Cuốn sách “Sức mạnh của câu hỏi” của Nguyễn Anh Dũng, nhà sáng lập Sbooks, dày chưa tới 200 trang và rất dễ đọc. Bạn có thể đọc hết nó chỉ trong vòng một buổi vào ngày nghỉ, hoặc cũng có thể đọc một cách chậm rãi, vừa đọc vừa nghiền ngẫm. Những kiến thức trong cuốn sách này có tính ứng dụng rất cao. Ngay khi đọc xong, bạn có thể dựa trên nội dung cuốn sách và thực hành ngay. Tôi đã áp dụng và thấy nó thực sự hiệu quả.
Trong bài viết này, tôi sẽ sơ lược cho độc giả nội dung cuốn sách theo trình tự từ đầu đến cuối. Tuy vậy, tôi sẽ bỏ qua những nội dung không thực sự cần thiết mà chỉ lưu ý đến những điểm mấu chốt, có thể giúp cho độc giả dễ dàng tiếp cận cuốn sách hoặc những điểm khiến tôi cảm thấy tâm đắc.
Tay gấp trước của bìa sách trích lại một chiêm nghiệm của tác giả khiến tôi khá tâm đắc:
“Khổ đau là kết quả của thiếu Trí tuệ, chúng ta thường than thở rằng mình khổ đau, chứ ít thấy ai than thở rằng mình thiếu Trí Tuệ cả.”
Nó khơi gợi nơi tôi sự thích thú, đồng thời tạo động lực để tôi lần giở đến trang cuối cùng của cuốn sách.
Chương 1: Bản chất của cuộc đời là những câu hỏi
Từ trước đến nay đã có nhiều người đưa ra những định nghĩa khác nhau về cuộc đời. Có lẽ sẽ không quá nếu nói cuộc đời là một chuỗi ngày đặt ra những câu hỏi và trả lời chúng.
“Chúng ta hiểu thế giới thông qua các câu hỏi, hòa nhập với xã hội nhờ những câu hỏi, giải quyết vấn đề bằng những câu hỏi, và khám phá nội tâm thông qua các câu hỏi. Ta lớn lên mỗi ngày, thông tuệ hơn mỗi ngày nhờ việc liên tục đặt cho mình những câu hỏi.”
Hãy hỏi, nếu muốn nhận được câu trả lời. Khi chúng ta đưa ra câu hỏi, sẽ có người giải đáp cho chúng ta hoặc chính chúng ta phải tự mình tìm ra đáp án. Khi liên tục đặt ra các câu hỏi, não bộ sẽ không ngừng hoạt động và kích thích chúng ta bằng mọi cách tìm ra câu trả lời. Đây chính là cách mà Thomas Edison tìm ra vật liệu làm dây tóc bóng đèn sau hơn 10.000 lần thất bại.
Chương 2: Học cách sống qua các câu hỏi
Benjamin Franklin đã để lại cho đời một danh ngôn bất hủ:
“Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn.”
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng bấy nhiêu năm hiện diện trên cõi đời này, bạn đã sống hay chỉ tồn tại. Bạn đã có một ý hướng triết lý sống cho cuộc đời mình và dùng tất cả mọi khả năng, phương tiện (nghĩa tích cực) để theo đuổi ý hướng triết lý sống đó… hay bạn đang sống một cuộc đời không định hướng, không mục đích; chỉ tồn tại một cách vật vờ cho qua ngày đoạn tháng?
Bạn có dám đi ngược với đám đông, dám sống thật với bản thân và tự đi trên con đường riêng của mình, không dĩ hòa vi quý, không lệ thuộc vào người khác?
Mỗi ngày từ khi mở mắt thức dậy, bạn phải liên tục đối diện với những vấn đề to nhỏ lớn bé khác nhau: của bản thân, trong gia đình, ngoài xã hội... Những vấn đề vẫn luôn thường trực bất kể bạn ở đâu, đang làm gì và đòi hỏi bạn phải giải quyết chúng một cách triệt để nếu không muốn để mình sa lầy vào những vấn đề đó. Để giải quyết tận căn vấn đề, không còn cách nào khác ngoài việc phải biết được ngọn nguồn, gốc rễ của vấn đề như người ta vẫn thường nói “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Để biết được ngọn nguồn, gốc rễ của vấn đề, bạn cần đặt ra những câu hỏi đúng và sắc bén để truy nguyên chúng, sau đó đi từ bản chất để tìm ra những phương án thích hợp. “Trăm hay không bằng tay quen,” khi đã quen giải quyết vấn đề, bạn đã sở hữu cho mình một kỹ năng, đó là kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving skills). Khi có được kỹ năng này, bạn sẽ trở nên chủ động, linh hoạt, có thể thích ứng với bất kỳ môi trường, hoàn cảnh sống nào.
