“Khi bạn đang ở thế bất lợi, khi cơ hội đã cạn kiệt và khi bạn đã tiêu hết tới đồng tiền cuối cùng thì đó chính là thời điểm mà bạn phải thành công.” Đây chính là nội dung chính của cuốn sách “Sức mạnh của sự túng quẫn”, có thể nhiều người sẽ cảm thấy nực cười nhưng nó lại là chìa khóa thành công của các doanh nhân tài năng và Daymond John là một trong số đó. Ông chính là nhà sáng lập thương hiệu thời trang đường phố FUBU nổi tiếng toàn cầu và là một SHARK yêu thích trên chương trình truyền hình thực tế ăn khách Shark Tank của Mỹ.  
Cuốn sách “Sức mạnh của sự túng quẫn” ra đời viết lại hành trình khởi nghiệp của Daymond John, cái cách mà ông biến việc kinh doanh nhỏ lẻ thành một đế chế kinh doanh quốc tế. Từ việc tự may những chiếc mũ tie-top và đem bán chúng trong khu phố Queens với số vốn 40 đôla đến việc trở thành thương hiệu đáng gờm cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn khác như Tommy Hilfiger, Donna Karan New York với giá trị lên tới 6 tỷ USD.
Sức mạnh của sự túng quẫn về bản chất chỉ là một khoảnh khắc lóe lên trong phút chốc. Nó có xu hướng thiên về sự sáng tạo hơn là sự chắc chắn, nghiêng về sự may rủi hơn là an toàn. “Yếu tố tạo nên sự khác biệt chính là số tiền bạn cần, chứ không phải số tiền bạn có.” bởi dù hầu bao của bạn có rủng rỉnh đến đâu thì cũng chẳng bao giờ đủ cho đam mê và nó cũng sẽ cạn sạch chỉ trong một thời gian nhất định. Và bạn phải đối mặt với điều đó. 
Review sách "Sức mạnh của sự túng quẫn"
Khi bạn không còn gì để mất chính là lúc bạn có tất cả bởi đơn giản là không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác. Sự túng quẫn sẽ khiến bạn phải nỗ lực gấp đôi, đầu tư nhiều hơn và chuyển sang guồng làm việc nước rút với toàn bộ khả năng của mình. Khi bạn khởi nghiệp đầy khó khăn với những nguồn ngân sách ít ỏi đòi hỏi bạn phải suy nghĩ sáng tạo hơn, có chiến lược rõ ràng, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình ở đâu, biết sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, biết tôn trọng sự thật, thành thật với chính mình, biến những rắc rối thành giải pháp. Đến lúc này điều kỳ diệu thực sự sẽ xảy ra.
Sự túng quẫn thực sự có một sức mạnh cực kỳ to lớn. Càng mong muốn thành công bao nhiêu thì bạn càng có khả năng thành công bấy nhiêu. Càng đầu từ nhiều – ý tôi muốn đề cập ở đây là sự đầu tư về cảm xúc và con người, không phải đầu tư tài chính – bạn sẽ càng thu được nhiều.” 
Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng muốn thành công bạn phải khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, bằng những khó khăn. Đôi khi, tiền có thể mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi thế. Chúng ta có thể được học ở trường tốt hơn, có các khoản hỗ trợ tài chính luôn sẵn sàng mỗi khi mọi thứ xung quanh không như ý, có thể kêu gọi đầu tư để bắt đầu khởi nghiệp hay gây quỹ nghiên cứu,…. Vô số lợi thế khác nữa khi có tiền. Tuy nhiên có một sự thật rằng Năm 1982, hơn 60% trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes đến từ những gia đình giàu có, sau 30 năm chỉ còn lại 32%, điều đó có nghĩa rằng số lượng người “sinh ra đã ở vạch đích” giảm đi rất nhiều và hầu hết những doanh nhân thành công ngày nay, con đường đi đến thành công đều rất chông gai. 
Review sách "Sức mạnh của sự tũng quẫn"
Do đó, túng quẫn chính là động lực, sức mạnh giúp khả năng thành công của bạn cao hơn. Sức mạnh của sự túng quẫn chỉ hiệu quả nếu bạn nhận ra, nắm bắt và tận dụng nó. Sự túng quẫn về bản chất vẫn chỉ là túng quẫn. Nếu bạn cho phép nó đánh bại và làm tổn thương chính mình thì bạn sẽ chẳng bao giờ thành công, thậm chí là khó có thể tồn tại. Nhưng nếu bạn đối mặt với nó, nắm rõ ngọn ngành vấn đề và biến nó trở thành một phần con người bạn cũng như cách bạn điều hành doanh nghiệp thì lúc ấy, bạn đã có nhiều thứ hơn mình nghĩ.
Năm 2016, “Sức mạnh của sự túng quẫn” của Daymond John ngay lập tức đã tạo nên một cú huých rất lớn đến các bạn trẻ đang mắc kẹt trong sự hỗn độn của “khởi nghiệp”, tiếp thêm động lực, niềm tin và giúp rất nhiều doanh nhân trẻ tìm được hướng đi đúng đắn cho mình. Và chỉ trong một thời gian ngắn, cuốn sách này đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất New York Time.