi qua tinh thần.
Tư tưởng là những ý tưởng được nối kết với nhau theo một thứ tự, trước sau như nguyên nhân và hậu quả.
Tư tưởng là ý kiến để công nhận hay chối bỏ.
Tư tưởng là những ý thức phản tỉnh, cứu xét những lý do, những chứng cứ có thể biện minh cho tư tưởng đó và hậu quả luận lý của nó”
(Xếp loại tư tưởng theo John Dewey)
Chương 5: Tự thức
Sống là hoạt động. Hoạt động là vượt qua. Nơi con người, sự vượt qua được thể hiện trong và một khuynh hướng căn bản tìm về tuyệt đối. Mỗi mục tiêu mà con người vượt qua chỉ là cái mốc trên con đường vô tận. Khát vọng tuyệt đối khiến con người vượt qua không ngừng.
“Nhưng có người vượt qua mà không tiến, chỉ qua cái này tới cái kia, chứ không qua cái xấu tới cái tốt, cái ít giá trị đến cái nhiều giá trị.”
Người tự thức cần ý thức về những trở ngại trên đường dẫn tới sự trưởng thành. Những trở ngại trực tiếp là trình độ kém mở mang của lí trí, sự ít được học về đường lối dẫn tới sự thực. Trở ngại gián tiếp là tính tình, khuynh hướng, tình cảm, nếp sống, đời sống vật chất, dư luận…
Dấn thân
Tự thức cũng là tự muốn. Tự muốn có nghĩa là dấn thân, dấn thân vào cuộc đời thực tế và sống động. Cuộc đời đó là đau khổ, yêu thương, ghen ghét, tham lam, chết chóc…, là chiến tranh, hòa bình, hạnh phúc… Bên cạnh đó, cũng không thể đứng ngoài ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo.
1.    Đạo đức
2.    Học thức
3.    Gia đình
4.    Tình yêu
5.    Sức khỏe
6.    Địa vị
7.    Tiền
(Thang bậc giá trị truyền thống xưa, nhưng nay đã bị đảo lộn)
Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người tự thức cũng phải tỉnh táo để nhìn rõ những vấn đề cần phải đặt ra, đoán trước được những gì sẽ xảy tới. Và như thế, biết bao điều đang được chấp nhận như một tập quán, một nền nếp, một cơ cấu cần phải xét lại. Tuy nhiên, người tự thức đặt chính mình thành vấn đề ưu tiên, khởi đầu từ đó để đi tới những vấn đề mật thiết với cuộc sống. Khi đó, họ sẽ nhận được sự tự do quý giá nhất, đó là tự do nhận lãnh trách nhiệm vượt tới những giá trị cao đẹp nhất của bậc trưởng thành cao độ.
Chương 6: Triết đạo
Chương này liên quan nhiều đến lĩnh vực tôn giáo, cụ thể là Ki-tô giáo.
Triết học tìm hiểu toàn diện đời sống con người. Tôn giáo cũng đặt cuộc đời thành vấn đề, để tìm cho nó một hướng đi, một ý nghĩa. Triết học và tôn giáo đều dẫn tới sự thật. Trên phương diện này, cả hai đều là đạo, nếu hiểu đạo là đường. Tuy vậy tôn giáo đặt nền tảng trên thế giá giáo quyền và thần linh nên nặng tính cách giáo điều. Còn triết học lại mang tính chất thuần lý.
Triết học cũng có niềm tin. Niềm tin này tín nhiệm những lời cắt nghĩa nào đó mà chính mình chưa thể chắc chắn nhờ kinh nghiệm hoặc lý lẽ riêng mình. Tất nhiên, niềm tin đó phải có bảo đảm, dẫn đến việc chấp nhận dấn thân sống niềm tin đó trong thực hành. Cả niềm tin triết học và niềm tin tôn giáo dựa trên niềm tin ở uy tín cá nhân của nhân vật mà mình nhận là đáng tin. Dù niềm tin của triết học có nhiều tính chất dè dặt, khôn ngoan và nhiều lí trí nhưng nó cũng có thể dẫn tới niềm tin tôn giáo. Nơi một người, đôi khi cả hai hòa trộn lại thành một, rất khó phân biệt niềm tin của họ là thuần túy triết học hay đã là niềm tin tôn giáo.