Ứng dụng giải quyết vấn đề, hệ thống câu hỏi 5W1H
5W1H là viết tắt của What? Who? Where? When? Why? How? Bộ câu hỏi này khá phổ biến nên tôi nghĩ nhiều người đã biết đến chúng. Khi gặp vấn đề, bộ câu hỏi này giúp bạn thu thập tất cả dữ liệu cần thiết về tình hiện hiện tại, mô tả chính xác bối cảnh và giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về vấn đề. Khi giải quyết được tất cả các câu hỏi trên đồng nghĩa rằng bạn đã nhìn thấu bản chất vấn đề và từ đó sẽ dễ dàng giải quyết chúng.
Tôi đã biết được hệ thống câu hỏi này trước đây và đã áp dụng nó không phải để giải quyết vấn đề mà trong việc soạn bài giảng. Tôi nhắc lại là trong việc soạn bài giảng. Và bạn biết không, nó hiệu quả một cách không ngờ.
Trong kinh doanh, còn một biến thể khác của 5W1H với một câu hỏi bổ sung là “How much?” vì vậy hình thành nên phương pháp 5W2H. “How much?” giúp xác định giá trị các tài nguyên và thiết bị cần thiết như số lượng, ngân sách…
Ứng dụng truy nguyên gốc rễ vấn đề, hệ thống câu hỏi 5Why?
Được phát triển bởi Toyoda Sakichi, một trong những cha đẻ của nền công nghiệp Nhật Bản, hệ thống câu hỏi 5Why? này thực sự hữu ích. Xin trích một ví dụ trong sách:
Vợ chồng bạn thường xuyên đi làm về muộn và không có thời gian ăn tối với con. Con bạn thường xuyên ăn tối cùng người giúp việc hoặc ông bà, Bạn muốn thay đổi điều này vì nhận thức rõ những bữa tối gia đình cùng nhau rất cần thiết cho sự phát triển tâm sinh lý của con
bạn. Vì vậy, bạn đặt thử 5 câu hỏi tại sao để trả lời và tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
Tại sao vợ chồng bạn lại không ăn tối với các con?
- Bởi vì chúng tôi luôn về nhà muộn hơn dự định.
Tại sao bạn lại về nhà muộn hơn dự định?
- Vì chúng tôi có rất nhiều việc phải làm vào cuối ngày làm việc, và vì vậy chúng tôi không thể về đúng giờ.
Tại sao bạn lại có nhiều việc để làm vào cuối ngày làm việc?
- Bởi vì mỗi ngày chúng tôi đều muốn đến sớm để sắp xếp công việc, nhưng chúng tôi lại thường xuyên đến muộn và sau đó tham gia vào một cuộc họp nào đó.
Tạ sao bạn lại luôn đi làm muộn vào buổi sáng?
Bởi vì chúng tôi thường xuyên mất hơn 20 phút so với bình thường để chuẩn bị cho các con của tôi đến trường.
Tại sao bạn lại mất nhiều hơn 20 phút để chuẩn bị cho các con của bạn đến trường?
Bởi vì chúng tôi mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị quần áo cho con chúng tôi vào mỗi buổi sáng.
Kết luận: Sau khi đặt và trả lời 5 câu hỏi. Bạn đã tìm ra được vấn đề và cũng tìm ra hướng giải quyết. Một trong số đó là bạn và con bạn hãy chuẩn bị quần áo từ tối hôm trước.
Bạn thấy sao? Hệ thống câu hỏi 5Why? này thực sự hữu ích đúng không?
Ứng dụng trong kinh doanh, hỏi nhân viên những câu hỏi đúng
Nếu bạn đang giữ những chức vụ nhất định trong doanh nghiệp hoặc công ty thì những dòng dưới đây sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong việc quản lý và điều hành, giúp nhân viên suy nghĩ đúng cách. Chúng được phân thành các nhóm bao gồm:
Câu hỏi thấu hiểu: Bạn có thể nói rõ hơn về vấn đề này không? Ý bạn là gì?...