Mối tương quan giữa triết học và tôn giáo là vấn đề đã được bàn luận hàng nhiều thế kỷ. Nhiều người phân biệt hai thứ triết là triết đờitriết đạo (được hiểu là triết học Ki-tô giáo). Họ hiểu triết đời là triết học thuần lý và mở rộng, còn triết đạo gắn với giáo điều và chỉ thu hẹp trong phạm vi đó. Vấn đề đặt ra là liệu có một thứ triết học Ki-tô giáo hay không? Tác giả đã phân biệt vấn đề ra nhiều ý nghĩa khác nhau:
+ Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã chuẩn bị cho đạo Công giáo
+ Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã làm nên đạo Công giáo
+ Gọi là triết học Công giáo, một triết học mở sang thế giới siêu nhiên
+ Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã chịu ảnh hưởng của đạo Công giáo
+ Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã do Công giáo làm nên
+ Gọi là triết học Công giáo, một triết học hợp với giáo lý Công giáo với sự hợp tác tiêu cực của đức tin
+ Gọi là triết học Công giáo, một triết học được Giáo hội Công giáo đề cao và cổ vũ
Theo đúng tinh thần của người học triết, tác giả cho rằng từ trước đến nay, danh từ “triết học Công giáo” đã không được hiểu theo cùng một ý nghĩa. Và dù hiểu theo ý nghĩa nào đi nữa thì cũng rất khó để biện minh cho những cách gọi trên. Riêng với cách gọi triết học Công giáo, một triết học hợp với Giáo lý Công giáo với sự tiêu cực của đức tin là có thể chấp nhận được vì vừa tôn trọng bản chất triết học đồng thời cũng dành cho tính từ “Công giáo” một ý nghĩa đúng đắn. Tuy vậy, có nên dùng danh xưng đó (Triết học Công giáo) hay không lại là chuyện khác.
“Triết học ngoài Công giáo cũng có nhiều chân lý, nhưng Công giáo thì có đầy đủ. Lý do là vì Logos vốn soi sáng tâm trí con người của mọi thời, và phân phát chân lý cho mọi dân trong mọi thế hệ.” (Saint Justin)
Nếu có thể chấp nhận sự kiện có một thứ triết học Công giáo thì đã là chuyện trong quá khứ, chuyện của triết sử. Còn ngày nay nếu muốn dùng danh xưng Công giáo để gọi tên một loại Triết học thì phải đưa ra những lý do thuyết phục và những lập luận xác đáng. Tuy vậy, đã có biết bao nhiêu người dấn thân vào vấn đề này và nó chưa bao giờ được xem là dễ dàng.
“Philosophia perenis được hiểu là triết học ngàn đời, một tổng hợp những chân lý nền tảng, những qui luật về tư tưởng và hành động, thường đã được khởi sự, tăng cường và củng cố bởi những đại triết gia của Hi Lạp và La Mã, bởi các Giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh, bởi triết học kinh viện tới triết học tân kinh viện vài triết Ki-tô giáo.”
Chương 7: Vatican II với triết học
Đây là một chương thuần Công giáo, bạn đọc có thể bỏ qua chương này. Nhưng người viết tự đề ra một tôn chỉ cho bản thân: khi giới thiệu một cuốn sách đến bạn đọc, người viết phải giới thiệu nội dung cuốn sách đó chân thực và trọn vẹn nhất có thể, không được bỏ qua bất kỳ chương sách nào, với bất kỳ lý do nào. Bởi lẽ, biết đâu trong số 1000 người đọc, có đến 999 người không quan tâm thì nó vẫn đem lại giá trị cho 1 người duy nhất muốn tìm hiểu. Và dĩ nhiên, điều này thật đáng quý. Bên cạnh đó, những chỉ dẫn dành cho chủng sinh được đề cập trong chương này cũng có thể được áp dụng cho những ai đang xếp những viên gạch đầu tiên, để hình thành nên tòa nhà triết học của riêng mình.
Trong chương này, tác giả bàn tới việc “Tìm hiểu chỉ thị Công đồng Vatican II về triết học trong chương trình huấn luyện linh mục”. Theo đó, triết học phải liên đới chặt chẽ với thần học, bởi vì triết học giúp lý luận và minh định những vấn đề liên quan đến tín lý hay luân lý.
Một chủng sinh phải có một tri thức vững chắc và liên hệ giữa vũ trụ, con người và Thiên Chúa. Tri thức của anh ta phải đặt nền tảng và dựa trên gia tài của triết học ngàn đời, đồng thời cũng phải để ý đến những khảo cứu nói về triết, nhất là những trào lưu ảnh hưởng lớn trong nước cũng như những tiến bộ khoa học thời đại mới. Ngoài ra cũng phải quan tâm đến triết sử và cách dạy triết.