Câu hỏi khơi gợi sáng kiến: Bạn có thể làm gì? Có cách nào để giải quyết vấn đề này không?...
Câu hỏi thúc đẩy hành động: Bạn dự định làm gì? Bạn ưu tiên làm việc gì trước?...
Câu hỏi thách thức hiện trạng: Bạn thử nghĩ thêm một cách làm khác xem sao? Điều gì đang ngăn cản bạn không thử làm một cách khác? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không làm theo cách này nữa?...
Câu hỏi học tập: Bạn học được điều gì sau sự kiện này? Có bài học nào cần rút kinh nghiệm cho lần sau?...
Sức mạnh của câu hỏi thứ 2
Thông thường ở câu hỏi đầu tiên, bạn chỉ nhận được những câu trả lời tổng quát, có thể là rất chung chung hoặc một danh sách các ý dài lê thê và thậm chí lạc đề. Vì thế câu hỏi thứ 2 giúp bạn “khoanh vùng đối tượng”, giúp người đối diện trở lại trọng tâm vấn đề. Ví dụ:
Câu hỏi đầu tiên: Khách hàng của bạn là ai?
Câu hỏi thứ hai: Điều gì khiến họ trở thành khách hàng của bạn?
Ứng dụng trong giao tiếp: Hệ thống 36 câu hỏi biến người lạ thành quen
Được phát triển bởi giáo sư tâm lý Arthur Aron tại đại học Stony Brook và các cộng sự, 36 câu hỏi này nhằm giúp bạn cải thiện mối quan hệ từ “trước lạ” thành “sau quen” Nội dung những câu hỏi này mang tính chất khám phá bản thân người đối diện với mức độ riêng tư tăng tiến, từ đó khuyến khích hai bên thoải mái để có thể dễ dàng mở lòng với nhau hơn.
Do dung lượng của bài viết có giới hạn, tôi không thể liệt kê 36 câu hỏi ra hết ở đây mà chỉ nêu một số câu hỏi gây ấn tượng: Được chọn để ăn tối với bất kỳ ai trên thế giới, bạn sẽ chọn ai? Bạn có tiên đoán nào đấy về cách mà mình sẽ chết không? Nếu bạn được thay đổi một thứ trong cách mà bạn được nuôi dạy và lớn lên, thì đó là gì? Nếu có một quả cầu thủy tinh có khả năng trả lời cho bạn mọi câu hỏi, bạn sẽ hỏi câu gì hoặc muốn biết điều gì?...
Chương 3: Những câu hỏi nền tảng của cuộc đời
Phần này liên quan nhiều đến bình diện triết học. Karl Jaspers, triết gia hiện sinh nổi tiếng cho rằng ai trong chúng ta cũng đều là một triết gia. Một triết gia thì không ngừng suy tư để tìm ra đáp án cho những vấn đề muôn thuở. Những vấn đề đó được đề cập trong cuốn sách dưới dạng thức những câu hỏi: Con người là gì? Hạnh phúc là gì? Thành công là gì? Tôi sinh ra trong cuộc đời để làm gì? Dù là một triết gia lỗi lạc nhất hay chỉ là một người vô danh, chúng ta đều có thế giới quan, nhân sinh quan của riêng mình và vì thế, chúng ta nhận định và trả lời những câu hỏi trên theo cách của riêng mình, dựa trên kiến thức, văn hóa đã tiếp thu, những bài học và kinh nghiệm đã tích lũy…
Đây là một chương khá sâu sắc và rất thích hợp cho những ai thích suy tư, nghiền ngẫm. Với từng câu hỏi trên, tác giả Nguyễn Anh Dũng đã đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau. Trong đó, tôi rất thích một định nghĩa về hạnh phúc được viết trong sách:
“Hạnh phúc là lựa chọn, không phải kết quả. Sẽ không có gì có thể làm bạn vui cho tới khi bạn lựa chọn trở nên vui vẻ. Không ai có thể làm bạn vui cho tới khi bạn quyết định vui vẻ. Hạnh phúc sẽ không đến với bạn, nó chỉ có thể đến từ bạn.”
Chương 4: Hỏi và hỏi đúng
Đây là chương tôi mong đợi nhất và cũng là lí do chính khiến tôi bỏ tiền mua cuốn sách này, tiếc là nó lại không đáp ứng được kỳ vọng. Tuy nhiên cũng không vì vậy mà bỏ qua chương sách này.
Trong bất kỳ lãnh vực nào của cuộc sống, việc đặt được những câu hỏi đúng có tác động và ảnh hưởng rất lớn. Nếu đặt câu hỏi sai đồng nghĩa với bạn không nhận được thông tin hữu ích hoặc không nhận được câu trả lời cần thiết cho những quyết định quan trọng của bạn. Mặc dù vậy, ranh giới giữa câu hỏi đúng và câu hỏi sai/chưa đúng lại không được xác định rõ ràng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như hoàn cảnh xảy ra sự việc, đối tượng được hỏi…
Đặt được câu hỏi đúng chưa bao giờ là dễ dàng, nó đòi hỏi phải có một tư duy nhạy bén, một nền tảng kiến thức vững chắc và một khả năng phân tích nhất định. Trước khi đến được với câu hỏi cốt lõi, bạn phải trải qua hàng chục câu hỏi trước đó, bao gồm cả những câu hỏi sai. Đặt những câu hỏi mang tính phép thử là phương pháp hữu hiệu để tìm ra những câu hỏi đúng. Bên cạnh đó, phương pháp Tư Duy Ngược cũng cần được áp dụng để tìm ra câu hỏi đúng. Tách mình ra khỏi câu chuyện hay vấn đề, giả lập hoàn cảnh, đặt mình vào vị trí của người khác là những cách tốt nhất để truy nguyên vấn đề.
Chương 5: Hỏi để trở thành người thông thái
Trong triết học, 2 trong số những nguồn mạch suy tư triết lý phải kể đến đó là sự ngạc nhiên và sự hoài nghi.
Khi ngạc nhiên, chúng ta mang một thái độ như con trẻ. Con trẻ luôn cảm thấy bất ngờ và ngạc nhiên với những gì chúng gặp phải và thường xuyên đặt ra những câu hỏi cho người lớn. Chính những câu hỏi này mở toang cánh cửa giúp trẻ kết nối với thế giới. Chúng ta cũng nên mặc lấy tâm tình của trẻ thơ nếu muốn khám phá những điều kỳ diệu vẫn còn lẩn khuất trong thế giới này.
Bên cạnh đó, hoài nghi lại là chân trời dẫn chúng ta đến với chân lý. Nếu Galilei không hoài nghi những điều Giáo hội đã tuyên tín và không ngừng miệt mài nghiên cứu, khám phá, hẳn rằng thuyết Nhật tâm rất lâu sau đó mới được mọi người biết đến và ứng dụng trong lĩnh vực khoa học.
Thuyết vòng tròn vàng (Golden circle)
Đây là thuyết do Simon Sinek chủ trương và thuộc vào trong số những bài diễn thuyết được nhiều doanh nhân ứng dụng nhất hiện nay. Thuyết này được thể hiện bằng hình vẽ 3 hình tròn đồng tâm. Trong đó vòng tròn trong cùng chứa câu hỏi Why? Vòng tròn tiếp theo bao quanh vòng trước và chứa câu hỏi How? Ngoài cùng là vòng tròn chứa câu hỏi What? bao quanh hai vòng tròn còn lại.
Theo lý thuyết phát triển kinh tế cổ điển, chúng ta sản xuất và đáp ứng những gì thị trường cần. 100% doanh nghiệp biết họ cần sản xuất cái gì (What), một số doanh nghiệp biết làm như thế nào (How) nhưng lại rất ít người hỏi tại sao chúng ta làm sản phẩm đó. Chúng ta làm xuôi từ ngoài vào trong vòng tròn (Outside in) tức là đi từ sản phẩm (What) => quy trình (How) => động lực (Why). Tuy vậy, những người thay đổi thế giới lại suy nghĩ từ trong vòng tròn ra ngời (Inside out), tức là động lực (Why) => quy trình (How) => sản phẩm (What). Khi có động lực, chúng ta mới có cảm hứng để sáng tạo ra những sản phẩm làm thay đổi thế giới. Tiếp đó mới đến cách làm sản phẩm đó như thế nào. Cuối cùng mới là sản phẩm đó là gì.
Simon Sinek cho rằng:
“Khi chúng ta tư duy hay giao tiếp từ bên ngoài vòng tròn đi vào, mọi người có thể nhận rất nhiều thông tin, nhưng không thể đi đến quyết định được.”