“Triết sử phải dạy thế nào để các chủng sinh sau khi nhận định được những nguyên tắc cuối cùng của từng hệ thống có thể giữ lại những gì xét ra là đúng, và khám phá ra những gốc rễ sai lầm để rồi phi bác.”
Đối tượng triết học
Không gì khác hơn đó chính là con người. Tìm hiểu con người cũng chính là tìm hiểu những gì liên quan đến con người. Vì vậy, với việc tìm hiểu từ “người ở đời” đến “đời của người” rồi hướng tới siêu việt, chủng sinh sẽ thiết lập một nhân sinh quan đủ mọi chiều hướng.
Tính cách khoa học của tri thức triết học
Phải nắm vững chắc một cách khách quan tri thức giữa con người, vũ trụ và Thiên Chúa.
“Vững vì có chứng, chắc vì có lý”
 Bên cạnh đó, phải liên kết những tri thức đó đồng thời đặt chúng trong hệ thống. Điều này dẫn đến tri thức khoa học theo nghĩa rộng, tức là những tư tưởng đã được nghiên cứu khoa học và sắp xếp theo hệ thống.
“Hiểu, trước hết là hệ thống hóa” (Henri Declacroix)
Nguồn tài liệu
Trước tiên là ở mình. Muốn có tri thức thì đầu tiên chính mình phải suy tư, chính mình phải tìm hiểu. Song song đó, tư tưởng của người khác sau khi phê phán thấu đáo và tinh vi cũng là một nguồn trợ giúp quý giá.
“Hiểu cho thấu đáo từng triết thuyết cũng như quan điểm của từng triết gia trong cùng một trường thuyết là việc rất khó mà xét ra cũng chẳng cần. Điều cần là nhận định được trong một triết thuyết, cái gì là nền, là đúng, là sai… Bảo cái gì là sai rất cần phải dẫn chứng. Việc phủ nhận một nguyên tắc, một tư tưởng còn phải chăm chú tra tầm từ nguồn.”
Những điều kiện căn bản của tinh thần triết
Công đồng nhấn mạnh đến những nguyên tắc trong lập luận. Cùng với đó, phải hiếu tri một cách tích cực.
“Bác học chi, thẩm vấn chi”. Học cho rộng, hỏi cho kỹ.
“Học nhi bất tri tắc võng”. Học mà không suy thì cũng như không.
“Tận tín thư bất như vô thư”. Tin sách quá chẳng bằng không có sách.
Bên cạnh đó, cũng phải dùng quan sát để chứng nhận sự thật.
Triết học với đời sống cụ thể
Học để tri tri để hành. Triết học thời nào cũng nhằm đối tượng là con người với tất cả chiều hướng hiện sinh của nó. Đã hẳn triết học chỉ có tư tưởng, không có tiền, có súng. Nhưng sức mạnh tư tưởng của triết học nhiều khi thực là kinh khủng. Ý niệm triết học về con người và về đời sống sẽ nhuộm màu tất cả các tư tưởng về phong hóa, văn học, chính trị, kinh tế… Từ tư tưởng dẫn đến hành động là điều cốt yếu.
“Hãy nhận ra những mối dây liên hệ giữa những vấn đề triết học với những mầu nhiệm cứu rỗi mà thần học sẽ bàn đến trong ánh sáng đức tin.”
Thay lời kết
Cuốn sách nằm trong số những tài liệu giáo sư dạy Triết của người viết yêu cầu phải đọc trong phần “Nhập môn Triết học”. Việc cô đọng 134 trang sáng vào chỉ hơn 10 trang thật không phải là điều dễ dàng. Thời điểm người viết hoàn thành bài viết này, tác giả cuốn sách, Bùi Tuần, một Giám mục Công giáo về hưu, đã gần 100 tuổi và đang bước những bước cuối cùng để hoàn trọn hành trình đời người.
Có những từ ngữ sử dụng trong cuốn sách đã không còn thích hợp trong thời đại hiện nay và một số cách hành văn cũng thế. Tuy vậy, chẳng ai có thể phủ nhận những giá trị vượt thời gian mà cuốn sách đem lại. Trong số đó, có những vấn đề đặt ra trong cuốn sách dù cho nhiều năm sau vẫn sẽ giữ nguyên giá trị. Cảm ơn Đức cha Bùi Tuần. Đức cha – một danh xưng tôn quý nhưng không kém phần gần gũi mà một con chiên dành cho vị mục tử khả kính của mình.
Xin được hân hạnh giới thiệu cuốn sách này đến bạn đọc./.