Theo đó, quy trình chuẩn nên là biết tại sao, biết như thế nào rồi mới đến biết cái gì.
Quy trình SPIN
Là 4 ký tự đầu tiên của Situation (tình hình), Problem (vấn đề), Implication (gợi ý) và Need-payoff (định hướng), quy trình SPIN được khởi xướng bởi Neil Rackham, người sáng lập ra nhóm nghiên cứu Huthwaite Inc.
Với Situation (tình hình), người bán hàng sẽ đặt những câu hỏi thu thập thông tin để nắm được tình hình hiện tại của khách hàng. Tuy vậy, không nên đặt quá nhiều câu hỏi khiến khách hàng buồn chán, dị ứng và thậm chí phản kháng. Những câu hỏi này cũng phải được dùng đúng đối tượng nếu muốn đạt được hiệu quả tốt nhất.
Sau khi tình hình hiện tại của khách hàng được làm rõ, chúng ta sẽ đến với các câu hỏi Problem (vấn đề). Nếu là một thương vụ không lớn lắm thì chỉ cần một cuộc gặp gỡ là đủ, càng nhiều câu hỏi bao nhiêu càng dễ bán được hàng bấy nhiêu. Còn trong một cuộc mua bán giá trị lớn, thì số lượng câu hỏi không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Cần lưu ý tránh những câu hỏi vấn đề vô vị và phải biết lấy thiện cảm của khách hàng ngay từ đầu. Nếu thấy xuất hiện vấn đề, thì phải lập tức chuyển sang câu hỏi gợi ý.
Giai đoạn thứ 3 Implication (gợi ý) là giai đoạn công phu và phức tạp nhất. Người bán hàng giúp khách hàng nhận rõ sự nghiêm trọng của vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, buộc họ cảm thấy sự khủng khiếp của những hậu quả do vấn đề gây ra. Tuy nhiên, nhiều nhân viên bán hàng không thích sử dụng quy trình SPIN vì những câu hỏi gợi ý. Theo họ, chúng có thể đẩy khách hàng đến tình trạng bế tắc hoặc tuyệt vọng, mà những điều này lại đi ngược lại với những tiêu chuẩn đạo đức.
Cuối cùng là những câu hỏi Need-payoff (định hướng). Những nghiên cứu của Neil Rackham và các cộng sự chỉ ra rằng cuộc gặp gỡ giữa nhân viên bán hàng và khách hàng sẽ hiệu quả hơn nếu khi nói chuyện, bằng một loạt các câu hỏi định hướng, nhân viên bán hàng gợi ý cho khách hàng của họ tự nói về những ưu điểm và lợi ích của thương vụ mua bán này.
Dù sao cũng phải ghi nhớ điều này là tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà số lượng câu hỏi dạng này hoặc dạng khác sẽ được áp dụng. Khi khách hàng cảm thấy khó chịu hoặc bị soi mói thì không nên hỏi nhiều những câu hỏi tình hình. Chỉ qua thời gian cộng với những kinh nghiệm được tích lũy, những người bán hàng thâm niên mới có thể sử dụng bộ câu hỏi SPIN này một cách thuần thục.
Vì lẽ đó, sức mạnh của câu hỏi nằm ở người hỏi.
Thay lời kết
Tôi xếp cuốn sách này vào tủ sách phát triển bản thân. Nó thích hợp cho những ai khao khát hoàn thiện bản thân mình. Nó cũng sẽ hữu ích cho những người đang làm trong những ngành nghề tôi đã đề cập đến trong bài viết. Bên cạnh đó, nó cũng là một lựa chọn không tồi cho những ai thích nghiền ngẫm, suy tư… Nói chung, cuốn sách này phù hợp cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau.
Điểm trừ duy nhất cho cuốn sách này đó là không có phần mục lục, phần tôi luôn tìm đến đầu tiên khi mở một cuốn sách.
“Một câu hỏi quan trọng hơn vạn câu trả lời.”
Câu slogan in trên bìa trước có những lý lẽ riêng của nó. Bằng việc đọc và nghiền ngẫm thấu đáo cuốn sách, tôi nghĩ bạn có thể giải quyết mọi vấn đề đang gặp phải bằng cách đặt ra những câu hỏi đúng và trả lời chúng một cách xác đáng.
Chúc bạn có những giây phút tuyệt vời và thú vị khi trải nghiệm cuốn sách này.